Cần chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Những bài học đắt giá về các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên mạng thời gian qua càng đặt ra yêu cầu về siết chặt công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của chính bản thân người nghệ sĩ.

Việc các nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng thời gian qua tham gia quảng cáo trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông là rất phổ biến, vì đây là những người có tác động lớn đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Nếu các quảng cáo tuân thủ đúng chức năng, yêu cầu, thành phần của các sản phẩm thì đây là hình thức quảng cáo, marketing hiệu quả trong kinh doanh, dịch vụ.

Đáng nói là các mặt hàng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là sản phẩm được sản xuất và kinh doanh có điều kiện, phải được đăng ký kiểm duyệt, cấp phép trước khi lưu hành, do ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nên không được quảng cáo tùy tiện.

Bất chấp lợi nhuận để quảng cáo sai sự thật là hành vi đáng lên án

Thế nhưng đáng lo ngại là gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội kể cả phương tiện truyền thông đại chúng, xuất hiện dày đặc các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, không đúng công dụng, công năng, sai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Nhiều nghệ sĩ đang lầm tưởng việc “thổi phồng” công dụng của sản phẩm là bình thường mà không nghĩ đến hậu quả.

Bất chấp chế tài chỉ vì “lợi nhuận” mà quảng cáo sai sự thật, sau khi bị phát hiện thì xin lỗi, né tránh trách nhiệm đổ lỗi cho “vô tình”, “không hiểu biết”. Lúc này việc ăn năn đã muộn màng bởi dù vô tình hay cố ý, những công dụng bị “thổi phồng” cũng đã gây nguy hại cho sức khỏe cho người dùng khi trót tin nhầm lời quảng cáo. Mà bản thân người nghệ sĩ cũng bị công chúng chỉ trích, quay lưng thậm chí là “tẩy chay”.

Nhiều nghệ sĩ sau đó cũng bị ngành chức năng xử lý theo quy định pháp luật nhưng điều này đã giống lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước.

Để tránh hệ lụy xấu từ hoạt động quảng cáo, đầu tiên vẫn là người nổi tiếng cần nhận biết vai trò và sức ảnh hưởng của mình với công chúng để có những hành động, lời nói chuẩn mực, cẩn trọng; không lợi dụng sức hút, niềm tin, tên tuổi bản thân để “đánh bóng” cho các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc chưa được cơ quan chức năng chứng nhận. Nhất là quảng cáo liên quan đến sức khỏe con người cần hết sức thận trọng.

Cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được các chế tài nặng với các cá nhân, nhất là người nổi tiếng có hành vi quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt là các luật về dược, y cụ, dụng cụ, trang thiết bị y tế phải được hoàn thiện hành lang pháp lý. Qua đó các lực lượng có cơ sở để thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, do quảng cáo trên lĩnh vực điện tử, không gian mạng rất rộng nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ ngành như thông tin truyền thông, văn hóa, viễn thông, thanh tra, địa phương để giám sát việc quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm của các tài khoản mạng xã hội, các trang web, ứng dụng. Riêng đối với báo chí chỉ nên quảng cáo các mặt hàng sức khỏe khi đã có các chứng chỉ cấp phép rõ ràng.

Phía người dùng cần hết sức cảnh giác và thận trọng khi tin dùng các sản phẩm qua mạng. Tốt nhất là cần có sự hướng dẫn của y bác sĩ, chỉ mua thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ, tại các cơ sở kinh doanh được cấp phép hoạt động, để có căn cứ tố giác đến các cơ quan chức năng xử lý khi cần thiết, nhằm tránh rơi vào cạm bẫy tiêu dùng khiến “tiền mất tật mang”.