Cấm tiệt rượu bia khi lái xe, các văn bản khác điều chỉnh sao cho đồng bộ

Cần điều chỉnh các quy định xử phạt hành chính hiện nay đối với hành vi điều khiển phương tiện có nồng độ cồn.

Việc bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia có tác động rất tích cực đối với vấn đề đảm bảo ATGT và hình thành thói quen tốt cho người giam gia giao thông

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Mới đây, Quốc hội đã đồng ý bổ sung quy định đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông vào Dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Quy định này nhằm hạn chế những vụ TNGT liên quan đến bia rượu. 

Tuy nhiên, để luật này có thể chính thức đi vào cuộc sống từ ngày 1/1/2020, theo nhiều chuyên gia, các nhà làm luật và chính sách cần chuẩn bị hành lang pháp lý và điều chỉnh một số văn bản hiện hành. 

 

“Theo tôi cứ sử dụng rượu bia thì xử lý như là đối với ô tô hiện nay thì mới hạn chế triệt để tình trạng say rượu gây TNGT”.

“Tôi nghĩ nên phạt thật nặng những người uống rượu bia khi tham gia giao thông bởi vì không những nguy hiểm cho họ mà còn nguy hiểm cả cho những người cùng tham gia giao thông trên con đường đó”.

“Bình thường đã uống rồi thì không nên đi nhỡ va vào người khác. Ngoài rượu bia ra, đối với những nước khác có nồng độ cồn nhưng không ảnh hưởng đến đầu óc thì không nên cấm”.

“Em cũng đồng ý với việc khi đã uống rượu bia thì không nên tham gia giao thông, vì khi có chất kích thích trong người có thể gây nguy hiểm cho mình và người khác nhưng cấm hoàn toàn thì cũng rất khó”.

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 46, người điều khiển xe máy vẫn được phép tham gia giao thông nếu trong máu có đồng độ cồn dưới 50ligam/100 lilit  máu hoặc dưới 0,25 ligam/1 lít khí thở. Những quy định hiện hành này, gây ra những khó khăn nhất định cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm. 

Vì vậy, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hải- Đội trưởng Đội CSGT và trật tự huyện Đông Anh  cho rằng, cần điều chỉnh các quy định xử phạt hành chính hiện nay đối với hành vi điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu:

 

“Thực tế, khó khăn trong việc xử lý, trong quy định là trên 50mg/100ml máu mới được xử lý nên hầu như những trường hợp đấy chúng tôi đều không xử lý được. Theo tôi cứ sử dụng rượu bia là chúng ta xử lý, giống như chế tài đối với ô tô là chúng ta có thể xử lý được rồi thì mới hạn chế được tình trạng say rượu”.

Ông Lê Văn Đạt – Giám đốc Trung tâm Tư vấn- An toàn giao thông, Viện chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, việc bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia có tác động rất tích cực đối với vấn đề đảm bảo ATGT và hình thành thói quen tốt cho người giam gia giao thông. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai có thể có những khó khăn nhất định, đòi hỏi các nhà làm luật, làm chính sách cần có sự điều chỉnh những quy định hiện hành, đặc biệt là điều chỉnh Nghị định 46  về xử lí vi phạm giao thông đường bộ.

Ông Lê Văn Đạt nhấn mạnh: 

 

“Để dự luật đi vào cuộc sống thì chúng ta phải sửa Luật đường bộ và Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ .Mức tăng giảm hay xử lý vi phạm hành chính thế nào thì khi tiến hành chỉnh sửa Nghị định 46 thì chúng ta cần có nghiên cứu cụ thể hơn, đưa ra các mức xử phạt tương ứng với các mức nồng độ cồn trong máu và trong khí thở”.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Phạm Thành Tài- Công ty Luật Phạm Danh nêu ý kiến: 

 

“Để phù hợp với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì Điều 8 Khoản 8 của Luật GT đường bộ và Nghị định 46 cần  phải sửa đổi theo hướng cấm những người  điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu có nồng độ cồn chứ không phân biệt ô tô, xe máy, hay phân biệt vào mức độ nồng độ cồn nhất định trong máu”. 

Một số chuyên gia cho rằng, Luật Phòng chống tác hại rượu bia mở rộng đối tượng không được sử dụng rượu bia khi lái xe sang cả đối tượng người đi xe máy và xe đạp. Tuy nhiên, việc cấm người điều khiển phương tiện không có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cũng gây ra một số bất cập vì trong một số thực phẩm, đồ uống, nước súc ệng cũng có nồng độ cồn nhất định. 

Bởi vậy, song song với việc  rà soát các quy định hiện hành, cũng cần chuẩn bị hành lang pháp lý và các quy định hướng dẫn chi tiết khi thực hiện nếu không rất dễ gây ra những tranh chấp, khó khăn khi xử lý.

TS Trần Hữu Minh- Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nêu ý kiến, hiện nay, các quy định mới đưa ra mức ngưỡng xử lý vi phạm về nồng độ cồn, nhưng trên ngưỡng đó có nhiều mức vi phạm khác nhau, gấp 2, gấp 4 lần thì phải cần phải có mức xử lý khác nhau. 

Bởi vậy, các cơ quan chức năng, cần tiếp tục nghiên cứu đặc biệt có hướng dẫn cụ thể cho Điều 260 Khoản 4 trong Bộ Luật hình sự nhằm khai thông việc xử lý hình sự với những vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng. 

Ngoài việc bổ sung các quy định, Thông tư, hướng dẫn, ông Minh cho rằng cần đặc biệt chú ý đến quá trình thực thi pháp luật và bổ sung các quy định xử phạt: 

 

“Luật giao thông đường bộ đã cấm tiệt đối với ô tô và 50mg/100ml máu cũng là một đạo luật tiên tiến rồi nhưng thực thi còn bất cập nên trong thời gian vừa qua vẫn có những vụ TNGT. Trong thời gian tới thực thi nghị định là vô cùng quan trọng”. 

Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng cần bổ sung thêm một số hình thức xử phạt nhằm tăng mức răn đe như tăng phí bảo hiểm, lao động công ích ,cập nhật hành vi vi phạm vào hồ sơ lái xe để có thể theo dõi quá trình vi phạm trật tự an toàn giao thông để đưa ra những mức xử phạt phù hợp.

Quy phạm nào cho các cuộc gọi xin “trợ giúp” từ người thân?

 

Các chế tài có bị yếu đi bởi các cuộc gọi?

Rõ ràng, để Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có thể thực thi từ đầu năm tới, thì quá trình rà soát, sửa đổi hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan trong lĩnh vực này cần phải được tiến hành khẩn trương, để đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOVGT, thì để Luật có thể đi vào cuộc sống thì việc rà soát tính đồng bộ của các quy phạm liên quan, vẫn là chưa đủ:

 

Cưỡng chế xử lý vi phạm được xác định là một trong ba giải pháp căn bản để góp phần đẩy lùi ùn tắc và tai nạn giao thông, bên cạnh giải pháp về truyền thông và hoàn thiện chính sách.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm  về TTATGT không chỉ nhằm mục đích nhắc nhở, cảnh báo, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật đối với người tham gia giao thông, mà còn trực tiếp góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn được báo trước, nhất là đối với vi phạm đặc biệt nguy hiểm như việc uống rượu bia rồi lái xe.

Nhưng rất tiếc, tác dụng ngăn chặn đó đã bị ảnh hưởng làm cho suy yếu đi, thậm chí vô hiệu hóa, bởi các cuộc gọi.

Các cuộc gọi xin trợ giúp từ người thân của lái xe, với mức độ quan hệ khác nhau, có thể sẽ gây áp lực cho nhân viên chấp pháp, buộc phải giảm nhẹ mức phạt, hoặc thậm chí bỏ qua vi phạm. Nhưng giao thông không phải gameshow truyền hình, ngay sau niềm vui của người vi phạm được trợ giúp, rất có thể sẽ một thảm nạn giao thông, một khi “ma men” vẫn được vô tư cầm lái.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn sự can thiệp bằng điện thoại đến quá trình lực lượng tuần tra xử lý vi phạm giao thông?

Chắc chắn, không thể bằng cách cấm CSGT đem theo điện thoại khi ra đường, như  Hậu Giang, Tây Ninh, hay một số địa phương từng thí điểm. Cũng không thể khống chế phạm vi các cuộc gọi mà CSGT được nghe, và càng không thể cấm người vi phạm gọi điện xin trợ giúp.

Cho đến nay, vẫn chưa có văn bản pháp quy nào đề cập cụ thể và trực tiếp về việc, cấm can thiệp dưới mọi hình thức vào quá trình xử lý vi phạm giao thông khi lực lượng chức năng thực thi công vụ. Cũng chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn cách xử lý người cố tình can thiệp. Bản thân ngành Công an mặc dù đã quán triệt tinh thần tới cán bộ chiến sĩ về việc này, nhưng đó là một lời kêu gọi nhiều hơn là quy định bắt buộc thực thi.

Hồi đầu năm nay (2019), trước tình hình TTATGT diễn biến phức tạp với nhiều vụ TNGT thảm khốc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu “các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chỉ đạo cán bộ, công chức của mình tuyệt đối không can thiệp vào quá trình thực thi công vụ trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng; đồng thời thực hiện công khai danh tính cán bộ, công chức cố tình can thiệp (nếu có)". Tuy nhiên, đến nay, chưa thấy trường hợp nào được công bố danh tính.

Chừng nào tinh thần chỉ đạo trên còn chưa được thể chế hóa bằng quy định, thì những cuộc điện thoại “cầu cứu” vẫn còn. Sẽ vẫn có những vi phạm nghiêm trọng được chỉ đạo phải giảm nhẹ, bỏ qua. Và như vậy, sẽ có thêm nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, dù được báo trước.

Cho nên, bên cạnh sự hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ trước khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành, thì một sự hoàn thiện khác không thể thiếu để luật có thể đi vào cuộc sống: đó là một cơ chế cho phép lực lượng chức năng kiên quyết phớt lờ bất kỳ cuộc gọi nào can thiệp vào quá trình thực thi công vụ.