Các nước tận dụng không gian dưới gầm cầu đường bộ thế nào?

Tại nước ta, từ nhiều năm nay, nhiều cá nhân, tổ chức đã chiếm dụng các gầm cầu để làm nơi trông giữ phương tiện hay bày bán hàng hóa vừa mất mỹ quan đô thị, vừa có nguy cơ làm hỏng kết cấu của cầu. Vậy các nước trên thế giới tận dụng không gian dưới gầm cầu đường bộ như thế nào?

Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc sử dụng những không gian dưới gầm cầu đường bộ vào mục đích gì đều phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Để tận dụng tối đa không gian trống dưới gầm cầu, chính quyền nhiều thành phố đã cải tạo lại thành không gian sinh hoạt, văn hóa công cộng cho người dân, không phục vụ cho mục đích kinh doanh thương mại.

Tất nhiên, những công trình xây dưới gầm cầu đường bộ phải trải qua quá trình khảo sát, nghiên cứu kĩ lưỡng để đảm bảo về mặt pháp lý cũng như an toàn cho kết cấu cầu và cho người sử dụng không gian bên dưới.

Công trình "Darak Oksu,” ở Seoul. Ảnh: Chính quyền thành phố Seoul

Seoul (Hàn Quốc) hiện có khoảng 200 cầu vượt đường cao tốc, với tổng diện tích bên dưới gầm cầu tương đương khoảng 210 sân bóng đá. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% không gian này được sử dụng hiệu quả.

Năm 2017, Chính quyền Thủ đô Seoul khởi động dự án chuyển đổi không gian dưới các cây cầu vượt thành khu vực cảnh quan công cộng cho cộng đồng địa phương.

Ảnh: Chính quyền thành phố Seoul

Có thể kể đến không gian dưới cầu vượt Hannam-daero, ở quận Yongsan được kiến trúc sư Đại học Kyunghee biến thành một khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, vườn cây và uống cà phê. Hay Darak Oksu, mở cửa vào năm 2018 bên dưới cầu vượt Oksu, hiện là không gian cộng đồng dành cho các hoạt động văn hóa.

Động thái hồi sinh các khu vực cầu vượt đang lan sang các thành phố khác, bao gồm Busan và Ulsan.

Không gian dưới cầu vượt Hannam-daero, ở quận Yongsan

Một số khách du lịch cho biết:

"Tôi thực sự thích nó.... Các thành phố hiện đại ngày nay ngày càng có nhiều ô tô, ô nhiễm ngày càng nhiều, thiên nhiên ngày càng ít đi, ngày càng ít màu xanh hơn, vì vậy việc chuyển đổi khoảng đất bỏ không thành một nơi để mọi người tận hưởng không gian xanh, tham gia các hoạt động văn hóa rất tuyệt”.

"Cá nhân tôi khá vui vì cảm giác như thành phố đang trở nên thân thiện với mọi người hơn, cung cấp một địa điểm như thế này để mọi người tận hưởng."

Ngoài Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đã có những sáng kiến tận dụng không gian dưới các gầm cầu để phục vụ cho cộng đồng thay vì sử dụng làm bãi đỗ xe.

Tại Pháp, đường cao tốc A14 nằm ở thành phố Nanterre kết nối thủ đô Paris với vùng ngoại ô. Năm 1995, trung tâm kiểm soát đường cao tốc A14 đã được xây dựng nằm ngay dưới gầm của cây cầu.

Còn tại Trung Quốc, vào năm 2001, tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, công viên chủ đề đầu tiên được xây dựng dưới không gian của một chiếc cầu vượt. Không gian bỏ không dưới gầm cầu vượt đã trở thành một khu vực văn hóa mang đậm bản sắc Thành Đô và công viên giải trí.

Trong khi đó, tại Dubai, Cơ quan Giao thông và Đường bộ nước này (RTA) mới đây một lần nữa đưa ra cảnh báo cấm đỗ xe sai quy định như dưới gầm cầu cạn, nếu không họ sẽ phải đối mặt với những khoản tiền phạt nặng. Người dân cần sử dụng các bãi đậu xe công cộng để đậu xe nhằm đảm bảo giao thông diễn ra thuận lợi.

Dubai cấm để xe dưới gầm cầu vượt. Ảnh: Gulf News

Trước đó, vào giữa năm 2022, chính quyền Dubai cũng triển khai chiến dịch xử lý phương tiện đỗ xe dưới gầm cầu cạn.

Ông Osama Al Safi, một quan chức của Cơ quan Giao thông và Đường bộ Dubai, cho biết: Thường xuyên triển khai các chiến dịch để ngăn chặn các phương tiện đỗ tùy tiện dưới gầm cầu cạn Metro.

Theo ông Osama Al Safi, việc đỗ xe tùy tiện dưới các cầu cạn Metro sẽ làm biến dạng mỹ quan đô thị. Những cây cầu này không chỉ là những cấu trúc bê tông để hỗ trợ các đường tàu điện trên cao, mà chúng còn là một phần không thể thiếu trong kết cấu kiến trúc của Dubai và là một đặc điểm của mạng lưới giao thông công cộng tiên tiến.

Những phương tiện đỗ trái phép dưới cầu cạn sẽ bị phạt tiền và có thể bị kéo đi trong trường hợp gây nguy hiểm cho lưu thông.Được biết, trong chiến dịch truy quét vào năm ngoái, 400 phương tiện vi phạm trong 6 tháng đầu năm.

Cơ quan Giao thông và Đường bộ Dubai đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tình trạng đỗ xe mất trật tự dưới gầm cầu cạn Metro như cắm biển cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời làm cơ sở pháp lý để xử lý các phương tiện vi phạm.

Ông Al Safi cũng kêu gọi những người lái xe hợp tác với Cơ quan Giao thông và Đường bộ, tránh đỗ xe tùy tiện dưới cầu cạn Metro và chỉ sử dụng những nơi đỗ xe được chỉ định.

Liên quan tới đỗ xe dưới gầm cầu cạn tại Việt Nam, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho hay, nhiều nước vẫn cho phép trông giữ xe dưới gầm cầu để giảm áp lực về nơi trông giữ phương tiện.

Ông Bình dẫn chứng, Nhật Bản cũng có một số gầm cầu cạn được bố trí làm nơi trông giữ xe, ưu tiên xe đạp phục vụ người dân đi tàu điện: “Ví dụ như ở Nhật Bản phần lớn người ta sử dụng cầu cạn để đỗ xe đạp, trong một số trường hợp cũng dùng gầm cầu cạn để đỗ xe ô tô. Điều căn bản là Nhật Bản thường tận dụng gầm cầu cạn ở khu vực có lưu lượng giao thông tương đối thấp. Điều đó không có nghĩa là không được dùng để đậu xe ở những nơi có lưu lượng giao thông cao. Trong trường hợp lưu lượng giao thông cao nếu dùng để đỗ xe thì phải thiết kế thật chú ý đảm bảo an toàn giao thông thì chúng ta rất cần phải chú ý mà cái lối ra lối vào”.

Ông Bình lưu ý để tránh xung đột giữa các luồng giao thông ra vào bãi đỗ xe và luồng xe đi thẳng, Nhật Bản tạo ra các đảo giao thông, gờ giảm tốc, hay gương cầu để các xe từ trong gầm cầu cạn đi ra có thể quan sát dễ dàng. Bên cạnh đó, các bãi đỗ xe này đều được trang bị những phương tiện chữa cháy ban đầu để kịp thời xử lý trong trường hợp xảy ra cháy nổ.

Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi và trước mắt hoàn toàn có thể áp dụng đối với tuyến metro Cát Linh - Hà Đông ở những vị trí phù hợp.