Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Boeing “khó đủ đường” khi liên tiếp gặp vấn đề về an toàn

Huy Văn: Thứ năm 11/04/2024, 19:34 (GMT+7)

Sau sự cố với chuyến bay của Alaska Airlines vào đầu tháng 1 vừa qua, tưởng chừng như công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sẽ giúp Boeing thoát khỏi “vận đen”. Nhưng không, liên tiếp các sự cố mới khiến ngày càng có nhiều người thấy bất an về chất lượng máy bay của nhà sản xuất này.

Ngày 12/3 vừa qua, máy bay B787 Dreamliner của hãng hàng không LATAM đang bay thì bất ngờ chúi mũi, giảm độ cao đột ngột khiến nhiều hành khách không cài dây an toàn bị hất văng khỏi ghế, va lên trần và ngã xuống sàn. Phi công sau đó đã kiểm soát được máy bay và hạ cánh khẩn cấp ở Auckland, New Zealand.

Một số hành khách có mặt trên chuyến bay chia sẻ:

“Về cơ bản, chiếc máy bay dường như đột ngột dừng lại, bắt đầu chúi mũi xuống đất. Sau đó thì nó lại hoạt động trở lại và lấy lại độ cao. Cảm xúc của tôi lúc đó rất hỗn loạn, từ hoảng sợ khi thấy chuyến bay có sự cố, nhưng chỉ vài giây sau đó, mọi thứ lại trở về bình thường”.

“Sự cố xảy ra rất đột ngột và chỉ kéo dài trong vài giây. Tự nhiên mọi đồ đạc bị hất tung lên trần máy bay, và chỉ thoáng chốc sau, chúng vương vãi trên mặt đất, còn mọi người thì hoảng sợ, khóc lóc, la hét và có rất nhiều người bị thương.”

Một máy bay B787 Dreamliner của hãng hàng không LATAM. Ảnh: AFP

Một máy bay B787 Dreamliner của hãng hàng không LATAM. Ảnh: AFP

Vụ việc vừa nêu đã khiến ít nhất 50 người bị thương. Dù sau đó Boeing cho biết đây là sự cố kỹ thuật liên quan tới ghế lái của phi công, nhưng một số nguồn tin cho biết, nguyên nhân chính là do một tiếp viên khi vào buồng lái phục vụ thức ăn cho phi công đã vô tình tì vào một nút điều khiển sau ghế lái, khiến ghế phi công bị giật mạnh về phía trước, tác động vào cần lái, khiến máy bay bị mất cân bằng.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 15/3, Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và hãng hàng không United Airlines cho biết một máy bay Boeing 737-800 của hãng chở 139 hành khách đã mất một tấm kim loại ở vỏ máy bay; nhưng phải đến khi hạ cánh tại sân bay Quốc tế Rogue Valley Medford ở bang Oregon, nhân viên kỹ thuật mới phát hiện được.

Theo tờ New York Times, trước đó vài ngày, FAA đã có kết quả báo cáo về đợt kiểm tra gần đây đối với Boeing. Theo đó, Boeing đã thất bại tới 33 trong số 89 bài kiểm tra sản phẩm dành cho Boeing 737 MAX. Trong khi đó, công ty Spirit AeroSystems, đơn vị sản xuất nhiều bộ phận quan trọng của Boeing, cũng chỉ qua 6 trên 13 bài kiểm tra. Theo báo cáo, nhiều vấn đề của 2 công ty này được các thanh tra liệt vào dạng “không tuân theo quy trình, thủ tục hoặc hướng dẫn sản xuất đã được phê duyệt.”

Pras Subramanian, chuyên gia giao thông của Yahoo Finance cho biết: “Có thể nói Boeing đang trong tình trạng khủng hoảng khá nghiêm trọng, khi họ vừa không thể hoàn thành giao đầy đủ các đơn hàng, vừa phải chịu áp lực từ phía Cục hàng không Liên bang. Họ đang có đơn hàng 58 chiếc B737 Max cho hãng hàng không Southwest, nhưng chỉ có thể giao 46 chiếc. Chưa kể việc những chiếc máy bay được giao còn chưa hoàn thành kiểm tra chứng nhận an toàn”.

Phản ứng trước những vụ việc nêu trên, ông Luc Tytgat, giám đốc điều hành của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) cho biết nếu việc kiểm soát chất lượng của Boeing vẫn như hiện tại, nếu cần, cơ quan này sẽ ngừng công nhận các phê duyệt chất lượng an toàn của Mỹ đối với máy bay Boeing. Theo Hiệp ước xuyên Đại Tây dương, cơ quan này và FAA sẽ công nhận các phê duyệt an toàn của 2 bên. Nếu một bên mất niềm tin, họ có thể kêu gọi tham vấn, và nếu thất bại thì sẽ đình chỉ việc công nhận phê duyệt sau 30 ngày kể từ thông báo.

Boeing liên tục gặp sự cố về an toàn trong thời gian gần đây. Ảnh: AP

Boeing liên tục gặp sự cố về an toàn trong thời gian gần đây. Ảnh: AP

Phản hồi, đại diện phía FAA cho biết họ cũng sẽ hành động nếu thấy có lí do chính đáng để buộc Boeing phải ngưng việc sản xuất. Đại diện FAA, ông Michael Whitaker cho biết, trước khi xảy ra những vụ việc vừa qua, ưu tiên của Boeing là tăng tốc sản xuất và đã lơ là trong việc quản lý chất lượng và độ an toàn. FAA sẽ buộc Boeing phải thay đổi điều đó, quay trở lại trọng tâm về chất lượng và an toàn cho các máy bay mà họ sản xuất.

Về phía nhà sản xuất đối thủ Airbus, nhờ những bê bối hiện của Boeing tại mà hãng này nhanh chóng chiếm ưu thế với các khách hàng khi mới đây đã giành chiến thắng trong 2 thoả thuận mua bán lớn với các hãng hàng không.

Theo hãng tin Reuters, Airbus đã đạt được thoả thuận bán 33 chiếc A350 với tổng trị giá gần 14 tỷ USD cho hãng hàng không Korean Air. Bên cạnh đó, Airbus cũng thành công với đơn hàng 21 máy bay A350-900 và 11 máy bay A321 cho Japan Airlines. Hãng hàng không này cũng có đặt hàng với Boeing nhưng số lượng ít hơn, chỉ là 10 chiếc B737 Dreamliner.

Dù vậy, ông Guillaume Faury, giám đốc điều hành Airbus cho biết sự cố của Boeing thực tế ảnh hưởng xấu tới toàn bộ ngành hàng không nói chung, khi mà họ hoạt động trong một ngành công nghiệp lấy tiêu chí an toàn lên hàng đầu.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn