Bỏ taxi truyền thống để chạy Uber, Grab: chiêu mới để lách quy định niên hạn taxi.

VOVGT-Khi hết niên hạn hoạt động, nhiều taxi đã chuyển sang Uber và Grab, gây bất bình cho các doanh nghiệp taxi truyền thống và rối loạn thị trường vận tải

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Điều 17, 18, Nghị định số 86 năm 2014 của Chính phủ quy định, xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Mặc dù Chính phủ, Bộ GTVT đang nghiên cứu, thống nhất áp dụng quy định niên hạn đối với taxi đồng loạt trên cả nước là 8 năm, song với xe hợp đồng, niên hạn sử dụng tối đa đến 20 năm.

Xuất phát từ quy định này, nhiều trường hợp tài xế taxi có cổ phần là những chiếc xe đang hoạt động với công ty, khi hết hạn hợp đồng hoặc phương tiện hết niên hạn sử dụng đã tìm cách lách luật. Cụ thể, không ít tài xế, khi xe hết niên hạn sử dụng với taxi, họ thường không tiếp tục chạy taxi, mà chuyển sang kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng hoặc kinh doanh theo kiểu hợp đồng điện tử như Uber, Grab để kéo dài niên hạn sử dụng của phương tiện.

Nhiều tài xế taxi lo lắng khi xe mình sắp hết niên hạn hoạt động

Tài xế Nguyễn Hoàng Tuấn, tài xế một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội cho biết, với những người lao động, để có một chiếc ôtô là một nỗ lực của riêng họ, có khi còn của cả gia đình. Khi họ bỏ một khoản tiền lớn mua xe để chạy taxi, đa phần họ mua xe của các doanh nghiệp taxi với mức chênh lệch không nhỏ. Nếu tiếp tục chạy taxi, họ buộc phải thanh lý xe cũ và mua xe mới.

Do vậy, không ít trường hợp khi hết niên hạn sử dụng với taxi, họ chuyển sang vận chuyển hành khách theo dạng hợp đồng hoặc hợp đồng điện tử. Tài xế Nguyễn Hoàng Tuấn nói: “Theo như Sở GTVT thì 8 năm nhưng các hãng vận tải thì chỉ 7 năm là hết niên hạn. Các hãng taxi có thương hiệu bao giờ cũng bán đắt hơn giá thị trường 50-60 triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Do vậy, hết hạn, Grab, Uber cho làm thì em mang xe ra em làm.”

 

Thừa nhận thực tế này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, theo quy định tại Nghị định 86 về niên hạn sử dụng giữa các loại phương tiện đã không phù hợp, bởi một lượng không nhỏ phương tiện taxi hết niên hạn sử dụng tại Hà Nội lại được đưa về các tỉnh xin cấp phù hiệu taxi và tiếp tục quay trở lại Hà Nội hoạt động. Mặc dù Bộ GTVT đang nghiên cứu, thống nhất áp dụng niên hạn sử dụng với taxi bởi sau 8 năm trên toàn quốc, có thể ngăn chặn các trường hợp lách luật này, song chưa tính đến những trường hợp xe hết niên hạn sử dụng đối với taxi khi họ sử dụng làm phương tiện chở khách theo dạng hợp đồng, hợp đồng điện tử như Uber, Grab.

Niên hạn hoạt động đối với xe taxi hiện nay là 8 năm

Ông Bình cho biết thêm: “Chính những xe đấy khi hết hạn lại có thể chạy những dịch vụ như taxi gọi là Grab và Uber. Vậy là lại đưa một dòng xe vừa bảo hết hạn chạy sang một dòng xe còn hạn và lại chạy tiếp.”

 

Về điều này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện nay dự thảo Đề án quản lý taxi trên địa bàn Hà Nội vẫn đang quy định niên hạn sử dụng đối với taxi là 8 năm. Theo ông Long, quy định này của Sở GTVT là hoàn toàn phù hợp với nghị định của Chính phủ về niên hạn sử dụng với taxi.

Ông Long chia sẻ: “Đối với niên hạn trong dự thảo quy chế thì chúng tôi đưa theo đúng nghị định của Chính phủ là đối với Hà Nội đang thực hiện niên hạn sử dụng với taxi là 8 năm và chúng tôi dự thảo trên cơ sở quy định của Chính phủ.”

 

Từ những bất cập này, lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, để quản lý chất lượng phương tiện hiệu quả hơn, cơ quan quản lý có thể xem xét quy định niên hạn phương tiện theo thời gian và theo cả quãng đường vận hành và khai thác. Đặc biệt, việc quy định niên hạn sử dụng nên có 2 tiêu chí: tiêu chí về thời gian và về số km vận hành, bởi bất cứ loại hình nào vận tải có hình thức tương đồng thì nên theo hai tiêu chí đó để tránh tình trạng “lách luật”, khi hết niên hạn sử dụng với taxi lại đưa phương tiện sang hoạt động ở loại hình tương tự khác, gây khó khăn cho công tác quản lý và gây mất bình đẳng giữa các loại hình vận tải.