Bảo mật thông tin người bệnh...

Thời gian đầu của đại dịch COVID-19, thông tin chi tiết về các ca bệnh, tiền sử bệnh lý và lịch trình di chuyển, tiếp xúc bị công khai, khiến họ bị tổn thương về tâm lý, thậm chí nhận cả bình luận suy diễn, công kích từ “cư dân mạng”.

Do vậy, quyền riêng tư của bệnh nhân cần sớm được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, với trách nhiệm của nhiều ban ngành, cơ quan.

Mắc bệnh là điều không may với tất cả mọi người, và không ai mong muốn bệnh tình của mình bị tiết lộ rộng rãi, hay xuất hiện trước đám đông trong hình ảnh đáng thương hại.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người bệnh và gia đình cùng tiến trình điều trị khi bị tiết lộ thông tin cá nhân là điều mà các y bác sĩ thấu hiểu hơn ai hết.

Cách đây gần 2.500 năm, “Lời thề Hippocrates” đã ra đời và đến nay vẫn được nhiều quốc gia áp dụng trong quá trình đào tạo, để các y bác sĩ giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Trong lời thề ấy đã đề cập nội dung: tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân, không được tiết lộ các vấn đề của họ.

Chính vì vậy, các trường hợp để lộ thông tin người bệnh là rất đáng tiếc, và các bệnh viện, cơ sở y tế cần nhìn nhận một cách nghiêm túc. Trong đó, cần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sĩ để tránh sai sót, tránh dùng những thông tin, hình ảnh quá chi tiết để mô tả, cảnh báo bệnh lý mà không thực sự cần thiết.

Các y bác sĩ - nguồn chính cung cấp thông tin, phải luôn ý thức về đạo đức nghề nghiệp. Không phải bệnh nhân đồng ý là được thoải mái đăng tải thông tin của họ, mà ngược lại, thầy thuốc phải cân nhắc, có trách nhiệm trong việc chuyển những thông tin nào đến cơ quan truyền thông, đồng thời tư vấn cho bệnh nhân nếu họ chưa có hiểu biết đầy đủ về quyền riêng tư cá nhân và những tác động xấu có thể xảy ra.

Về phía các đơn vị truyền thông, trách nhiệm còn lớn hơn do đây là nơi đưa thông tin lan truyền rộng rãi. Thay vì việc “bê nguyên xi” thông tin được cung cấp, các phóng viên, người đăng tin có thể sửa sai, hoặc chí ít không khiến cái sai trở nên nghiêm trọng hơn bằng cách biên tập lại thông tin cho phù hợp.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người bệnh và gia đình cùng tiến trình điều trị khi bị tiết lộ thông tin cá nhân là điều mà các y bác sĩ thấu hiểu hơn ai hết

Để vi phạm diễn ra khá phổ biến, đầu tiên phải kể đến là kỹ năng nghiệp vụ kém của một bộ phận phóng viên, đặc biệt là sự thiếu hiểu biết của không ít người dùng mạng xã hội. Trên thực tế, có rất nhiều hội nhóm, cá nhân đăng tải thông tin, hình ảnh “trần trụi” về sự việc và nhân vật, thậm chí cả những thông tin chưa được kiểm chứng.

Còn với các phóng viên, biên tập viên, nhiều trường hợp giấu tên nhân vật cẩu thả hoặc thiếu tinh tế. Không khó để chúng ta bắt gặp những bài báo sử dụng tên viết tắt cho nhân vật ở đoạn trên, nhưng đoạn dưới lại… “quên”, đề tên đầy đủ. Hoặc kiểu viết tắt quá chi tiết và dễ đoán, ví dụ như N.V.A kèm theo địa chỉ cụ thể, thì chẳng có ích gì trong việc ẩn danh nhân vật.

Thứ hai là đạo đức của người làm truyền thông và người dùng mạng xã hội. Đăng tải hình ảnh, video, bài viết giật gân, “câu view” để thỏa mãn sự hiếu kỳ, thu hút người xem là tình trạng diễn ra khá phổ biến.

Ở đây, vai trò tiên quyết thuộc về những người lãnh đạo cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý môi trường mạng, để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe.

Việc xử lý “đến nơi, đến chốn” còn là cơ sở quan trọng để nạn nhân có thể tin tưởng tố giác, lên tiếng trước những vi phạm tương tự.

Và cuối cùng là hoàn thiện khung pháp lý, các thiết chế thực thi và đẩy mạnh giáo dục, phổ biến pháp luật cho mọi người dân. Hiểu biết thấu đáo về quyền lợi và trách nhiệm mỗi người trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, không chỉ riêng lĩnh vực y tế, sẽ giúp họ biết cách tự bảo vệ bản thân và tôn trọng những người xung quanh.

Cùng với đó, những quy định đầy đủ, chặt chẽ, những chế tài xử phạt nghiêm nh, yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại,… là cơ sở để người bệnh sẵn sàng đứng lên đòi lại quyền riêng tư cho mình./.