Bạo lực gia đình sau 10 năm có luật riêng

Xã hội, trong một chừng mực nào đó, đang dung túng những suy nghĩ này của đàn ông. Muốn kiểm soát bạo lực từ gốc rễ, trước hết, cần thay đổi tâm lý những người xung quanh, môi trường sống của người gây bạo lực.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Dự thảo Báo cáo kết quả sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho thấy, quá trình thực hiện Luật, việc xử lý các vụ việc bạo lực gia đình chỉ tập trung vào hòa giải và phạt hành chính, không có tính răn đe, nên vi phạm tiếp tục tái diễn. Sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc thực thi Luật còn chưa hiệu quả.

Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nhà tạm lánh, các hỗ trợ về chăm sóc, tư vấn tâm lý, y tế chưa phát huy vai trò. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, hàng loạt các vụ bạo hành trong gia đình đã diễn ra. Thay vì tìm cách giải quyết thì nhiều đối tượng đã có cách hành xử tiêu cực, thậm chí là sát hại người thân.

Khi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình thì tâm lý của nhiều người dân vẫn tỏ ra e ngại, muốn giấu giếm, chịu đựng.

Nghiên cứu quốc gia gần nhất về bạo lực gia đình đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê phối hợp Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho thấy: 58% phụ nữ đã lập gia đình hay từng lập gia đình bị ít nhất một trong ba loại hình bạo lực, bao gồm bạo lực thể xác, bạo lực tình dục hoặc bạo lực tinh thần vào một thời điểm nào đó trong đời.

Tình trạng bạo lực người cao tuổi trong những năm trở lại đây có xu hướng gia tăng, hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là: Hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục… Còn bạo lực với trẻ em, nguyên nhân chính thường xuất phát từ mâu thuẫn cha, mẹ và con cái, trẻ không nghe lời, nghịch ngợm, không làm theo các quy định mà người lớn đặt ra.

Để ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình thì tại địa phương, nhiều ban, ngành, đoàn thể đã được lập ra. Tuy vậy, đến nay, sự phối hợp giữa những các cấp, ban ngành chỉ đáp ứng được một phần. Có nhiều vụ bạo lực ra đình đã và đang diễn ra.

Chia sẻ về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, anh Nguyễn Xuân Huy, cán bộ trực tổng đài Ngôi nhà Ánh Dương- một trong 18 cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được Vụ Bình đẳng giới- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thí điểm triển khai tại tỉnh Quảng Ninh bộc bạch.

 

“Khó khăn một là vấn đề tiếp cận những người gây bạo lực. Chúng tôi cần phải tìm hiểu rất kỹ trước khi tiếp cận một cách khách quan và tự nhiên. Thứ hai là những trở ngại khi làm việc với cơ quan có liên quan. Vấn đề bạo lực gia đình đòi hỏi cần phải bảo mật thông tin. Người Việt Nam chúng ta vẫn còn mang tính giấu giếm nhiều khi không muốn nói cho người khác biết. Vấn đề bạo lực gia đình xảy ra quá nghiêm trọng thì nạn nhân mới lên tiếng thì khi đó việc can thiệp hỗ trợ của chúng tôi nó khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn".

Tương tự, chị Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội tâm sự, công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở được nhiều sự quan tâm của chính quyền, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn. Khi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình thì tâm lý của nhiều người dân vẫn tỏ ra e ngại, muốn giấu giếm, chịu đựng. Ngoài ra, trên địa bàn phường hiện nay vẫn chưa có một nơi độc lập để hỗ trợ nạn nhân tạm lánh (Nơi hỗ trợ nạn nhân tạm lánh chính là nhà của thành viên Hội LHPN)

 

"Hội phụ nữ cũng thành lập ra 2 địa chỉ tin cậy, để khi hội viên của mình hoặc ai bị đánh đập thì có thể chạy đến trú ẩn. Địa chỉ tin cậy thì làm gì có nhà riêng đâu, chỉ là điểm để người ta nương nhờ, tránh trong lúc gặp khó khăn".

Bà Đỗ Thị Lệ, Trưởng phòng Truyền thông đào tạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, bạo lực giới vẫn xảy ra hàng ngày ở các quốc gia trong đó có Việt Nam. Đây vẫn được xem là một trong những vấn đề vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn ền núi mà còn xuất hiện ở cả khu vực thành thị:

 

"Hiện nay thì nhiều người dân, cộng đồng dân cư vẫn chưa hiểu rõ về phòng, chống bạo lực gia đình. Trong quá trình chúng ta thực hiện các biện pháp đó, các cơ quan, ban, ngành chức năng vẫn chưa thực sự vào cuộc một cách đồng bộ và có sự phối hợp liên ngành. Ví dụ như là một nạn nhân khi họ bị bạo lực. Họ tìm đến cơ quan công an để xử lý, về phía công an thì chỉ xử lý ở góc độ về chức năng, nhiệm vụ của công an thôi chứ chưa có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực như là công tác xã hội, như Hội phụ nữ hay như là bên y tế tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong cái việc mà giải quyết các hành vi, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái”.

Cần có những thay đổi về các hình phạt trong Luật để phù hợp với thực tiễn hơn

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, Giảng viên, chuyên viên tham vấn tâm lý, Học viện hành chính quốc gia chia sẻ, bà từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện người thật việc thật về hành vi bạo lực trong gia đình, chủ yếu là hành vi bạo lực của người chồng lên người vợ hoặc cha mẹ lên con cái.

 

“Tôi cho rằng cần tuyên truyền mạnh hơn về Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Vì đó là quyền lợi của mỗi người dân cũng như là trách nhiệm xã hội của mỗi người dân. Mọi người không nhận ra, nghĩ bạo lực gia đình là chuyện của riêng mỗi cá nhân và có người sẽ vẫn còn thờ ơ với hiện trạng này, có những cơ quan, ban, ngành vẫn còn thờ ơ thì chắc chắn là luật cũng chỉ là trên giấy thôi”.

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, cần có những thay đổi về các hình phạt trong Luật để phù hợp với thực tiễn hơn.

 

 

“Ví dụ như là có những gia đình đã phản ánh với tôi là khi đưa ra các cơ quan chức năng thì chồng họ hay là người thân của họ sẽ phải chịu hình phạt. Điều đó thì ảnh hưởng ngay lập tức đến kinh tế gia đình họ và điều kiện sống của gia đình họ. Vì thế mà họ cũng rất ngại để đưa tình huống của gia đình họ ra trước pháp luật. Cơ quan chức năng cần có những hình thức quy định hình phạt xứng đáng với hành vi phạm tội nhưng cũng là phù hợp với quyền lợi chung của phụ nữ, trẻ em, của gia đình”.

Trong khi đó, bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, một nguyên tắc cơ bản là phải lấy nạn nhân làm trung tâm. Cụ thể như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ dựa theo chính nhu cầu của nạn nhân, phải bảo mật thông tin và không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo các dịch vụ đó được cung cấp tại cùng 1 địa điểm.

 

“Thay vì nạn nhân tìm đến mình để kêu gọi sự trợ giúp, thì chúng ta đã chủ động đưa ra các dịch vụ và đưa tất cả các dịch vụ đó vào một chỗ. Bởi vì nạn nhân người ta có rất nhiều nhu cầu khác nhau ,có nhu cầu hỗ trợ về mặt y tế, về mặt an toàn cho bản thân, tư vấn về mặt tâm lý rồi yêu cầu các dịch vụ xã hội nếu họ cần. Những việc đó phải có sự điều phối với nhau, chứ không để nạn nhân phải đi tìm đến mình”.

Theo bà Hà Thị Quỳnh Anh, công tác truyền thông về các dịch vụ dành cho nạn nhân của nạn bạo lực gia đình tại nhiều quốc gia thường xuyên được đổi mới và đem lại hiệu quả rất tốt, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Đây cũng là điều mà Việt Nam cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có thể áp dụng, qua đó cải thiện hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình hiện nay.

Một xã hội nam tính

 
Cần hơn nữa sự thay đổi của một xã hội mang nhiều yếu tố nam tính.

Cảm xúc là một khái niệm phức tạp, được hiểu như một trải nghiệm tích cực hoặc tiêu cực liên quan đến một hoạt động sinh lý cụ thể. Cơn nóng giận là một dạng cảm xúc tồn tại trong thời gian ngắn, giống như một nồi áp suất, không sớm thì muộn, con người phải giải phóng cơn giận.

Người gây bạo lực là những người có khả năng quản lý cảm xúc yếu kém, họ giải phóng cảm xúc theo phương thức tệ hại nhất. Theo lý giải của tâm lý học, nó phô bày sự bế tắc, bất lực trong giải quyết các vấn đề.

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên đã chỉ ra nhiều sai lầm mặc định khi tiếp cận với người gây bạo lực.

Đơn cử, coi việc không ly hôn của các cặp vợ chồng có yếu tố bạo lực là thành công của công tác hòa giải và can thiệp; đồng nhất bạo lực liên quan tới ma túy, rượu bia; hay thái độ dĩ hòa vi quý, xoa dịu vấn đề, thiếu kiên quyết khi lên án hành vi vi phạm Luật.

Những sai lầm này có thể gián tiếp gây những hành vi bạo lực tiếp theo. Quản lý cảm xúc của đối tượng gây bạo lực, vì thế, cũng cần được đặc biệt coi trọng, bên cạnh việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nạn nhân của bạo lực.

Chuyên viên, nhà hòa giải cần tỏ thái độ cương quyết nhưng tôn trọng, tìm hiểu căn nguyên mâu thuẫn mà không phán xét, xúc phạm đối với người gây bạo lực. Họ cũng cần hiểu rõ khái niệm nam tính trong nhận thức và hành vi của nam giới.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội tới gần 2.500 học sinh cho thấy, có những học sinh trải nghiệm bạo lực và bị ảnh hưởng từ thời thơ ấu; đa số cho rằng, đàn ông nên là người quyết định cuối cùng trong các mối quan hệ, đàn ông phải cứng rắn, không nên bộc lộ sự mềm yếu; có thể chấp nhận được khi đàn ông sử dụng bạo lực nếu bị xúc phạm hoặc sỉ nhục.

Cuốn sách “Từ bạo lực tới chung sống hòa bình” đã chỉ ra một luận điểm: Bạo lực của người đàn ông không phải tự nhiên, không nằm trong gene của họ, mà là một hành vi được học hỏi và dạy dỗ. Họ lớn lên và trưởng thành trong áp lực trở thành trụ cột gia đình, dưới ảnh hưởng của phim ảnh và các tâm trạng xã hội.

Do đó, xã hội, trong một chừng mực nào đó, đang dung túng những suy nghĩ này của đàn ông. Muốn kiểm soát bạo lực từ gốc rễ, trước hết, cần thay đổi tâm lý những người xung quanh, môi trường sống của người gây bạo lực.

Cần hơn nữa sự thay đổi của một xã hội mang nhiều yếu tố nam tính.