Bạo lực gia đình: Phá bỏ định kiến với cơ chế bảo vệ nạn nhân từ cơ sở

Để chấm dứt bạo lực gia đình, rất cần sự hỗ trợ, cảm thông từ chính những người xung quanh, và một cơ chế can thiệp kịp thời, nhanh chóng từ cơ quan chức năng, có như vậy, người bị bạo hành mới có thể dũng cảm đứng lên bảo vệ chính mình.

Ảnh nh họa

Tôi có một người bạn, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, cô ấy vào làm việc cho một công ty của Nhật với mức lương hơn 20 triệu đồng.

Với mức lương này, nhiều người phụ nữ sẽ có cuộc sống khá thoải mái, thế nhưng, cô luôn sống với tâm trạng mệt mỏi, bất an bởi những ám ảnh về những trận đòn roi của chồng.

Thất nghiệp, thua lỗ, tự ti, tất cả đã khiến chồng cô trở thành một người mất đi lý trí trong những lần cãi vã. Thay vì lên tiếng, cô nhẫn nhịn, cam chịu vì sĩ diện và vì con.

Có thể thấy, không chỉ những người yếu thế, phụ thuộc kinh tế vào chồng mà ngay cả những phụ nữ có vai trò, địa vị trong xã hội, làm chủ về kinh tế và nhận thức được việc bị bạo hành nhưng vẫn chấp nhận sống chung với bạo lực gia đình.

Điều gì khiến họ im lặng? Chính là những định kiến của xã hội và ngay cả bản thân họ về những tư tưởng xưa cũ “xấu chàng, hổ thiếp”, “đóng cửa bảo nhau”. Khi chứng kiến người khác bị bạo hành, nhiều người thờ ơ khi coi đó là “việc nhà người ta”, sợ phiền hà nếu can thiệp. Đáng nói không ít người còn có suy nghĩ “chắc phải có lý do gì thì mới đánh” khiến nạn nhân càng thêm bế tắc và không dám lên tiếng.

Theo luật mẫu của Liên Hợp quốc, khi cảnh sát được thông báo về một vụ bạo lực gia đình đang xảy ra hoặc sắp xảy ra, nhân viên cảnh sát sẽ phải ngay lập tức phải có mặt tại nơi được thông báo, lấy lời khai từ các bên và nhân chứng.

Cảnh sát cũng bố trí phòng riêng để quá trình lấy lời khai được công tâm và nạn nhân cũng như nhân chứng được bảo vệ, không bị áp lực hay đe dọa trả thù từ thủ phạm. Người gây bạo lực cũng bị yêu cầu rời khỏi nhà ngay lập tức và nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị bắt giữ.

Trong khi đó, tại nước ta, trong các vụ bạo lực gia đình, trước tiên sẽ tiến hành xử lý nội bộ, dàn xếp bằng tình cảm, nếu không thành công mới nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Việc hòa giải trên thực tế không thể giải quyết tận gốc của mâu thuẫn, đa phần kết quả là người phụ nữ lại tiếp tục phải nhẫn nhục, chịu đựng.

Chúng ta hiện cũng đã có đường dây nóng cho trẻ em và phụ nữ nhưng quy trình còn rườm rà, từ khâu tiếp nhận, phân loại, đến xác nh, sau đó mới thông báo cho cơ quan chức năng tiếp tục xác nh, xử lý. Trong khoảng thời gian chờ đợi, nạn nhân tiếp tục sống trong lo âu, sợ hãi, thậm chí còn bất an hơn bởi nỗi lo bị trả thù, không được bảo vệ khi đã trình báo.

Không ít nạn nhân đã tìm cách đưa tin tín hiệu cầu cứu lên “mạng xã hội” nhằm tạo áp lực để cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình xử lý vụ việc.

Vậy điều các nạn nhân thực sự cần là gì? Đó là một hành lang pháp lý đủ chặt chẽ, chi tiết, nghiêm khắc giúp cho lực lượng thực thi dễ dàng áp dụng và mang tính răn đe. Hơn hết họ cần một hệ thống can thiệp, bảo vệ kịp thời, từ cấp tổ dân phố, cấp xã, lực lượng phản ứng nhanh có mặt ngay khi sự việc xảy ra.

Để ngăn chặn bạo lực gia đình, mọi người phải nhận thức được bạo lực không phải giải pháp để giải quyết mâu thuẫn và cần phải ngăn chặn bất kể bắt nguồn từ nguyên nhân gì. Bạo hành gia đình không phải là chuyện của riêng mỗi gia đình mà đó là hành vi vi phạm pháp luật, vấn đề của toàn xã hội và cần bị lên án.

Chúng ta cần có những hình thức tuyên truyền mang tính dài hơi, khéo léo nhằm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới, quyền con người, những quy định pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình… Hơn hết, cần xây dựng công cụ hiệu quả mạnh mẽ, như hệ thống can thiệp, chống bạo hành, bảo vệ nạn nhân, cách ly nguồn bạo lực.

Nếu một hệ thống pháp luật, chính quyền không “im lặng”, nếu như chỉ cần lên tiếng, nạn nhân sẽ được cộng đồng sẵn sàng dang rộng vòng tay bảo vệ, thì có lẽ không chỉ cô bạn của tôi mà còn rất nhiều nạn nhân bạo lực gia đình khác cũng sẽ không “im lặng” mà dũng cảm nói lên câu chuyện của mình.