Báo động ô nhiễm không khí từ các công trình xây dựng

VOVGT-Hiện nay, tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiễm khói bụi tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở những tuyến đường có các công trình trọng điểm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Thời gian gần đây, chất lượng không khí tại Tp.Hà Nội, đặc biệt ở những khu vực có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, có các công trình thi công, đang ở mức trung bình đến kém. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Ảnh: Hà Nội mới

Theo chỉ số được công bố bởi Cổng thông tin quan trắc môi trường, UBND TP Hà Nội, chất lượng không khí trong 5 ngày qua (từ 15-19/11) đo được ở 10 trạm quan trắc của Thủ đô ở mức hơn trung bình đến gần kém. Đáng chú ý, các trạm nền đô thị có chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động trong khoảng 47 - 86, các trạm quan trắc giao thông dao động trong khoảng 54 - 117, cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các loại hình trạm quan trắc.

Tại trạm quan trắc Phạm Văn Đồng, ngày 15 và 17/11 có chỉ số AQI PM2.5 lên tới 88 và 92, gần đạt ngưỡng chất lượng không khí kém (từ 101-200). Tương tự, tại trạm quan trắc Minh Khai – Bắc Từ Liêm, chỉ số AQI PM2.5 các ngày 15 và 18/11 khá cao, ở mức 93 và 82. Đây cũng là hai khu vực có mật độ phương tiện lưu thông lớn, có các công trình lớn đang thi công. Thực tế, việc đi lại qua hai tuyến đường rất khó khăn, người tham gia giao thông không chỉ bị cản trở bởi các lô cốt xây dựng, mà còn đối mặt với tình trạng khói bụi ô nhiễm.

Một số người dân cho biết:

 

“Họ đang giải tỏa đây nên, nhiều người làm nhà thì cũng bụi, rồi lượng người đi lại cũng rất đông, nên mức độ bụi rất ô nhiễm. Đi lại thực ra rất khó khăn, đường tắc, chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe, hàng ngày mình phải hít bao nhiêu bụi vào người thì không tốt”.

“Với không khí bụi thế này thì tất nhiên phải đeo khẩu trang rồi ạ. Em hy vọng các công trình sẽ hoàn thành sớm để giảm bớt bụi cho người dân đi đường đỡ vất vả”.

Những công trình xây dựng đang khiến môi trường ngày càng thêm ô nhiễm. Ảnh: Lao động thủ đô

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình nhận định, nguyên nhân gây ô nhiễm khói bụi có hai nguồn chính, gồm: ùn tắc giao thông kéo theo khí thải ô tô, xe máy; và bụi, đất, xi măng của các công trình xây dựng. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất khó có thể kiểm soát được ngay, do lượng phương tiện cá nhân vẫn đang tăng lên.

Đề cập giải pháp hạn chế nguyên nhân thứ hai, TS. Phan Lê Bình nói:

 

“Một biện pháp khá cổ điển là tưới nước để hạn chế bụi bay lên. Tuy nhiên, các công trường họ thực hiện hoạt động này không thường xuyên, chỉ xịt 1 lần/ngày lấy lệ thôi, hiệu quả rất hạn chế. Thứ hai, có một số công trường thực hiện trộn bê tông, cát tại chỗ ở công trường thì phát sinh lượng bụi khá lớn. Nhằm hạn chế thì phải thực hiện triệt để việc mua bê tông trộn sẵn từ các nhà máy”.

Cũng theo TS Phan Lê Bình, để các đơn vị thi công tự giác việc chấp hành các quy định liên quan đến giảm ô nhiễm khói bụi cho khu vực xung quanh là việc rất khó, vì liên quan đến chi phí xử lý ô nhiễm môi trường. Vì vậy, sự giám sát, xử lý vi phạm thường xuyên của các cơ quan chức năng đóng vai trò then chốt.

 

“Tất cả những việc chúng ta muốn hạn chế bụi từ công trường xây dựng như vậy, đương nhiên cũng kèm theo chi phí phát sinh. Các chủ đầu tư không dễ tự giác thực hiện đâu vì tốn kém với người ta. Nên nếu không có sự mạnh tay từ phía cơ quan quản lý nhà nước, nếu không buộc các công trường có biện pháp triệt để giảm ô nhiễm khói bụi xuống mức chấp nhận được khi so với chỉ số quan trắc môi trường, thì người ta sẽ không làm đâu”.

Hiện nay, tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiễm khói bụi tại Thủ đô Hà Nội đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở những tuyến đường có các công trình trọng điểm đang thi công như Minh Khai – Trường Chinh, cầu vượt Mai Dịch - Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy – Cầu Giấy… Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường hướng dẫn, phân luồng giao thông, đồng thời nhắc nhở và xử lý kịp thời những chủ đầu tư thi công ẩu, để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Tin xa lộ

 

Dự thảo quy chế mới cũng quy định áp dụng ba màu sơn chung đối với taxi trên địa bàn Tp.Hà Nội. Ảnh: Pháp luật Tp.HCM

# Theo thống kê của Sở GTVT TP Hà Nội, hiện nay, có hơn 19.200 taxi và gần 4.000 xe xin phù hiệu tỉnh khác đang về Hà Nội hoạt động. Cùng đó, loại xe công nghệ hoạt động như taxi cũng lên đến 30.000 phương tiện. Như vậy, tổng số phương tiện đang hoạt động tại Hà Nội lên đến hơn 50.000 xe, phá vỡ quy hoạch đô thị, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Do đó, việc xây dựng dự thảo quy chế quản lý taxi là cần thiết.

# Sở GTVT TP dự kiến, Dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Hà Nội (dự kiến được phê duyệt trong năm 2018) sẽ đưa ra quy định phân vùng hoạt động, đồng thời chỉ cho phép taxi có ba màu là xanh, ghi bạc, trắng. Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2019, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội.

# Theo lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội, việc lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô phải bảo đảm 5 nguyên tắc. Trong đó, thứ nhất: phải đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu trong đề án về quản lý phương tiện giao thông đã được HĐND TP Hà Nội thông qua; Thứ hai: Phải bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân, không chỉ người dân Thủ đô, mà của cả các tỉnh, thành phố khác, tất cả các loại xe khi đi vào khu vực thu phí thì đều phải thu phí, không phân biệt xe ngoại tỉnh, hay xe của Hà Nội; Thứ ba: việc thu phí phải bảo đảm tính khoa học, thực tiễn cũng như các điều kiện khả thi. Thứ tư: phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong các khu vực chịu tác động. Thứ năm: có giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn khi tổ chức thu phí.

Nghe toàn bộ chương trình tại đây: