Ai giám sát tài xế xe đưa đón học sinh?

Hiện tượng một số xe đưa đón học sinh chạy tốc độ cao, lấn làn, vượt ẩu trên đường phố Hà Nội đã không còn là hình ảnh quá lạ lẫm. Thậm chí, cứ nhắc đến xe chở học sinh là nhiều người, kể cả các tài xế có thâm niên, đều lắc đầu ngao ngán.

Thực trạng này không chỉ góp phần gây ùn ứ giao thông, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của các em học sinh nhỏ tuổi.

Trách nhiệm giám sát các quy định về hợp đồng lái phương tiện đưa đón học sinh từ phía nhà trường, phụ huynh, cơ quan chức năng ra sao? 

Đa dạng chủng loại, phong phú về màu sắc, từ xe nhỏ đến xe to, cũng chẳng cần điểm dừng đỗ, chỉ cần cứ có học sinh là xe sẽ dừng để đưa đón

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông, 7 – 9 giờ và 15 – 16 giờ là cao điểm hoạt động, tham gia giao thông của các loại xe đưa đón học sinh.

Khảo sát cho thấy, nhiều tuyến đường có biển cấm xe hợp đồng, nhưng các xe chở học sinh vẫn ngang nhiên dừng đỗ. Đa dạng chủng loại, phong phú về màu sắc, từ xe nhỏ đến xe to, cũng chẳng cần điểm dừng đỗ, chỉ cần cứ có học sinh là xe sẽ dừng để đưa đón.

Theo cơ quan chức năng, dừng đỗ sai quy định cũng là vi phạm phổ biến nhất của loại hình vận tải này. Bên cạnh đó là các lỗi không có hợp đồng vận chuyển, xe không đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật.

Đặc biệt là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, đi lấn làn, ngổ ngáo trên đường từ phía các tài xế. Một số tài xế lái xe đưa đón học sinh bày tỏ:

 

“Từ trước đến nay bọn em cũng chỉ chạy trộm thôi cũng không phải chạy công khai. Buổi sáng chạy sớm hơn 1 tí, giờ đi làm của các anh bọn em cũng phải trốn đi 1 tí”.

“Bao nhiêu năm các cháu đi học ở đây mà toàn các cháu nhỏ, nếu điểm đỗ ở đây thì các cháu không còn chỗ nào để sang đường nữa”.

“Các xe học sinh, trường đề ra điểm đón thì bọn tôi đi khảo sát, cứ thấy chỗ nào thoáng thì bọn tôi đón thôi và tiện cho học sinh".

Chị Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh có con học tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội cho biết: Mặc dù nhóm phụ huynh cùng chị đã có hợp đồng với nhà xe về việc đưa đón học sinh, chị vẫn băn khoăn về chất lượng và dịch vụ.

 

“Có 1 xe 16 chỗ và 1 xe to, em thấy xe đi đón các cháu ở chỗ em cũng ít nhưng mà lên đây lại đông lắm. Nhiều bé quá nên nhiều khi cũng sợ mọi người quên các bé”.

Trong khi đó, nhiều thính giả phàn nàn về việc xe chở học sinh nhưng lại đi rất ngổ ngáo, chạy ẩu, vượt đèn đỏ, đè mặt xe khác.

 

“Tôi thấy xe đưa đón các cháu mà đi như thế là quá nguy hiểm. Đáng ra xe loại này phải đi điềm đạm, an toàn nhất”.

“Tài xế xe kiểu này hiện đi rất ẩu. Không thể hiểu nổi”.

Được biết, Hà Nội hiện có 73 cơ sở đào tạo ký hợp đồng thuê đưa đón học sinh với khoảng 900 xe ô tô trên 9 chỗ ngồi có phù hiệu xe hợp đồng. Các lực lượng chức năng cũng đã nhận được phản ánh của người tham gia gia thông về hiện tượng vi phạm Luật giao thông đường bộ có xu hướng gia tăng của xe đưa đón học sinh.

Đại úy Trần Tiến Mạnh, cán bộ đội CSGT Số 3, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết:

 

“Đối với các phương tiện như thế hiện tại có phải đăng ký nơi đón trả đúng nơi quy định của Sở GTVT, nếu không đón trả đúng nơi, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý để tránh gây ùn tắc giao thông. Đối với những trường học trên địa bàn, lực lượng chức năng sẽ đến tuyên truyền và cho trường học ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng trường học. Các lái xe đón trả học sinh, yêu cầu họ phải ký cam kết để không vi phạm an toàn giao thông”.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, do bản chất xe đưa đón học sinh là một hình thức xe hợp đồng nên tất cả các xe đã tham gia kinh doanh vận tải cho học sinh đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Vì vậy, những trường hợp xe chở học sinh khi bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm.

 

“Các phương tiện phải được đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu hợp đồng. Chúng tôi cương quyết xử lý đối với các đối tượng là các xe các cá nhân mà tự ý ký hợp đồng không đúng các quy định của pháp luật, và sẽ có báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các trường học cũng như các cơ sở giáo dục để có biện pháp xử lý”.

Ông Cao Văn Hiệp cũng cho biết, pháp luật hiện hành đã có quy định đối với các phương tiện được tham gia đưa đón vận chuyển học sinh, như Nghị định 10 và thông tư 12 của Bộ GTVT. Vì vậy, các trường học, các trung tâm giáo dục và các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý để nhận diện các đơn vị cung cấp dịch vụ đạt chuẩn. 

Trong khi đó, TS. Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia khẳng định, về nguyên tắc, dịch vụ xe đưa đón học sinh phải đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn giao thông chặt chẽ hơn, cụ thể hơn.

 

“Lái xe điều khiển phương tiện đưa đón học sinh không những tuân thủ pháp luật mà còn phải ứng xử ở mức cao hơn. Ví dụ người ta quyết định tốc độ trên một đoạn đường cho phép chạy 50 km, thì xe đưa đón học sinh không phải cứ dưới 50km/h là được. Cần phải chạy với tốc độ nào đó để có thể kiểm soát các điều kiện an toàn cho các cháu. Phanh không được giật mạnh và các chuyển động của xe được êm dịu. Cần tuyển dụng lái xe có trình độ chuyên môn cao, ý thức tốt. Như vây mới đảm bảo an toàn cho các cháu”.

TS. Khương Kim Tạo nhấn mạnh, việc để xảy ra tình trạng xe đưa đón học sinh đi ẩu, bỏ quên học sinh trên xe hoặc đánh rơi học sinh không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của tài xế, mà còn cho thấy sự lơ là, thờ ơ từ 2 chủ thể chính là nhà trường và đơn vị cung cấp dịch vụ. Đơn cử như việc sắp xếp giờ đưa đón hợp lý để tránh áp lực về thời gian với tài xế dẫn tới phóng nhanh, vượt ẩu.

Đây không đơn thuần là câu chuyện về việc “rút kinh nghiệm”, mà còn cho thấy nhu cầu cấp bách về việc chuẩn hóa quy trình về đưa đón học sinh. Cần bắt đầu từ việc lựa chọn tài xế đến việc giám sát quá trình thực hiện chuyến đi của các lái xe. Nếu để xảy ra vấn đề thì phải xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu.

 

“Phải đến trực tiếp để xem xét phương tiện ra sao, người lái xe thế nào cũng như hợp đồng. Phải cụ thể hóa rằng không chỉ là hợp đồng theo chuyến xe, mà cụ thể lái xe nào mới được phép lái. Tức là kiểm soát cả về thái độ ý thức, trách nhiệm, cũng như điều kiện sức khỏe của người tài xế. Đương nhiên người ta có giấy phép thì người ta được lái, nhưng mình phải đòi hỏi cao hơn để phục vụ đưa đón các cháu”.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng, bên cạnh việc bổ sung, hoàn thiện các quy định đầy đủ, rõ ràng đối với loại hình dịch vụ này, cần tăng cường việc ứng dụng CNTT trong công tác giám sát.

Nếu không sử dụng các thiết bị kỹ thuật để giám sát thì rất khó để đảm bảo toàn bộ quá trình hoạt động của lái xe sẽ tuân thủ quy định pháp luật về an toàn giao thông, chưa kể đến việc đảm bảo an toàn cho học sinh trên xe trong quá trình di chuyển. 

Những thiết kế riêng cho xe chở học sinh cần được tính đến và dựa vào kinh nghiệm các quốc gia khác đã làm

Mời quý vị lắng nghe bình luận của BTV Chu Đức với nhan đề “Ai giám sát tài xế chở học sinh?”

 

Số liệu khảo sát mới nhất ở các thành phố lớn tại nước ta cho thấy, tỷ lệ số chuyến đi sử dụng dịch vụ xe đưa đón có thể lên tới 10% tổng số học sinh và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Nhu cầu quy chuẩn hóa dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô, xe máy, thậm chí bằng buýt học đường đang lên rất cao, đặc biệt là sau những vụ việc đánh rơi, bỏ quên học sinh dẫn đến có trường hợp tử vong.

Dù loại hình xe hợp đồng vận chuyển hành khách bằng ô tô (trong đó có xe chở học sinh) đã được siết chặt các điều kiện trong Nghị định số 10 năm 2020, nhưng đến nay, quy định pháp luật vẫn thiếu vắng những nội dung nêu bật được đặc thù, bản chất và sự khắt khe của hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh.

Còn nhớ, vào năm 2019, ngành GTVT cho rằng, xe vận chuyển học sinh chỉ cần tuân thủ các quy định chung về xe hợp đồng vận chuyển hành khách bằng ô tô, đồng thời có thêm sự giám sát chặt chẽ của ngành giáo dục.

Trong khi đó, ngành GD-ĐT lại kiến nghị: Vận chuyển học sinh cần được xem xét là một loại hình vận tải đặc biệt, các cá nhân tham gia vào quá trình này, bao gồm tài xế, phải được tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề.

Những thiết kế riêng cho xe chở học sinh cần được tính đến và dựa vào kinh nghiệm các quốc gia khác đã làm, như: vật liệu chống va đập, hệ thống thoát hiểm trong tầm với của trẻ, rà soát cảnh báo bằng ánh sáng, âm thanh tránh bỏ sót học sinh, màu sơn, chiều cao sàn xe phù hợp, hệ thống camera, an toàn riêng.

Tiêu chuẩn tài xế và phương tiện chở học sinh phải được thiết kế theo hướng trẻ em càng nhỏ, yêu cầu càng cao. Chính những tiêu chuẩn này sẽ là căn cứ để toàn xã hội giám sát công việc của người tài xế.

Họ cần đạt được những hiểu biết, kỹ năng, trình độ nhất định và thậm chí vượt qua được bài kiểm tra về sự quan tâm với trẻ em, mới được phép ngồi trước vô lăng, nắm giữ sự an nguy của các em.

Việc luật hóa nội dung này vào Luật giao thông đường bộ sửa đổi (đang trong quá trình dự thảo) sẽ là đáp án xác đáng nhất của các nhà lập pháp cho câu hỏi “Ai giám sát tài xế chở học sinh?”, khi mà tiêu chuẩn giữa một người lái xe chở 30 hành khách trưởng thành cũng đang tương tự như một người lái xe chở 30 hành khách là trẻ mầm non.

Thực tiễn đang đòi hỏi văn bản pháp luật phải đi nhanh hơn, tiến bộ hơn.

Thực tiễn cũng cho thấy, các em học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông xứng đáng được đến trường trên một phương tiện an toàn hơn, dưới sự điều khiển của một tài xế được giám sát chặt chẽ hơn./.