Mạng lưới thu gom phế liệu tại Việt Nam đang do các đơn vị phi chính thức vận hành, quản lý. Trong khi hầu hết tại các quốc gia khác, cơ quan Nhà nước quản lý thực hiện việc này. Kinh nghiệm nào của thế giới có thể áp dụng tại Việt Nam? Cần bổ sung những
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Cửa hàng thu gom phế liệu ở số 62 phố Thợ Nhuộm, giống như nhiều cơ sở thu mua phế liệu đang nằm giữa phố phường và khu dân cư của Hà Nội.
Tại đây, PV VOVGT quan sát thấy nhiều bao tải lớn được chất thành đống cao và không biết trong đó là gì, còn nhiều loại giấy vụn, bìa các tông, chai nhựa được sơ chế thủ công và buộc thành từng bó để ngay trên vỉa hè.
Điều đáng lo ngại là khi phế liệu được tập hợp ép thành khối như thế này, nếu trong đó có vật liệu dễ cháy nổ thì hậu quả rất khó lường.
Thực tế vừa nêu xuất phát từ những khó khăn của các cơ sở tái chế. Chủ một cơ sở tái chế phế liệu tại TP.HCM cho biết, việc tái chế rác thải hiện nay chỉ dừng ở việc sơ chế đơn giản. Nói là sơ chế nhưng thực chất chỉ là xay nhỏ hoặc ép gọn vào để chuyên chở dễ dàng, tránh cồng kềnh.
Mặt khác, công nghệ tái chế hiện đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp tái chế biết là vậy nhưng không có cách nào khác:
“Những người đi thu gom về rồi họ bán cho mình thôi, lúc thu gom thì họ phân loại cho mình rồi, nên về là mình tái chế chứ mình không phân loại nữa. Khó khăn là khi tái chế thì có những cái sạch, có cái dơ đưa qua xử lý thì máy móc chỉ có thế thôi, cũng không có máy móc hiện đại vì thợ có trình độ chuyên môn cao mà sử dụng được máy móc đó thì họ không đi làm phế liệu”.
Anh Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc một doanh nghiệp ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, nơi tổ chức thu gom và tái chế bao bì từ phế liệu cũng chia sẻ nhiều khó khăn. Đó là, những nguyên liệu được tái chế do công nghệ thô sơ, lạc hậu nên quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề về môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế không cao nên việc tiêu thụ rất khó khăn.
“Bây giờ đang nhuộm nhoạm rất nhiều, gần như không ai quản lý vấn đề này cả. Sản phẩm tái chế cần được khuyến khích nhưng những sản phẩm sau khi được tái chế phải dùng được, ứng dụng được, còn nếu nguồn không đảm bảo mà tái chế thì tái chế xong chất lượng sẽ kém”.
KTS Nguyễn Thái Huyền- Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và hợp tác quốc tế- Đại học Kiến trúc Hà Nội, chủ trì dự án nghiên cứu Recycurbs Viet cho biết, hoạt động thu gom phế liệu tại Việt Nam được hoạt động theo cơ chế thị trường mà các bên tham gia đều được hưởng lợi, trong đó phế liệu được coi là mặt hàng thay vì rác thải.
Những người thu gom có kinh nghiệm trong việc phân loại và lựa chọn những loại rác có giá trị, các cơ sở thu gom phế liệu “có nghệ thuật” trong việc, tổ chức rác gọn gàng với sức chứa lớn, nhờ đó giúp tái chế, tận dụng được những tài nguyên từ những đồ bỏ đi:
"Mạng lưới đồng nát đang là một nền kinh tế tuần hoàn nhưng chưa bao giờ được thừa nhận. Tuần hoàn ở chỗ, vì nó đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân là nhu cầu vứt rác, nhu cầu của cơ sở tái chế. Sauk hi tái chế nó lại trở thành những sản phẩm và nó tạo thành vòng quay khép kín, tạo ra lợi nhuận cho những người cùng tham gia vào quá trình đó".
TS Trần Văn Miều- Phụ trách truyền thông Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thừa nhận những lợi ích mà mạng lưới thu gom và phân loại phế liệu mang lại, nhưng bên cạnh đó, mạng lưới này cũng bộc lộ một số bất cập.
Chẳng hạn, đa phần các cá nhân, người thu gom tập trung chủ yếu vào những nguyên liệu có giá trị cao, số còn lại bị vứt bỏ ra môi trường, trong đó có không ít rác thải nguy hại:
"Bây giờ đấy là vấn đề lợi nhuận, lợi ích cái gì cái gì không cần thì người ta lại vớt ra. họ không có kỹ năng, không có trình độ chuyên môn , họ làm cái việc ấy vì cái lợi trước mắt. Do vậy mình cũng rất khó quản lý".
Bên cạnh đó, hiện nay các khâu thu gom, phân loại và tái chế phế liệu là những công đoạn rời rạc, thiếu sự sự gắn kết. Do vậy, nhiều trường hợp, các loại rác được vận chuyển không đến đúng các điểm tái chế.
Brazil là một trong những quốc gia đã thực hiện thành công tổ chức một hiệp hội của những người thu gom, tái chế phế liệu. Hiệp hội này chuyên vận động hành hành lang pháp lý, xây dựng hệ thống nhà kho thu gom rác tái chế và ký kết hợp đồng với chính quyền thành phố về tái chế thu gom rác thải.
Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả của mạng lưới thu gom này, Brazil còn từng bước đào tạo, “chuyên nghiệp hóa” đội ngũ những người thu gom. TS Nguyễn Trung Thắng- Phó Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách và môi trường chia sẻ:
"Brazil tập hợp những người đồng nát, cung cấp quần áo bảo hộ cho họ hướng dẫn cho họ những tác hại, những nguy cơ từ môi trường trong quá trình thu gom, mua bảo hiểm cho họ và xa hơn nữa, chính thức hóa đội ngũ thu mua phi chính thức".
Đại diện nhóm Vietnam Waste Management Network (Mạng lưới chia sẻ và quản lý chất thải của Việt Nam) cho biết, chính quyền thành phố Mito, Nhật bố trí các điểm thu gom rác theo khu vực, trong đó có các thùng ghi rác tái chế và thực hiện thu gom 2 lần/ tuần.
Ngoài ra, các đoàn thể như trường học, cộng đồng dân cư phát động thu gom rác tái chế, sau đó sẽ được chính quyền địa phương trả 10 yên (tương đương 2 nghìn đồng) /kg rác tái chế để hình thành các quỹ hoạt động.
Để có thể phát huy hiệu quả của mạng lưới thu gom phế liệu tại Việt Nam trong việc giảm thiểu lượng rác phát thải ra môi trường và thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế, PGS.TS Đặng Kim Chi, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường cho rằng, các cơ quan quản lý môi trường các cấp cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ và từng bước quản lý hoạt động của mạng lưới này:
"Lực lượng tạm gọi là đồng nát cần tổ chức lại thành các hợp tác xã để họ được quản lý và bồi dưỡng về kỹ năng phân loại rác để đưa rác đến các điểm tái chế đúng đối tượng".
Mạng lưới thu gom và tái chế phế liệu tại Việt Nam có tác dụng tích cực trong việc giảm thiểu lượng lớn rác phát thải ra môi trường và tăng giá trị tái sử dụng của rác.
Tuy nhiên, mạng lưới này vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn và ô nhiễm môi trường. Để hoạt động hiệu quả, mạng lưới này cần được tổ chức và quản lý bởi các cơ quan Nhà nước.
Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: Hợp thức hóa mạng lưới "đồng nát"
Mỗi ngày tại Hà Nội có hơn 10 nghìn người thu mua và nhặt rác, sau đó bán lại cho những người thu mua phế liệu tại hàng trăm bãi phế liệu nằm rải rác khắp thành phố Hà Nội. Mạng lưới này thu thập và tái chế từ 20-35% lượng rác thải của thành phố, giảm một số lượng lớn rác phải đưa đi chôn lấp, xử lý mỗi ngày.
Trong khi tỷ lệ này tại Đà Nẵng là 4,31 - 7,49% thông qua mạng lưới thu gom với khoảng 1.000-1.800 người, bao phủ hơn 80% diện tích cần thu gom.
Xuất hiện mang tính chất tự phát, từ những năm 1990, trải qua hàng chục năm, mạng lưới thu gom và tái chế phế liệu hay còn gọi là “đồng nát ”tồn tại và vận hành hết sức linh hoạt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đã có không ít những sự cố cháy nổ tại các cơ sở thu gom, như sự cố nổ bom tại một cơ sở thu gom phế liệu ở khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông vào năm 2018; việc thải bỏ những rác thải nguy hại không đúng quy trình làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm đất, nước và không khí…
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, Việt Nam sẽ đối mặt với khoảng 54 triệu tấn vào năm 2030 và số lượng rác thải tại các đô thị ngày càng gia tăng, theo các chuyên gia, Nhà nước cần tận dụng những ưu thế sẵn có của mạng đồng nát nhưng vẫn có những định hướng, chính sách để quản lý mạng lưới ‘ đồng nát” hoạt động một cách quy củ, bài bản.
Trước hết, cần nhìn nhận, hoạt động thu gom và tái chế phế liệu như một loại dịch vụ kinh doanh có điều kiện với sự tham gia chủ yếu của khối kinh tế tư nhân song vẫn cần có sự quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý môi trường tại các địa phương.
Thông qua những công cụ tài chính như thuế, giá linh hoạt, đvừa đảm bảo lợi ích kinh tế của các cá nhân, hộ gia đình tham gia trong lĩnh vực này, vừa có thể thúc đẩy hoạt động phân loại, tái chế rác.
Nhà nước cần sớm ban hành những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho mạng lưới thu gom phế liệu hoạt động, như bố trí diện tích đất các điểm thu gom, tập kết và phân loại phế liệu tại các địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khí thải, trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn và giúp các cơ sở thu gom hoạt động hiệu quả.
Ngoài việc ban hành những cơ chế khuyến khích vai trò của khối kinh tế tư nhân, Nhà nước cũng cần có những biện pháp tổ chức, gắn kết hoạt động thu gom, với khâu tái chế phế liệu tại các làng nghề, các doanh nghiệp tái chế thành một quy trình chặt chẽ.
Đối với những loại rác, phế liệu mà các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân không thể xử lý hay những rác thải ở khu vực công cộng, chính quyền địa phương có trách nhiệm yêu cầu các công ty môi trường tham gia xử lý.
Chính quyền địa phương giữ vai trò giám sát hoạt động của các các nhân, cơ sở thuộc mạng lưới, thực hiện tập hợp các cá nhân đi thu gom phế liệu thành hợp tác xã, tổ thu gom, sau đó tổ chức đào tạo, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về phân loại rác, phân biệt những rác thải nguy hại và hiểu được giá trị của hoạt động phân loại rác đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp phường, xã, tổ dân phố tổ chức các chương trình thu gom, đổi rác tái chế lấy quà tặng sẽ thúc đẩy, khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Mặc dù, có rất nhiều bài học kinh nghiệm thành công của thế giới về thu gom và phân loại rác. Nhưng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, mô hình hiệu quả nhất chính là phát huy những lợi ích sẵn có của mạng lưới thu gom và tái chế phế liệu đang hoạt động và hợp thức hóa khu vực phi chính thức sẽ tạo ra một mô hình độc đáo, riêng có của Việt Nam.
Từ ngày 01/7/2025, người bệnh mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... sẽ được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành, vẫn được hưởng 100% mức hưởng.
Sau nhiều năm đánh mất chức năng chính và bị tận dụng làm chỗ đỗ ô tô, vỉa hè xung quanh công viên Tuổi Trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang được chỉnh trang, lát lại gạch.
Từ 1/1/2025, Thông tư 73/2024/TT-BCA chính thức có hiệu lực, quy định rõ về nhiệm vụ của công an xã trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông.
Ngày 19/11/2024 Quốc Hội 15 Kỳ hợp thứ 8 đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung nhiều luật về lĩnh vực tài chính, trong đó có sửa đổi Luật Quản lý số 38 năm 2019.