Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Giải bài toán ‘khát’ sân chơi cho trẻ em

Tấn Đạt - 10/07/2022 | 13:40 (GTM + 7)

Năm học kết thúc cũng là lúc phụ huynh đối mặt với nỗi lo chọn sân chơi phù hợp cho con em. Những năm gần đây, thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em vốn khó, lại càng khó hơn sau tác động của hậu COVID-19.

Mùa hè đã bắt đầu, nhưng đến nay, chị Nguyễn Ngọc Tư, người dân ở phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long vẫn loay hoay tìm sân chơi cho hai con nhỏ, một bé 5 tuổi và một bé đã 12 tuổi. Với chị, hè nào cũng là thời điểm vất vả, áp lực nhất.

Bởi lúc này, việc ở công ty vẫn nhiều, chị Tư thường xuyên phải tăng ca, trong khi lại chẳng thể gửi con cho ai dù rất muốn con có một mùa hè ý nghĩa: "Khu mình ở thì rất ít sân đá banh hoặc là mấy cái hồ bơi mà phù hợp cho trẻ nhỏ như vầy. Khu vui chơi thì thấy cũng có đó như là Trung Tâm hoạt động Thanh thiếu niên, Công viên Đất thánh tây, Quảng trường Vĩnh Long… này kia, nhưng mà mình thấy ít trò chơi quá, ngó tới ngó lui có thú nhún, xe điện đụng hay nhà banh, đu quay này kia.

Mà nói thiệt tình vài chỗ thấy nó xuống cấp quá, nhìn thấy cái khung nó rỉ sắt với bỏ không không hoạt động một thời gian rồi! Cũng đắn đo sợ cái rủi ro nên không dám cho con chơi!

Theo lời chị Tư, tìm được một sân chơi an toàn cho bé thoải mái vận động để giải toả căng thẳng sau thời gian đến lớp thật sự không hề dễ dàng. Chị cũng đã tham khảo một vài khoá hè như Vẽ tranh, Võ thuật, Tin học thiếu nhi… từ các Trung tâm, nhưng đồng lương hạn hẹp, chị không đủ điều kiện đăng kí cho cả hai con cùng tham gia. Giải pháp tình thế là cho các con tự vui chơi tại nhà nhưng gia đình cũng e ngại con sẽ bị thu hút bởi các trò chơi điện tử và dẫn đến nghiện game.

Một nỗi lo khác của phụ huynh vào mỗi dịp hè, đó là tai nạn thương tích ở trẻ. Nhiều ba mẹ vì bận rộn công việc, không thể thu xếp được nên quyết định gửi con về quê để ông bà chăm giúp. Thế nhưng vì thiếu các sân chơi trong nhà an toàn, các CLB sinh hoạt phù hợp, nhiều trẻ em ở quê thường chọn chơi đùa ở ven sông, kênh rạch… dẫn đến các tai nạn thương tích, tình trạng đuối nước.

Ông Đào Văn Hoàng, một phụ huynh học sinh ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành chia sẻ: 'Con tôi bơi rất giỏi nhờ trường có cái hồ bơi, con tôi học thể dục bên môn bơi rất giỏi bởi bây giờ đi về quê rất an toàn không sợ gì hết. Chứ lúc trước tui sợ lắm! Đúng ra nhà trường phải có hồ bơi dã chiến hoặc hồ bơi cố định cho học sinh. Cái đó không phải phong trào mà là như môn thể dục thể thao bắt buộc vậy đó'.

Thiếu sân chơi cho trẻ ngày hè là nỗi lo của cha mẹ (Ảnh minh: Quang Hùng)

Thiếu sân chơi cho trẻ ngày hè là nỗi lo của cha mẹ (Ảnh minh: Quang Hùng)

Trước tình trạng sân chơi cho trẻ em vừa yếu, vừa thiếu ở cả nông thôn lẫn thành thị, nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Điển hình như tại Tiền Giang, nhiều hồ bơi và các khoá kỹ năng bơi lội đã được tổ chức nhằm tạo sân chơi, thúc đẩy việc phổ cập bơi lội cho học sinh Trung học cơ sở, Tiểu học.

Giữa mùa hè oi bức, Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) tràn ngập tiếng cười của phụ huynh và con em trong lớp học bơi và thực hành kỹ năng chống đuối nước. Hoạt động này do Trung tâm kết hợp cùng nhóm tình nguyện viên người Úc thuộc Chương trình An toàn chống đuối nước trên sông Mekong triển khai, vừa giúp trẻ biết cách xử lý trong tình huống nguy cấp, vừa trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho phụ huynh.

Tại đây, các em còn được vui chơi, trao đổi ngoại ngữ của HLV người Úc. Được biết, năm nay, tỉnh Tiền Giang cũng đã đầu tư Hồ bơi và Nhà thi đấu đa năng tại Trung tâm hành chính huyện Cai Lậy;  Khu vui chơi dưới nước tại Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Tiền Giang với kinh phí hàng chục tỉ đồng.

Trong khi đó tại Cần Thơ, trong Tháng hành động vì trẻ em diễn ra suốt tháng 6 vừa qua, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung tổ chức các hoạt động chăm lo, giáo dục kỹ năng cho trẻ.

Theo đó, các quận, huyện thường xuyên tổ chức tập huấn về kỹ năng sống, trang bị kiến thức cơ bản về quyền trẻ em và kỹ năng sống dành cho trẻ em, thanh thiếu niên hoặc lồng ghép vào các chương trình học ngoại khóa tại trường, góp phần giúp các em biết cách phòng tránh và tự bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm, tạo điều kiện để các em được giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống và phát triển toàn diện.

Ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ đề nghị: 'Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí phù hợp cho trẻ em; phát huy hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa sẵn có và đầu tư xây dựng, cải tạo các trung tâm sinh hoạt thanh, thiếu nhi và nhà thiếu nhi các quận, huyện; đa dạng hóa các hình thức thư viện ở các xã, phường, thị trấn nhằm khuyến khích việc đọc sách, tự học và sáng tạo của trẻ em'.

Theo ghi nhận, thời gian qua, Thành phố Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường công tác xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án trợ giúp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 nhiều Sở, ngành, địa phương như Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An… cũng tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em với nhiều hình thức. Trong đó, nhiều CLB hữu ích đã được tổ chức để trẻ có nơi sinh hoạt lành mạnh, lại tiếp thu các kỹ năng cần thiết như bóng đá, hội họa, văn nghệ….

Cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - CLB Võ Cổ truyền huyện Bến Lức, tỉnh Long An thông tin lớp võ thuật được nhiều phụ huynh lựa chọn để trang bị kỹ năng tự vệ cho bé: 'Hè thường các em tập trung đông hơn, ở các lớp năng khiếu như nhảy, võ thuật, bóng đá… Môn Võ cổ truyền được phụ huynh đặc biệt ưa thích qua lớp tập luyện thì các em tập luyện được sự tự tin, bản lĩnh và sự kiên trì'.

Theo ghi nhận, năm 2022, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hè dành cho thiếu nhi với nhiều nhóm giải pháp, gắn với các hoạt động xung kích tình nguyện của đoàn viên thanh niên trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè. Qua đó, đồng hành cùng các địa phương tạo thêm sân chơi cho hàng ngàn trẻ em, góp phần phát triển các hoạt động giải trí – giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, bí thư Trung ương đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương cho biết: 'Hè năm nay, Trung ương đoàn và các cấp bộ đoàn, đội dự kiến sẽ xây dựng và trao tặng 1.000 sân chơi cho các em thiếu nhi ở khắp mọi miền đất nước; trao tặng 140 bể bơi di động và cố định để thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em; sửa chữa hơn 700 vệ sinh cũng như xây dựng mới 300 nhà vệ sinh ở các trường học trên bàn khó khăn; xây dựng và trao tặng hơn 250 ngôi nhà khăn quàng đỏ cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn'.

Nhờ những nỗ lực như trên, năm nay, các hoạt động hè cho các bé đã được tăng cường đáng kể. Song, phải thừa nhận, sân chơi hè phù hợp cho trẻ em tại ĐBSCL vẫn còn thiếu, chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Không ít tỉnh thành đã có nhà thiếu nhi cấp quận, huyện, trong khi đó, một số nơi lại không có hoặc hoạt động kém hiệu quả, kém an toàn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thiếu sân chơi cho trẻ em, thiếu các hoạt động gắn kết với cộng đồng diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình- Chuyên gia xã hội học từng nhận định: Vô hình chung không chỉ đã làm nghèo nàn cái hướng phát triển của trẻ em; lắm khi nó làm cho trẻ em không có cơ hội tương tác, không có cơ hội để thể hiện đúng mình và thậm chí kể cả điều kiện để phát triển các ngôn ngữ xã hội bình thường. Thì trong những trường hợp đó có thể trẻ em đã thu mình lại và cái câu chuyện rất nhiều trẻ em đã phải đối diện thậm chí tự kỳ thị mình hoặc trầm cảm.

Muốn cải thiện bài toán sân chơi cho trẻ, cần có sự chung tay của cả cộng đồng (Ảnh minh hoạ: Quang Hùng)

Muốn cải thiện bài toán sân chơi cho trẻ, cần có sự chung tay của cả cộng đồng (Ảnh minh hoạ: Quang Hùng)

Hơn lúc nào hết, sân chơi cho trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là các hoạt động hướng đến việc chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhờ vậy, tạo được sự bình đẳng về dục, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cho trẻ.

Đến nay tình trạng thiếu sân chơi, khu vui chơi cho trẻ em vẫn đang là vấn đề nóng tại ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung. Đến hẹn lại lên, đây vẫn là thực trạng tồn tại, kéo dài suốt nhiều năm qua vẫn chưa được cải thiện. Muốn giải bài toán “sân chơi cho trẻ”, rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Đây là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bài bình luận: “Giải bài toán ‘khát’ sân chơi cho trẻ em: Cần sự chung tay của nhiều phía”.

Dễ thấy, các địa phương tại ĐBSCL đã có những nỗ lực nhằm phục hồi các sân chơi, khu giải trí đã tạm gián đoạn thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời, xây dựng các hoạt động, khoá hè… phù hợp cho các thiếu nhi.

Song, điều đó vẫn chưa đủ. Bởi không ít địa điểm vui chơi có yếu tố thương mại, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa các em đến trải nghiệm.

Trong khi đó, nhiều khu vui chơi công cộng lại kém hấp dẫn, đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, thậm chí còn bị chiếm dụng phục vụ mục đích cá nhân như bãi giữ xe, hàng quán, chợ tạm…

Thiếu sân chơi đúng nghĩa cho trẻ, không phải là vấn đề chỉ có trong dịp hè. Đây là việc “biết rồi, nói mãi” vẫn chưa có những biện pháp căn cơ để giải quyết. Rõ ràng, muốn giải được bài toán này, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, từ các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương.

Trước tiên là việc tiến hành rà soát các khu vui chơi, nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng nhằm nâng cấp, sửa chữa các hạng mục xuống cấp, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu cho các em nhỏ vào dịp hè.

Vì chẳng có gia đình nào muốn đưa con em vào các địa điểm vui chơi tềnh toàng, xuống cấp. Tiếp đó, việc huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, tài trợ cho các sân chơi trẻ em là vô cùng cần thiết.

Có như vậy, mới mau chóng cung cấp và thiết kế các sân chơi phù hợp cho trẻ em, không để “nơi thừa, nơi thiếu”, đồng thời xảy ra việc đầu tư kém hiệu quả dẫn đến lãng phí, và không thể quản lý kịp thời.

Về phía phụ huynh, cũng cần nhận thức đúng, đủ và hành động vì con trẻ. Vì đây là một trong những nhóm đối tượng hàng đầu chịu tác động lớn về tâm lý – hành vi và sức khoẻ sau Đại dịch COVID-19. Việc đảm bảo nhu cầu vui chơi lành mạnh, cho trẻ được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao,… là hết sức quan trọng, rất cần được đảm bảo. Có như vậy, mùa hè mới thực sự ý nghĩa và giúp trẻ trang bị thêm kỹ năng hữu ích, tái tạo năng lượng để sẵn sàng cho năm học tiếp theo!

Xã hội ngày càng phát triển, đã đến lúc nhu cầu vui chơi – giải trí của trẻ em được đáp ứng kịp thời. Nhờ vậy, giúp trẻ vững bước trong hành trình trở thành những công dân nhí phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước trong tương lai!

Ý kiến của bạn
Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoác áo mới lung linh ánh sáng, kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật giống như một đường "hầm thủy cung".

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

21 nghìn chiếc xe đạp thồ, hơn 3 vạn lượt dân công hỏa tuyến- trong số 26 vạn dân công cả nước, đã cùng với phương tiện vận tải cơ giới, vượt núi cao, vực sâu, đưa 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Gần đây VOV Giao thông liên tiếp nhận được phản ánh của người dân Hà Nội về việc họ sẵn sàng di dời khỏi các chung cư cũ để cải tạo, xây mới, tuy nhiên điều khiến họ lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống.

Hà Nội kiến nghị cho trông giữ xe ôtô ở lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn

Hà Nội kiến nghị cho trông giữ xe ôtô ở lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn

Với số lượng xe cá nhân gia tăng nhanh chóng, theo quy hoạch diện tích đất cho giao thông tĩnh Hà Nội phải đạt 4%/diện tích đất đô thị nhưng hiện mới chỉ đạt 0,6% nên thiếu điểm trông giữ xe.

Vinasun Taxi thay đổi 700 xe hybrid trong năm 2024

Vinasun Taxi thay đổi 700 xe hybrid trong năm 2024

Trong nỗ lực vượt qua khó khăn và gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, Vinasun Taxi quyết định sẽ chuyển đổi 700 phương tiện hiễn hữu sang xe hybrid cũng như đề xuất đưa xe điện 3 bánh đi vào hoạt động.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng trong hôm nay

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng trong hôm nay

Ngân hàng Nhà nước thông báo, hôm nay sẽ tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC.

// //