Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dân hiến đất mở rộng hẻm: Thuận lòng dân việc khó mấy cũng thành

Phóng viên - 25/09/2019 | 11:01 (GTM + 7)

Trong bối cảnh đất quý hơn vàng mà người dân TP.HCM chịu cắt hàng ngàn mét vuông cho cộng đồng sử dụng chung, thì rõ ràng đó là một câu chuyện trọn vẹn nghĩa tình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Công nhân xây dựng tháo dỡ bêtông, mở rộng hẻm 62 Lý Chính Thắng
Công nhân xây dựng tháo dỡ bêtông, mở rộng hẻm 62 Lý Chính Thắng. Ảnh: Tuổi trẻ

Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, hàng chục tuyến hẻm trên địa bàn quận 3 TPHCM nhộn nhịp quang cảnh thi công, tháo dỡ, sửa chữa nhà cửa… Rất đông người dân đang sinh sống tại các con hẻm trên địa bàn quận 3 tích cực hưởng ứng “Ngày hội nhân dân quận 3 hiến đất mở rộng hẻm”.

Trước đây, dù là khu vực trung tâm thành phố song những con hẻm ở quận 3 khá chật chội, nhếch nhác; mỗi khi có hỏa hoạn hay sự cố cần hỗ trợ y tế thì phương tiện chuyên dụng rất khó khăn để tiếp cận.

Được biết, mỗi mét vuông đất tại quận 3 hiện tại trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng khi được chính quyền vận động, nhiều gia đình đã tình nguyên hiến một phần đất ở để cùng chung tay mở rộng hẻm. Ai cũng tin rằng, sau khi mở rộng những con hẻm sẽ trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn:

"Nhà tôi hiến như vậy là 2m3 bề sâu, bề ngang là 4,7m. Tôi thấy rất phấn khởi, gia đình tôi ủng hộ 100% vì nhiều lợi ích như chống ngập, đường điện cáp được ngầm hó, quan trọng là nhà mình khang trang hơn, đẹp hơn, rất phấn khởi".

"Đường rộng thì khi hỏa hoạn hay bệnh hoạn thì đỡ lắm, rất là hoan hỉ, ai cũng mừng thì đa số người ở đây ai cũng già".

"Nhà tui hiến mấy mét vuông, hết nguyên cái sân. Khi này trước đây hay ngập lắm. Theo chủ trương nhà nước thì nhân dân 2 bên đường cũng đồng tình hiến đất để mở rộng cho phố xá sạch đẹp".

"Không làm trước cũng làm sau thôi thì mình làm cho thoải mái, xe cộ thông thương cũng dễ".

"Tôi cũng khá đắn đo giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, tuy nhiên lợi ích cộng đồng tốt hơn. Ngay chính cuộc sống của mình khi đường xá tốt hơn thì mình cũng đã hưởng lợi rồi".

"Hẻm mà được mở rộng thì nhà mình nó sẽ giá trị hơn".

Rõ ràng là sau khi các tuyến hẻm được mở rộng thì diện mạo các khu phố đã thực sự được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Từ những con hẻm nhỏ từ 1m đến 3m chất chội trước đây, nay được mở rộng thành 4m thậm chí là 6m. Hệ thống điện, thoát nước, cáp viễn thông… được ngầm hóa, mỗi tuyến hẻm sau khi mở rộng được lắp thêm từ 1 đến 2 trụ bơm cứu hỏa, camera an ninh.

Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Tuấn - Bí thư quận ủy quận 3 thì quá trình vận động bà con hiến đất cũng gặp không ít khó khăn, vẫn còn nhiều hộ chưa đồng tình vì giá đất, giá nhà tại khu vực này rất cao.

"Mỗi mét vuông đất mà người dân hiến có giá từ 120-140 triệu một mét vuông, có trường hợp người dân hiến vài chục mét vuông. Tôi cho rằng đó là sự đồng thuận, thống nhất của người dân ủng hộ chỉnh quyền địa phương thực hiện công tác chỉnh trang đô thị".

Bà Nguyễn Thị Thanh hiến đất mặt tiền để mở hẻm 74 Trương Quốc Dung (phường 10, Phú Nhuận) sạch sẽ, khang trang như hiện nay.
Người dân hiến đất mặt tiền để mở hẻm 74 Trương Quốc Dung (phường 10, Phú Nhuận) sạch sẽ, khang trang như hiện nay. Ảnh: Nhân dân

Thống kê từ UBND quận 3 cho thấy, từ năm 2015 đến nay, quận đã mở rộng được 23 tuyến hẻm từ đất người dân hiến. Dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có thêm 11 tuyến hẻm nữa được mở rộng, nâng tổng số lên 34 tuyến hẻm được mở rộng, trong đó số hộ dân tình nguyện hiến đất là 1.172.

Tổng diện tích đất hiến hơn 9.300m2, tương ứng với số tiền hàng ngàn tỷ đồng theo giá trị thị trường bất động sản hiện nay. Rõ ràng khi làm được điều này đã tiết kiểm được một khoản không nhỏ cho ngân sách thành phố, song ở chiều ngược lại người dân cũng nhận lợi rất nhiều lợi ích từ việc mở hẻm.

Ông Võ Khắc Thái - Chủ tịch UBND quận 3 cho biết thêm:

"Cái lợi, cái được của việc mở rộng hẻm là diện tích người dân hiến rất lớn so với ngân sách thành phố phải chi. Ví dụ như đợt này tổng kinh phí xử ký kỹ thuật cho 12 tuyến hẻm chỉ khoảng 27 tỷ cộng với 7 tỷ hỗ trợ di dời, nhưng bà con đã hiến gần 300m2. Cái thứ nhất là được về kinh phí, cái thứ 2 là lợi ích về giao thông, cái thứ ba là trong quá trình mở rộng thì giá trị nhà đất sẽ tăng lên, bà con cũng sẽ được lợi".

Được biết, những năm trước đây, phong trào vận động bà con hiến đất mở rộng hẻm cũng được nhiều quận huyện trên địa bàn TPHCM triển khai một cách hiệu quả. Cụ thể như các quận Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình đã có hàng trăm tuyến hẻm được mở rộng với tổng diện tích đất hiến của người dân lên đến hàng hàng trăm ngàn mét vuông.

Theo ông Trương Quốc Lâm - Phó trưởng ban dân vận Thành ủy thì đây là những bài học kinh nghiệm quý giá để các quận huyện khác học hỏi noi theo:

"Có 2 kinh nghiệm rút ra, đầu tiên là tạo được sự đồng thuận từ người dân thông qua việc giải thích tuyên truyền và vận động người dân thấy được lợi ích của cộng đồng trong đó có gắn với lợi ích của từng cá nhân, từng gia đình trong đó. Thứ hai là quyết tâm của hệ thống chính trị đã tạo được sự lan tỏa".

Phong trào người dân hiến đất mở đường, nhà nước và nhân dân cùng làm đã có từ rất lâu song việc hàng ngàn hộ dân trên địa bàn quận 3 nói riêng và hàng chục ngàn bà con trên địa bàn TPHCM nói chung tình nguyện hiến đất mở hẻm thực sự là một điểm sáng, một thành quả thực sự của công tác dân vận.

Thuận lòng dân, việc khó mấy cũng thành

Hàng chục con hẻm ở quận 3 và hàng trăm con hẻm trên địa bàn được mở rộng từ việc người dân tình nguyện hiến đất là một chỉ dấu tích cực cho quá trình chỉnh trang đô thị tại TP.HCM. Đây là một minh chứng cụ thể cho việc đặt lợi ích của người dân vào vị trí ưu tiên khi triển khai các chủ trương chính sách.

Người dân hiến đất để mở rộng hẻm
Người dân hiến đất để mở rộng hẻm. Ảnh: Tiền Phong

Hẻm là một đặc trưng của phố thị Sài Gòn. Những con hẻm dài ngắn khác nhau, với đa dạng những sinh hoạt đời sống của người dân tạo nên nét riêng, hồn cốt phố thị. Thế nhưng qua quá trình đô thị hóa, những con hẻm dần bị thu hẹp do thói quen lấn chiếm của một bộ phận người dân. Lay lắt sống trong những con hẻm nhỏ chật chội ấy, nỗi lo về hỏa hoạn, về mỗi lúc ốm đau…luôn thường trực trong suy nghĩ của không ít bà con.

Với một bộ phận bà con thì tấc đất tấc vàng, mất đất là mất của. Nhưng có lẽ mất không gian sống thông thoáng, mất hình ảnh văn minh phố phường, người xe chen nhau trong từng con hẻm nhỏ hẹp, thiệt thòi đó mới là mất mát lớn hơn nhiều với cư dân đô thị. Trong xu hướng hiện nay thì một đô thị hiện đại không thể tồn tại mãi những con hẻm nhỏ hẹp, bừa bộn mà khi nghĩ về nó, người ta chỉ thường liên tưởng đến những khu ổ chuột ở đô thị.

Trở lại với câu chuyện hiến đất mở hẻm, hoạt động này đã diễn ra hơn 10 năm trước tại các các quận ven trung tâm như Tân Bình, Tân Phú hay Phú Nhuận với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên khi phong trào này lan tới quận 3 thì tạo được sự quan tâm chú ý lớn của dư luận. Bởi lẽ so với các khu vực khác, quận 3 được xem là trung tâm của trung tâm TPHCM, giá đất tại đây dù là trong hẻm cũng được định giá hàng trăm triệu đồng.

Việc mở rộng hẻm thành công ở quận 3 và các địa phương khác ở TP.HCM cho thấy một sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân, giữa người dân với nhau và là một thành công lớn xét trên góc độ 'tham gia cộng đồng' giải quyết chuyện chung.

Theo như chia sẻ của một lãnh đạo quận 3 thì công tác vận động bà con tham gia hiến đất mở hẻm gặp không ít khó khăn, kéo dài hơn 10 năm mới có thể có được kết quả như hôm nay. Thế nhưng để duy trì thành quả này là điều không hể dễ dàng, tùy tình hình mà từng địa phương cần có một kế hoạch dài hơi để giữ gìn.

Trong quá trình triển khai chính sách, cơ quan có thẩm quyền cũng phải đặt mình vào vị trí người dân, quý trọng giá trị tài sản của dân để đề ra cách làm phù hợp cũng như tạo được sự đồng thuận trong dân. Bên cạnh đó, chính người dân phải là những người đầu tiên dứt khoát nói không với việc biến không gian chung thành của riêng mình.

Nếu để xảy ra chuyện tái lấn chiếm, bằng cách này hay cách khác cũng sẽ làm mất ý nghĩa câu chuyện hiến đất mở hẻm. Muốn được vậy, mỗi người dân phải tự "tiết chế" mình để từ bỏ những thói quen lấn chiếm hẻm thường thấy hằng ngày.

Trong bối cảnh đất quý hơn vàng mà người dân TP.HCM chịu cắt hàng ngàn mét vuông cho cộng đồng sử dụng chung, thì rõ ràng đó là một câu chuyện trọn vẹn nghĩa tình. Cái lý rút ra được từ đây là một khi dân tin, họ sẵn sàng chung tay đóng góp cho công việc chung và cộng đồng.  

Tiền nhân ta đã từng nói: “Lấy dân làm gốc và gốc có vững thì cây mới bền”. Lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại cũng đã chỉ ra, rằng thuận lòng dân thì mọi nguy cơ đều được hóa giải, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

// //