Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cha mẹ thiếu chú ý đến đảm bảo an toàn cho trẻ trên ô tô

Phóng viên - 28/12/2016 | 15:14 (GTM + 7)

VOVGT - Theo thông cáo của Liên hợp quốc, mỗi ngày trên thế giới có ít nhất 500 trẻ em tử vong vì TNGT. Trong số đó, có tới 1/3 trẻ em tử vong trong xe ô tô.

Theo thông cáo của Liên hợp quốc đưa ra, mỗi ngày trên thế giới có ít nhất 500 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông. Trong số đó, có tới 1/3 trẻ em tử vong trong xe ô tô và 2/3 trẻ tử vong ngoài ô tô. Điều này cho thấy, dù đi bằng phương tiện xe máy hay ô tô đều có rất nhiều nguy hiểm rình rập và các bậc phụ huynh cần phải có ý thức trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho các em trong quá trình lưu thông.

Với tốc độ phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều gia đình đã có cơ hội sở hữu xe ô tô cá nhân phục vụ cho việc đi lại hàng ngày. Số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi tháng tại Hà Nội có từ 6.000 đến 8.000 xe ô tô được đăng ký mới và hiện toàn thành phố có trên 600.000 phương tiện xe ô tô cá nhân. Các chuyên gia an toàn giao thông cho biết, tốc độ tăng trưởng ô tô tăng khá cao không đi kèm với trình độ hiểu biết và kỹ năng điều khiển phương tiện của những người sử dụng nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong đó, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em khi cùng tham gia với cha mẹ, người thân trong gia đình vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Khi tham gia giao thông trên đường, chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh trẻ em ngồi trên hàng ghế đầu hoặc ngồi trong lòng bố mẹ, hay đứng trong xe ô tô nhìn ra cửa kính… mà không có bất kỳ một biện pháp đảm bảo an toàn nào. Chị Nguyễn Lệ Thủy, sống tại quận Cầu Giấy phản ánh: "Ô tô ở Việt Nam gần đây mới được sử dụng nhiều, nhiều người vẫn chưa lưu tâm nhiều lắm đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông. Ngay như nhà mình nhiều khi có ô tô nhưng vấn đề đấy nhiều khi không được để ý lắm, chẳng hạn khi tham gia giao thông nhiều khi trẻ con vẫn ngồi trên ghế đầu. Tuy rằng, gia đình mình biết là khi tham gia giao thông, trẻ em bé ngồi trên ghế đầu là cấm nhưng nhiều khi xe chở nhiều người nên vẫn cho con ngồi trên. Nhiều khi bé lại rất thích ngồi trên. Mình cũng thấy có nhiều trường hợp nguy hiểm hơn là bố mẹ cho con ngồi lòng khi mà đang lái xe, nhiều đứa trẻ thích ngồi với bố mẹ, nhiều khi khóc quấy nên bố mẹ lại chiều con đi rất là nguy hiểm. Hoặc là nhiều khi bé đứng ở phía sau, giữa 2 hàng ghế đầu nhưng nhìn lên trên mỗi khi phanh xe rất dễ ngã lên phía trước".

Bé trai 13 tuổi lấy trộm xe khách 29 chỗ gây tai nạn kinh hoàng ở Bắc Giang

Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh còn bất cẩn để trẻ trong xe một mình khi không có người lớn hoặc vẫn để chìa khóa trong xe. Nhiều trường hợp, trẻ bị kẹp tay trong quá trình đóng, mở cửa xe ô tô hoặc cửa kính trên xe, gây ra những chấn thương không đáng có. Thậm chí, đã có những trường hợp trẻ tự chốt cửa bên trong mà không biết cách mở, cha mẹ nếu không để ý có thể dẫn đến tử vong do thiếu không khí khi ở trong xe quá lâu, nhất là khi xe để dưới trời nắng. Ngoài ra, việc để xe vẫn nổ máy khi không có người lớn ngồi ghế lái cũng có thể gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc. Điển hình như vụ việc, một tài xế bất cẩn để chìa khóa trong xe 29 chỗ đã bị một bé trai 13 tuổi đã mở khóa gây tai nạn liên hoàn ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang hôm 20/10 vừa qua làm 1 người bị thương nhẹ và gây hư hỏng nhiều phương tiện.

Bà Trịnh Tố Oanh- Giám đốc Chương trình Hiệp hội An toàn Giao thông đường bộ cho biết, sở dĩ các bậc phụ huynh chưa chú ý đến vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ đi ô tô một phần là do sự chuyển đổi sử dụng phương tiện từ xe máy lên ô tô khá nhanh, nhiều người chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng sử dụng phương tiện an toàn. Trong khi đó, một bộ phận phụ huynh vẫn còn có tâm lí chiều chuộng trẻ nhỏ mà thờ ơ, bỏ qua những quy tắc về an toàn giao thông.

Bà Trịnh Tố Oanh nói: "Đi xe ô tô trẻ em dưới 12 tuổi phải ngồi ghế sau hoặc trẻ em nhỏ phải ngồi ghế riêng. Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình có ô tô rất sang trọng nhưng vẫn cho con ngồi ghế trước. Đó là một vấn đề giáo dục cho bố mẹ, cho con đi ô tô phải rất được quan tâm".

Bà Oanh cũng cho biết thêm, hiện nay Luật giao thông đường bộ mới chỉ đề cập tới việc cấm trẻ em ngồi trên hàng ghế trước nhưng chưa đề cập đến việc sử dụng ghế riêng cho trẻ và thắt dây an toàn cho trẻ em khi ngồi ghế sau. Bên cạnh đó, hiện nay công tác giáo dục, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Vũ Hoàng Linh- Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân của tình trạng hầu hết trẻ em tại Việt Nam không được sử dụng ghế dành riêng cho trẻ hoặc không thắt dây an toàn khi đi ô tô là do các bậc phụ huynh, là do các bậc phụ huynh tại tại Việt Nam mới được tiếp cận loại hình phương tiện vận tải hiện đại nên chưa quan tâm tới những phụ kiện đi kèm trên xe ô tô nhằm đảm bảo an toàn cho xe như sử dụng xe nôi, ghế và dây đai an toàn phù hợp với từng lứa tuổi, cân nặng của trẻ.

Ông Vũ Hoàng Linh bày tỏ quan điểm: "Khi mà có trẻ em ngồi trên các phương tiện, các nước văn minh, các nước phát triển người ta có trang bị các xe nôi, các dây đai an toàn. Tuy nhiên đối với các phương tiện của chúng ta hiện nay, người dân một số năm gần đây, mới tiếp cận phương tiện chưa suy nghĩ tới việc phương tiện mình khi chở trẻ em phải kèm theo một số phụ kiện. Cái này đối với Việt Nam còn rất mới mẻ, cứ quan niệm rằng cứ lên xe là lên xe, tính dự báo chưa cao, thậm chí có yếu tố chủ quan của người lái xe và người ngồi bên cạnh trẻ em. Chính vì vậy mà rõ ràng khi vận chuyển có trẻ em trên xe, thì khi xảy ra tai nạn nguy cơ xảy ra thương vong rất cao".

Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại “đổ lỗi” cho việc không được giáo dục những kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ trong các chương trình, khóa học để cấp bằng lái xe. Chị Nguyễn Lệ Thủy cho biết: "Theo mình, bố mẹ không nắm được những thông tin về an toàn khi lưu thông bằng ô tô nên không để ý đó là nguy hiểm. Đến khi có một lần xảy ra thì bố mẹ mới cảm giác được nguy hiểm. Khi mình học lái xe cũng không được học mà chỉ nói cho nhau nghe biết vậy thôi. Khi học về lái xe hay an toàn giao thông, không thấy mọi người hướng dẫn về cái đó. Mọi người sẽ tự rút ra kinh nghiệm trong quá trình tham gia giao thông".

Theo các chuyên gia an toàn giao thông, trong trường hợp trẻ ngồi trên ghế trên, khi phanh gấp hoặc tăng tốc, nếu không có dây an toàn, trẻ dễ bị lao người về phía trước, đập mạnh vào bảng táp lô dẫn đến chấn thương. Trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí bung ra với tốc độ mạnh cũng có thể gây chấn thương vùng đầu và cổ, thậm chí gây tử vong cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ vốn hiếu động, hay đứng lên ngồi xuống, dễ chạm vào cần số, tay lái gây mất tập trung cho lái xe, có thể là nguyên nhân xảy ra va chạm không đáng có.

Cần đảm bảo toàn cho trẻ khi lưu thông bằng xe ô tô

Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu và Tổ chức y tế thế giới đưa ra khuyến cáo, hành vi không thắt dây an toàn cho trẻ em khi ngồi ở ghế sau sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và chấn thương nặng cao hơn 75% so với người ngồi phía trước. Trong khi đó, theo số liệu nghiên cứu của Trung tâm ngăn ngừa và quản lý dịch bệnh CDC của Mỹ chỉ ra rằng, việc sử dụng ghế, xe nôi sẽ giúp giảm 71% nguy cơ tử vong cho trẻ dưới 1 tuổi và và giảm 54% đối với trẻ trong độ tuổi từ 1-4.

Để hạn chế những tai nạn và chấn thương cho trẻ khi đi ô tô, các chuyên gia an toàn giao thông khuyến cáo, trước hết, các bậc phụ huynh cần phải thay đổi nhận thức được tầm quan trọng trong việc sử dụng các trang thiết bị phụ trợ trên xe trong vấn đề đảm bảo an toàn với con em mình. Mỗi bậc phụ huynh phải tự tìm hiểu và trang bị những kiến thức, kỹ năng sử dụng những thiết bị an toàn này để từ đó, hướng dẫn và hình thành thói quen cho trẻ sử dụng các trang thiết bị an toàn mỗi khi lên xe. Bên cạnh đó, cũng cần đưa nội dung này vào trong các chương trình giáo dục kỹ năng lái xe an toàn.

Một số người dân đề xuất: "Đề nghị các cấp có thẩm quyền, xem xét đưa ra những quy định về sản xuất và nhập các thiết bị đảm bảo an toàn cho các trẻ em khi ngồi trên xe ô tô", "Bây giờ, ngày càng nhiều gia đình có ô tô hơn nên việc tham gia giao thông trên ô tô có trẻ em ngày càng nhiều. Do vậy, cần phải giáo dục cho mọi người để biết về việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên ô tô rất quan trọng. Trong các bài khi học lái xe cũng nên có hướng dẫn về việc đó, đồng thời có thể phổ biến thêm trên truyền hình".

Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 5.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông trong đó có nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc sử dụng ô tô. Những vụ tai nạn liên quan đến trẻ em khi sử dụng phương tiện ô tô hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như các bậc phụ huynh nắm được những kiến thức và tuân thủ các quy định về an toàn giao thông như không cho trẻ ngồi ghế trên hay sử dụng ghế ngồi cho trẻ phù hợp. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần có thời gian tìm hiểu kỹ về loại phương tiện lưu thông cũng như những kỹ năng lái xe an toàn. Đồng thời, cũng cần giáo dục và rèn luyện cho con em mình thói quen sử dụng các trang thiết bị an toàn khi đi ô tô cũng như các phương tiện khác nhằm hình thành ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật khi trưởng thành.

Tags:
Ý kiến của bạn
Gia tăng TNGT trên cao tốc đến từ nhiều nguyên nhân

Gia tăng TNGT trên cao tốc đến từ nhiều nguyên nhân

Năm 2024 được xem là năm bùng nổ của hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam, với hàng nghìn km đường cao tốc được đưa vào sử dụng. Bên cạnh hiệu quả và lợi ích của việc phát triển hệ thống đường cao tốc, thì rất nhiều thách thức mới cũng xuất hiện trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Đi tìm lời giải “An toàn giao thông trên cao tốc”

Đi tìm lời giải “An toàn giao thông trên cao tốc”

Sau 20 năm xây dựng, với hơn 2.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác, hệ thống giao thông nước ta đã tạo được bước đột phá chiến lược, vươn tới và khai phá những không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Truyền thông hiệu quả để nâng cao kỹ năng tham gia giao thông trên cao tốc

Truyền thông hiệu quả để nâng cao kỹ năng tham gia giao thông trên cao tốc

Bằng việc phân tích các thách thức hiện tại trong việc nâng cao kỹ năng, kiến thức của người tham gia giao thông trên cao tốc, VOV Giao thông cùng các đơn vị quản lý các tuyến cao tốc, qua đó giảm thiểu tai nạn giao thông, ứng phó hiệu quả với các tình huống xấu.

TP.HCM: Buýt cần làm gì để cải thiện hoạt động mùa ngập lụt, ùn tắc

TP.HCM: Buýt cần làm gì để cải thiện hoạt động mùa ngập lụt, ùn tắc

TP.HCM hiện có khoảng 120 tuyến xe buýt công cộng trong đó có 90 tuyến được trợ giá. Hoạt động của hệ thống xe buýt công cộng nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân bởi nhiều vướng mắc chưa được giải quyết trong đó có tình trạng ùn tắc do triều cường, mưa ngập.

Cây xanh gẫy đổ, sao để cả tuần?

Cây xanh gẫy đổ, sao để cả tuần?

Sau mỗi đợt mưa bão, nhiều xây xanh bị gẫy, đổ nhưng việc cắt gọt, thu dọn hiện trường còn chậm trễ, không kịp thời, ảnh hưởng đến đời sống và đi lại của nhân dân. Hiện nay, sự phân cấp, phân quyền đối với việc thu dọn, cắt tỉa cây xanh sau bão đang được quy định ra sao?Giải pháp nào để khắc phục?

Hiểu đúng về hiện tượng rối loạn máu đông hiếm sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca để tránh hoang mang

Hiểu đúng về hiện tượng rối loạn máu đông hiếm sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca để tránh hoang mang

Thông tin về việc hãng dược AstraZeneca của Anh và Thụy Điển lần đầu tiên thừa nhận vắc xin COVID-19 của họ có thể gây tác dụng phụ như " hiện tượng rối loạn máu đông" khiến nhiều người đã từng tiêm vắc xin này khá lo lắng.

Thiệt đơn, thiệt kép khi công ty chậm hoặc không đóng bảo hiểm

Thiệt đơn, thiệt kép khi công ty chậm hoặc không đóng bảo hiểm

Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cùng với đó, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao trong việc tuân thủ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

// //