Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Khẩn trương ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão số 9

Phóng viên - 23/11/2018 | 4:55 (GTM + 7)

Bão số 9 kết hợp không khí lạnh sẽ gây mưa lớn, xuất hiện lũ trên các sông suối và khả năng sạt lở tại nhiều tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam...

Tàu thuyền neo đậu trong cảng Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Đối với trên biển và các đảo:

- Tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền (kể cả các tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch), nhất là đối với các tàu thuyền hoạt động xa bờ để hướng dẫn di chuyển không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định thực hiện việc cấm biển.

- Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, kể cả đối với các tàu vãng lai của địa phương khác và tàu quốc tế.

- Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

2. Trên đất liền:

a) Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị:

- Khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ngập sâu do nước biển dâng, sóng, gió lớn, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu vực gần các cột tháp cao, các nhà không bảo đảm an toàn. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản khi bão đổ bộ vào.

- Chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão.

- Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín; chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, công trình đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao, khu khai thác khoáng sản.

- Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

- Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; quyết định cho học sinh nghỉ học; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.

b) Đối với khu vực miền núi, nhất là miền Trung và Tây Nguyên:

- Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu. Vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phù hợp để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

- Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

3. Một số nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền của ngư dân và triển khai các biện pháp bảo vệ, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo vệ an toàn hồ đập thuỷ lợi, đê điều, nhất là đối với các tuyến đê, kè biển xung yếu.

- Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và dầu khí trên biển; vận hành an toàn các hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện; bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính.

- Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao,…

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khu vực bão đổ bộ.

- Bộ Ngoại giao theo dõi sát tình hình, chủ động liên hệ với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực để giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão đảm bảo an toàn.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

- Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát phương án, chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bão đổ bộ và an toàn giao thông.

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ; thường xuyên cập nhật, công bố vùng nguy hiểm để tàu thuyền, phương tiện vận tải không đi vào và chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão, mưa lũ và phổ biến kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

Hội thảo trực tuyến về công tác dự báo phục vụ cơn bão số 9 năm 2018 diễn ra vào đêm 22/11, tại Trung tâm điều hành tác nghiệp Khí tượng Thủy văn (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, số 8 Pháo Đài Láng, Hà Nội).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới bão số 9 tiếp tục mạnh dần lên cấp 8 – 9, gió giật cấp 12 và đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam vào khu vực Nam Trung Bộ - Đông Nam Bộ, vùng ảnh hưởng có thể mở rộng do cường độ và hướng đi của bão bị tác động bởi khối không khí lạnh đang tràn xuống.

Kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 24-26/11, có mưa rất lớn từ khu vực Đà Nẵng - Bình Thuận - Nam Tây Nguyên, với lượng mưa trung bình dự kiến 300-500mm, có nơi trên 600mm.

Tất cả các vùng núi đều có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các vùng đô thị, vùng trũng ven sông có nguy cơ ngập lụt cao. Tại Nam Trung Bộ, thủy triều đang ở mức cao. Đỉnh triều rơi vào khoảng 20-23h. Cơn bão số 9 được dự báo đổ bộ vào bờ lúc rạng sáng, do đó, thời gian đỉnh triều vào đêm hôm trước đến khi bão vào lúc sáng sớm sẽ gây nguy cơ ngập lụt cao nửa đêm và sáng ở các khu vực ven biển.

Trong Hội thảo trực tuyến về công tác dự báo phục vụ cơn bão số 9 năm 2018 diễn ra vào đêm 22/11, ông Phùng Tiến Dũng – Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9 và không khí lạnh, tại khu vực Quảng Trị cho đến Bình Thuận và Tây Nguyên khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với lượng mưa từ 250 – 550mm có nơi lên đến 600mm.

“Lũ tại các sông từ Quảng Trị cho đến Quảng Nam sẽ lên mức báo động 1 và 2, tại các sông ở Quảng Ngãi đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên lên mức báo động 2 – 3 có nơi trên báo động 3 đối với các sông nhỏ và sông nhánh, tuy nhiên cần hết sức chú ý đến lũ cục bộ ở miền Đông Nam Bộ. Sau khi bão đi sâu vào đất liền sẽ ảnh hưởng đến mưa ở khu vực Đông Nam Bộ, ngày 24 đến 25/11 sẽ là đợt triều cường cao nhất ở Nam Bộ do vậy mưa lớn kết hợp triều cường sẽ có khả năng ngập trên diện rộng ở vùng hạ lưu sông Cửu Long”, ông Dũng cho hay.

Ông Phùng Tiến Dũng – Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Ông Phùng Tiến Dũng – Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) khuyến cáo người dân: “Khi lũ xảy ra, người dân nên di chuyển lên vùng đất cao và chuẩn bị đồ đạc thiết yếu cho công việc phòng tránh lũ. Khi bão cập bờ sẽ có mưa lớn rất dễ có lũ và sạt lở đất nên người dân cần hết sức đề phòng trước tình huống mưa lũ cực đoan này để có phương pháp phòng tránh và tuân thủ mọi hướng dẫn của các cơ quan phòng tránh thiên tai ở địa phương”.

Trong khi đó, nói về nguy cơ và khả năng sạt lở ở các khu vực ảnh hưởng của bão 9 tại Hội thảo, ông Trịnh Xuân Hòa - Phó viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: “Ở khu vực các tỉnh như Đăk Nông và Lâm Đồng có các hồ chứa khoáng sản trong thời gian trở lại đây có thông tin đất yếu, nguy cơ sạt lở là rất cao."

Tại các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Quy Nhơn (Bình Định), Bà Rịa – Vũng Tàu cảnh báo nguy cơ sạt lở rất cao do có biến đổi địa hình đặc biệt tác động của con người ở các nơi gần núi và khu vực có địa hình xấu”.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Liên kết du lịch và văn hóa, làm sao để hiệu quả?

Liên kết du lịch và văn hóa, làm sao để hiệu quả?

Điều quan trọng là các địa phương cần tính toán việc giữ chân khách để không chỉ đến một lần mà phải quay lại nhiều lần nữa. Chính vì vậy việc liên kết các địa phương, các sản phẩm du lịch, với văn hóa bản địa được xem là vấn đề sống còn đối với du lịch vùng.

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.

// //