Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Tạo điều kiện cho việc chia sẻ và khai thác dữ liệu y tế

Phóng viên - 02/03/2021 | 14:44 (GTM + 7)

Mục đích của việc xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế là nhằm hướng đến việc tạo các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế...

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Dự thảo Nghị định Quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế (gọi tắt Dự thảo Nghị định Cơ sở dữ liệu y tế quốc gia) do Bộ y tế soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến, với nhiều quy định liên quan đến cung cấp thông tin, xây dựng, quản lý và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. 

Ảnh minh họa (healthit.vn)

Dự thảo Nghị định Cơ sở dữ liệu y tế quốc gia gồm 4 chương, 17 điều. Cụ thể: Chương I- Những quy định chung gồm 02 điều; Chương II- Xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế gồm 09 điều; Chương III- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, cập nhật, quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế gồm 04 điều và 02 điều tại chương IV – Điều khoản thi hành.

Mục đích của việc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế là nhằm hướng đến việc tạo các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính,  cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, phục vụ việc quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách.

Mục tiêu của việc xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế là bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; bảo đảm an toàn cho việc tổ chức, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức và người dân; trong đó ưu tiên kết nối, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực bảo hiểm, lao động, thương binh và xã hội.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiện đại phù hợp với tổng thể chiến lược phát triển nền tảng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, lĩnh vực liên quan nói riêng và Chính phủ điện tử nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử và hội nhập của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Dự thảo Nghị định về cơ sở dữ liệu y tế quốc gia được xây dựng đồng bộ, tập trung, thống nhất, dùng chung trên phạm vi toàn quốc do Bộ y tế xây dựng và quản lý. Điểm đáng chú ý của Nghị định là cho phép các đơn vị thuộc Bộ y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ y tế, Sở y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế được phép khai thác và sử dụng thông tin y tế trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế thông qua 3 hình thức: trục tích hợp dữ liệu, cổng thông tin điện tử và văn bản. Người dân được khai thác thông tin sức khỏe cá nhân thông qua Cổng thông tin điện tử.

Dự thảo Nghị định này quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm và duy trì thường xuyên, an toàn kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.  UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế theo thẩm quyền.

Để đảm bảo an toàn thông tin của cơ sở dữ liệu, Dự thảo quy định cần có các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống hạ tầng, mạng internet và có sở dữ liệu, có phương án sao lưu, phục hồi cơ sở quốc gia về y tế.

Hiện, Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế đang lấy ý kiến các Bộ ngành, dự kiến gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào quý 2 năm 2021 và trình Chính phủ trong năm 2022.

Dự thảo Nghị định Quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế là nhằm hướng đến việc tạo các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế...

Để  hiểu rõ hơn những điểm mới của Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, cũng như hướng tác động nếu văn bản này được thông qua, phóng viên kênh VOVGT đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hảo, Chuyên viên Vụ pháp chế Bộ Y tế, đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng Dự thảo Nghị định này:

- PV: Thưa bà, xin bà cho biết những điểm nổi bật của dự thảo nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế?

- Về những điểm chính nổi bật của dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, trong đó bao gồm đầy đủ các thông tin, dữ liệu phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành y tế. Những thông tin dữ liệu này được hình thành từ các thông tin dữ liệu về y tế dự phòng đến các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, thông tin dữ liệu về lĩnh vực dược, mỹ phẩm như là thông tin về thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc nhập khẩu, dù là vì giá thuốc hay là giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế .

Bên cạnh việc xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, dự thảo nghị định cũng đưa ra các quy định liên quan đến việc phân cấp quản lý dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.  Theo đó, dự thảo quy định Bộ Y tế sẽ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ phải có trách nhiệm trong việc cung cấp, cập nhật các thông tin, dữ liệu và sẽ được quyền khai thác, sử dụng theo phân quyền trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế sau này.

- PV: Theo dự thảo Nghị định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, các thông tin dữ liệu về tiêm chủng bệnh truyền nhiễm bệnh không lây nhiễm và dữ liệu hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ được cập nhật. Quy định này giúp ích như thế nào đến việc quản lý dữ liệu sức khỏe của người bệnh?

- Những thông tin dữ liệu về y tế dự phòng, thông tin về hồ sơ, sức khỏe cá nhân sẽ phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng mô hình dịch tễ của từng bệnh trên phạm vi toàn quốc cũng như là mô hình dịch tễ của từng bệnh trong từng vùng miền ở nước ta. Từ đó, hoạch định chính sách liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh cũng như cung cấp được các thông tin dữ liệu cho việc xây dựng các chính sách cũng như chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đối với người dân, những thông tin về phòng bệnh, về hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ giúp cho mỗi người dân sẽ tự biết được và tự quản lý được các thông tin về sức khỏe của mình một cách liên tục cũng như suốt đời. Những thông tin này cũng sẽ giúp cho đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ sẽ khai thác được các thông tin tiền sử của người bệnh, từ đó sẽ đưa ra được chỉ định, chẩn đoán và điều trị phù hợp, kịp thời.

- PV: Thưa bà, đến nay Ban soạn thảo Nghị định đã nhận được những ý kiến đóng góp đáng chú ý như thế nào?

- Có thể kể đến một số ý kiến rất là đáng chú ý như sau. Một số bộ đề nghị cần phải rà soát lại các thông tin đưa ra trong dự thảo nghị định để bảo đảm các thông tin đưa ra phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn được quy định tại Nghị định số 47 năm 2020 của Chính phủ quy định về việc quản lý kết nối, và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan quản lý nhà nước.

Một số ý kiến cũng đề nghị là cần phải cụ thể đồng bộ tất cả các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế để bảo đảm việc tổ chức hiện sau này.

Tất cả những ý kiến đó, hiện nay thì chúng tôi cũng đang tổng hợp để xây dựng bản tổng hợp tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể tất cả các ý kiến góp ý. Trên cơ sở đó sẽ chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị định trong thời gian tới.

PV: Vâng xin cám ơn những chia sẻ của bà.

---

 

Những quy định mới của Dự thảo Nghị định Cơ sở dữ liệu y tế quốc gia sẽ tác động tới hoạt động của các cơ sở y tế và quá trình khai thác, chia sẻ dữ liệu... Về vấn đề này, phóng viên kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Việt Cường, Trưởng bộ môn Tin học Y tế, Đại học Y tế Công Cộng, Hà Nội.

- PV: Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của việc xây dựng nghị định này?

- Tôi đánh giá, việc có Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia y tế và liên thông số liệu là một việc làm thực sự cần thiết, nó đáp ứng được chủ trương số hóa của Chính phủ Việt Nam cũng như những chiến lược số hóa y tế.

Nghị định cũng đưa ra những định hướng về việc chia sẻ về việc khai thác và sử dụng dữ liệu, Tôi cho rằng đây là một định hướng rất đúng và mang tính tiếp cận hiện đại trong xã hội số.

- PV: Hầu hết các lĩnh vực thuộc ngành y tế đều có cơ sở dữ liệu riêng nhưng thiếu sự kết nối và chia sẻ. Nếu dự thảo Nghị định này được thông qua nó có thể khắc phục được bất cập này ?

- Tôi nghĩ là nghị định này đưa ra một điểm, đó là tất cả cá nhân mà thuộc trong ngành y tế khi có nhu cầu dùng dữ liệu thì cần phải đệ trình lên Bộ Y tế văn bản và Bộ Y tế sẽ xem xét cân nhắc cho phép sử dụng cơ sở dữ liệu theo các quy mô khác nhau.

Nghị định này quy định về mặt pháp luật cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc trong đó quy định rất rõ, khai thác, sử dụng như thế nào cho hiệu quả để đảm bảo về mặt an ninh, an toàn cho hệ thống dữ liệu này. Cho nên Nghị định này giúp cho chúng ta kết nối nhiều hơn. Còn để thay đổi về mặt kết nối còn rất nhiều yếu tố về cơ sở hạ tầng, phát triển nền tảng kết nối, thì những cái này Bộ y tế cũng đã làm việc này rồi. Nghị định này giúp đảm bảo về mặt pháp luật chúng ta sẽ làm được.

PV: Nếu Nghị định này được thông qua thì theo ông những nhóm đối tượng nào sẽ chịu tác động?

- Kết nối dữ liệu cả ngành lại từ tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo thực hành đều có những tác động nhất định, họ phải tham gia vào quá trình số hóa này. Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất đúng của Nhà nước mà nó đi theo hướng tác động tích cực. Tất nhiên bên cạnh đó, các cơ sở đều phải đầu tư thêm về con người, về cơ sở hạ tầng rồi, về quy trình làm việc. Tôi nghĩ là cũng không thể diễn ra trong một sớm một chiều được và nó cũng sẽ cần một thời gian vài năm thì chúng ta có thể bắt đầu làm từ từ và thay đổi.

PV: Vâng xin cám ơn ông!

Tình trạng người bệnh không nắm được những thông tin về sức khỏe của bản thân, phải làm lại nhiều xét nghiệm mỗi khi chuyển viện hay phải chờ đợi lâu do thủ tục hành chính kéo dài do các cơ sở y tế chưa có sự chia sẻ, liên thông về dữ liệu vẫn đang diễn ra lâu nay, gây khó khăn cho người bệnh và chính hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong khi đó, một số lĩnh vực lại có số liệu thống kê manh mún, thiếu tập trung, nhiều thông tin bị trùng lặp hay không thể thực hiện việc kết nối dữ liệu phục vụ cho quản lý, khiến việc khai thác số liệu mất nhiều thời gian.

Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế nếu được thông qua, sẽ là nền tảng, là căn cứ giúp khắc phục những bất cập này, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và giúp cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế được tốt hơn.

---

Bạn có góp ý gì cho Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến qua hotline 02437.91919, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 13h15, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc  nghe lại trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple podcast và Google Podcast

Tags:
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

// //