Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Những bài học về ứng phó sự cố môi trường sau vụ cháy Rạng Đông

Phóng viên - 09/09/2019 | 9:02 (GTM + 7)

Công tác khắc phục được dự đoán sẽ mất nhiều thời gian và chi phí. Sự cố lần này cũng để lại những bài học đắt giá về công tác ứng phó, sự sẵn sàng trước các sự cố môi trường.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hiện trường vụ cháy kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông
Hiện trường vụ cháy kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông

Hơn 1 tuần sau vụ cháy kho nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đến ngày 4/9 vừa qua, việc phủ bạt, che kín hiện trường vụ cháy mới được Công ty Rạng Đông triển khai, nhằm cô lập khu vực cháy, tránh để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra ngoài môi trường.

Theo khảo sát của Phóng viên VOV Giao thông, một số bậc phụ huynh trong khu vực đã tạm thời không đưa con em đến lớp do những tác động xấu của không khí nhiễm độc có thể ảnh hưởng đến các em.

Cô giáo Vũ Thị Mây, giáo viên tại trường Chăm sóc trẻ thơ cho biết, từ ngày xảy ra vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, số lượng học sinh đi học giảm đáng kể:

“Bình thường đi học 65 – 68 bạn, hôm nay đi khoảng 5 bạn, trường mình nằm ở sau công ty Rạng Đông nên tâm lý của mọi người cũng rất hoang mang và lo lắng. Công ty Rạng Đông cần nhanh chóng dọn dẹp tro bụi và công bố cho người dân biết rằng: Thời điểm nào sẽ dọn dẹp, khử độc bằng cách nào, sau thời gian bao lâu và sau khi hoàn thành phải có kết quả mức độ ô nhiễm như thế nào”.

Trong khi đó, đa số người dân đã bắt đầu đổ xô đến Trạm y tế phường Hạ Đình để khám sức khỏe miễn phí theo chủ trương của UBND thành phố. Họ tỏ ra hết sức lo lắng và hoang mang khi những văn bản khuyến cáo về sức khỏe mỗi lúc một khác.

“Chúng tôi rất hoang mang vì mỗi thông điệp đưa ra đều có sự điều chỉnh và mâu thuẫn nhau, chưa biết tin vào cơ sở nào. Bà con chúng tôi vẫn đang động viên nhau là tự bảo vệ mình theo cách của mình. Tất cả các thông tin liên quan về môi trường đều qua các kênh truyền thông mà chúng tôi biết được. Còn phía nhà máy chưa có động thái gì để quan tâm đến người dân chúng tôi ở đây”

“Sau hôm cháy đến giờ sức khỏe của tôi cũng bị ảnh hưởng, mà ảnh hưởng nhất là cháu nhà tôi 3 tuổi đã phải đi nằm viện rồi. Mà chúng tôi không thấy có thông báo gì cả, chỉ thấy là phường Hạ Đình thông báo trên mạng chứ chưa thấy thông báo trực tiếp”.

Rõ ràng, việc minh bạch thông tin, đưa ra khuyến cáo một cách kịp thời, nhất quán đến người dân đã không được cơ quan chức năng các cấp tiến hành nhịp nhàng và hiệu quả. Minh chứng rõ nét là trước Công bố của Bộ Tài nguyên Môi trường tối 3/9 về các chỉ số môi trường trong khu vực, gần 100 người dân đã tự bảo nhau đi xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu, mà không có được bất cứ sự hướng dẫn nào từ cơ quan chức năng.

Người dân khu vực bán kính 500m nơi xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đến khám sức khỏe miễn phí.
Người dân khu vực bán kính 500m nơi xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đến khám sức khỏe miễn phí.

Đánh giá về phản ứng của chính quyền địa phương, nơi xảy ra vụ cháy nhà máy Rạng Đông, PGS. TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện xã hội học cho rằng, có những sự lúng túng nhất định. Và chính điều đó làm hạn chế trong tư duy và khả năng ứng phó, thể hiện vai trò của chính quyền địa phương với vấn đề an sinh và khắc phục sự cố.

“Về thái độ, ý thức trách nhiệm thì chính quyền địa phương là có. Nhưng có lẽ người ta chưa hình dung ra được sự việc nảy sinh trong thời điểm như vậy, mà với sự chuẩn bị dường như là không có. Thế có nghĩa rằng, tính sẵn sàng để ứng đối có lẽ là còn hạn chế”.

Trong khi đó, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lưu ý tới sự thiếu thống nhất trong công bố thông tin, khi UBND phường Hạ Đình ra khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm trong bán kính 1km từ nhà máy, nhưng sau đó UBND quận Thanh Xuân lại thu hồi văn bản với lý do: phường không đúng thẩm quyền và không đủ cơ sở khoa học.

“Theo đánh giá của tôi thì phường mà đưa ra hướng dẫn rất kịp thời. Tuy hơi muộn chút nhưng vấn để là cần kịp thời hướng dẫn cho nhân dân phải làm gì, quần áo như nào, sử dụng nước ra sao, thức ăn nước uống như thế nào. Trên tinh thần là phải phòng ngừa, chứ không phải đợi đến lúc công bố mấy biện pháp an toàn như thế thì quá chậm. Không có thì may chứ có thì còn kịp thời xử lý”.

Thực tế đã chứng minh và theo lời ông Hoàng Văn Thức -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trả lời báo chí mới đây, văn bản của UBND phường Hạ Đình ban hành 1 ngày sau vụ cháy là cần thiết. Việc UBND quận sau đó “tuýt còi” văn bản này bị dư luận cho là “cứng nhắc” và “vô cảm”.

Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc công ty luật Phạm Danh nêu quan điểm:

“Những nội dung của UBND phường Hạ Đình hoàn toàn phù hợp với các khuyến cáo được ban hành sau đó của Bộ Tài Nguyên và môi trường. Việc UBND quận Thanh Xuân sau đó ra quyết định thu hồi văn bản của UBND phường Hạ Đình là một sự áp dụng cứng nhắc và thể hiện sự không thống nhất trong cách xử lý sự cố giữa các cấp chính quyền cũng như việc thông tin tới người dân, gây nên sự hoang mang trong dư luận, đặc biệt là người dân trong khu vực xảy ra vụ cháy”.

Luật sư Phạm Thành Tài viện dẫn điều 109 của Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định về ứng phó với sự cố môi trường: Thứ nhất, tổ chức cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, tổ chức cứu người, tài sản kịp thời, thông báo cho chính quyền địa phương hoặc là những cơ quan chuyên môn để bảo vệ môi trường nơi mà xảy ra sự cố. Thứ hai là sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào, thì người đứng đầu cơ sở địa phương đó phải có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố.

Thứ ba là sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở địa phương thì người đứng đầu cơ sở địa phương nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm phối hợp ứng phó và trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố ở cơ sở địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cho cơ quan cấp trên để trực tiếp kịp thời huy động các cơ sở địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường. Và cơ sở địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng phó với sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.

Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, ở đây là pháp luật dân sự.

Cán bộ Viện Hóa học Môi trường Quân sự lấy mẫu vật tại hiện trường vụ cháy. Ảnh: BCHH
Cán bộ Viện Hóa học Môi trường Quân sự lấy mẫu vật tại hiện trường vụ cháy. Ảnh: BCHH

Đồng tình quan điểm này, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh trách nhiệm của Công ty Rạng Đông, khi chậm trễ thông báo bao nhiêu bóng đèn, hóa chất, đặc biệt là thủy ngân, bị cháy. Công ty này đưa ra những biện pháp như đang xử lý một vụ cháy thông thường, dẫn đến sự hoang mang về thông tin trong dư luận.

“Trong luật bảo vệ môi trường 2014, nhà máy đấy phải có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường. Thế rồi người phê duyệt phải biết rằng là trong trường hợp như thế thì có nguy cơ môi trường nào xảy ra. Phải có các thiết bị theo dõi, phải tập huấn giống như là phòng cháy chữa cháy vậy. Người ta phải biết khi sự cố như thế thì phải làm như thế nào và ai làm, rồi thông báo tới ai. Thế nhưng chắc là kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường đấy rất là sơ sài”.

Trao đổi với VOV Giao thông, các chuyên gia đều chung nhận định: Nhiều cơ sở sản xuất hiện nay xem nhẹ kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, các cấp chính quyền cũng chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát nội dung này, đặc biệt là việc di dời cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư lẽ ra phải thực hiện từ lâu, không phải chờ đến lúc xảy ra sự cố mới tiến hành.

Bộ Tài nguyên Môi trường đã ra khuyến cáo người dân có biện pháp tự bảo vệ trong bán kính 500m từ hàng rào nhà máy, đề nghị Bộ Quốc phòng tẩy độc khu vực, UBND TP Hà Nội vào cuộc giám sát, khám sức khỏe miễn phí người dân chịu ảnh hưởng, đồng thời mời các chuyên gia, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm hỗ trợ. Theo thống kê mới nhất, gần 30kg thủy ngân đã phát ra môi trường, hiện có 82 trường hợp xét nghiệm ở bệnh viện Bạch Mai có kết quả nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép).

Công tác khắc phục được dự đoán sẽ mất nhiều thời gian và chi phí. Sự cố lần này cũng để lại những bài học đắt giá về công tác ứng phó, sự sẵn sàng trước các sự cố môi trường.

Tags:
Ý kiến của bạn
Tận dụng tủ cáp viễn thông làm trạm sạc xe điện

Tận dụng tủ cáp viễn thông làm trạm sạc xe điện

Mới đây, công ty viễn thông hàng đầu Vương quốc Anh, British Telecom đã thể hiện sự sáng tạo của mình bằng cách “hô biến” tủ cáp điện thoại thành các trạm sạc xe điện.

Khai thác đất trái phép và những hệ lụy đau lòng

Khai thác đất trái phép và những hệ lụy đau lòng

Hơn 2 năm qua, hàng chục hecta đất ruộng của người dân ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị bỏ trống không thể dùng để làm nông nghiệp. Nguyên nhân do những đối tượng xấu thời gian trước đây đến dụ dỗ người dân với mục đích mướn và mua đất để canh tác lúa.

Phụ huynh bối rối khi con sắp nghỉ hè

Phụ huynh bối rối khi con sắp nghỉ hè

Sau ngày 31/5 học sinh cả nước bước vào kỳ nghỉ hè, đây cũng là lúc các bậc phụ huynh đau đầu với việc tổ chức một kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn cho con em mình.

Sử dụng camera AI để giám sát, phát hiện hành vi nguy hiểm trên cao tốc

Sử dụng camera AI để giám sát, phát hiện hành vi nguy hiểm trên cao tốc

Tính đến hết tháng 04/2024, nước ta đã có khoảng 2000km đường bộ cao tốc. Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hệ thống đường bộ cao tốc cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Sốt ruột với các dự án chống ngập

Sốt ruột với các dự án chống ngập

Mùa mưa sắp đến, người dân đang hết sức sốt ruột vì các dự án chống ngập trên địa bàn TP.HCM, trong đó có dự án chống ngập 10.000 tỷ đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Rõ ràng, việc chống ngập là việc quan trọng, cần có quy hoạch và phải ưu tiên bố trí vốn.

Phạt nguội xe máy: Kêu khó nhiều rồi, làm đi

Phạt nguội xe máy: Kêu khó nhiều rồi, làm đi

Đề xuất phạt nguội với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm luật giao thông đã nhiều lần được đề cập, song đều chưa thực hiện được, trong khi vi phạm với xe máy ngày càng phổ biến, TNGT liên quan đến xe máy cũng ngày càng nhiều.

Tưởng tỉa cành, ai ngờ... cắt trụi

Tưởng tỉa cành, ai ngờ... cắt trụi

Trái ngược với vẻ xanh mát, rợp bóng cây, rực rỡ sắc hoa bằng lăng, hoa phượng ở một số con đường, tuyến phố của Hà Nội, tại một số ngõ rộng trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy) những hàng cây lâu năm bị cắt trụi, chỉ còn lại thân chính và đến nay mới chỉ nẩy lưa thưa một số mầm cây.

// //