Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Xây dựng cơ sở dữ liệu, “vá” lỗ hổng thông tin về bạo lực gia đình

Minh Hiếu: Thứ hai 27/05/2024, 14:17 (GMT+7)

Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình. Cơ sở dữ liệu này sẽ được xây dựng, quản lý, khai thác như thế nào? Liệu có xóa được “lỗ hổng” thông tin về bạo lực gia đình...?

Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo gồm 4 chương, 22 điều: Những quy định chung; Xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ chức thực hiện; Điều khoản thi hành.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình là tập hợp nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, được xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng thống nhất trên toàn quốc; được chuẩn hóa, số hóa, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, xây dựng chính sách phòng, chống bạo lực gia đình và nhu cầu tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 6 của dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền tạo lập, cập nhật dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình gồm: trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố với các vụ việc bạo lực gia đình do tổ dân phố phát hiện; công chức văn hóa - xã hội, cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch cấp huyện, cấp tỉnh; các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cơ quan có liên quan.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng, cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt. Phù hợp với khung kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, các quy định về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quy định pháp luật khác có liên quan; đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu và kỹ thuật, công nghệ thông tin.

Việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và pháp luật có liên quan, được kết nối sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch thông qua số định danh cá nhân.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm và dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình để chuẩn hóa, số hóa dữ liệu bảo đảm việc kết nối được thông suốt.

Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Ảnh minh hoạ: newstalk

Ảnh minh hoạ: newstalk

NHÂN SỰ THIẾU, YẾU

Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình cần thiết ra sao và có vai trò thế nào trong việc triển khai công tác phòng, chống bạo lực gia đình? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PV: Bà có đánh giá thế nào về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định này?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Việt Nam là quốc gia rất nỗ lực trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan.

Tuy nhiên, vấn đề bạo lực gia đình vẫn còn nhức nhối. Nạn nhân trong bạo lực gia đình thường là phụ nữ và trẻ em, những đối tượng yếu thế và khó chống đỡ; thậm chí, trẻ em nhỏ tuổi còn không có bất cứ một khả năng tự vệ nào.

Và bạo lực gia đình gây nhiều hệ lụy xấu, ví dụ, trẻ em sống trong gia đình có bạo lực thì tương lai của các em sẽ gặp nhiều vấn đề, rất dễ sau này các em trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc gây bạo lực gia đình. Đó là còn chưa kể bạo lực gia đình gây thương tích, tạo gánh nặng cho an sinh xã hội.

Với thực trạng đó, bên cạnh những chính sách chúng ta đã có, thì những quy định khác như cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình rất là cần thiết.

PV: Bà đánh giá thế nào về những nội dung đáng chú ý được đề cập trong dự thảo Nghị định?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Nếu chúng ta muốn phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới thì dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình phải đảm bảo đúng, đủ và được khai thác, quản lý thống nhất, được chuẩn hóa,…

Tôi thấy dự thảo Nghị định có những nội dung rất quan trọng như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; vấn đề duy trì, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; về tổ chức thực hiện thì xác định trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành có liên quan.

Một nội dung vô cùng quan trọng là những trường thông tin trong quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, gồm có hệ thống văn bản, chính sách pháp luật; hay những chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình đã được cơ quan nhà nước ban hành. Đây là “cẩm nang” rất quan trọng cho những người làm công tác gia đình nói riêng và công tác tuyên truyền nói chung.

Thông tin này còn yêu cầu chúng ta phải thống kê được số người được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; thống kê số vụ bạo lực gia đình, số nạn nhân bị bạo lực gia đình, những người có hành vi bạo lực gia đình, số người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình,…

PV: Bà kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này nếu được ban hành?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Thứ nhất, những người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn quốc có “cẩm nang” chung, thống nhất để tiến hành công việc bài bản, khoa học và chính xác hơn.

Bởi vì hiện nay, số lượng người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình từ cấp cơ sở đến trung ương hiện nay vẫn còn rất thiếu. Và ở cấp cơ sở vẫn còn rất yếu, thậm chí có người làm công tác kiêm nhiệm, họ còn khó khăn trong việc thống kê, sưu tầm các văn bản có giá trị pháp lý liên quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Thế thì khi chúng ta xây dựng cơ sở dữ liệu này thì họ sẽ có cẩm nang vững chắc về mặt pháp lý.

Thứ hai, nếu như những giải pháp không bắt nguồn từ thực tế thì rất khó để phát huy hiệu quả. Có rất nhiều vụ bạo lực gia đình mà chúng ta chưa thống kê được khi nạn nhân không lên tiếng và cơ quan chức năng không biết.

Tuy nhiên, tôi hy vọng có con số thống kê tương đối đầy đủ, chúng ta đánh giá được một cách chính xác hơn tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam trong những thời điểm nhất định như thế nào. Từ thực trạng đó, chúng ta sẽ xây dựng được hệ thống giải pháp toàn diện hơn và sát thực hơn.

PV: Xin cảm ơn bà!

 "CÓ LÀ MỪNG RỒI'

Các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần lưu ý những thông tin gì khi xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình? PV VOV Giao thông phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) về nội dung này.

PV: Từ thực tế hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, theo bà, các cơ quan chức năng cần lưu ý những nội dung gì khi xây dựng cơ sở dữ liệu?

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA). Ảnh: Congly.vn

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA). Ảnh: Congly.vn

Bà Nguyễn Vân Anh: Khi biết về dự thảo thì thực sự tôi rất vui mừng. Năm 1997, khi chúng tôi bắt đầu làm chương trình đầu tiên về bạo lực gia đình thì không có một chút cơ sở dữ liệu nào. Thống kê của làng xã, bệnh viện, công an,… cũng rất là ít ỏi.

Đến giai đoạn 2007 - 2008, khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời và thực hiện, việc tìm kiếm cơ sở dữ liệu bạo lực gia đình về nạn nhân, thủ phạm,… cũng vô cùng hạn chế. Cho dù hơi muộn nhưng tôi nghĩ có là mừng rồi. 

Khi xây dựng cơ sở này, chúng ta phải tham khảo ý kiến của các nhà hoạt động xã hội, nhà nghiên cứu trực tiếp làm về lĩnh vực này, những nhà hoạch định chính sách và cả những người trong cuộc nữa, đó là nạn nhân và thủ phạm.

Nếu mình biết trong một năm, số người bị bạo lực gia đình là bao nhiêu? Mức độ nặng nhẹ phải đến bệnh viện là bao nhiêu? Mức độ ra tòa là bao nhiêu? Mức độ công an phải giải quyết là bao nhiêu?… thì nó sẽ rất quan trọng trong việc tính toán hoạt động của chúng ta có tác dụng không, giúp cho bộ phận can thiệp biết được tình trạng bạo lực hiện tại như thế nào, thúc đẩy can thiệp theo hướng nào.

Mỗi một năm trôi qua bao nhiêu % GDP đã phải tiêu tốn vì bạo lực gia đình, từ thuốc chữa, đến hệ thống cán bộ trợ giúp từ cảnh sát đến hội phụ nữ, hội hòa giải đến các bác sĩ, y tá tại bệnh viện, tòa án,… những con số mọi người phải đầu tư thời gian để giải quyết là bao nhiêu?

Hoặc bao nhiêu người đã chết vì bạo lực gia đình? Các hình thức chết khác nhau như thế nào: bị đánh chết, tự tử,… Có bao nhiêu nhà tạm lánh để phụ nữ tạm thời đến trú? Những người gây ra bạo lực là ai?  Thuộc thành phần nào? Có yếu tố rượu hay ma túy,… bao nhiêu %?

Chúng ta đã có những hình thức xử phạt nào? Bao nhiêu người bị xử phạt theo các hình thức khác nhau? Trong những nhóm đấy thì nhóm nào có sự thay đổi hiệu quả nhất?

Từ tất cả những cái đó, chúng ta sẽ thấy được đang thiếu gì, thừa gì, cần bổ sung chỗ nào, trình độ nhận thức của những người trực tiếp tham gia có cần bổ sung hay không. Mình làm một thời gian, mình phát hiện ra cần bổ sung cái này, cái kia, nhưng chúng ta cứ làm đã, có đã, thì chúng ta mới biết có thể sửa chữa nó như thế nào.

PV: Theo bà, nếu dự thảo Nghị định này được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Bà Nguyễn Vân Anh: Nghị định này ra đời thì trước tiên niềm vui lớn là với những người hoạch định chính sách, thực hiện các chương trình, từ nay trở đi thì cơ sở dữ liệu của quốc gia là căn cứ để người ta xây dựng.

Nạn nhân hoặc nhân dân có thể chưa nhìn thấy đâu, nhưng tác động với những người hoạt động là các chương trình được thiết kế một cách thiết thực và phù hợp thực tế dựa trên các con số đã có, từ đó tác động dần dần đến người dân.

Tôi nghĩ nó góp một phần lớn vào việc phòng, chống bạo lực gia đình, vì làm gì cũng phải dựa trên bằng chứng, căn cứ thì mới nhìn rõ sự thay đổi.

PV: Xin cảm ơn bà!

Bạo lực gia đình luôn là vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận những năm qua, và tiếp tục làm “nóng” nghị trường quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đang diễn ra.

Báo cáo cho thấy Việt Nam có trên 3.200 vụ bạo lực gia đình bị phát hiện trong năm 2023; trong đó, khoảng 2.600 nạn nhân là nữ giới, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với hơn 1.500 vụ, 129 trong gần 3.000 người có hành vi bạo lực gia đình đã bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo, đa số họ cho rằng đó là chuyện bình thường. Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của nhà chức trách khi vụ việc nghiêm trọng.

Thực tiễn công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho thấy, cơ sở dữ liệu là bằng chứng quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước. Nhưng hiện nay, việc thu thập thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được khách quan, chính xác, kịp thời và còn thiếu nguồn lực để thực hiện. Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa có sự kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình là hết sức cần thiết và cấp bách.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này? Nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts. 

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP Thủ Đức nói gì về bữa ăn trường học bất ổn, học sinh bán vé số, giáo viên phát tờ rơi?

TP Thủ Đức nói gì về bữa ăn trường học bất ổn, học sinh bán vé số, giáo viên phát tờ rơi?

Sau phản ánh của Kênh VOV Giao thông về câu chuyện “quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” tại trường THCS Lương Định Của, TP Thủ Đức, TP.HCM, ngay sau đó Kênh VOV GT đã gửi công văn đến UBND TP Thủ Đức để tiếp tục yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề tồn tại ngôi trường này.

Hạnh phúc trong khó khăn

Hạnh phúc trong khó khăn

Có một ngôi trường nằm ở quận đông dân nhất cả nước, học sinh phần lớn là con em gia đình công nhân, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhưng từ đầu năm 2024, ngôi trường này đã được trang bị ti vi thông minh và kết nối internet, phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập.

Vì sao Bộ Công an đề xuất tăng gấp 6 lần mức phạt với hành vi vươt đèn đỏ?

Vì sao Bộ Công an đề xuất tăng gấp 6 lần mức phạt với hành vi vươt đèn đỏ?

Theo dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, do Bộ Công an soạn thảo chuẩn bị trình Chính phủ ban hành, hành vi vượt đèn đỏ dược đề xuất tăng đáng kể mức phạt.

GPMB Vành đai 2 TP.HCM: Tiếp thu và lắng nghe nhiều hơn để xử lý nhanh hơn

GPMB Vành đai 2 TP.HCM: Tiếp thu và lắng nghe nhiều hơn để xử lý nhanh hơn

Đến nay vẫn còn không ít người tỏ ra băn khoăn, chưa đồng thuận vì mức giá đền bù “chưa sát với thị trường”, các phương án định giá nhà ở đất ở chưa phù hợp hay địa điểm tái định cư còn xa… Các ý kiến này cần được lắng nghe, tiếp thu một cách cầu thị, thấu đáo từ các ngành chức năng.

Những chiếc giỏ xe

Những chiếc giỏ xe

Nếu như trên phố chính, xe đạp chủ yếu phục vụ người đi thể dục, đi chơi, đi làm ở quãng đường ngắn, hoặc chở hoa quả rong…thì trên những đường phố nhỏ hơn, nó là bạn đồng hành đến trường của con trẻ. Nhưng điều thú vị không nằm ở chiếc xe, mà ở những chiếc giỏ xe – những chiếc giỏ lộn ngược.

Bộ máy nhà nước cần tinh gọn công năng

Bộ máy nhà nước cần tinh gọn công năng

Câu chuyện thời sự lớn nhất trong những ngày này chính là cuộc cách mạng tinh giản bộ máy theo tinh thần của Tổng bí thư Tô Lâm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Tinh thần đó cần được cụ thể hóa như thế nào?

Quản hoa quả vỉa hè, đồ ăn thức uống khác thì sao?

Quản hoa quả vỉa hè, đồ ăn thức uống khác thì sao?

Như VOV Giao thông đã đề cập, TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, nhằm xóa bỏ những điểm kinh doanh tự phát tại vỉa hè, lòng đường không đảm bảo an toàn thực phẩm.