Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Vĩnh Long: Sạt lở cù lao Minh, 60 nhân khẩu trắng tay cận Tết

Kim Loan: Thứ năm 08/12/2022, 21:49 (GMT+7)

Tết Nguyên đán đã gần kề, bỗng dưng tai họa ập tới, tất cả nhà cửa và tài sản bị nhấn chìm trong dòng nước xoáy. Đó là tình cảnh của 13 hộ dân sống trên cù lao Minh ( xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) sau vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào chiều ngày 5/12.

Tình hình khẩn cấp, địa phương phải sơ tán 60 nhân khẩu ra khỏi vùng bị ảnh hưởng và lực lượng quân sự phải túc trực 24/24 để ứng phó vì theo nhận định của ngành chuyên môn, sạt lở vẫn còn đang đe dọa.

"Bây giờ đang ở nhờ nhà người ta chứ chưa có biết ở đâu nữa."

"Lỡ hồi 4-5 giờ chiều gì đó, tôi không còn nhớ và biết cái gì nữa rồi. Tôi cứ ngồi lang thang, ngồi ngoài bờ ngoài bụi như thế này. Tối thì ngủ nhờ nhà đứa cháu."

"Vườn toàn chôm chôm với nhãn xuồng bán được mười mấy triệu/năm. Định bụng o bế lại khu vườn mà bây giờ trôi xuống sông hết rồi, lấy cái gì mà o nữa."

Bà Thu, chị Tư, anh Thảo và còn rất nhiều nhân khẩu khác đang phải sống cảnh “màn trời chiếu đất” sau cơn giận dữ của thiên nhiên, đã lấy đi tất cả nhà cửa, vườn tược và tài sản của bà con. Mấy chục năm cắm sào, canh tác và vun đắp mảnh đất thiêng liêng màu mỡ, nay người dân trên cù lao Minh phải đau lòng chứng kiến thảm cảnh trắng tay. Đã 03 ngày sau khi sự cố sạt lở xảy ra, người dân ở xã Hòa Ninh vẫn còn bàng hoàng sợ hãi.

Trong 1 tiếng đồng hồ, 13 hộ dân ở cù lao Minh mất tất cả

Trong 1 tiếng đồng hồ, 13 hộ dân ở cù lao Minh mất tất cả

Đưa cho chúng tôi xem một Video Clip mà người dân đã quay lại được cái cảnh nhà sụp – vườn tan, anh Võ Minh Thảo không cầm được nước mắt. Mấy mươi năm vun vén, anh Thảo trồng cây ăn trái, nuôi hàng chục tấn cá để chờ cung ứng tết, gia đình khấp khởi mừng thầm về cái Tết đủ đầy. Nhưng không ngờ, chỉ vỏn vẹn mấy chục phút, tất cả tài sản tích cóp chục năm đã bị sụp đổ xuống sông.

Anh Thảo mất toàn bộ ngôi nhà và mảnh vườn, ở vị trí sạt lở, những cây dừa cao 4m chỉ còn thấy phần ngọn giữa dòng nước xoáy đục ngầu. Nhiều khu vườn trồng xoài, trồng nhãn, chôm chôm…  đang độ sung sức cũng bị “hà bá” “cạp” sâu một phần diện tích. Anh Võ Minh Thảo – sống tại ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ chua xót cho hay:

"Mình vừa phát hiện là nó ập tới liền vì nhà mình cách sông chỉ có 30m, sụp một cái là tới nhà mình, nước tràn vô mấy hầm cá. Mình chỉ kịp chạy vô lấy giấy tờ chạy ra là cái sân bị sụp, húc luôn cái chân của mình."

Sự cố sạt lở đất xảy ra vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 5/12, trên tuyến sông Cổ Chiên. Điểm sạt lở hoàn toàn nằm trong địa phận Tổ 9 và Tổ 10 của ấp Bình Thuận 1. Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, vụ sạt lở đã nhấn chìm phần đất của người dân đang sinh sống và canh tác với chiều dài khoảng 500 mét, rộng khoảng 200 mét, làm ảnh hưởng đến 22 hộ dân với 58 nhân khẩu. Trong đó có 13 căn nhà bị nước nhấn chìm hoàn toàn, 02 ao nuôi cá, 10 hecta đất vườn cây ăn trái. Ứớc tổng thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.

Nhà cửa, tài sản bị 'hà bá' nuốt trọn

Nhà cửa, tài sản bị "hà bá" nuốt trọn

Bản thân người dân sống trong vùng sạt lở  cho rằng, tai họa quá bất thường vì tốc độ sụp đất rất nhanh, nhiều và lấn sâu vào bờ. Bà Nguyễn Thị Kim Tư – một trong những hộ bị sạt lở tại ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh kể rằng:

"Nghe thấy rau mát ( loại rau thủy sinh nước ngọt sống ven các con sông lớn ở ĐBSCL) đùa đùa vào kênh rạch. Cứ tưởng người ta chạy ghe đến lấy củi, mà lấy củi thì nước cũng đâu có bị đùa dợn sóng sâu vào rạch. Nước đục kẹo, rồi nghe ầm ầm thì thấy lở khúc ngoài sông. Thường thì lở ngoài mé sông, nếu có lở tiếp thì cả tháng sau mới sạt sâu vào bờ. Còn cái này chỉ trong 1 tiếng đồng hồ sụp toàn bộ cả chục công đất, chưa từng thấy cảnh này."

Để hỗ trợ người dân cũng như động viên tinh thần của các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề sau khi bị sạt lở, chính quyền địa phương huyện Long Hồ đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ, huy động lực lượng Công an, Quân sự và các lực lượng khác di dời, hỗ trợ người dân đến ở tạm tại các nhà trọ trên địa bàn, số còn lại ở tạm nhà người dân lân cận chờ giải quyết. Trung tá Nguyễn Thành Nhân – Trưởng Công an xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết:

"Chính quyền địa phương cùng các mạnh thường quân trên địa bàn đã hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng về tiền và các nhu yếu phẩm cần thiết, bố trí nơi ở tạm thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở. Hiện, khu vực sạt lở trên vẫn còn diễn biến phức tạp vì vậy chúng tôi luôn túc trực 24/24 tại khu vực này."

Liên ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Long đã lập đoàn khảo sát và đang tham mưu UBND tỉnh cần thuê đơn vị độc lập khảo sát địa chất để tìm nguyên nhân. Đáng lưu ý, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long đã nhận định đây là vụ sạt lở “kỳ lạ”, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh cũng cho hay, nằm cách điểm sạt lở 500m đang có 01 mỏ cát của doanh nghiệp trong giai đoạn gần hết hạn khai thác.

Một số diện tích cây ăn trái đang độ sung sức đã bị nhấn chìm

Một số diện tích cây ăn trái đang độ sung sức đã bị nhấn chìm

Trước báo cáo này, ông Nguyễn Văn Liệt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu công an tỉnh kết hợp kiểm tra, tăng cường xử lý cát lậu và Sở TN&MT phải nhanh chóng trình UBND tỉnh cho dừng khai thác mỏ cát trên. Đồng thời địa phương nhanh chóng rà soát, hộ dân nào trong diện đủ điều kiện tái định cư thì cấp đất ngay, đủ điều kiện xây nhà thì xây ngay, không để người dân chờ đợi, giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.

Sông Cổ Chiên là một nhánh của sông Tiền, dài 82 km, bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long, chảy ra Biển Đông. Con sông này là ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Tình trạng xói mòn bờ sông khá phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long từ hơn chục năm nay chiếm 12% diện tích cả nước.

Mỗi năm, khu vực mất từ 300-600 hecta đất. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở do khai thác cát quá mức làm dòng chảy của sông thay đổi. Từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các bộ ngành trình Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL hơn 6.600 tỷ đồng để xử lý sạt lở, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển.

Cù lao Minh được bao bọc bởi các nhánh của sông Tiền là sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Đây là vùng đất cồn đã được hình thành lâu đời với truyền thống làng nghề thủ công mỹ nghệ và bánh kẹo. Bên cạnh đó, hiện nay, phần lớn diện tích đất nông nghiệp trên cù lao Minh đang canh tác cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái đã giúp cho kinh tế của 02 địa phương tăng trưởng đều trong nhiều năm.

Cây dừa cao 4m nay chỉ còn thấy được phần ngọn

Cây dừa cao 4m nay chỉ còn thấy được phần ngọn

Tuy nhiên, trên cù lao thuộc địa phận huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nhiều năm nay, người dân cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở rải rác nhiều nơi. Nghiêm trọng nhất là vụ nhấn chìm 13 căn nhà mới đây đã cảnh báo một “kịch bản” thiên tai đang chực chờ ập đến bất cứ lúc nào.

Dù là nguyên nhân vẫn còn đang được ngành chức năng tìm hiểu nhưng với diễn biến khó lường, cuộc sống hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đòi hỏi địa phương phải quyết liệt hơn trong công tác phòng ngừa và có giải pháp nhanh chóng để bảo vệ diện tích đất sản xuất cũng như ổn định sinh kế của người dân trên xứ cù lao bốn bề là nước.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn