Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Góc Nhìn

Số lượng cấp phó, bao nhiêu là đủ?

Quách Đồng: Thứ hai 18/12/2023, 15:08 (GMT+7)

Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Đáng chú, tại dự thảo, Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với số lượng cấp phó phòng trong các cơ quan thuộc Cục, thuộc Bộ.

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 101/2020, nghị định 47/2019 và nghị định 120/2020 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là dự thảo nghị định về số lượng cấp phó) do Bộ Nội vụ soạn thảo gồm 3 Điều: Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị định số 101/2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 47/2019 quy định về cơ quan thuộc Chính phủ và Điều khoản thi hành.

Cụ thể, tại Điều 1 của dự thảo Nghị định về số lượng cấp phó, Bộ Nội vụ đề xuất: phòng thuộc cục thuộc bộ được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cục hoặc được giao tham mưu về công tác quản trị nội bộ của cục; Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 7 biên chế công chức trở lên.

Về số lượng cấp phó của người đứng đầu Phòng, Bộ Nội vụ đề xuất: Phòng thuộc Cục thuộc Bộ có từ 7 - 9 biên chế công chức được bố trí 1 cấp phó; có từ 10 - 15 biên chế công chức được bố trí không quá 2 cấp phó; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 cấp phó. Phòng thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ có từ 5 - 7 biên chế công chức được bố trí 1 cấp phó; có từ 8 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 cấp phó.

Về số lượng cấp phó của người đứng đầu Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ, dự thảo nghị định về số lượng cấp phó quy định: Chi cục có từ 1 - 3 phòng được bố trí 1 cấp phó; có từ 4 phòng trở lên được bố trí không quá 2 cấp phó; Chi cục không có phòng được bố trí không quá 2 cấp phó.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ được bố trí bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.

Đối với vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 4 tổ chức trở lên, dự thảo nghị định quy định Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.

Đối với bệnh viện hạng 1 trở lên, đơn vị sự nghiệp y tế làm nhiệm vụ kiểm soát và phòng chống bệnh tật tuyến tỉnh hạng 1 trở lên; trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô từ 40 lớp trở lên theo dự thảo nghị định được bố trí không quá 3 cấp phó…

Dự thảo Nghị định quy định về số lượng cấp phó trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành và các địa phương. Dự thảo nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Chính phủ ban hành.

Bộ Nội vụ đề xuất, phòng thuộc Cục thuộc Bộ có từ 7-9 biên chế được bố trí 1 cấp phó

Bộ Nội vụ đề xuất, phòng thuộc Cục thuộc Bộ có từ 7-9 biên chế được bố trí 1 cấp phó

DƯ THỪA PHÓ PHÒNG?

Vì sao Bộ Nội vụ đề xuất các quy định để bổ nhiệm số lượng cấp phó trong các cơ quan nhà nước? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Võ Kim Sơn, nguyên trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia.

PV: Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, Phòng thuộc Cục thuộc Bộ có từ 7-9 biên chế công chức được bố trí 1 cấp phó, có từ 10 - 15 biên chế được bố trí không quá 2 cấp phó, từ 16 biên chế trở lên bố trí không quá 3 cấp phó. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?

PGS. TS Võ Kim Sơn: Câu chuyện đặt ra là lấy tiêu chí gì để xác định số lượng cấp phó? Có phải là tiêu chí số lượng người làm việc trong một tổ chức để xác định số lượng cấp phó? Nếu như xác định như trong dự thảo, trong rất nhiều văn bản từ trước đến nay, số lượng cấp phó thì căn cứ vào quyết định thành lập, ít người thì ít phó mà nhiều người thì nhiều phó. Triết lý ấy đúng hay sai?

Câu hỏi thứ hai là, vậy thì cấp phó sinh ra để làm gì? Họ sẽ quản lý những vấn đề gì khi cấp phòng mà có 9 người, 10 người hoặc  20 người họ quản lý những vấn đề gì? Quản lý tiền à, quản lý người à, quản lý tài chính à, quản lý tiền lương à, quản lý biên chế à…. thì mình mới xác định được công việc quản lý để chia ra cho 2 người, hoặc 3 người trong một phòng thì là những công việc gì? Đây đúng bản chất là vị trí việc làm đấy.

Vậy có đúng không, có đủ công việc cho họ làm không một định suất như vậy không? Nếu không trả lời được câu đấy thì chẳng có ý nghĩa gì là bao nhiêu cấp phó cả. Vì vậy mà xưa người ta bảo không phải là cần nhiều cấp phó để làm gì cả, mà cần nhiều cấp phó chỉ vì để đi họp.

PV: Ông có cho rằng, nếu áp theo quy định này, số lượng phó phòng trong các cơ quan nhà nước sẽ dư thừa?

PGS. TS Võ Kim Sơn: Chẳng ai xác định được bao nhiêu mà bảo là thừa hay thiếu. Khi người ta bảo cho tôi đến tối đa được 2 cấp phó, thì tôi chẳng dại gì không cho cấp phó cả. Bởi vì ai cũng muốn có cấp phó để có phụ cấp, để có lương. Cho nên không có cơ sở nào để trả lời là thừa hay thiếu. Nếu mà Chính phủ quy định không quá 5, thì dứt khoát người ta sẽ đến 5, Chính phủ quy định không quá 3, người ta sẽ dứt khoát đến tối đa là đến cấp 3 chứ chẳng ai là một cả.

Vậy nên mình không có cơ sở nào để tính toán cả. Cho nên dù có nghị định ra đời đi nữa, có quy định như thế nào đi nữa thì hai đáp án trên kia không trả lời được thì cuối cùng người ta cứ quy định bao nhiêu, người ta sẽ lấy bấy nhiêu, chẳng sợ gì mà thừa thiếu cả.

PV: Theo ông, vì sao câu chuyện thừa cán bộ vẫn diễn ra, dù năm nào cũng tinh giản biên chế?

PGS. TS Võ Kim Sơn: Quy định là “tối đa không quá 4”, “tối đa không quá 5” thì cứ thế mà lấy thôi. Nhưng bây giờ nếu như tôi chẳng hạn, tôi không cần ông phó nào cả, có được không? Đố tôi mà dám khi mà tôi được quy định có 5 phó. Vì người ta đã quy định thế, cho nên thừa đúng là ở Việt Nam rất lớn, bởi vì từ phòng trở lên có tối thiểu một phó rồi, chưa nói 2, 3, 4, 5, mà phòng bây giờ là nhiều vô kể rồi, một Sở cũng có 6 phòng, chưa kể cả ban nữa. Cho nên do quy định của mình thôi, nhưng quy định lại không dựa vào hai câu hỏi bên trên.

PV: Xin cảm ơn ông.

SỐ LƯỢNG CẤP PHÓ BAO NHIÊU THÌ PHÙ HỢP

Việc đặt ra những quy định mới về số lượng phó phòng trong các cơ quan nhà nước đã phù hợp? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn TS. Trần Minh Sơn, Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành Nghị định này.

TS. Trần Minh Sơn: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101, Nghị định số 47 và Nghị định số 120 về số lượng cấp phó được thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 18; Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó một trong những nhiệm vụ, giải pháp là quy định số lượng biên chế tối thiểu được thành lập tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức phù hợp với đặc điểm từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp)

TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp)

PV: Với những quy định tại dự thảo, đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó hay chưa? Theo ông cần bổ sung những gì?

TS. Trần Minh Sơn: Đây là Nghị định sửa đổi đổi, bổ sung ngắn, đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết hiện nay khi Đảng và Nhà nước đang có các chỉ đạo tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời phù hợp với Quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 thì sẽ có khoảng 2.234.720 biên chế.

Tuy vậy, theo tôi, dự thảo Nghị định cần lưu ý theo hướng: Đảm bảo tính chủ động, linh hoạt và phát huy vai trò trách nhiệm của các lãnh đạo cơ quan trong việc bố trí, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, đối với những đơn vị có quy mô nhỏ cần quy định số lượng cấp phó tối đa; đối với những đơn vị có quy mô vừa và lớn, cần quy định số lượng cấp phó bình quân để đảm bảo cho việc điều tiết số lượng cấp phó phù hợp với đặc điểm và quy mô của các đơn vị trong từng thời kỳ.

Hai là, bổ sung số lượng cấp phó cao hơn cho những đơn vị có quy mô lớn, ngoài căn cứ số lượng tổ chức cấu thành, cần dựa vào quy mô biên chế, hoặc các tiêu chí tương đương; tránh việc chỉ quy định việc bố trí cấp phó theo số lượng tổ chức sẽ dễ dẫn đến xu hướng phát sinh tăng tổ chức để được bố trí số lượng cấp phó cao hơn.

Đối chiếu với thực tế, Phòng thuộc Cục thuộc Bộ có từ 7 - 9 biên chế công chức được bố trí 1 cấp phó, có từ 10-15 biên chế được bố trí không quá 2 cấp phó, từ 16 biên chế trở lên được bố trí không quá 03 cấp phó… liệu có thừa hay thiếu cấp phó hay không? Giải quyết khắc phục thế nào?

Theo tôi, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101, Nghị định số 47 và Nghị định số 120 về số lượng cấp phó là phù hợp, không thừa không thiếu. Tuy nhiên cần tính đến các trường hợp Phòng có thể đến 50 biên chế đối với mỗi phòng thì như thế nào? Trong trường hợp này, theo tôi, có thể đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì vẫn giải quyết được các công việc được giao.

PV: Xin cảm ơn ông.

***

Theo Bộ Nội vụ, lâu nay có nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, bất cập về việc thực hiện số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức và hoạt động có tính chất đặc thù như: Cục có mô hình tổ chức nhiều cấp, địa bàn quản lý liên tỉnh, biên chế lớn...; Chi cục quản lý theo khu vực, liên huyện... nhưng thường bị cào bằng số lượng cấp phó giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, chưa tạo sự chủ động cho các địa phương.

Vì vậy, dự thảo nghị định về số lượng cấp phó do Bộ Nội vụ soạn thảo nhằm khắc phục những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo nghị định này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Phố quen ngày nghỉ lễ

Phố quen ngày nghỉ lễ

Phố quen mà lạ - điều mà không ít người ở Hà Nội đã nhận ra trong những ngày nghỉ lễ dài. Phố phường có thể có một chút mới lạ, đôi chút xáo trộn khác với thường nhật, cùng nhiều cảm xúc khác nhau trong cảm nhận của mỗi người, nhưng đúng là bước chân qua phố những ngày này thấy thật khác.

Chuyện nhà cổ trăm năm Huỳnh Phủ

Chuyện nhà cổ trăm năm Huỳnh Phủ

Có dịp về xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre không khó để du khách tìm đến nhà cổ Huỳnh Phủ với tuổi đời hơn một thế kỷ.

Người trẻ và câu chuyện bảo vệ môi trường

Người trẻ và câu chuyện bảo vệ môi trường

Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm vừa qua, các dự án, nhóm cộng đồng, câu lạc bộ của những người trẻ yêu môi trường ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

5 ngày nghỉ lễ: TNGT giảm, nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao

5 ngày nghỉ lễ: TNGT giảm, nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao

Kết thúc 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, mặc dù tình hình TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, song có những thời điểm, TNGT tăng cao so với bình thường.

Xe điện tạo ‘cơn sốt vàng’ cho các nhà sản xuất lốp ô tô

Xe điện tạo ‘cơn sốt vàng’ cho các nhà sản xuất lốp ô tô

Thị trường lốp ô tô lâu nay luôn được xem là ‘đấu trường’ cạnh tranh gay gắt, tăng trưởng chậm, tỷ suất lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, sự phát triển của ô tô điện đang mang đến nhiều cơ hội mới.

Thành công cứu nạn thuyền viên tàu chở xi măng mắc cạn tại khu vực biển Nam Định

Thành công cứu nạn thuyền viên tàu chở xi măng mắc cạn tại khu vực biển Nam Định

Đến 15h30 phút ngày 30/4/2024, tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 411 thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã tiếp cận, cứu nạn thuyền viên tàu SUNRISE 268 bị nạn tại vùng biển cửa Ba Lạt, Xuân Thủy, Nam Định.

Tự giác đội mũ bảo hiểm bắt đầu từ chính... chiếc mũ

Tự giác đội mũ bảo hiểm bắt đầu từ chính... chiếc mũ

Trong tư tưởng và hành động của hầu hết cha mẹ đều có ý thức muốn bảo vệ con em mình, vậy nhưng, chiếc mũ bảo hiểm giúp giảm thiểu được chấn thương cho trẻ khi sự cố không may xảy ra lại đang bị xem nhẹ.