Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Rừng cho kinh tế mới

Kim Loan: Thứ sáu 14/04/2023, 14:40 (GMT+7)

Rừng phòng hộ từ trước đến nay gánh “sức mệnh” là vệ môi trường, chống sạt lở và bảo tồn đa dạng sinh học. Những năm gần đây, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu trở nên hấp dẫn hơn với du khách khi được khai thác kinh tế kết hợp với du lịch.

Đến Bạc Liêu thời điểm này, du khách có thêm nhiều sự lựa chọn cho cung đường du lịch, trong đó các điểm du lịch sinh thái dọc theo tuyến ven biển là những điểm nhấn ấn tượng. Nổi bật trong số đó là Nông trại Tôm Khỏe, Vườn nhà Tôm, khu du lịch sinh thái Hương Rừng.

Không chỉ tận hưởng không khí trong lành, thỏa sức check-in với cảnh sắc rừng, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động như: Lội vuông bắt ốc len, đổ lú thu hoạch tôm, cua và thưởng thức ẩm thực trên bè nổi.

Bạc Liêu có 4.550 hecta rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển để bảo vệ vững chắc 56km bờ biển Đông trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Từ năm 2020, Bạc Liêu triển khai giao khoán đất lâm nghiệp cho người dân, hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình vừa sản xuất, vừa bảo vệ rừng. Những mô hình sinh thái ra đời từ ý tưởng của nông dân.

Khai thác du lịch đã giúp cho rừng phòng hộ Bạc Liêu trở nên hấp dẫn

Khai thác du lịch đã giúp cho rừng phòng hộ Bạc Liêu trở nên hấp dẫn

Ông Trần Bình Lộc - Giám đốc Ban quản lí Rừng đặc dụng phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Trong phần đất mình khoán cho hộ dân được chia tỷ lệ 4-6. 60% diện tích là rừng, 40% diện tích là bãi bồi. Dưới bãi bồi đó, dân sẽ nuôi trồng thủy sản, vừa giữ rừng vừa có thêm kinh tế."

Với mô hình tôm - cua - cá dưới tán rừng, năng suất bình quân các loài thủy sản thu hoạch được từ 550 - 700kg/hecta, các hộ thu lãi từ 50 - 100 triệu đồng/hecta/năm. Bên cạnh hưởng lợi từ việc nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản, các hộ nhận giao khoán đất rừng còn được hỗ trợ chi phí giao khoán bảo vệ với mức 450.000 đồng/hecta/năm.

Để phát huy tiềm năng và khai thác dư địa của du lịch sinh thái rừng, Ban Quản lý Rừng đặc dụng – phòng hộ ven biển tỉnh đang xây dựng Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu của Đề án là phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, đảm bảo hài hòa giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Ông Lê Tấn Cận – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, rừng sẽ là tài nguyên để phát triển kinh tế trong tương lai của địa phương: "Quản lý rừng cũng phải kết hợp phát triển kinh tế - du lịch. Các mô hình hiện nay tỉnh đang chỉ đạo là vừa bảo vệ rừng, kết hợp phát triển kinh tế gắn với nuôi trồng thủy sản. Nhưng phát triển du lịch với điều kiện không hủy hoại rừng, các cam kết và tiêu chí phải được đặt ra rõ ràng đảm bảo mật độ rừng và phát triển diện tích."

Trong công tác quản lý - bảo vệ rừng, điều quan trọng nhất là đảm cuộc sống người dân xung quanh tán rừng. Bạc Liêu đã thí điểm và bước đầu có hiệu quả. Sự sống lan tỏa và sinh kế nông dân giữ rừng bền vững sẽ là yếu tố để Bạc Liêu mở rộng hình phát triển kinh tế dưới tán rừng trong thời gian tới.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn