Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở xã hội: Làm sao cho bền vững?

Như Ngọc - Thùy Linh: Thứ ba 26/03/2024, 20:19 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, kèm theo chính sách thuế phù hợp để phát triển nhà ở xã hội. Quỹ nhà ở xã hội nên được hiểu thế nào? Lập quỹ nhưng làm thế nào để duy trì quỹ hoạt động hiệu quả, bền vững?

Ở góc độ chính sách tài chính, thời gian qua Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, trong đó có pháp luật về thuế, phí và lệ phí nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G-Home (doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội) hiện tại chính sách thuế nhà ở xã hội được nhà nước ưu đãi với mức VAT 5% là hợp lý; cộng với miễn thuế sử dụng đất 0 đồng. Tuy nhiên, trực tiếp làm việc với người dân mua NƠXH, ông Nam cho rằng cái mà họ cần hơn là một chính sách vay vốn được lâu dài và ổn định:

"Theo ghi nhận của bên tôi thì họ có được cỡ khoảng 20-30% tổng giá trị căn hộ và họ rất mong muốn có nguồn lãi suất ổn định lâu dài để vay trong 20-30 năm dưới hình thức mua nhà trả góp. Giả sử trung bình 1 căn NƠXH tồn tại trên thị trường rẻ cũng độ 500-600tr. Thế nhưng người ta có 500-600tr thì đó không phải người cần hỗ trợ chính sách rồi. Chúng ta chỉ hướng tới những người chỉ có khoảng 100-200tr thôi mà vẫn mua được nhà. Rất cần chính sách về quỹ hay chính sách hỗ trợ tài chính tại các ngân hàng, các gói vay giúp cho người dân có thể trả nợ được lâu dài và ổn định."

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Khi nói đến chính sách thuế cho hoạt động xây dựng nhà ở xã hội, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có những ưu đãi và cũng đạt được mong muốn nhất định của các chủ đầu tư cũng như người mua nhà. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực tiễn có rất nhiều vấn đề phát sinh. Do đó để hoàn thiện hơn chính sách thuế cho NƠXH, ông nêu quan điểm:

"Áp dụng vào thực tiễn chúng ta thấy hoạt động đầu tư xây dựng cũng như mua bán NOXH đang có rất nhiều vấn đề, cả về thuế đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thuế với các mặt hàng nguyên vật liệu liên quan đến hoạt động xây dựng nhà ở và cả với những quy định thu nhập với cá nhân được mua nhà. Cho nên việc chúng ta rà soát chỉnh sửa các quy định về thuế cũng như cac cơ chế chính sách tài chính liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng NƠXH là cần thiết."

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, cùng với việc yêu cầu nghiên cứu chính sách thuế phù hợp, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội.

Các chuyên gia đồng tình với chỉ đạo này của Thủ tướng bởi việc này sẽ giúp huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào phát triển nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Hội môi giới bất động sản Việt Nam lấy ví dụ về việc nếu có Quỹ nhà ở xã hội thì sẽ có thể giải quyết được câu chuyện giải phóng mặt bằng đang còn rất nhiều vướng mắc về tài chính:

"Thứ nhất ở đây về việc lập quỹ chúng ta phải thấy là chúng ta phải huy động được các nguồn lực. Ví dụ như NN hàng năm có thể trích 1 khảon từ các nguồn thu là bao nhiêu tiền để chúng ta giải phóng ặmt bằng đc những quỹ đất sạch. Do vậy việc chỉ đạo thành lập quỹ vì chúng ta làm gì cũng phải có nguồn lực, chúng ta không có nguồn lực để triển khai NƠXH thì mọi thứ chỉ mới là được thực hiện trên cơ sở gọi là sự cố gắng của các DN tham gia giống như đóng góp xã hội chứ chưa thể có nguồn lực thực sự để triển khai."

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết việc xây dựng Quỹ phát triển nhà ở xã hội đã được nhiều quốc gia thực hiện. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà nhà nước sẽ đầu tư một phần vốn của mình hình thành các quỹ này, tiếp theo là các tập đoàn lớn trong các ngành nghề cũng đầu tư để góp vốn cho quỹ để xây dựng nhà ở xã hội. Việc sử dụng quỹ cũng tuỳ theo đặc điểm, tình hình và yêu cầu của từng quốc gia. Ông Thịnh phân tích thêm:

"Có người chỉ dùng quỹ đó để hỗ trợ lãi suất vay cho các chủ đầu tư và người mua nhà. Nhưng cũng có quốc gia sử dụng quỹ này như một bộ phận để xây dựng và phát triển NƠXH. Rõ ràng việc chúng ta mong muốn xây dựng 1 quỹ phát triển NOXH cũng là 1 trong những điều cần thiết. Chúng tôi cho rằng cần có nghiên cứu một cách đầy đủ, cụ thể đa dạng từ đó chúng ta mới có được quỹ phát triển NOXH vừa đáp ứng được yêu cầu trước hết là phát triển 1 triệu căn NƠXH theo chương trình của chính phủ, thứ 2 là phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam."

Một khu nhà ở xã hội tại Bình Dương. Ảnh: Đỗ Trường/Thanh niên

Một khu nhà ở xã hội tại Bình Dương. Ảnh: Đỗ Trường/Thanh niên

Ở góc độ doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội nhiều năm qua, ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G-Home nhận định, dù bất cứ nguồn quỹ nào thì cũng sẽ có một phần tiền thuế của toàn dân, do vậy làm sao để sử dụng quỹ một cách hiệu quả và bền vững là câu chuyện cần phải bàn tới. Chúng ta dùng quỹ hỗ trợ cho một nhóm đối tượng trong lúc họ cần. Vậy sau này khi họ có khả năng tài chính hơn, bán căn nhà ở xã hội được mua thì cũng cần có cơ chế để giúp quỹ phát triển bền vững:

"Doanh nghiệp chỉ kiến nghị thay cho người dân để quỹ đó bền vững và lâu dài thì quan điểm chúng ta chỉ hỗ trợ trong lúc họ cần. Họ cần là gì? Họ cần là họ chưa có nhà thì họ cần phải vay, họ cần được hỗ trợ cái quỹ đó để họ đc mua nhà. Tuy nhiên đến lúc họ bán nhà thì chúng ta phải định nghĩa là họ đã khá khẩm lên rồi và không cần sự hỗ trợ nữa và họ cần phải giả lại cho nhà nước những gì họ được hỗ trợ: bao gồm tiền sử dụng đất, thuế VAT, những lãi suất ưu đãi mà họ đã được hưởng thì họ cũng nên trả lại thì quỹ đó mới lâu dài."

Các chuyên gia đều đồng tình với chủ trương của Thủ tướng chính phủ về việc giao Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở xã hội và chính sách thuế phù hợp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện thì chúng ta mới có được một Quỹ nhà ở xã hội bền vững, đáp ứng được nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội.

Như Ngọc - Thùy Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn