Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Nhịp cầu giao thông

Những người có trách nhiệm nói gì về nghi vấn “bảo kê” cho sai phạm?

Nhóm PV: Thứ tư 28/12/2022, 11:16 (GMT+7)

“Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?”, “Ai đứng đằng sau ngành dịch vụ trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường?” là chủ đề các loạt phóng sự trước đây VOV Giao thông đã đề cập về hiện trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm, trục lợi.

Vậy đến nay, thực trạng vấn đề này có chuyển biến như thế nào? Lực lượng chức năng, những người có trách nhiệm nói gì về nghi vấn “bảo kê” cho sai phạm?

NHỜN LUẬT

Một tối cuối tuần tháng 9/2022, nhóm phóng viên theo chân tổ công tác liên ngành quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xử lý vi phạm một bãi xe trước cửa số nhà 22B Hai Bà Trưng, thuộc địa bàn phường Tràng Tiền.

Bãi xe này được Lê Thu Hoa và Nguyễn Thanh Tùng, trú tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng quản lý, với diện tích chiếm dụng vỉa hè 100m2. Ban đầu, đối tượng Tùng khẳng định bãi xe được cấp phép, liên tục gọi điện nhờ người nhà mang giấy tờ ra.

Cậu à, cậu mang giấy phép ra bãi xe nhé. Có các anh công an với nhà báo đang ở đây. Vâng, mang ra hết để các anh kiểm tra. Các anh chờ để xem ạ, em cũng mới làm ở đây.

Sau đó, đối tượng đổi lời khai, tự nhận trông xe không phép và chấp nhận nộp phạt 12,5 triệu đồng theo biên bản xử lý của Đội cảnh sát giao thông-trật tự Công an quận Hoàn Kiếm, 10 triệu đồng theo 3 biên bản xử lý của công an phường Tràng Tiền.

untitled-0912

Xác minh của phóng viên cho thấy, vỉa hè số nhà 22b Hai Bà Trưng đúng là có phép theo lời khai ban đầu của đối tượng. Cụ thể, vị trí này được UBND quận Hoàn Kiếm cấp giấy phép số 206 cho Công ty TNHH thương mại đầu tư Gia Khánh thuê 51m2 để tạm thời trông giữ xe đạp, xe máy, thời hạn từ 1/7 đến 31/12/2022.

Tuy nhiên, tại thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra, không hề có sự hiện diện của nhân viên công ty Gia Khánh. Đáng chú ý, giấy phép được cấp từ tháng 7, nhưng đối tượng trông xe trái phép khai nhận đã hoạt động liên tục tại đây cả tháng trời.

Điều bất ngờ là Trung tá Nguyễn Tuấn Khiên, Phó trưởng công an phường Tràng Tiền, sau đó lại giải thích: Công ty Gia Khánh có cử người đến trông xe, đối tượng trông xe trái phép đã tràn ra các khoảng đất trống giữa các số nhà 22, 22b và 23 Hai Bà Trưng. Một sự thật hết sức khó hiểu khi đơn vị được cấp phép lại để mặc cho các đối tượng bên ngoài tràn vào địa bàn được cấp phép để ngang nhiên vẫy xe thu tiền!?

Khi được hỏi liệu có sự móc ngoặc giữa đơn vị được cấp phép với các đối tượng vi phạm, nhằm “ve sầu thoát xác”, “ăn gian” diện tích vỉa hè, “móc túi” người gửi xe, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Khiên cho biết:

Về tình huống đồng chí vừa nêu, thì cũng có thể đặt ra như thế. Nhưng sau khi chúng tôi kiểm tra, thì công ty Gia Khánh đã cử nhân viên ra trông xe tại đấy. Còn đối tượng trông xe trái phép Thanh Tùng kia đã không còn xuất hiện ở khu vực đấy nữa rồi

Thực tế, trưa ngày 23/12/2022, hơn 3 tháng sau khi bị xử lý, có thính giả gửi cả ảnh và clip về đường dây nóng VOV Giao thông xác nhận rằng, đối tượng Thanh Tùng vẫn công khai vẫy xe thu tiền giữa ban ngày tại 22b Hai Bà Trưng!?

 

untitled-0918

Đối chiếu với khá nhiều sai phạm phổ biến ở các điểm trông giữ xe được cấp phép trên địa bàn phường Tràng Tiền nói riêng, quận Hoàn Kiếm nói chung như VOV Giao thông từng phản ánh, dư luận có quyền nghi ngờ về khẳng định của chính quyền sở tại, khi ông Tạ Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền nói rằng, các đơn vị trông giữ xe chấp hành rất tốt các quy định!

Các công ty được kinh doanh về việc trông giữ xe đều chấp hành rất tốt về diện tích, không thu quá giá. Nhưng một số cá nhân của công ty đó, vì mục đích cá nhân, họ có hành vi là trông thu quá giá quy định, kể cả trông quá diện tích. UBND phường thường xuyên có cán bộ đi kiểm tra, khi phát hiện sẽ lập biên bản, xử lý phạt theo quy định, răn đe, yêu cầu công ty chấm dứt hợp đồng với cá nhân vi phạm, làm ảnh hưởng tới công ty, ảnh hưởng tới quản lý giao thông tĩnh trên địa bàn.

Ở một bãi xe khác do công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội quản lý trên phố Trần Bình Trọng (đối diện bảo tàng Công an Nhân dân), một nhân viên trông xe cho biết, đã được công ty làm hợp đồng giao khoán, tức là hàng tháng họ phải nộp về công ty một khoản tiền cố định, còn lãi hay lỗ, nhân viên nhận khoán diện tích vỉa hè đó tự chịu. Từ đây, vì vấn đề tối đa hóa lợi ích, nguồn thu, nên một loạt vấn đề như thu tiền không vé, không hợp đồng, quá giá, quá diện tích đã nảy sinh.

anh-thay-0922

Như vậy, về mặt quản lý nhà nước, UBND cấp quận, Sở GTVT thành phố đang cấp phép cho các công ty trông xe chuyên nghiệp để cáng đáng việc trông giữ phương tiện trên diện tích công sản. Tuy nhiên, khi các vấn đề vi phạm xảy ra, người chịu trách nhiệm chính lại là cá nhân nhân viên trông xe.

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm chia sẻ một biện pháp cứng rắn với các cơ sở trông giữ xe vi phạm nhiều lần:

Chúng tôi đã tham mưu làm văn bản nếu như điểm trông giữ xe nào dù là Sở GTVT cấp hay UBND quận cấp vi phạm 1 năm 3 lần trở lên thậm chí rút giấy phép, không cho chủ cơ sở đấy được phép kinh doanh, thay bằng chủ cơ sở khác, không thể xóa điểm trông giữ xe đó vì điểm đó đang phục vụ nhân dân.

Theo nguồn tin của VOV Giao thông, trong 10 tháng đầu năm 2022, có 9 điểm trông giữ xe tạm thời trên vỉa hè, dưới lòng đường tại quận Hoàn Kiếm bị đề nghị tước giấy phép, gồm: 4 điểm trông xe của Công ty Cổ phần 901 trên phố Phủ Doãn, Triệu Quốc Đạt; 2 điểm của Công ty TNHH Tùng Linh trên phố Phủ Doãn; 2 điểm của Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội tại vườn hoa Diên Hồng-hè phố Lê Phụng Hiểu; 1 điểm của Công ty cổ phần truyền thông Khải Hoàn đối diện 46-48 Quán Sứ. Tất cả các điểm này đều trông quá diện tích cấp phép nhiều lần.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, những kiến nghị này chưa được UBND quận Hoàn Kiếm thông qua. Các doanh nghiệp này vẫn được tiếp tục khai thác vỉa hè, lòng đường tại các vị trí vừa nêu để kinh doanh.

Ông Vũ Hoài Nam, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm tỏ ra né tránh khi đề cập tới tiến độ tước giấy phép các cơ sở trông giữ xe vi phạm nhiều lần, mà chỉ nhằm vào trách nhiệm các nhân viên trông xe.

Doanh nghiệp được cấp phép thì chúng tôi có yêu cầu viết cam kết không được tái phạm và có hình thức xử lý các nhân viên được giao ở đấy mà để xảy ra vi phạm

untitled-0923

 Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, dư luận có lý khi hoài nghi chính quyền đô thị, cơ quan chức năng chỉ xử lý mạnh tay với các cá nhân trông xe, hoặc các đối tượng vãng lai nhận trông xe trái phép, mà không truy trách nhiệm đến cùng với các đơn vị được cấp phép. Liệu có sự châm chước, thỏa hiệp?

Nếu có việc “đi đêm” để có được giấy phép đỗ xe thì xã hội ấy không thể tiến bộ được, trở nên phi trật tự hơn, làm văn minh đô thị nhếch nhác hơn. Và các mối quan hệ trở nên thiếu minh bạch. Người ta dễ dàng chấp nhận một sự thỏa hiệp mang tính lạc hậu, thay vì tiến hóa đến ứng xử văn minh hơn

CỤM 6 CAPTION: Có tình trạng “Đi đêm” trong các mối quan hệ thiếu minh bạch xung quanh các bãi xe?

Theo những cách khác nhau, giản đơn có, tinh vi có, những vi phạm tràn lan, công khai của các đơn vị được cấp phép trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường đã được chuyển hóa thành “vi phạm cá nhân”. Phải chăng tình trạng “nhờn luật”, chấp nhận nộp phạt để vi phạm cũng xuất phát từ đây? 

“HỌ” NÓI GÌ VỀ HIỆN TƯỢNG BẢO KÊ?

Một trong những câu chuyện vỉa hè gây ồn ào nhất trong năm 2022 diễn ra tại khu vực ven hồ Tây, Hà Nội, khi người dân, khách bộ hành muốn ngồi ghế đá công cộng buộc phải trả tiền nước. Một số hàng quán, cá nhân đã cố tình xếp ghế nhựa quây kín vỉa hè, ghế đá như một hình thức khẳng định chủ quyền các diện tích và công trình công cộng.

Chia sẻ của anh Anh Quân, một cư dân quan sát hàng ngày tại đây, phần nào phản ánh tính thiếu bền vững của việc xử lý tình trạng này: "Chính quyền ra quân thì những hàng quán ấy bị dẹp, nhưng khi lực lượng đi, họ lại tiếp tục bày bán ra thì vẫn gây ảnh hưởng tới vỉa hè".

Và thực tế sau đó đúng như tiên đoán của vị thính giả này. Tình trạng xử lý kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” ấy được một vị chuyên gia đô thị cảm thán bằng cụm từ “bừa bãi một cách… trật tự”.

untitled-0937

 Ông Võ Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ thừa nhận, khu vực xung quanh hồ Tây và một số tuyến phố cho phép trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường vẫn là những điểm nóng về trật tự đô thị. Khi được hỏi về nghi vấn bảo kê cho sai phạm và trách nhiệm cụ thể để xảy ra lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ông Tùng nói:

Đến thời điểm này về công tác quản lý nhà nước chúng tôi cũng chưa nhận được đơn hoặc ý kiến liên quan đến nội dung chung chi tiền và bảo kê. Chúng tôi khẳng định việc quản lý tuyến đường do UBND phường có trách nhiệm quản lý, ban chỉ đạo 197 các phường trong đó có công an phường là nòng cốt có trách nhiệm ra quân xử lý vi phạm.

untitled-0939

Tại quận Ba Đình, nhiều tháng sau phản ánh của VOV Giao thông, bãi đỗ xe hết hạn giấy phép trên phố Ngọc Khánh cuối cùng đã được lực lượng chức năng giải tỏa. Trong khi đó, 3 điểm trông giữ không phép ở 31 Kim Mã, bờ mương cống hóa Giang Văn Minh, bờ mương Phan Kế Bính cũng đang được xử lý. Theo Công an quận Ba Đình, riêng bãi xe ở 31 Kim Mã do thương binh quản lý, nếu không xin giấy phép, điểm này sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn.

Đề cập nghi vấn của dư luận về việc công an có bảo kê cho sai phạm? Trung tá Nguyễn Anh Huy, đội phó phụ trách Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự quận Ba Đình trần tình:

Về cán bộ chiến sĩ, khi ra ngoài đường, đó là va chạm thực tế với người dân. Có những phản ánh đúng, có những phản ánh trái chiều, có những phản ánh không đúng sự thật nhằm bôi nhọ cán bộ chiến sĩ. Vì sao? Công an va chạm trực tiếp người dân, người vi phạm. Khi bị xử lý, bị mất tiền, không tránh khỏi suy nghĩ xấu, tin đồn xấu về lực lượng công an. 

Trong khi đó, một địa bàn rất phức tạp khác là quận Hoàng Mai. Năm 2021, các bãi đỗ xe trái phép chiếm tỉ lệ tới 50% tổng các bãi đỗ xe trên toàn quận. Điển hình là bãi đỗ xe quây kín các tòa chung cư trong bán đảo Linh Đàm. Mặc dù bị xử lý vi phạm khá thường xuyên, song vẫn tồn tại dai dẳng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy và tài sản của người gửi xe. Thậm chí, một số thính giả phản ánh về đường dây nóng Kênh VOV Giao thông đề nghị giấu tên, địa chỉ vì sợ các đối tượng trả thù.

Khi được hỏi về ý kiến thính giả cho rằng, phải có tiền “chung chi”, “phí ủng hộ” mới được kinh doanh, khai thác trên vỉa hè, lòng đường, ông Trần Quốc Đạt, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai khẳng định, đến nay chưa nhận được đơn thư tố giác về hiện tượng này:

Thành phần trông giữ xe, mà thường rơi vào các bãi xe không phép, thì con người hết sức phức tạp. UBND quận Hoàng Mai kiên quyết xử lý với các trường hợp, không có chuyện gây ảnh hưởng tới quá trình xử lý vi phạm tại các bãi xe. Chúng tôi khẳng định, với các bãi xe vi phạm đã ra quân là xử lý. Sau xử lý, chúng tôi giao cho các địa phương có biện pháp chống tái lấn chiếm, đảm bảo trật tự, kỷ cương.

Ở quận Hoàn Kiếm, phóng viên từng làm việc với UBND các phường có hoạt động trông giữ xe khá phức tạp, vi phạm kéo dài từ vài tháng tới cả năm trời. Nhưng khi được hỏi, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông và ông Tạ Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền vẫn cho biết, các lực lượng sở tại đã làm việc hết sức trách nhiệm và công tâm:

-Có ý kiến phản ánh của nhân dân về việc chúng tôi ngó lơ thì nói với các đồng chí là hoàn toàn không có. Chúng tôi làm hết sức đúng theo chức năng nhiệm vụ. Thế nào thì các cơ quan, Phòng Quản lý đô thị quận đều biết. Phải nói rất thật như thế, chúng tôi không có việc bảo kê hay khuất tất trong việc này cả

-Chúng tôi bao giờ cũng vậy, trước khi vào việc, đều họp tất cả lực lượng từ công an, ủy ban đến cán bộ tự quản để thống nhất quán triệt đã ra làm là phải làm quyết liệt, đúng trách nhiệm của mình. Không vì những cái cám dỗ của các đối tượng mang lại mà lại làm sai hành vi mà họ vi phạm. Dứt khoát chúng tôi không đồng tình và có việc đấy cả.

untitled-0944

Trước đó, chia sẻ nguyên nhân tham gia một buổi kiểm tra đột xuất công tác quản lý trật tự đô thị vào tháng 9/2022, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ với báo chí rằng, qua báo cáo từ các đơn vị chức năng quận, có sự lơ là, buông lỏng quản lý của chính quyền các phường.

Theo thống kê của VOV Giao thông, hiện nay có ít nhất 5 đơn vị được giao xử lý vi phạm liên quan lấn chiếm lòng đường, hè phố, gồm: Đội thanh tra GTVT quận, Đội trật tự 113 Công an thành phố, Thanh tra Sở GTVT thành phố, Công an phường, Công an quận; và 2 đơn vị cấp phép trông giữ xe tạm thời là UBND quận và Sở GTVT thành phố.

Hầu hết đại diện các đơn vị được phỏng vấn đều cho rằng, đã làm việc rất quyết liệt và có tính trách nhiệm cao, không hề bao che, dung túng, bảo kê cho sai phạm. Vậy trước thực tế vỉa hè, lòng đường vẫn đang từng ngày, từng giờ bị chiếm dụng, các hoạt động khai thác trục lợi diện tích công sản vẫn ngang nhiên diễn ra, “trách nhiệm” đó cần được hiểu như thế nào?

KIỂM SOÁT TRÁCH NHIỆM, ĐẨY LÙI LỢI ÍCH NHÓM

Có một nghịch lý là đơn vị nào cũng khẳng định làm việc rất trách nhiệm, không hề bao che cho sai phạm, nhưng thực tế theo khảo sát của VOV Giao thông, không gian công cộng vẫn hàng ngày bị xâm chiếm, trục lợi một cách ngang nhiên.

Với 2 đơn vị cấp phép, 5 đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra liên quan các hoạt động kinh doanh, đỗ xe ở lòng đường, hè phố, việc quy trách nhiệm cho tình trạng nhếch nhác đô thị, trục lợi không gian công cộng ở Hà Nội tưởng dễ nhưng thực ra lại rất khó.

Theo lời Trung tá Nguyễn Anh Huy, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông-Trật tự quận Ba Đình, và ông Võ Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ, họ chưa nhận được thông tin tố giác nào về tiêu cực trong hoạt động của lực lượng chức năng, và cũng chưa có viên chức, chiến sĩ công an nào bị kỷ luật vì để xảy ra sai phạm trên địa bàn phụ trách:

- Công an quận Ba Đình từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp nào vi phạm đến kỷ luật về việc cầm tiền, chung chi của người dân và chưa có phản ánh nào của nhân dân đến công an quận về các tiêu cực này.

-  Toàn bộ vỉa hè thuộc trách nhiệm của quận và giao cho phường quản lý, để xảy ra việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè thì trách nhiệm thuộc về các phường. Đến thời điểm này về công tác quản lý nhà nước, chúng tôi cũng chưa nhận được đơn hoặc ý kiến liên quan đến nội dung chung chi tiền và bảo kê.

untitled-0948

Tại quận Hoàn Kiếm, mặc dù có 9 điểm khai thác đỗ xe vi phạm đến mức bị đề nghị tước giấy phép, tuy nhiên, tính tới thời điểm tháng 12/2022, ông Vũ Hoài Nam, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, chưa có bãi xe nào chịu hình thức xử lý này.

Có hay không việc nhân nhượng, châm chước cho các đơn vị vi phạm như Công ty khai thác điểm đỗ Hà Nội, Công ty Cổ phần 901, Công ty Tùng Linh, Công ty Khải Hoàn…? Vì lý do nào mà các doanh nghiệp vi phạm triền miên nhưng chỉ có nhân viên bị xử lý, sa thải, còn những “ông lớn” ngành dịch vụ trông giữ xe vẫn chưa bị “sờ gáy”, mà chủ yếu bị nhắc nhở?

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Nguyên Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, phân tích, nếu nhìn sâu vào quy trình cấp phép do Phòng quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) Hà Nội cung cấp, gồm bộ hồ sơ 3 loại giấy tờ và quy trình 6 bước nộp hồ sơ, phê duyệt, trả kết quả, thì ngay từ việc cấp phép không thông qua đấu giá, đấu thầu đã là một kẽ hở để hình thành nên lợi ích nhóm. Bởi đây là một quy trình xin-cho khép kín, các thực thể sẽ cố gắng bảo vệ lợi ích cho nhau:

Như chúng ta biết, đó là những bất cập mà người dân không đồng thuận, như là tổ chức những công ty đi trong điểm đỗ xe, hai bên cùng đi tìm chỗ đỗ rồi cấp phép xong rồi thu tiền. Chúng ta không nên duy trì điều đó nữa, mà công khai. Ví dụ, khu vực này, ông ký cấp phép phải công khai có bao nhiêu điểm đỗ ở trong phường này, quận này được phép, rồi mức giá quản lý, rồi đấu thầu. 

Đồng tình quan điểm này, Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, hiện nay, việc cấp phép cho các đơn vị trông giữ xe khá đơn giản và không thông qua đấu giá quyền sử dụng vỉa hè, lòng đường. Các đơn vị thuê được khai thác vỉa hè, lòng đường trong diện tích xin cấp phép trong thời hạn 6 tháng và được gia hạn khi hết thời hạn thuê.

“Có nhiều điểm bất cập như: Giá thuê áp theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về phí tạm thời sử dụng hè phố là quá ít so với lợi nhuận các cơ sở trông giữ xe thu lại được; Việc không thông qua đấu giá quyền sử dụng vỉa hè để trông giữ xe sẽ dẫn đến Nhà nước bị hao hụt ngân sách, không đảm bảo tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp”.

Theo các chuyên gia, điều này dễ dẫn tới việc nhờn luật, không sợ bị xử phạt vì lợi nhuận sau khi trừ tiền phạt vẫn vô cùng hấp dẫn các đối tượng vi phạm. Hà Nội không nhất thiết phải tập trung các điểm đỗ xe vào một số công ty trông xe chuyên nghiệp, trong khi thực chất, các công ty này lại giao khoán cho các cá nhân trông xe.

Doanh thu vào ngân sách nhỏ giọt, mục tiêu kinh tế không đạt được; Việc siết chặt trật tự, kỷ cương hè phố, lòng đường quản không xong; Chênh lệch giá thuê công sản với tiềm năng kinh doanh còn dễ tạo ra cạnh tranh thiết lành mạnh, lợi ích nhóm, tiêu cực, thỏa hiệp giữa người vi phạm với lực lượng chức năng.

untitled-0952

Theo góc nhìn của chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang, nếu Hà Nội thực sự muốn đẩy lùi tận gốc vấn đề, chính quyền đô thị cần xem xét lại chính sách cấp phép trông giữ phương tiện tạm thời ở lòng đường, hè phố. Hà Nội cần quản lý chặt không gian công cộng, không nên để nó bị khai thác, trục lợi để phục vụ một nhóm cá nhân nào đó. Việc thành phố cần làm là tạo ra thị trường bình đẳng cho các nhà đầu tư nghiêm túc có ý định làm các bãi xe tập trung, không thể dựa mãi vào các bãi đỗ xe tạm bợ:

Rõ ràng chủ đầu tư tư nhân đầu tư bãi đỗ xe phải bỏ ra chi phí lớn, phí đỗ chắc chắn cao hơn rất nhiều so với đỗ ở vỉa hè, lòng đường. Do vậy chỉ có thể đạt được mục tiêu thành phố văn minh sạch đẹp khi quản lý được việc đỗ xe trên hè và lòng đường. Khi đó chúng ta mới có thể khuyến khích tư nhân đầu tư.

Tính đến tháng 12/2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã thông báo về việc có thể sẽ tiến tới lộ trình chấm dứt hẳn việc trông giữ ô tô trên vỉa hè, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng sau rất nhiều phản ánh đá lát vỉa hè bị hư hỏng rất nhanh ngay sau khi thi công. Đây có thể xem là một tín hiệu tích cực, cho thấy chính quyền đô thị vẫn có độ mở nhất định trong việc lắng nghe ý kiến của người dân, các chuyên gia.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định: Trong khi chờ những chuyển động chính sách, chờ các thay đổi cơ bản trong các mối quan hệ, lợi ích xung quanh các bãi xe, việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ là vô cùng quan trọng.

Điều đó sẽ tạo ra một hình ảnh đô thị thủ đô văn minh, gọn gàng, có tổ chức, đảm bảo luật nhà nước mang tính chất nghiêm túc. Hơn nữa, chúng ta cũng nên đưa raq quy định về những sự liên kết lợi ích, nếu ai đó lạm dụng chức quyền để thu lợi ích nhóm sẽ trừng phạt như tội tham nhũng. Cần lập đường dây nóng để đảm bảo những đối tượng thu đúng, thu đủ, tố giác người thu sai.

untitled-0955

Không có thước đo nào về trách nhiệm của lực lượng chức năng chính xác hơn chính hình ảnh của lòng đường, vỉa hè, các không gian công cộng. Trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng, lợi ích nhóm đang được Đảng, Nhà nước thực hiện một cách quyết liệt, trong lúc vỉa hè, lòng đường đang nhận sự quan tâm của cả xã hội, ở thời điểm Hà Nội có một thị trưởng mới, tư duy mới, đây sẽ là thời cơ vàng để bộ máy quản trị đô thị nhìn nhận lại các mối quan hệ, lợi ích chẳng chéo xung quanh diện tích công sản, để từ đó, có chính sách rõ ràng, minh bạch, trả lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng.

untitled-0956

 

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.