Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Sáu, 11/4/2025
Sự việc

Mức giãn cách giữa các bậc thuế thu nhập cá nhân quá thấp, người dân chịu thiệt?

Quách Đồng - Hải Hà : Thứ hai 07/04/2025, 06:17 (GMT+7)

Sau 15 năm áp dụng biểu tính thuế thu nhập cá nhân, với 7 bậc từ 5% đến 35% đã giúp tăng thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bậc đóng thuế quá gần và mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp làm tăng số thuế phải nộp khi tổng hợp thu nhập hàng năm.

Bộ Tài chính đang có Tờ trình Chính phủ xin điều chỉnh mức thu nhập phải đóng thuế và các bước tính thuế thu nhập cá nhân. Các chuyên gia có ý kiến như thế nào?

Với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, 2 vợ chồng chị Nguyễn Thu Trang ở quận Thanh Xuân, Hà Nội phải chi tiêu tiết kiệm mới có thể đảm bảo việc ăn học cho một bé đang học mầm non ở Thủ đô. Tuy nhiên, với mức thu nhập này, hai vợ chồng chị Trang đã bắt đầu phải đóng thuế thu nhập cá nhân:

"Một đứa trẻ con nuôi ở thành phố cực kỳ tốn kém, cả tiền học ở trường và tiền học các lớp năng khiếu ngoại khóa tầm 6-7 triệu đồng/tháng. Tiền giảm trừ gia cảnh ít nhất phải 6 triệu vì trẻ con đi học tốn kém, kể cả các bạn học trường mầm non công vẫn phải đi học bên ngoài".

Chị Thanh Huyền, ở quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, giá cả chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nên cần phải điều chỉnh ngưỡng nộp thuế thu nhập cá nhân:

"Bây giờ mức chi tiêu cao lên rồi, nên để ở mức 11 triệu để chi tiêu cho bản thân quá thấp, ít nhất đề ra mức giảm trừ cá nhân từ 13-15 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải từ 7-10 triệu đồng, chứ không thể thấp hơn được".

Giá cả chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nên cần phải điều chỉnh ngưỡng nộp thuế thu nhập cá nhân (Ảnh minh họa: POE AI)

Giá cả chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nên cần phải điều chỉnh ngưỡng nộp thuế thu nhập cá nhân (Ảnh minh họa: POE AI)

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2024, thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước, tương 198 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng thu thuế trên tổng thu ngày một tăng, nhưng theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, điều này chỉ phù hợp với các nước có thu nhập cao, còn đối với  những nước có thu nhập thấp như Việt Nam, tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân chỉ nên chiếm tỷ trọng nhỏ.

Ông Thế Anh cho rằng, sau 5 năm áp dụng, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu: "Mức giảm trừ gia cảnh của bản thân và người phụ thuộc đang là con số ấn định hàng năm và người ta chỉ được điều chỉnh nó khi mà lạm phát tăng đủ 20%. Như vậy rất là lâu, có thể 5-10 năm, thậm chí lâu hơn. Mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp, bậc thuế không phù hợp nên đôi khi đánh cả vào những người có mức sống thấp và trung bình, do vậy chưa phù hợp".

Dữ liệu thuế Thu nhập cá nhân cho thấy, giai đoạn 2020-2024, tổng thu thuế TNCN tăng 72%, cao gấp đôi mức tăng của thu nhập bình quân đầu người, là 30,2%. Theo các chuyên gia đồng nghĩa với việc số thuế phải nộp ngày càng cao so với mức thu nhập thực tế của người dân. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam chỉ ra những bất cập trong cách tính thuế hiện nay:

"Hiện nay, mức điều tiết thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công cao hơn mức điều tiết của thu nhập doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% nhưng được ưu đãi thuế, còn mức thuế cá nhân (có giảm trừ gia cảnh) nhưng lên tới 35%. Những người có thu nhập cao mức điều tiết khá lớn".

Người có thu nhập trung bình phải vật lộn với các bậc thuế dốc đứng, trong khi người có thu nhập cao lại dễ dàng vượt qua (Ảnh minh họa: POE AI)

Người có thu nhập trung bình phải vật lộn với các bậc thuế dốc đứng, trong khi người có thu nhập cao lại dễ dàng vượt qua (Ảnh minh họa: POE AI)

Với 7 bậc thuế, trong khi bậc thuế thu nhập cá nhân hiện nay hơi dày, độ nhảy bậc cao nên nghĩa vụ nộp thuế nhanh thay đổi, chỉ cần có thêm một chút thu nhập đã phải nộp thuế tăng lên, do vậy, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, sẽ gây áp lực cho người nộp thuế:

"Khoảng cách nhảy bậc ở những bậc thuế thấp có xu hướng nhanh hơn ở những bậc thuế thu nhập cao. Điều này gây áp lực lớn cho người có thu nhập trung bình và thu nhập khá vì với chỉ có sự thay đổi nhỏ, họ đã phải nộp mức thuế cao, trong khi đó bậc nhảy đối với những người có thu nhập cao lại chậm. Điều này nó đi ngược lại với mục đích chính của thuế thu nhập cá nhân".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, Bộ Tài chính cần sớm đưa ra bản dự thảo Thuế thu nhập cá nhân cuối cùng để lấy ý kiến, với tinh thần quyết liệt, đồng thời đảm bảo quyền lợi, sự hài hòa lợi ích của người dân:

"Nên áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo tự động trượt. Cái quyết định về mức điều chỉnh thuế nên giao cho Chính phủ. Ví dụ khi lạm phát đến một ngưỡng, Chính phủ tự động duyệt mức thuế theo một ngưỡng mới thay vì chờ Quốc hội họp theo quý hay 6 tháng rất chậm, quy trình phức tạp".

Một số chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng phương pháp điều chỉnh ngưỡng nộp thuế theo hướng linh hoạt và dưỡng thu đối với những người có thu nhập thấp và tăng thu đối với những người có thu nhập cao nhằm đảm bảo công bằng xã hội. 

Người lao động có thu nhập trung bình phải chịu gánh nặng lớn hơn so với thu nhập của họ, trong khi người có thu nhập cao lại dễ dàng hơn (Ảnh minh họa: POE AI)

Người lao động có thu nhập trung bình phải chịu gánh nặng lớn hơn so với thu nhập của họ, trong khi người có thu nhập cao lại dễ dàng hơn (Ảnh minh họa: POE AI)

Với mức thu nhập từ 20-30 triệu đồng, nhiều gia đình sống ở các đô thị lớn phải chật vật xoay xở để đủ đảm bảo cuộc sống sinh hoạt nhưng họ vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân với số tiền không nhỏ so với họ.

Cách tính thuế phức tạp, làm tăng thêm gánh nặng cho những người có thu nhập thấp và trung bình cần phải sớm được điều chỉnh thay đổi, để không làm bào mòn động lực phấn đấn của người lao động.

Đây chính là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông: Gánh nặng bất hợp lý cho người nộp thuế

Thông tin Bộ Tài chính đang sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trong đó, quy định về mức giãn cách giữa các bậc chịu thuế và số bậc thuế được quan tâm hơn cả.

Bởi, nếu nhìn vào biểu thuế thu nhập cá nhân hiện nay, với 7 bậc thuế suất, từ 5% đến 35%, người có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên đã phải nộp thuế, nếu không có người phụ thuộc, từ 15,4 triệu đổng nếu có 1 người phụ thuộc và 19 triệu đồng nếu có 2 người phụ thuộc.

Đa số ý kiến cho rằng, mức giãn cách thuế thu nhập cá nhân hiện nay quá thấp. Bởi chênh lệch từ mức chịu thuế mức 1 với mức 2 chỉ là 5 triệu đồng; từ mức 2 đến mức 3 cũng chỉ giãn cách 5 triệu đồng. Điều này dẫn đến hệ quả là chỉ cần thu nhập tăng nhẹ, người nộp thuế đã bị đẩy vào bậc thuế suất cao hơn, làm giảm thu nhập thực tế và ảnh hưởng đến đời sống.

Chẳng hạn, với người có thu nhập từ 21 triệu đồng/tháng trở lên đã phải chịu thuế thu nhập mức 3, với mức thuế phải nộp từ 5-15%. Trong khi đó, thực tế, những người có thu nhập phải nộp thuế thu nhập bậc 1, bậc 2 và bậc 3 cũng chỉ được coi là ở mức đủ để trang trải cuộc sống.

Đó là chưa kể mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc khá thấp, chỉ 4,4 triệu đồng/tháng, không thể đủ nếu so sánh mức chi tiêu ăn uống, học hành cho một đứa trẻ. Điều này đang tạo ra gánh nặng lớn cho người lao động có thu nhập trung bình.

Nhiều ý kiến cho rằng, với mức giãn cách giữa bậc quá hẹp như hiện nay, người lao động có thu nhập không quá cao vẫn phải đóng thuế ở mức cao, khiến phần thu nhập thực tế bị giảm nhanh chóng. Khi người lao động thấy rằng thu nhập tăng không đáng kể so với số thuế phải đóng, họ có thể mất động lực phấn đấu. Cùng với đó, dù mức sống ngày càng tăng do lạm phát, nhưng mức giãn cách thuế không được điều chỉnh tương ứng, khiến thu nhập thực tế bị bào mòn.

Người lao động có thu nhập trung bình gặp nhiều chướng ngại vật, trong khi những người có thu nhập cao lại dễ dàng tiến bước. Điều này phản ánh áp lực thuế không hợp lý trong xã hội (Ảnh minh họa: POE AI)

Người lao động có thu nhập trung bình gặp nhiều chướng ngại vật, trong khi những người có thu nhập cao lại dễ dàng tiến bước. Điều này phản ánh áp lực thuế không hợp lý trong xã hội (Ảnh minh họa: POE AI)

Bên cạnh đó, mức chênh lệch quá hẹp cũng khiến biểu thuế hiện tại chưa thực sự hướng tới việc đánh thuế cao đối với những người có thu nhập lớn. Nói cách khác, người chưa thực sự có thu nhập cao cũng phải nộp mức thuế suất cao nhất theo quy định hiện hành. Bởi đối chiếu quy định hiện nay, phần thu nhập tính thuế từ 80 triệu đồng/tháng trở lên đã bị áp mức thu nhập cá nhân ở mức cao nhất là 35%.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện cải cách hệ thống thuế thu nhập cá nhân bằng cách nâng mức giãn cách thuế và giảm số lượng bậc thuế. Chẳng hạn, Indonesia có 5 bậc thuế với các mức thuế suất từ 5 - 35%; Philippines cũng có 5 bậc thuế. Với Singapore, hệ thống thuế có ít bậc thuế hơn và mức thuế suất cao chỉ áp dụng với người có thu nhập rất lớn....

Bởi vậy, Việt Nam cần có chính sách phù hợp hơn để tránh tạo áp lực thuế lên người lao động. Trong đó, quan trọng nhất, cần nâng mức giãn cách giữa các bậc chịu thuế. Điều này nhằm đảm bảo rằng người lao động có thể tích lũy tài chính trước khi bị áp dụng thuế suất cao hơn, nhất là những trường hợp lao động chưa có nhà ở.

Đồng thời chỉ nên giữ lại 4-5 bậc thuế, tránh tình trạng người có thu nhập trung bình bị đánh thuế như người có thu nhập cao. Và chỉ áp mức thuế cao cho người thu nhập cao thực sự, vượt xa mức trung bình mới nên phải chịu thuế suất cao nhất.

Mức giãn cách thuế thuế thu nhập cá nhân quá thấp đang tạo ra nhiều bất cập trong hệ thống thuế, làm tăng gánh nặng không đáng có cho người lao động có thu nhập trung bình. Để đảm bảo công bằng và khuyến khích tăng trưởng kinh tế, cần nâng mức giãn cách thuế, giảm số bậc thuế và tập trung thu thuế vào những người có thu nhập cao thực sự.

Một hệ thống thuế hợp lý sẽ giúp người lao động có động lực làm việc hơn, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách một cách công bằng và bền vững.

Quách Đồng - Hải Hà /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
vovgiaothong.vn
Giá xăng dầu đồng loạt giảm

Giá xăng dầu đồng loạt giảm

Trong kỳ điều chỉnh ngày 10/4, giá xăng quay đầu giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, xăng RON 95 tăng 8 lần, giảm 7 lần.

Quên mang GPLX, bị phạt thế nào?

Quên mang GPLX, bị phạt thế nào?

Thính giả Hà Linh (Thanh Hóa) hỏi: “Nhiều khi đi xe máy đi chợ, tôi quên không mang theo bằng lái xe, nếu bị CSGT dừng xe kiểm tra, tôi sẽ bị phạt như thế nào?”.

Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút giao Tố Hữu - Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến từ 12/4

Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút giao Tố Hữu - Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến từ 12/4

Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo triển khai thí điểm phương án điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao Tố Hữu - Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông khu vực.

Thâu tóm đất nông nghiệp Thanh Trì: Dính kiện khắp nơi, nợ thuế gần 100 tỷ, Tổng giám đốc bị hoãn xuất cảnh

Thâu tóm đất nông nghiệp Thanh Trì: Dính kiện khắp nơi, nợ thuế gần 100 tỷ, Tổng giám đốc bị hoãn xuất cảnh

Sau hơn 2 tháng kể từ khi VOV Giao thông phát sóng loạt phóng sự “Màn thâu tóm kinh điển 5ha đất nông nghiệp ở Thanh Trì, Hà Nội”, người dân thôn 3 xã Vạn Phúc vẫn kiên trì phản đối quyết định bác đơn từ phía Công an huyện Thanh Trì, tiếp tục gửi đơn tố giác tội phạm đến cấp cao hơn.

Chứng khoán liên tục lao dốc, nhà đầu tư cần làm gì?

Chứng khoán liên tục lao dốc, nhà đầu tư cần làm gì?

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam đã đẩy thị trường chứng khoán “rơi” mạnh. Sau nhiều phiên giao dịch liên tiếp lao dốc, chỉ số VN-Index đã mất khoảng 200 điểm, đánh bay mọi nỗ lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong suốt gần 1 năm qua.

Thuyền trưởng Tàu không số: Không hoàn thành nhiệm vụ là nỗi sợ lớn nhất trong 12 hải trình sinh tử

Thuyền trưởng Tàu không số: Không hoàn thành nhiệm vụ là nỗi sợ lớn nhất trong 12 hải trình sinh tử

14 năm với hành trình hàng vạn hải lý, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1964, Vũng Rô (Phú Yên) là một trong những bến được chọn để tiếp nhận vũ khí cho chiến trường Nam Trung Bộ và Quân khu 5.

TP.HCM: Người dân phường Tân Tạo bức xúc vì ô nhiễm kênh rạch kéo dài

TP.HCM: Người dân phường Tân Tạo bức xúc vì ô nhiễm kênh rạch kéo dài

Nước đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc cùng đủ loại rác thải trôi nổi đang hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của hàng ngàn hộ dân và làm mất mỹ quan đô thị.