Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Học 2 buổi, trẻ tự học lúc nào?

Quách Đồng - Nguyễn Yên: Thứ năm 10/04/2025, 08:54 (GMT+7)

Thông tin Bộ GD-ĐT khẳng định về việc có thể triển khai học 2 buổi/ngày đối với học sinh THCS và THPT đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi với lịch học như vậy, cùng với lịch học thêm do phụ huynh lựa chọn, nhiều ý kiến băn khoăn, các em sẽ rất khó bố trí thời gian tự học.

 

 

Để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cấp THCS và THPT, các trường học phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và đủ giáo viên. (Ảnh: Thanh niên)

Để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cấp THCS và THPT, các trường học phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và đủ giáo viên. (Ảnh: Thanh niên)

Dù đã quen với việc học 2 buổi/ngày, nhưng em Nguyễn Văn Thành (một học sinh THPT ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) vẫn băn khoăn khi biết thông tin thời gian tới việc học 2 buổi/ngày sẽ được nhân rộng. Bởi sau khi cấm dạy thêm, em chỉ còn học một buổi, còn một buổi tự học:

"Nếu chỉ đi học một buổi thôi thì con sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và làm những bài tập trên lớp và rèn được tính tự học".

Một số học sinh THCS, THPT tại Hà Nội cũng cảm thấy lo lắng vì thêm áp lực và “bội thực” thời gian tại trường, tại lớp:

"Như thế nó hơi mệt vì cấp 2 bọn con phải học nhiều kiến thức mới, con cần một số hôm học một buổi để có thời gian làm bài tập".

"Khi học một buổi thì buổi còn lại con sẽ ngồi tự học hoặc là trau dồi kiến thức ở những lớp học khác cần thiết hơn, mà bây giờ học 2 buổi nó sẽ làm thay đổi thời khóa biểu và nó sẽ thêm áp lực".

Về phía phụ huynh, chị Nguyễn Hải Vân, một phụ huynh có con đang học THCS ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội băn khoăn, việ chọc 2 buổi/ngày sẽ chiếm hết thời gian tự học của học sinh:

"Trẻ học 2 buổi/ngày thì thứ nhất sẽ mất rất nhiều thời gian, trước đây học 1 buổi thì buổi chiều các con có thể tự học ở nhà, tự ôn luyện hoặc có thể cho con đi học thêm. Nhưng bây giờ nếu học 2 buổi chiều các con tự học là không có".

Nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ lo ngại, việc học buổi 2 khó mang lại nhiều hiệu quả và không đáp ứng được nhu cầu riêng của từng gia đình:

"Ngoài học kiến thức ở trường thì các con cần cơ hội để học thêm môn phụ và kỹ năng mềm, nhất là các con ở độ tuổi này đã hình thành năng khiếu và sở thích của mình rồi nên tôi muốn con tôi có cơ hội học các lớp và khóa học khác".

"Nếu gò bó quá thì tất cả thời gian ở trường, thời gian khi các con có các việc riêng, có những kế hoạch rèn luyện riêng sẽ trở nên hạn hẹp".

"Tôi thấy không hợp lý trừ khi giảm tải các chương trình trong sách giáo khoa và chương trình phổ thông".

Việc học buổi thứ 2 là trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh và giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Việc học buổi thứ 2 là trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh và giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo khảo sát, nghiên cứu điều kiện để tổ chức học 2 buổi/ngày. Việc học buổi thứ 2 là trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh và giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Dù tán thành việc học 2 buổi/ngày, song theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội cho rằng, cần có kết quả khảo sát cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… trước khi đưa ra thông tin học 2 buổi/ngày. Bởi điều này sẽ tác động rất lớn đến học sinh, phụ huynh, đặc biệt là đội ngũ giáo viên sẽ tưng đáng kể số tiết phải dạy, quản lý học sinh:

"Phải sắp xếp thế nào cho đúng mức, để cho học sinh tự học ngay ở trường. Thứ hai là đối với trường công phải lưu ý tổng số giờ dạy của giáo viên, trung học từ 18 tiết/tuần sẽ lên hai mấy tiết, cái đấy ai phải trả? Nhà nước trả hay dân phải trả, cái đó phải rõ ràng chứ".

Trao đổi với VOVGT, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn để việc học 2 buổi/ngày là để học sinh có cơ hội học tập và trải nghiệm nhiều hơn, chứ không phải để tăng áp lực học tập. Thậm chí phải để phụ huynh thấy con học 2 buổi thì về cơ bản sẽ không phải mang bài tập về nhà làm, để dành thời gian tương tác giữa các thành viên trong gia đình:

"Cùng với sự hướng dẫn của thầy cô qua các phương pháp giáo dục tiên tiến, ví dụ như dự án hay gì đó thì các hoạt động của nhà trường không khiến các em phải ngồi trong lớp, ngày 2 buổi mà các em có thể mở rộng không gian học tập ở môi trường bên ngoài, dùng các phương pháp dạy học hiện đại, như dạy học dự án, đấy chính là cơ hội để các bạn tự học kỹ năng, và tự học của bản thân mình".

Ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, trong mỗi đứa trẻ có 3 trụ cột: trụ vột về nhân cách, về cảm xúc và về trí tuệ. Việc giáo dục trong nhà trường hiện mới đạt được trụ cột về trí tuệ. Trong khi học buổi thứ 2 hiện nay cũng chưa hướng đến việc hướng dẫn kỹ năng tự học của học sinh:

"Ví dụ THCS thì cần phải bổ trợ về kỹ năng học tập, nó là kỹ năng tư duy logic và tư duy trừu tượng để làm thế nào các con có khả năng phản biện, rồi cuối cùng lựa chọn để có tư duy độc lập. Việc tự học chính là nội lực, nhưng hiện giờ điểm hổng nhất là chúng ta không hiểu học trò tiếp thu thế nào. Không biết tiếp thu thế nào, tư duy thế nào, thế thì chúng ta đang làm việc dạy hoàn toàn mang tính áp đặt, dù chúng ta thay đổi bao nhiêu".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với lịch học như hiện nay, nhiều học sinh đã phải chật vật để thu xếp lịch học một cách tỉ mỉ giữa lịch học ở trường, lịch học thêm do cha mẹ lựa chọn. Bởi vậy, nếu học 2 buổi/ngày, rất có thể các em sẽ chồng chéo lịch học, chưa nói đến việc bố trí thời gian tự học.

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: "Khi thời gian tự học của học sinh bị đánh đổi".

 

Những năm gần đây, một số trường học trên cả nước đã triển khai mô hình học hai buổi/ngày, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, đó chỉ là sự lựa chọn của mỗi địa phương, dựa trên điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và sựa lựa chọn của phụ huynh, của học sinh.

Bởi vậy, việc bắt buộc học sinh học 2 buổi/ngày mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và lộ trình hợp lý như đề xuất của Bộ GD-ĐT đang nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tự học và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Hệ lụy đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là việc học hai buổi/ngày khiến học sinh không còn đủ thời gian để tự học, ôn lại bài cũ hay chuẩn bị bài mới. Tự học là một kỹ năng quan trọng, giúp học sinh tiếp thu kiến thức sâu sắc và phát triển tư duy độc lập. Tuy nhiên, khi quỹ thời gian trong ngày gần như bị lấp đầy bởi các tiết học trên lớp, chưa kể những buổi học thêm do phụ huynh lựa chọn. Việc học kéo dài liên tục, từ sáng đến chiều, dễ dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Không ít học sinh và phụ huynh đã phản ánh rằng việc học hai buổi không đồng nghĩa với việc học hiệu quả hơn. Trong khi buổi sáng tập trung vào các môn văn hóa chính khóa, buổi chiều thường được dành cho các môn phụ hoặc hoạt động bổ trợ. Điều này đôi khi khiến học sinh cảm thấy buổi chiều là “phụ”, dễ lơ là, không chú tâm, dẫn đến giảm hiệu quả tiếp thu.

Chưa kể, việc học cả ngày khiến thời gian dành cho nghỉ ngơi, hoạt động thể chất, sinh hoạt gia đình - những yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện - bị thu hẹp nghiêm trọng.

Một vấn đề khác cần được nhìn nhận nghiêm túc là điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của mô hình học hai buổi/ngày. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra kết quả khảo sát cho thấy trên 60% số trường THCS và trên 80% số trường THPT đủ điều kiện về cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày, song đội ngũ giáo viên đáp ứng được đến đâu, thì chưa được Bộ này đề cập. Mỗi địa phương, mỗi trường học có điều kiện khác nhau, do đó cần có sự linh hoạt trong lộ trình triển khai. Yêu cầu tất cả các trường phải áp dụng mô hình học hai buổi/ngày, dù chưa đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, dễ dẫn đến hình thức, máy móc, gây áp lực cho cả thầy và trò.       

Bởi vậy, ngành giáo dục cần khảo sát cụ thể trước khi triển khai rộng rãi. Bởi dạy 2 buổi/ngày chủ yếu là giáo dục trải nghiệm, khác hoàn toàn với học 2 buổi/ngày hiện nay. Thực chất, năng lực về cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, đặc biệt là số lượng, năng lực của đội ngũ giáo viên - điều kiện tiên quyết để triển khai học 2 buổi/ngày còn cách khá xa.

Bởi vậy, với cơ sở vật chất hiện nay, nếu tổ chức học buổi thứ 2 cũng chưa khác đang thực hiện là mấy. Điều đó chưa đúng tinh thần Thông tư 29, khi Bộ GD- ĐT đặt ra tinh thần nhân văn, giảm dạy thêm, học thêm; phát huy tinh thần tự học, tự tư duy, trong khi để đạt được điều đó thì cần hướng dẫn cách thức thực hiện nó, chứ không phải nhồi nhét, lấp đầy.

Đặc biệt, cần đặt câu hỏi: liệu học sinh có thật sự cần học 2 buổi/ngày, hay cần được trang bị phương pháp học hiệu quả hơn, trong thời lượng phù hợp? Việc phát triển kỹ năng tự học, khả năng tư duy độc lập, kỹ năng quản lý thời gian... có thể mang lại hiệu quả lâu dài và thực chất hơn so với việc “nhồi nhét” kiến thức trong thời gian kéo dài. Giáo dục không chỉ là cung cấp thật nhiều thông tin, mà quan trọng hơn là giúp học sinh học cách học, cách tư duy, học cách sống.

Tóm lại, việc tổ chức học 2 buổi/ngày không sai về chủ trương, nhưng cần được thực hiện một cách khoa học, có lộ trình phù hợp và đặt lợi ích của học sinh làm trung tâm. Tránh tình trạng áp dụng hình thức mà bỏ qua những yếu tố then chốt như sức khỏe học sinh, chất lượng dạy học và thời gian tự học./.

Quách Đồng - Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Đỉnh mới của giá vàng và khuyến nghị từ chuyên gia

Đỉnh mới của giá vàng và khuyến nghị từ chuyên gia

Giá vàng trong nước tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, chính thức chạm mốc kỷ lục 108 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay. Sau khi đi ngang đầu phiên sáng, thị trường vàng đã nhanh chóng tăng tốc, nối dài chuỗi ngày lập đỉnh trong tuần qua.

Check-in ảnh đẹp nhưng đừng để lại rác bẩn

Check-in ảnh đẹp nhưng đừng để lại rác bẩn

Thời gian gần đây, khu vực Hàm Cá Mập (Hà Nội) đang “gây sốt” trên mạng xã hội, sau khi có thông tin sẽ bị phá dỡ. Việc người dân và du khách chen lấn, tụ tập đông người, thậm chí trèo rào, đứng lên đài phun nước để chụp ảnh có lúc khiến giao thông hỗn loạn, mất ANTT và vệ sinh môi trường.

Lộ trình di chuyển vào Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất

Lộ trình di chuyển vào Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có hướng dẫn về lộ trình giao thông kết nối đến nhà ga hành khách quốc nội T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất).

Nâng trách nhiệm để bảo vệ “tài sản” thông tin cá nhân

Nâng trách nhiệm để bảo vệ “tài sản” thông tin cá nhân

Theo Công ty An ninh mạng Viettel, trong năm 2024, số lượng thông tin cá nhân bị đánh cắp đã tăng 50%, với hàng chục triệu bản ghi bị rò rỉ. Trong đó, dữ liệu khách hàng bị lộ lọt nhiều nhất, thậm chí có cả thông tin nhận diện khuôn mặt.

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển là hiện thân của lòng quả cảm, ý chí sắt đá; một huyền thoại có thật, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng; góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Người đàn ông gánh phở

Người đàn ông gánh phở

Ở phố Tống Duy Tân, có một người đàn ông vẫn ngày ngày gánh phở – không phải bằng đôi chân di chuyển, mà bằng ký ức được đúc lại trong một dáng hình.

Cốc nước miễn phí, lòng tốt dang dở trên đèo và những điều thú vị khi “phượt” 58 tỉnh thành

Cốc nước miễn phí, lòng tốt dang dở trên đèo và những điều thú vị khi “phượt” 58 tỉnh thành

Những cung đường từ bắc chí nam không chỉ đưa ta đến những khung cảnh thiên nhiên diễm lệ của núi non hùng vĩ, biển cả bao la, mà còn là chiếc gương phản chiếu tâm hồn người lữ khách.