Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Mơ và chạm

Ái Kiều: Thứ bảy 10/02/2024, 20:05 (GMT+7)

Khi chinh phục một đỉnh núi, niềm vui lớn nhất của người tham gia thử thách có thể đến từ khoảnh khắc bạn chạm tay lên cột mốc độ cao hình chóp nho nhỏ ở nơi cao nhất. Hành trình mà các em học sinh dân tộc thiểu số ở Sapa khi “mơ và chạm” có thể giống như vậy.

Các em đã ước mơ, đã trải qua một chặng đường dài gian khó và niềm vui cuối cùng cũng đã đến khi có thể đưa tay chạm vào giấc mơ đi học để thay đổi số phận.

Câu chuyện về hành trình “Mơ và chạm” sẽ được VOV Giao thông kể cùng các bạn trong ngày xuân này:

Bài hát tiếng Mông này như một lời thở than về số phận. Số phận sinh ra ở bản làng trong cái nghèo luẩn quẩn và ước mơ được đi học của những đứa trẻ để thoát khỏi vòng lặp dường như vô tận.

Các em đã cần nhiều hơn sự dũng cảm làm chủ số phận và chạm đến ước mơ.

Lớp học tiếng Anh của 'cô giáo' Sùng Thị Chùa

Lớp học tiếng Anh của 'cô giáo' Sùng Thị Chùa

Sùng Thị Chùa, cô gái người Mông ở một bản vùng sâu của Liên Minh, thị xã SaPa đã dũng cảm trốn chạy khỏi một cuộc kéo vợ mà bố mẹ đã nhận tiền sính lễ. Em bảo mình không sợ bóng đêm, không sợ cảnh chân đất trốn chạy qua ruộng bậc thang quê nhà, chỉ sợ không được tiếp tục đi học.

Mà quãng đường đi học để có tấm bằng cử nhân trên tay xa xôi và vất vả giống như việc đi bộ 45 km đường núi đồi từ bản sâu ra thị xã trong những ngày băng giá nhất:

"Nhà em có 8 anh chị em. Vì bố mẹ không được đi học nên không quan tâm đến việc học của con cái. Em phấn đấu đi học vì em muốn được ăn cái bánh rán hai nghìn có lớp đường ở ngoài ấy, nên thi vào trường nội trú ở trên thị trấn. Bố không cho đi thì cuốc bộ đi, ai chở con đi học xin đi nhờ. Có hôm đi khắp bản tìm người đi nhờ đến khóc luôn.

Ở trường mọi người bảo phải cố gắng học để có tiền muốn ăn gì tự mua không cần chờ người khác mua nữa nên em phấn đấu. Bố cấm thì ăn cầm hơi ở lớp. Hết nội trú có học bổng học hết cấp 3. Em tốt nghiệp một cái họ tóm em về nhà. Lúc họ bắt em đấy, bố mẹ em cũng muốn em đi lấy chồng, em khóc van xin không có ai nghe. Em chạy khỏi cái nhà đấy", Sùng Thị Chùa chia sẻ.

Khi còn học trường nội trú, trò giải trí duy nhất của Chùa và những người bạn là đứng phía sau bức tường bao để nhìn ngắm thế giới, vì không được ra ngoài. Uớc mơ lúc ấy của em là được làm việc trong khách sạn Sao Phương Bắc, lớn nhất ở Sapa khi ngày ngày ngắm nó thành hình từ phía xa.

Chùa cũng không ngờ rằng, nhờ đi học, ước mơ của mình đã thay đổi bởi thế giới không còn nhỏ như em thấy phía sau bức tường nội trú năm nào…

Không có nhiều cô gái dân tộc ít người giống Sùng Thị Chùa, dám bứt ra khỏi vòng lặp quẩn quanh mà văn hóa của tộc người đã quy định bao đời.

Lò Lở Mẩy (giữa ảnh) đang tham gia hoạt động cùng các bạn được Interhands trao học bổng

Lò Lở Mẩy (giữa ảnh) đang tham gia hoạt động cùng các bạn được Interhands trao học bổng

Một trong số đó là Lò Lở Mẩy, cô gái trẻ người Dao ở Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, thị xã SaPa, đang học năm thứ nhất ngành Sư phạm mầm non trường Phân hiệu Đại Học Thái Nguyên tỉnh Lào Cai. Mẩy muốn đi học cao hơn để thay đổi số phận của mình và nếu được, có thể giúp người khác.

Em ước mơ trở thành giáo viên dạy chữ cho các bạn nhỏ bằng chính tiếng của người Dao. Bởi tiếng mẹ đẻ, sợi dây kết nối thiêng liêng giữa các thế hệ đang dần mất đi khi lứa trẻ không còn hiểu những từ đơn giản cha mẹ nói mỗi ngày:

"Ước mơ từ nhỏ của em là được làm giáo viên. Từ lúc em đi học, từ lúc viết văn ước mơ của em vẫn luôn là vậy. Chỗ em là dân tộc thiểu số có thầy cô người Kinh, những bạn nhỏ không hiểu được. Có tiếng dân tộc các em ấy sẽ hiểu hơn. Em chọn ngành Sư phạm nhưng bố mẹ cũng không ủng hộ vì bảo ngành này rất vất vả. Gia đình em không đủ điều kiện cho em đi học tiếp em vẫn cố gắng. Năm lớp 11 em may mắn được chọn cấp học bổng. Em đi học thấy hiểu biết hơn", Lò Lở Mẩy chia sẻ.

Những cha mẹ người Mông thường mong con mình sớm lập gia đình để có thêm lao động làm nương rẫy trong nhà. Bố mẹ của Giàng Thị Kub ở Giàng Tra, xã Tả Phìn, thị xã SaPa cũng mong cô con gái út duy nhất sớm có một tấm chồng.

Nhưng khi các bạn cùng trang lứa lập gia đình từ thuở 13, 14 tuổi, Kub lại thường đứng trên đỉnh dốc nung nấu về sự đổi thay khi thấy người Mông quê mình cứ dần bán đất, bán ruộng rồi lùi sâu vào núi không kế sinh nhai. Kub đã ôm thầy cô của mình bật khóc lúc biết mình tiếp tục được đi học bởi em ước mơ lâu lắm rồi.

Em không ngần ngại chọn ngành Kinh tế giáo dục vùng dân tộc thiểu số để tìm kiếm con đường thoát nghèo bền vững hơn:

Giàng Thị Kub đang học Kinh tế giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Giàng Thị Kub đang học Kinh tế giáo dục vùng dân tộc thiểu số

"Bạn bè em lấy chồng rất sớm hầu như 13, 14 tuổi người Mông quan niệm đẹp nhất nhưng em cứ có tư tưởng em không lấy chồng đâu em đi học tiếp. Lên cấp 3 nhìn nhận sự đời rõ hơn, thầy cô hướng nghiệp nên mình nắm chắc định hướng của mình. Trên em có câu là người dân ngày càng lên núi. Em mong tìm được hướng đi cho người dân trụ lại. Nhưng còn vấn đề kinh tế mình chỉ dám nghĩ. Mình không ngờ được lại được đi học tiếp…", Giàng Thị Kub nói.

Mong cầu được hiểu biết giống như việc tìm cho mình một chiếc cần câu phù hợp chứ không phải trông chờ những con cá từ người khác. Đó là cách Khang A Tủa, chàng trai người Mông nổi tiếng với quãng đường đi học đại học đến hơn 10 năm ví von.

Sau khi tốt nghiệp, Tủa tổ chức mô hình thoát nghèo bền vững cho bà con tại quê hương Mù Cang Chải và thực hiện nhiều dự án phát triển cộng đồng. Trong đó có việc giúp đỡ, đưa lời khuyên cho các bạn trẻ dân tộc thiểu số muốn tiếp tục đi học giống mình năm xưa.

Thôi thúc lớn nhất, trực diện nhất của mỗi khát khao được đi học đó là các em mong muốn thay đổi cái nghèo: "Trong suốt thời gian đồng hành cùng các bạn thanh thiếu niên và chính mình trải qua giai đoạn đó, em thấy điều kiện kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến việc các bạn lựa chọn. Nếu đi học cái đấy gia đình xoay sở thế nào? Đó luôn là câu hỏi trực diện. Nhưng có những bạn nội lực rất mạnh, biết nhà không thể chi trả cho việc đi học nên đã tự lên kế hoạch, có thể vừa học vừa làm. Dù vậy thì câu chuyện về kinh tế vẫn là câu chuyện ảnh hưởng đến việc các bạn dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ".

Để có tiền tiếp tục đi học sau khi hết cấp 2, rất nhiều bạn như Sùng Thị Chùa, vừa đi học vừa đi làm. Dù thiếu ăn không thể lớn, người nhỏ tới mức có thể chui vừa cánh cổng sắt ở trường, Chùa cũng đã làm thêm đủ thứ nghề khi còn học cấp 3: bưng phở, rửa bát, dọn dẹp nhà, dẫn chương trình… không thiếu nghề gì. Và việc tìm kiếm học bổng càng trở nên cấp thiết để có thêm một khoản trang trải học phí.

Năm 2014, từ một cuộc gặp gỡ với Pam, hướng dẫn viên nhỏ người Mông nói tiếng Anh lưu loát nhưng không biết chữ tại Sapa, Lào Cai, ông bà Schultz người Na Uy đã sáng lập học bổng Interhands. Học bổng hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho các em học sinh trường THPT Sapa số 1 từ khi các em học lớp 11 cho đến khi tốt nghiệp đại học và hỗ trợ vay vốn sau đó.

Cho đến nay, Interhands đã hỗ trợ cho 41 em, trong đó có 5 em đã tốt nghiệp đại học. Sùng Thị Chùa, Lò Lở Mẩy và Giàng Thị Kub đều nhận học bổng Interhands để học đại học.

Nhóm các bạn học sinh dân tộc thiểu số nhận học bổng Interhands

Nhóm các bạn học sinh dân tộc thiểu số nhận học bổng Interhands

Khi lắng nghe câu chuyện của các em học sinh, ông Einar Schultz sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, bởi ông hiểu điều khó nhất các em phải đối mặt là chấp nhận văn hóa dân tộc mình và biến nó thành động lực để thay đổi cuộc đời. Chỉ có con đường học vấn mới có thể tạo nên sự thay đổi đó:

"Việc chúng tôi sáng lập học bổng này liên quan một phần tới công việc hỗ trợ những người yếu thế ở Việt Nam. Nhưng phần nhiều đến từ niềm tin của tôi về những thay đổi mà hiểu biết có thể mang lại. Nền tảng căn bản nhất của sự phát triển chính là việc học. Và tất cả những đứa trẻ trên thế giới này đều có quyền được đi học", ông Einar Schultz nói.

"Nhà tôi có bao nhiêu con tôi đều muốn cho đi học. Ba đứa đều học hết đại học. Đời của tôi đã không được đi học vì là con gái nên tôi muốn đời con mình khác đi. Các con đi học không giúp được việc làm nương nhưng chúng tự tìm miếng ăn cho mình, tự lập hơn" - mẹ chồng của Sùng Thị Chùa, bà Hờ Thị Mo có suy nghĩ khác với bao bà mẹ người Mông.

Bà Mo tự xoay sở một mình việc nương rẫy để các con được đi học. Việc đi học ấy không chỉ làm thay đổi cuộc đời của một người. 

Chùa cùng chồng là Giàng A Dạy đã mang lại thay đổi tích cực cho bản Rừng Thông ở Mai Sơn, Sơn La khi mở trang trại bò lai hỗ trợ 30 hộ nghèo và cận nghèo cải thiện kinh tế bằng cách tạo thu nhập hằng tháng và tặng mỗi hộ một bê con, mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ, kết nối để cùng nuôi 14 em đang học mầm non. Vợ chồng em còn dẫn nước về cho người dân trong vùng vốn chỉ sống trông chờ vào nguồn nước mưa có theo mùa.

Chị Sùng Thị Xuân người dân trong bản biết ơn những việc công ích mà Chùa và Dạy đã làm: "Bây giờ có người đi làm công chức, có người về cùng lắm giúp gia đình anh em họ hàng chứ không giúp bản làng như Chùa với Dạy. Chị rất cảm ơn và quý mến vì đã có ai làm được như thế đâu. Con người đấy là từ tâm ra rất trong sáng, chỉ nghĩ cho người khác thôi".

"Khi em học đại học có nhiều điều em học hỏi, tiếp cận nền giáo dục văn minh hơn. Em cũng mong muốn các bạn nhỏ có cơ hội đi học để giúp đỡ cho bản thân họ và cộng đồng. Em vẫn muốn tiếp tục con đường hỗ trợ, chia sẻ cho các bạn những gì em học được. Hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các bạn thanh niên, mạnh dạn hơn trong lựa chọn của mình", Chùa sẽ còn trở lại Sapa quê nhà tiếp tục việc mở lớp dạy chữ còn đang dang dở, khi bàn tay không thuận có thể xoay sở viết được sau tai nạn.

Em đã không còn mơ ước làm việc tại khách sạn Sao Phương Bắc năm nào, em muốn dạy chữ cho những đứa trẻ xin ăn bên vỉa hè của Sao Phương Bắc. Bởi giống như kinh nghiệm trao truyền của người anh Khang A Tủa và những trải nghiệm đã có, con đường đến ước mơ sẽ rất xa, nếu chỉ leo bằng đôi chân bé nhỏ. Mà hành trình chạm tới ước mơ, phải đi bằng con chữ.

---

Hôm nay, khi nhớ lại quãng đường đã qua, Sùng Thị Chùa thực sự thấy mình như leo qua rất nhiều đỉnh núi khác nhau mà nhờ hiểu biết, đỉnh sau có lẽ cao hơn và khó hơn đỉnh núi trước nhưng cũng mang lại nhiều niềm vui hơn.

Em đã mơ được đi học để thay đổi số phận và chạm vào ước mơ khi đói nghèo không còn đeo bám. Nhưng kết quả đó không ngăn Chùa tiếp tục cố gắng nhiều hơn để giúp được mình, giúp được người.

Chùa không phải là cô gái dân tộc ít người duy nhất có ước mơ đi học để thay đổi số phận. Và dù đang ở đâu trên hành trình dài này, trong đôi mắt các em đều ánh lên niềm vui chứ không phải những thở than về đói nghèo luẩn quẩn như trong bài hát tiếng Mông mình đã thuộc nằm lòng.

Ái Kiều/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vì sao cứ va chạm giao thông lại “nhảy bổ” vào nhau?

Vì sao cứ va chạm giao thông lại “nhảy bổ” vào nhau?

Ẩu đả gây thương tích, hành hung người khác sau va chạm giao thông thậm chí tấn công cả những người can ngăn, vì sao vẫn xảy ra? Thực trạng đáng báo động, gây tâm lý bất an, tổn hại đến sức khỏe, thậm chí cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông làm cách nào để chấm dứt?

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng, giải pháp không thể chỉ là cho học sinh nghỉ học

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng, giải pháp không thể chỉ là cho học sinh nghỉ học

“Nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong 3 ngày liên tục, có thể xem xét cho học sinh mẫu giáo, tiểu học nghỉ học”, đây là nội dung đáng chú ý được nêu trong văn bản khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe của Cục Quản lý Môi trường y tế, vào ngày 7/1.

Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành: Chậm một ngày thêm lãng phí

Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành: Chậm một ngày thêm lãng phí

Những năm qua, nút thắt “cổ chai” cầu Long Thành, Trạm thu phí Long Phước hay nút giao An Phú đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều lái xe khi lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.

Vàng được dự báo vẫn sẽ tăng giá trong năm 2025

Vàng được dự báo vẫn sẽ tăng giá trong năm 2025

Theo JP Morgan, giá nhiều hàng hóa đầu tư dự kiến giảm trong năm 2025 do triển vọng kinh tế toàn cầu chậm chạp và đồng USD mạnh lên.

Đa dạng cách thức “trả góp” tiền phạt vi phạm giao thông

Đa dạng cách thức “trả góp” tiền phạt vi phạm giao thông

Hiện Nghị định 168 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã chính thức có hiệu lực từ 01/1/2025, tăng mạnh mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm. Tuy nhiên, có những trường hợp gặp khó khăn về tài chính trong việc nộp phạt.

Đào tạo lái xe có thêm hình thức tự học và đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn

Đào tạo lái xe có thêm hình thức tự học và đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn

Theo Điều 4, Điều 5 Nghị định 160/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, từ 1/1/2025, có hình thức đào tạo lái xe khác là: Hình thức tự học, Hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

Các trường hợp không được vượt xe từ 01/1/2025

Các trường hợp không được vượt xe từ 01/1/2025

Khoản 6 Điều 14 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định không được vượt xe trong trường hợp.