Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Mở rộng sử dụng tài khoản giao thông: Chủ phương tiện yếu thế?

Minh Hiếu: Thứ hai 16/09/2024, 16:09 (GMT+7)

Dự thảo Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất mở rộng sử dụng tài khoản giao thông, không chỉ thanh toán phí đường bộ mà còn chi trả phí tại sân bay, cảng biển, bãi giữ xe hay phí đăng kiểm xe ô tô.

Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ gồm 6 chương, 37 điều: Quy định chung; Hệ thống thanh toán điện tử giao thông; Mở và sử dụng tài khoản giao thông; Thanh toán điện tử giao thông; Trách nhiệm của các đơn vị trong thanh toán; Tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định phân loại nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ thành hai đối tượng.

Một là nhà cung cấp dịch vụ có thu tiền sử dụng đường bộ. Các nhà cung cấp này sẽ thực hiện phát hành thẻ đầu cuối, mở tài khoản giao thông… thực hiện đồng bộ tài khoản giao thông lên hệ thống quản lý (thuộc cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ của Bộ GTVT). Các nhà cung cấp dịch vụ này được cung cấp dịch vụ khác (như thu phí bãi đỗ xe…) nếu hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Hai là nhà cung cấp dịch vụ không tham gia thu tiền sử dụng đường bộ. Các đơn vị này sẽ được kết nối, chia sẻ thông tin tài khoản giao thông từ hệ thống quản lý để thực hiện thu các dịch vụ liên quan như thu phí bãi đỗ xe.

Thay vì chỉ có 2 nhà cung cấp dịch vụ như hiện nay là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Công ty CP Giao thông số Việt Nam, dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ là đơn vị mới, chỉ cung cấp các dịch vụ không do Bộ GTVT quản lý, nhằm tăng sự cạnh tranh, tránh độc quyền trong cung cấp dịch vụ thanh toán.

Empty

Về việc mở và sử dụng tài khoản giao thông, dự thảo Nghị định quy định nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ mở tài khoản giao thông cho chủ phương tiện ngay lần đầu tiên gắn thẻ đầu cuối. Tài khoản giao thông phải được kết nối với một phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật ngân hàng về thanh toán không dùng tiền mặt.

Mỗi tài khoản giao thông có thể chi trả cho nhiều phương tiện, nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.

Theo dự thảo Nghị định, chủ phương tiện phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán.

Trường hợp số tiền không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc, thì phương tiện không được đi qua trạm thu phí đường bộ trên đường cao tốc.

Trường hợp số tiền không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ, thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ.

Trường hợp số tiền không đủ để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ, thì thực hiện các hình thức thanh toán khác tại điểm thu.

Tài khoản giao thông có thể được khóa theo đề nghị của chủ tài khoản hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ sẽ được hình thành để triển khai Nghị định. Để đảm bảo không phát sinh nguồn nhân lực, dự kiến sử dụng hình thức thuê dịch vụ để quản lý, vận hành, khai thác hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu. Các hoạt động khác sử dụng nguồn nhân lực hiện có của các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ đang được Bộ GTVT tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành./.

Bộ GTVT đề xuất mở rộng sử dụng tài khoản giao thông cho nhiều dịch vụ đường bộ

Bộ GTVT đề xuất mở rộng sử dụng tài khoản giao thông cho nhiều dịch vụ đường bộ

NẾU MỞ RỘNG THÌ HÀNH LANG PHÁP LÝ GẶP KHÓ KHĂN

Vì sao Bộ GTVT đề xuất mở rộng sử dụng tài khoản giao thông cho nhiều dịch vụ đường bộ như trả phí tại sân bay, cảng biển, bãi giữ xe hay phí đăng kiểm xe ô tô? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Tô Nam Toàn, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định. 

PV: Xin ông cho biết về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định này?

Ông Tô Nam Toàn: Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 07 và 19 để triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc. Bộ GTVT đã phối hợp các cơ quan, đơn vị, nhà cung cấp dịch vụ, đến nay, tất cả trạm thu phí đều đã áp dụng thu phí điện tử không dừng. Và đã có trên 96% tổng số lượng phương tiện tham gia dịch vụ, trên 1 tỷ lượt giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Tuy nhiên, tài khoản thu phí mở cho chủ phương tiện mới chỉ phục vụ cho việc thanh toán phí sử dụng đường bộ, chưa thực sự tạo thuận lợi cho chủ phương tiện, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản giao thông.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã đề xuất mở rộng dịch vụ thanh toán trên hệ thống thu phí điện tử không dừng như: thu phí tại cảng hàng không, cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, kiểm định,…

Tuy nhiên, nếu mở rộng thì hành lang pháp lý gặp khó khăn, Quyết định 19 quy định tài khoản thu phí chỉ để trả cho thu phí sử dụng đường bộ mà không được trả cho các dịch vụ khác. Thứ hai, các nhà cung cấp dịch vụ đang ký hợp đồng với Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ thu phí dịch vụ đường bộ mà không được mở rộng các mục đích khác; khi mở rộng phải đàm phán điều chỉnh hợp đồng.

Trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Bộ GTVT đã đưa vào Điều 43 quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Sau khi Luật Đường bộ được ban hành thì Bộ GTVT đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

PV: Nhiều người tham gia giao thông mong muốn tài khoản giao thông được liên thông với tài khoản ngân hàng để không phải quản lý nhiều tài khoản. Ban soạn thảo đánh giá thế nào về đề xuất này?

Ông Tô Nam Toàn - Trưởng Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT)

Ông Tô Nam Toàn - Trưởng Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT)

Ông Tô Nam Toàn: Khi xây dựng Nghị định, một trong những vấn đề mà chúng tôi thấy vướng mắc và phải thảo luận với Ngân hàng Nhà nước, đó là trước đây, tài khoản thu phí chỉ sử dụng cho một mục đích là thu phí sử dụng đường bộ, thì thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, khi dùng để thanh toán nhiều mục đích thì theo quy định của pháp luật về ngân hàng, nó sẽ trở thành một phương tiện thanh toán và không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT nữa. Nếu Ngân hàng Nhà nước quản lý thì cũng có vướng mắc bởi hệ thống này phải xác định phí, thì lại không thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Qua trao đổi, chúng tôi đã quyết định tách tài khoản thu phí theo Quyết định 19 trước đây thành tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán. Tài khoản giao thông chỉ chứa thông tin chủ phương tiện và phương tiện do Bộ GTVT quản lý. Phương tiện thanh toán thì do Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Phương tiện thanh toán hợp pháp không dùng tiền mặt là ví hoặc tài khoản, thẻ tín dụng,… của ngân hàng. Chủ phương tiện có quyền lựa chọn phương tiện thanh toán để kết nối tài khoản giao thông.

PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này nếu được ban hành?

Ông Tô Nam Toàn: Nghị định này khi triển khai thực hiện sẽ giúp công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng rõ ràng, công khai, minh bạch hơn; giúp người dân thực hiện thanh toán dễ dàng, đơn giản.

Tài khoản giao thông đã dán thẻ, trước đây chỉ sử dụng được cho một mục đích là thu phí sử dụng đường bộ, thì có thể sử dụng cho thu phí điểm đỗ sân bay, thu phí bãi đỗ xe trên các tuyến phố, trung tâm thương mại, thu phí kiểm định,…

PV: Xin cảm ơn ông!

YẾU THẾ THUỘC VỀ CHỦ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG

Những đề xuất về tài khoản giao thông, phương tiện thanh toán hay phân loại các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ,… liệu đã phù hợp hay cần điều chỉnh gì? PV VOV Giao thông phỏng vấn ĐBQH Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang về nội dung này.

PV: Ông có đánh giá thế nào về các nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định này?

ĐBQH Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

ĐBQH Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

ĐBQH Phạm Văn Thịnh: Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua. Nghị định của Chính phủ có tính pháp lý phù hợp và đảm bảo cho việc thực thi pháp luật của các đối tượng có liên quan hiệu quả và đúng quy định.

Dự thảo cơ bản kế thừa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thu phí không dừng. Các điểm mới tôi thấy khá là phù hợp, ví dụ như việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt khi phương tiện giao thông tham gia sử dụng đường bộ, từ dịch vụ đỗ xe đến ra vào bến bãi của khu vực sân bay, cảng biển, phí đăng kiểm xe cơ giới,…

Và cũng cho phép ngoài các đơn vị đã tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán phí sử dụng đường bộ không dừng như hiện nay được mở rộng đối với các khoản thu khác nếu như có hợp đồng với cơ quan quản lý thu. Ngoài phí sử dụng đường bộ thì cũng cho phép các đơn vị khác tham gia đối với các dịch vụ còn lại.

Tuy nhiên, tôi có một lưu ý muốn gửi đến cơ quan soạn thảo, đó là trong mối tương quan giữa chủ phương tiện giao thông với đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử dịch vụ sử dụng đường bộ, dù sao thì mối quan hệ này cũng có sự bất đối xứng mà yếu thế thuộc về chủ phương tiện giao thông. 

Thế nên, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT, hoặc các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương liên quan phạm vi quản lý thu của mình, hoặc các bộ, ngành khác cần có quy định, để trong trường hợp chủ phương tiện giao thông phải thanh toán các loại chi phí liên quan thiết bị gắn vào phương tiện giao thông của mình sao cho phù hợp, tránh những chi phí không phù hợp với chi phí thực tế của thiết bị, cũng như không phù hợp chất lượng thiết bị.

PV: Theo ông, nếu dự thảo Nghị định này được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội thế nào?

ĐBQH Phạm Văn Thịnh: Tôi cho rằng những tác động xã hội của Nghị định nếu được ban hành là những tác động tích cực. Và cũng là sự cam kết của Chính phủ để các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đã tham gia vào cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ, đường cao tốc trong thời gian qua, được đảm bảo chắc chắn để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống quản lý của mình, đáp ứng yêu cầu về quản lý dữ liệu, hiện đại hóa hệ thống thu phí không dừng, thúc đẩy xã hội không dùng tiền mặt khi thanh toán các dịch vụ hàng hóa nói chung và các dịch vụ liên quan giao thông đường bộ nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, dịch vụ thu phí không dừng đã trở nên quen thuộc đối với chủ các phương tiện tham gia giao thông, thể hiện ở số lượng phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ đạt trên 96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước (trên 5,6 triệu phương tiện đã dán thẻ tham gia dịch vụ). Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, tài khoản thu phí mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ, chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản giao thông và hiệu quả đầu tư của hệ thống.

Trong xu thế chung của việc ứng dụng giao thông thông minh đang thịnh hành trên thế giới, việc mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng đã đầu tư như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định,… sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội.

Việc ban hành Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ là rất cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ; góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đối với hệ thống giao thông tĩnh; tận dụng nền tảng, hệ thống thu phí điện tử không dừng sẵn có; phù hợp chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này? Nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tổ chức các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Những nghĩa cử cao đẹp này đã giúp người dân và chính quyền ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua những khó khăn ban đầu.

Ấm lòng hình ảnh chiến sĩ CSGT hỗ trợ các đoàn từ thiện trong mùa lũ

Ấm lòng hình ảnh chiến sĩ CSGT hỗ trợ các đoàn từ thiện trong mùa lũ

Trong dòng chảy của những nghĩa cử cao đẹp từ các đoàn cứu trợ hướng về miền Bắc. Hình ảnh các chiến sĩ CSGT thuộc Đội cao tốc số 3, Phòng 6/C08 phát nước tiếp sức, chỉ dẫn đường cho đoàn cứu trợ đã được người dân ghi lại vô cùng cảm động.

Quận Cầu Giấy (Hà Nội) dồn tổng lực khắc phục hậu quả bão số 3

Quận Cầu Giấy (Hà Nội) dồn tổng lực khắc phục hậu quả bão số 3

Nhằm khắc phục hậu quả sau bão, sáng 15/9, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197 quận Cầu Giấy, UBND quận Cầu Giấy, Công an quận và Ban Chỉ đạo 197 các phường, UBND các phường của quận Cầu Giấy đã triển khai công tác dọn dẹp cây đổ còn sót lại trên các tuyến phố do tác động của bão số 3.

Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sinh tồn, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sinh tồn, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

Đợt mưa bão vừa với nhiều điểm ngập úng, sạt lở đất đã khiến hàng trăm người tử vong. Tuy nhiên, 115 người dân ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai may mắn thoát chết nhờ người trưởng thôn có kiến thức và kỹ năng sinh tồn đã kịp thời vận động đưa bà con lên núi lánh nạn.

Đường phố Hà Nội vẫn ngổn ngang sau hơn 1 tuần hứng bão

Đường phố Hà Nội vẫn ngổn ngang sau hơn 1 tuần hứng bão

Sau hơn một tuần hứng chịu cơn bão số 3 hay còn gọi là bão Yagi, đường phố Hà Nội khắp nơi vẫn ngổn ngang, những gốc cây đã được cắt hết cành, thu dọn lá nhưng vẫn chưa thể di chuyển, có những phố những đống cành lá, gốc cây chất đống dưới lòng đường, vỉa hè...

Những người bảo tồn đồ chơi Trung thu truyền thống

Những người bảo tồn đồ chơi Trung thu truyền thống

Phố cổ Hà Nội có biết bao nhiêu câu chuyện mà chúng tôi muốn kể cho quý vị nghe, và hôm nay là câu chuyện về những người làm đồ chơi trung thu truyền thống.

Hậu bão Yagi: Cây xanh, môi trường tại Thủ đô được thu dọn thế nào?

Hậu bão Yagi: Cây xanh, môi trường tại Thủ đô được thu dọn thế nào?

Theo thống kê bão số Yagi đã khiến hơn 25.100 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố, trong đó, có tới hơn 24.800 cây đổ. Trong đó, nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi, gắn với các địa danh của thủ đô cũng bị bật gốc, gãy đổ khiến nhiều người dân tiếc nuối.