Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Lao động trẻ mất việc: Nhiều hệ lụy về an sinh xã hội

Nguyễn Yên - Minh HIếu: Thứ hai 27/11/2023, 06:19 (GMT+7)

Theo một khảo sát mới đây, bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 người thất nghiệp. Nguy cơ mất việc của lao động trẻ cũng cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

Dự báo, cuối năm nay và đầu năm sau, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Lao động trẻ mất việc sẽ đẫn đến những hệ lụy nào về an sinh xã hội? Cần những chính sách hỗ trợ ra sao với nhóm đối tượng này?  

 

Hơn một năm sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân, Nguyễn Hồng Hạnh, sinh năm 2000, ở Hà Nội đã thử việc và làm việc ở 5 công ty khác nhau. Không cảm thấy áp lực vì những khoảng thời gian thất nghiệp, với Hạnh, quan trọng nhất là tìm được công việc ưng ý:

"Em vẫn còn trẻ, khi bước vào một công ty mà em cảm thấy là không đáp ứng được nhu cầu như tiêu chí về sự phát triển nghề nghiệp, khối lượng quá tải so với mức lương,… thì em sẽ tìm công việc mới phù hợp hơn. Coi như đó là một khoảng thời gian để em nghỉ ngơi và đến bao giờ em tìm được một công việc phù hợp thì mới bắt đầu làm".

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ nước ta không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới do khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.

Lao động trẻ ít kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng chưa đầy đủ, một số người thiếu kỷ luật, sự kiên trì, nhẫn nhịn, nên nhiều doanh nghiệp sẽ chọn nhóm này để cắt giảm nhân sự, ưu tiên giữ lại những người có thâm niên nghề nghiệp.

Trong khi nhóm lao động trẻ nông thôn hoặc chưa qua đào tạo chấp nhận làm những công việc có thu nhập thấp và chờ đợi cơ hội, thì với không ít người trẻ ở thành thị, có trình độ, không chịu áp lực kinh tế, họ có kỳ vọng công việc cao, sẵn sàng chờ đợi để có được việc làm mình mong muốn:

"Đợt trước mình làm quay phim, mình nghỉ được gần 3 tháng. Mình đang cố gắng tìm một việc phù hợp hơn. Mình muốn lương cao, trước hết phải lương cao trước đã".

"Mình đi học chỉ có bằng cấp mầm non, thành ra để tìm công việc khác phù hợp thì cũng hơi khó. Thu nhập liệu có đảm bảo cuộc sống hay không? Chỗ làm có thoải mái, ổn định hay không? Đấy là những điều mình băn khoăn, lo lắng sau khi nghỉ việc".

Không ít người trẻ ở thành thị, có trình độ, không chịu áp lực kinh tế, họ có kỳ vọng công việc cao, sẵn sàng chờ đợi để có được việc làm mình mong muốn (Ảnh minh họa: Dân trí)

Không ít người trẻ ở thành thị, có trình độ, không chịu áp lực kinh tế, họ có kỳ vọng công việc cao, sẵn sàng chờ đợi để có được việc làm mình mong muốn (Ảnh minh họa: Dân trí)

TS. Nguyễn Thị Liên, Trưởng bộ môn Quản trị nhân lực doanh nghiệp, Trường đại học Thương mại đánh giá, khó khăn trong việc tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cho nhóm lao động trẻ càng lớn hơn do đại dịch COVID-19: sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng; cơ hội học tập, rèn luyện, trải nghiệm hạn chế do giãn cách xã hội.

Thêm vào đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo càng làm tăng nguy cơ thất nghiệp cho người trẻ, và điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy:

"Đầu tiên, giới trẻ thất nghiệp làm ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế. Giới trẻ là động lực sản xuất và tiêu dùng. Sản xuất thì chúng ta biết rồi, còn động lực tiêu dùng là vấn đề lớn hơn, bởi giới trẻ tiêu dùng dễ dàng hơn những người trưởng thành phải suy nghĩ chín chắn.

Thứ hai là vấn đề an sinh xã hội, thất nghiệp của giới trẻ tăng lên có thể dẫn đến tệ nạn xã hội, sập những bẫy lừa đảo. Thứ ba là làm giảm sức khỏe thể chất và tinh thần của người trẻ.

Vì thất nghiệp, họ không đầu tư nhiều về dinh dưỡng, có những hoạt động không lành mạnh khiến thể chất giảm, rồi tinh thần không ổn định, chán nản, mất niềm tin,… Thứ tư, chúng ta đang ở giai đoạn già hóa dân số, người trẻ thất nghiệp thì gánh nặng cho xã hội càng trở nên nặng nề hơn".

PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, dẫn số liệu từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy sự cần thiết của những giải pháp đồng bộ: tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi ở nước ta là hơn 7%, cao gấp ba so với tỷ lệ thất nghiệp chung, tăng gấp đôi so với năm 2019 - thời điểm trước dịch.

Nhóm lao động trẻ nông thôn hoặc chưa qua đào tạo chấp nhận làm những công việc có thu nhập thấp và chờ đợi cơ hội (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Nhóm lao động trẻ nông thôn hoặc chưa qua đào tạo chấp nhận làm những công việc có thu nhập thấp và chờ đợi cơ hội (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Việc chuyển nhóm lao động trẻ vào thị trường lao động không chỉ là yêu cầu về mặt kinh tế, mà còn cả chính trị, xã hội. Các nhóm giải pháp không chỉ phục hồi thị trường lao động nói chung, mà phải hướng đến riêng nhóm thanh niên, những người chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp, hỗ trợ:

"Chúng ta phải xây dựng được các chương trình thúc đẩy hội nhập vào thị trường lao động; đa dạng về trình độ đào tạo, giới tính, dân tộc,…; nắm bắt được nhu cầu của những ngành nghề mới, kết nối được nhu cầu lao động của nhóm này với những nơi có thể sử dụng được lợi thế của họ.

Thứ hai, các chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, start-up cần chú ý nhiều hơn để thu hút được nhóm lao động trẻ, họ có thể được hỗ trợ về vốn, đào tạo. Thứ ba, hiện nay vẫn còn khoảng cách đào tạo giữa cơ sở đào tạo với nhu cầu của các doanh nghiệp.

Vì vậy, kiến thức, kỹ năng, hành vi, thái độ, yêu cầu của thị trường lao động phải truyền tải đến các nhà trường".

Đồng tình với việc tăng cường giải pháp đào tạo, TS. Nguyễn Thị Liên nhấn mạnh yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cho học sinh, sinh viên tại các trường phải cập nhật với bối cảnh mới.

Trong đó, chú trọng tư duy logic để người học tự biết cách giải quyết các vấn đề khác nhau; rèn luyện phẩm chất: năng động, sáng tạo, và đặc biệt là kiên trì - một trong những điểm yếu của nhiều gen Z hiện nay khi làm việc theo sở thích, dễ dàng từ bỏ trước khó khăn.

Giải pháp từ phía các ban, ngành là cơ chế, chính sách đào tạo, định hướng nghề nghiệp; đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp quốc gia; đầu tư bài bản và đổi mới cách làm để các trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung (Ảnh: Lao Động)

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung (Ảnh: Lao Động)

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) là 7,63%, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước. Dù người lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa cải thiện về chất lượng, số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Do vậy, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để gỡ nút thắt về vấn đề việc làm cho lao động trẻ, lời giải nằm ở chất lượng nguồn nhân lực: Khi lao động trẻ có “lượng” mà chưa có “chất” 

 

Những con số thống kê đã cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung.

Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra là: chất lượng đào tạo chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn; trong khi một bộ phận lao động thiếu năng động, sáng tạo và thiếu tác phong chuyên nghiệp...

Thậm chí trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tưởng chừng như người lao động trẻ sẽ có lợi thế nhưng họ lại chưa được đào tạo chính quy về kỹ thuật và các kỹ năng mềm cần thiết để theo kịp yêu cầu của xã hội.

Do đó, gỡ nút thắt về vấn đề việc làm cho lao động trẻ thì lời giải nằm ở chất lượng nguồn nhân lực. Những người trẻ cần được học và đào tào kỹ lưỡng, bài bản để họ trở thành lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Những cử nhân khi tốt nghiệp không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn có đầy đủ kỹ năng mềm, khả năng thích nghi với môi trường mới và tính chủ động, sáng tạo trong môi trường làm việc năng động.

Cũng không phải đến bây giờ vấn đề chất lượng của lực lượng lao động trẻ mới được đề cập nhưng nó gặp nhiều trở ngại bởi phải thay đổi cả tư duy lẫn hành động vốn đã ăn sâu nhiều tâm thức mọi người về giáo dục.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay khi nhu cầu tiêu dùng của thế giới suy giảm, doanh nghiệp trong nước phải cắt giảm lao động… khiến thị trường lao động trong nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Để thúc đẩy cơ hội việc làm cho lao động trẻ, để mỗi thanh niên trong độ tuổi lao động có được việc làm tốt thì mấu chốt vẫn nằm ở việc người lao động trẻ phải “tự thân vận động”`

Để thúc đẩy cơ hội việc làm cho lao động trẻ, để mỗi thanh niên trong độ tuổi lao động có được việc làm tốt thì mấu chốt vẫn nằm ở việc người lao động trẻ phải “tự thân vận động”`

Mặt khác, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh, phát triển nền kinh tế số, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn càng đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ chất lượng cao.

Trước tiên, để giải quyết tốt vấn đề khoảng cách giữa kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động, cần thông qua việc nâng cao hệ thống chất lượng giáo dục - đào tạo.

Các nhà trường, thay vì tập trung vào sự xuất sắc trong học tập thì cần chuyển trọng tâm sang việc hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành để xác định lại sự sẵn sàng trong nghề nghiệp, truyền đạt các kỹ năng phù hợp cho sinh viên trong thị trường lao động.

Ở các cấp bậc như trung học cơ sở, trung học phổ thông cần coi trọng việc dạy nghề cho học sinh, chứ không nên để việc học nghề chỉ là hình thức.

Hơn nữa, mục tiêu và định hướng giáo dục cũng cần thay đổi theo nhu cầu xã hội nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế, tránh lãng phí không cần thiết khi đào tạo lao động có bằng cấp mà không được sử dụng hay sử dụng sai so với nội dung đào tạo.

Các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau cũng cần hợp tác với nhà trường, với các tổ chức giáo dục để cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao khả năng phát triển năng lực cho học viên.

Đồng thời, ưu tiên các chương trình dạy nghề và giáo dục đúng trọng tâm, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp. Song song với những điều trên, cần kết nối trường học với các tổ chức giáo dục trên thế giới, tạo cầu nối giữa văn bằng chứng chỉ quốc gia với quốc tế để năng lực của học viên được công nhận trên toàn cầu.

Cùng với những vấn đề vừa nêu, từ phía cơ quan quản lý cũng cần hợp tác với các doanh nghiệp và đơn vị trong nhiều ngành để hiểu rõ hơn về nhu cầu công việc trong tương lai và ban hành các chính sách để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của đất nước.

Các chính sách định hướng này sẽ mang lại lợi ích cho các trường học và cơ sở đào tạo khi thiết kế các chương trình giảng dạy để giải quyết khoảng cách giữa cung và cầu về năng lực của lực lượng lao động.

Cuối cùng, để thúc đẩy cơ hội việc làm cho lao động trẻ, để mỗi thanh niên trong độ tuổi lao động có được việc làm tốt thì mấu chốt vẫn nằm ở việc người lao động trẻ phải “tự thân vận động”.

Mỗi người nên tự xác định được các năng lực mình cần có, tập trung xây dựng chúng và hiểu được cách sử dụng chúng thế nào cùng với xu thế công nghệ đang phát triển và thay đổi liên tục như hiện nay. Chỉ khi giỏi nghề, đủ kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu thì họ mới không phải lo thất nghiệp.

Nguyễn Yên - Minh HIếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội: Xử lý ra sao?

Thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội: Xử lý ra sao?

Thời gian gần đây, một số dư luận truyền tai nhau “mẹo” thuê bằng lái để đối phó phạt nguội, nhất là với những lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đến mức bị tước giấy phép lái xe. Vậy, có những lổ hổng nào dẫn tới tình trạng này và cần bịt những lổ hổng này thế nào?

Cơ chế thu hút tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Cơ chế thu hút tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đòi hỏi phài có các dự án xanh và cần các nguồn tín dụng xanh.

Hỗ trợ 35.000 - 55.000 đồng/kg khi tiêu hủy gia súc, gia cầm

Hỗ trợ 35.000 - 55.000 đồng/kg khi tiêu hủy gia súc, gia cầm

Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Trong đó, ban soạn thảo đã đề xuất nội dung, điều kiện và mức hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng như người tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Để phạt nguội xe máy, cần nhiều thay đổi quyết liệt

Để phạt nguội xe máy, cần nhiều thay đổi quyết liệt

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị phạt nguội với xe máy nhằm cải thiện hành vi của người đi xe máy, từ đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Việc này thể hiện quyết tâm rất cao của ngành GTVT trước khối lượng xe máy khổng lồ tại Việt Nam.

Hà Nội sống và yêu: Bắc - Nam nối liền một dải

Hà Nội sống và yêu: Bắc - Nam nối liền một dải

49 đã đi qua, một Việt Nam thống nhất chan hòa tình Bắc Nam vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người Hà Nội hướng về miền Nam ruột thịt. Xen lẫn với ngỡ ngàng, ngây ngất của niềm vui chung… là những mong chờ khắc khoải của các gia đình có con, có chồng, có người thân đi chiến trường.

Ấm lòng những chuyến xe nghĩa tình

Ấm lòng những chuyến xe nghĩa tình

Với mong muốn hỗ trợ những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn có thể tiết kiệm chi phí, anh Nguyễn Huỳnh An, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã đứng ra vận động mạnh thường quân và anh em địa phương thành lập nên Câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình chở bệnh nhân cấp cứu và chuyển viện hoàn toàn miễn phí.

Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Năm 2024, bên cạnh mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, ngành du lịch cũng kỳ vọng phục vụ 110 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản lớn, bởi chi phí di chuyển bằng đường hàng không có thể chiếm tới 50% giá tour.