Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Tư, 16/4/2025
Thế Giới

Gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng như thế nào tới ngành hàng không toàn cầu?

Huy Văn: Thứ năm 10/04/2025, 20:54 (GMT+7)

Hiện tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn sẽ kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng không trong tương lai gần. Các hãng hàng không sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng hoạt động kém hiệu quả, thiếu khả năng mở rộng đội bay và những nỗi lo về khả năng bảo trì, bảo dưỡng máy bay.

Mới đây, theo hãng tin Bloomberg, các hãng hàng không đang đua nhau đặt lịch bảo dưỡng đội bay trước nhiều năm trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng làm hạn chế khả năng cung ứng các bộ phận và dịch vụ quan trọng.

Ông Richard Sell, giám đốc điều hành của Haeco, Cty TNHH Kỹ thuật máy bay Hong Kong – một trong những công ty bảo dưỡng và đại tu máy bay lớn nhất thế giới chia sẻ, thay vì các hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa ngắn hạn kéo dài 3 – 5 năm, nay các hãng hàng không đang lựa chọn gói hợp đồng 10 năm.

Máy bay được bảo dưỡng tại một trung tâm của Haeco. Ảnh: Bloomberg

Máy bay được bảo dưỡng tại một trung tâm của Haeco. Ảnh: Bloomberg

Haeco trong năm ngoái đã ghi nhận doanh thu kỷ lục là 21,6 tỷ đô-la Hong Kong. Đại diện công ty cho biết, họ đạt doanh thu cao nhất trong gần như mọi hoạt động kinh doanh, nhưng cũng nhấn mạnh rằng các đối thủ của họ như Lufthansa Technik hay ST Engineering cũng có kết quả tương tự.

Theo Bloomberg, các công ty như Haeco đang vô cùng “đắt khách” trong bối cảnh các hãng hàng không đang cố kéo dài tuổi thọ đội bay. Bởi, ngành hàng không phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu cực kỳ phức tạp với nhiều thành phần quan trọng như động cơ, thiết bị điện tử chuyên dụng v.v… Tình trạng tắc nghẽn liên tục về nguyên liệu thô và các thành phần thiết yếu đã kéo dài thời gian sản xuất máy bay, từ đó, tác động tới tốc độ giao hàng của các nhà sản xuất như Boeing và Airbus, tiếp đó ảnh hưởng tới hoạt động và chiến lược của các hãng hàng không. Số lượng bàn giao máy bay trong năm ngoái thấp hơn 30% so với dự đoán ban đầu. Số lượng đơn hàng máy bay tồn đọng đã lên tới 17.000 chiếc, lập kỷ lục mới.

Ông Greg Wardron, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của trang tin FlightGlobal chia sẻ:

“Mọi thứ đang khó khăn với toàn ngành hàng không. Đây là một trong những hậu quả kéo dài từ thời kỳ đại dịch, khi mà nhiều nhà phân phối nhỏ bị ảnh hưởng và phải rời khỏi cuộc chơi. Tuy là doanh nghiệp nhỏ, nhưng rất nhiều doanh nghiệp như vậy bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng lớn tới toàn ngành”.

Ngoài ra, các hãng hàng không cần nguồn cung cấp phụ tùng thay thế ổn định để duy trì hiệu quả hoạt động. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã dẫn đến chu kỳ bảo dưỡng kéo dài, khiến máy bay phải nằm đất lâu hơn dự kiến.

Các nhà phân tích trong ngành chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt phụ tùng thay thế đã buộc nhiều hãng hàng không phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế với chi phí cao hơn  nhiều so với ban đầu.Bất chấp những thách thức này, các hãng hàng không - đặc biệt là các hãng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - đang chứng kiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các chỉ số đo lường như chỉ số Khách luân chuyển (RPK) hay Ghế luân chuyển (ASK) của tháng 1 năm nay đã tăng lần lượt 10% và 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã dẫn đến chu kỳ bảo dưỡng kéo dài, khiến máy bay phải nằm đất lâu hơn dự kiến. Ảnh: Bloomberg

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã dẫn đến chu kỳ bảo dưỡng kéo dài, khiến máy bay phải nằm đất lâu hơn dự kiến. Ảnh: Bloomberg

Do đó, để kịp thời nắm bắt nhu cầu cũng như giảm thiểu những thách thức, khó khăn, nhiều hãng hàng không đã quyết định “tự thân vận động” thay vì phụ thuộc vào bên thứ ba. Hãng British Airways lựa chọn mua một nhà chứa máy bay của Boeing; còn Ryanair thì đang tìm cách thành lập các xưởng bảo dưỡng động cơ của riêng hãng. Còn tại châu Á, 2 hãng hàng không đối thủ là Thai Airways International và Bangkok Airways quyết định hợp tác với nhau trong công cuộc tìm kiếm các hợp đồng, thoả thuận về bảo dưỡng.

Về phía các nhà sản xuất, mới đây vào cuối tháng 3, tại buổi lễ ký kết Đơn đặt hàng 10 chiếc máy bay A350 với hãng China Airlines, ông Benoit De Saint-Exupery, Tổng Giám đốc Thương mại Toàn cầu, của Tập đoàn Airbus chia sẻ:

“Chúng tôi cho rằng những gián đoạn vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Điều đó thật không may nhưng hiện chúng tôi đang dần kiểm soát tình hình và có nhiều dự đoán, chuẩn bị với gián đoạn chuỗi cung ứng hơn trước đây, nhờ những bài học chúng tôi rút ra được trong thời kỳ đại dịch.”

Trở lại với Việt Nam, theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, năm 2025 thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phục hồi, dự báo tăng trưởng khoảng 8%. Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn gặp khó khăn do thiếu tàu bay, ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi động cơ của nhà máy sản xuất Pratt&Whitney khiến đội tàu bay A321 phải dừng hoạt động, cùng với giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng xung đột trên thế giới.

Cách đây không lâu, trong buổi tiếp ông Wouter Van Wersch, Phó Chủ tịch điều hành toàn cầu Tập đoàn Airbus, Thủ tướng Phạm Minh Chính  đề nghị Tập đoàn Airbus tiếp tục hợp tác với các hãng hàng không của Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp hàng không tại Việt Nam, bao gồm việc phát triển đội tàu bay của Việt Nam, quan tâm, xem xét việc sớm bàn giao các đơn hàng tàu bay đã ký hợp đồng cho các hãng hàng không Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đội bay của các hãng trong thời gian tới.

Đồng thời mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất thiết bị tàu bay Airbus tại Việt Nam và trên toàn cầu; thiết lập Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tại Việt Nam; triển khai đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, tham gia phát triển hệ sinh thái công nghiệp hàng không của Việt Nam.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn