Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chủ Nhật, 6/4/2025
Thế Giới

Sân bay lớn nhất Châu Âu ngừng hoạt động vì sự cố điện, nhiều hãng hàng không doạ kiện đòi bồi thường

Huy Văn: Thứ tư 02/04/2025, 15:27 (GMT+7)

Mới đây, Sân bay London Heathrow, một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới, buộc phải đóng cửa sau vụ cháy trạm điện gây mất điện trên diện rộng. Vụ việc đã để lại nghi vấn về khả năng chống chịu, dự phòng trước những tình huống bất ngờ của một cơ sở hạ tầng quan trọng bậc nhất quốc gia này.

Vào sáng 21/3, sân bay Heathrow, thủ đô London, Anh đã buộc phải đóng cửa toàn bộ sau vụ cháy trạm điện ở một thị trấn cách sân bay vài km. Đám cháy đã làm gián đoạn nguồn cung cấp điện tại sân bay, khiến gần 1.400 chuyến bay bị ảnh hưởng, buộc ít nhất 120 chuyến bay từ Sydney, Hong Kong, Bangkok, Singapore, Johannesburg, New York và Miami... tới Heathrow phải đổi lộ trình ngay giữa không trung vào thời điểm xảy ra sự cố. Giới chức sân bay cho biết ước tính ít nhất 250 nghìn hành khách bị ảnh hưởng.

Sân bay đã mở cửa trở lại vào ngày hôm sau (22/3) với khoảng 80-90% công suất và hoạt động trở lại bình thường vào ngày Chủ nhật (23/3). Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn vẫn tiếp diễn do tổ bay bị phân tán khắp nơi trên thế giới. Nhiều chuyến bay đã bị hủy hoãn, chuyển hướng hoặc thậm chí phải quay đầu trở về điểm xuất phát.

Vụ cháy trạm điện đã gây ra mất điện trên diện rộng tại sân bay Heathrow, London, Anh. Ảnh: SkyNews

Vụ cháy trạm điện đã gây ra mất điện trên diện rộng tại sân bay Heathrow, London, Anh. Ảnh: SkyNews

Một số hành khách chia sẻ:

“Tôi đã rất lo lắng khi nghe tin sân bay phải đóng cửa hôm trước. Tôi di chuyển từ Mỹ, cứ nghĩ rằng chuyến bay của mình sẽ bị huỷ hoặc bị hoãn. Thật may mắn là hiện mọi chuyện vẫn ổn”.

“Tôi rất thất vọng. Đáng lẽ ra giờ tôi phải có những khoảng thời gian tuyệt vời với gia đình. Đây là kỳ nghỉ lớn lần đầu tiên của chúng tôi kể từ khi chồng tôi mất. Và giờ tôi chỉ muốn được về nhà”.

Hiện Bộ An ninh Năng lượng và Phát thải ròng bằng 0 của Anh đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Hệ thống Năng lượng Quốc gia khẩn trương điều tra chi tiết vụ việc. Còn Bộ trưởng Bộ GTVT, bà Heidi Alexander cho biết Bộ sẽ theo dõi và đảm bảo các hãng hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm với các hành khách bị ảnh hưởng bởi sự cố:

“Chính phủ nhận thức được tính khẩn cấp của việc đảm bảo quyền lợi cho các hành khách bị ảnh hưởng bởi vụ việc vừa qua. Luật pháp Vương quốc Anh yêu cầu các hãng hàng không phải hoàn tiền cho các hành khách trong vòng 7 ngày, hoặc sắp xếp chuyến bay cho họ trở về địa điểm ban đầu. Chúng tôi sẽ theo dõi và đảm bảo luật này phải được thực thi”.

Về thiệt hại, theo chuyên gia Paul Charles, cựu Giám đốc truyền thông của hãng hàng không Virgin Atlantic, một trong những đơn vị khai thác nhiều chặng bay tại Heathrow, thiệt hại các hãng hàng không và một số đơn vị liên quan phải gánh chịu có thể lên tới ít nhất 20 triệu bảng Anh (hơn 660 tỷ) chỉ trong 1 ngày sân bay ngừng hoạt động. Nếu không có phương án bồi thường thoả đáng, khả năng các hãng sẽ tiến hành khởi kiện sân bay Heathrow.

Gần 250 nghìn hành khách đã bị ảnh hưởng bởi sự cố. Ảnh: PA

Gần 250 nghìn hành khách đã bị ảnh hưởng bởi sự cố. Ảnh: PA

Theo CNN, số tiền thiệt hại lớn là bởi Heathrow là một trong những cảng hàng không đông đúc nhất Châu Âu. Đặc biệt, Heathrow còn là một trong số ít các sân bay có thể đáp ứng nhu cầu của các loại máy bay thân rộng như Airbus A380.

Cũng theo các chuyên gia, dù tại các sân bay, mỗi hãng hàng không đều có trung tâm kiểm soát riêng, nhưng sự cố quy mô lớn như tại Heathrow là quá sức với trung tâm này, bởi sự cố gây ra xáo trộn với toàn bộ lịch trình bay của hãng. Thông thường, việc tổ chức, lên lịch trình bay phải được chuẩn bị từ trước 2 tháng. Với các hãng hàng không truyền thống, ít cập nhật công nghệ thì quá trình này còn kéo dài hơn nữa.

Theo Cơ quan Quản lý Hệ thống Năng lượng Quốc gia, sân bay Heathrow vốn vẫn có thể hoạt động sau sự cố hoả hoạn bởi có đủ điện từ 2 trạm biến áp gần đó. Nhưng Giám đốc điều hành của sân bay, ông Thomas Woldbye lại cho rằng khi đó sân bay không có lựa chọn nào ngoài việc đóng cửa vì lí do an toàn:

“Sự cố vừa rồi là không thể dự đoán và chưa từng xảy ra trước đây. Dù hầu hết đều bị bất ngờ đội ngũ của chúng tôi đã cố gắng hết sức. Tôi hy vọng mọi người thông cảm vì nếu không phải là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, chúng tôi sẽ không bao giờ đóng cửa sân bay.”

Ông Thomas Woldbye cho biết thêm, sau vụ việc, sân bay Heathrow đang xem xét về lựa chọn nâng cấp hệ thống, cho phép sân bay có thể chuyển đổi các nguồn điện nhanh chóng để đảm bảo hoạt động khi có sự cố. Tuy nhiên, một hệ thống như vậy sẽ cần một khoản đầu tư rất lớn, ước tính vào khoảng 1 tỷ bảng Anh. Sân bay có thể thu hồi chi phí vốn từ phí hạ cánh mà họ đánh vào các hãng hàng không, nhưng đồng thời điều đó cũng ảnh hưởng tới giá vé máy bay.

Dự kiến nếu nâng cấp hệ thống mới để đề phòng sự cố tương tự, sân bay Heathrow sẽ cần số tiền khoảng 1 tỷ bảng Anh. Ảnh: Reuters

Dự kiến nếu nâng cấp hệ thống mới để đề phòng sự cố tương tự, sân bay Heathrow sẽ cần số tiền khoảng 1 tỷ bảng Anh. Ảnh: Reuters

Hiện Cục hàng không dân dụng Anh đang thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng mô hình quản lý của sân bay Heathrow. Được biết cuộc thanh tra sẽ tập trung vào “khả năng phục hồi” của sân bay sau các sự cố tương tự như vừa qua.

Theo tờ Guardian, Cục hàng không cũng sẽ đưa ra các điểm mà sân bay cần ưu tiên cải thiện để cải thiện chất lượng dịch vụ, trong đó có bao gồm phương án xây dựng thêm đường băng thứ ba – điều được Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves ủng hộ.

 

ư

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn