Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Giảm ô nhiễm môi trường nhờ thay đổi tập quán chăn nuôi

Hồng Lĩnh: Thứ sáu 09/12/2022, 09:48 (GMT+7)

Huyện Lộc Ninh là huyện biên giới thuộc tỉnh Bình Phước, có hơn 22% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer, S’Tiêng vẫn duy trì thói quen nhốt trâu, bò dưới gầm sàn hoặc làm chuồng liền nhà.

Được sự vận động của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã di dời chuồng trại, tiến tới việc xóa bỏ thói quen chăn nuôi gia súc gây ô nhiễm môi trường.

Suốt thời gian qua, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer – Già làng Lâm Hay đã đi vận động bà con thôn Chàng Hai, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh di dời chuồng bò ra vị trí xa nhà mình. Ông chia sẻ, ban đầu, người dân cũng không đồng tình vì tập quán đã tồn tại nhiều đời. Nhưng kết quả, đến nay, tất cả các hộ trong thôn đều chấp hành.

"Chuồng bò phải dời ra ngoài chứ không như mấy chục năm trước, trâu bò heo làm chuồng dưới sàn nhà. Chúng tôi phải tuyên truyền, vận động bà con cột ở xa. Thứ nhất là vệ sinh môi trường chống bệnh, thứ hai là mỹ quan, để đồng bào dân tộc tiến bộ, văn minh", Già làng Lâm Hay nói.

Già làng Lâm Hay thuyết phục người dân di dời chuồng bò ra vị trí xa nhà mình

Già làng Lâm Hay thuyết phục người dân di dời chuồng bò ra vị trí xa nhà mình

Từ khi UBND huyện Lộc Ninh ban hành chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ người dân di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi khu dân cư, nhiều hộ dân không có chuồng đã được hỗ trợ chuồng nuôi, khu nào dân cư tập trung đông đúc, huyện sẽ dây dựng khu chuồng trại tập trung. Bởi cách làm hay và chính sách linh hoạt nên phần lớn người dân đều đồng thuận.

Thay vì cảm thấy phiền hà, ông Điểu Nhữ, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh cảm thấy mắn khi thoát khỏi cảnh ô nhiễm: "Từ khi Nhà nước cho chuyển vào đây, cũng thấy sạch sẽ, không bị hôi nữa. Khi có hội hè, đám cưới, nhà có mùi hôi khó coi lắm. Bây giờ chuyển vô đây thấy thuận lợi hơn, không có mùi thối gì hết, bà con nằm đây cũng khoẻ hơn."

Ấp Măng Cải là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất của xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ cấp bò giống, một số hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.

Ông Ngô Văn Mạnh, Cán bộ giảm nghèo xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh chia sẻ, chăn nuôi gia súc là sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số, bởi thế, muốn bà con giữ gìn vệ sinh môi trường chuồng trại cần phải kiên trì: "Chúng tôi cũng vận động bà con để khu dân cư sạch sẽ. Còn những hộ nhốt một chỗ, cột ngay nhà dơ lắm nên chúng tôi phải thực hiện di dời chuồng trại, vận động từng hộ một, hỗ trợ làm nền xi măng, lợp chuồng sạch sẽ. Chúng tôi quyết tâm lắm chứ ý thức bà con còn chưa cao. Cứ vận động đến đâu làm đến đấy. Bà con phải thống nhất, đồng lòng để làm cho sạch sẽ."

Hiện nhiều hộ dân đã di dời chuồng trại, tiến tới việc xóa bỏ thói quen chăn nuôi gia súc gây ô nhiễm môi trường

Hiện nhiều hộ dân đã di dời chuồng trại, tiến tới việc xóa bỏ thói quen chăn nuôi gia súc gây ô nhiễm môi trường

Năm 2021, huyện Lộc Ninh có 910 chuồng trại, điểm buộc gia súc gây ô nhiễm môi trường với hơn 4.700 gia súc. Từ khi thực hiện chủ trương di dời chuồng trại gia súc ra khỏi khu dân cư, 100% người dân đã đồng thuận thực hiện, góp phần nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới ở huyện biên giới này.

Hồng Lĩnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn