Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Cần làm gì để chợ truyền thống có sức hút trở lại?

Nhất Hoàng - Trọng Điển: Thứ tư 06/12/2023, 10:37 (GMT+7)

Hiện nay kinh tế đang có phần khó khăn hơn, cộng với việc bán hàng qua kênh online phát triển mạnh, chưa kể các siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm....được xem là những nguyên nhân khiến nhiều chợ truyền thống ngày càng ảm đạm, ế khách ngay cả trong mùa mua sắm.

Đã qua rồi cái thời kỳ “trăm người bán, vạn người mua”. Do vậy, để chợ truyền thống có sức hút trở lại, bản thân những tiểu thương cần nỗ lực đổi mới tư duy và cách làm, cần thực hiện cuộc “cách mạng” văn hóa kinh doanh, tạo lòng tin và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Vắng lặng, đìu hiu, ảm đạm là khung cảnh chung của nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM hiện nay. Nhiều chợ sỉ lẫn chợ lẻ cũng đều có treo bảng "sang sạp", "cho thuê sạp" hoặc thậm chí đóng cửa sạp để cắt giảm chi phí điện, nước, nhân công.

Doanh số bán ra giảm tới 80 - 90%, chính điều này đã khiến nhiều chủ sạp đóng cửa hoặc để biển cho thuê. Ảnh: Cafef.vn

Doanh số bán ra giảm tới 80 - 90%, chính điều này đã khiến nhiều chủ sạp đóng cửa hoặc để biển cho thuê. Ảnh: Cafef.vn

Có mặt tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vào 1 buổi sáng đầu tháng 12, phóng viên chương trình ghi nhận lác đác chỉ vài người ra vào chợ để mua hàng. Ngay từ đầu chợ, hàng loạt sạp treo bảng "sang sạp", "cho thuê sạp" thậm chí đóng cửa.

Chị Thúy (1 tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ Bà Chiểu) cho biết, lúc trước, khu chợ này chật kín các sạp kinh doanh đủ loại mặt hàng, khách ra vào nườm nượp. Thế nhưng, chợ bây giờ có nhiều sạp đóng cửa gần cả năm nay, cho thuê hay sang lại giá rẻ cũng không mấy ai quan tâm. Buôn bán thì thời gian gần đây có những ngày không bán được món đồ nào.

"Tình hình chợ không có khách, nhiều khi chỉ bán được 1 hoặc 2 món, nhiều khi không mở hàng, nhiều khi ngồi nhìn không có 1 khách luôn, nhìn muốn khóc. Nên người ta đóng cửa nhiều lắm, sạp đóng rất là nhiều..", chị Thúy nói.

Không riêng gì chợ Bà Chiểu, dạo một vòng các chợ ở TP.HCM như chợ Tân Định, chợ Tân Bình, chợ Bình Tây cũng khá vắng vẻ, ảm đạm tại hầu hết các quầy sạp, nhiều tiểu thương phải ngồi bấm điện thoại, buôn chuyện hết ngày.

Bà Nga (tiểu thương kinh doanh bánh mứt trong chợ Bình Tây, quận 6) than thở vì buôn bán khó khăn, ế ẩm. Theo bà Nga, kinh doanh tại chợ gần 20 năm, chưa bao giờ thấy cảnh chợ khó thế này. Khách từ các tỉnh đến lấy hàng cũng ngày càng ít, mối quen cũng mất dần.

"Tình hình khó khăn lắm, bán khó lắm, sạp trống không à, người ta nghỉ quá trời luôn. Tại vì thấy người ta cũng dè xẻng lắm, chỉ có ví dụ như thức ăn thức uống thì người ta mới mua thôi. Nói chung là giờ cô muốn nghỉ cũng không nghỉ được nữa, nếu cô nghỉ là 1 tháng cô phải đóng tiền sạp cho nhà nước, cô thấy thua rồi", bà Nga chia sẻ

Mua bán online lên ngôi, chợ truyền thống tại TP.HCM rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách. Trước tình hình đó, 1 số tiểu thương tự học, dần chuyển dịch sang nền tảng số để theo kịp thời đại.

Buôn bán tại chợ An Đông (quận 5) chị Thanh Thảo (1 tiểu thương bán vải quần áo) cũng chịu chung tình cảnh ế khách. Tuy nhiên, thay vì ngồi chờ khách đến mua, chị Thảo chọn cách thay đổi phương thức qua việc đưa hàng lên YouTube, Facebook, TikTok để bán hàng và bước đầu đã có hiệu quả, được người biết đến tiệm của mình.

"Khách giảm sút nhiều, cái sau mình thấy người ta làm youtube mà mình thấy khả quan quá, mà mình thấy bán chậm quá thì mình phải tiến lên để mình làm cho mọi người biết đến mình. Mới đầu thì nó cũng hơi khó, từ từ thì mình cũng quen dần", chị Thảo nói.

Tiểu thương chợ An Đông livestream bán hàng. Ảnh: Thanh niên

Tiểu thương chợ An Đông livestream bán hàng. Ảnh: Thanh niên

Theo ban quản lý chợ An Đông, ngoài việc hợp tác với các TikToker, YouTuber, Ban quản lý chợ cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho tiểu thương ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng online, livestream bán hàng…, đồng thời vận động các tiểu thương áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (Phó Trưởng Ban Quản lý Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông) cho biết thêm: "Chuẩn bị đến Noel, Ban quản lý cũng sẽ thiết kế lại cái điểm check in ngay trước sảnh của Ban quản lý để thu hút thêm lượt khách đến tham quan, mua sắm tại chợ An Đông. Trao đổi với các anh chị chủ sạp về việc sẽ có những chương trình giảm giá. Tiếp theo sau đó thì sẽ làm thêm những clip đi vào từng ngành hàng".

Trước tình hình buôn bán giảm sút tại các chợ truyền thống, Sở Công thương TP.HCM đã phối hợp với các địa phương đề ra các giải pháp nâng cao mãi lực cho chợ truyền thống. Tuy nhiên với những khó khăn hiện nay, cần phải đánh giá lại hoạt động của chợ truyền thống.

Theo bà Trần Như Quỳnh (phó phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM) chợ truyền thống vẫn tồn tại nhưng phải có mô hình mới phù hợp. TP đang nghiên cứu đề án phát triển hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn.

Trước mắt, Sở Công Thương đang phối hợp với các địa phương đánh giá lại tính hiệu quả của chợ truyền thống để có phương án sắp xếp, bố trí lại thương nhân. Ngoài ra, sở cũng tổ chức hoạt động hướng dẫn thương nhân các chợ buôn bán thông qua các kênh mua bán trực tuyến; hỗ trợ thương nhân tiếp cận nguồn hàng để giảm chi phí bán ra. Các địa phương cũng cần có giải pháp giải quyết tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh các khu chợ.

"Chợ truyền thống thì vẫn sẽ còn tồn tại, tuy nhiên giải pháp nào là giải pháp phù hợp cho trợ truyền thống và mô hình nào phù hợp thì trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những giải pháp đề xuất cùng với việc nghiên cứu đề án phát triển hệ thống chợ. Đối với các chợ hoạt động không hiệu quả, phải tính đến phương án chuyển đổi công năng. Trong nội bộ các chợ thì phải tính đến chuyện là có thể gom ngành hàng”, bà Quỳnh cho biết.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ không chỉ đáp ứng thị hiếu mua sắm tiện lợi của người tiêu dùng. Đây còn là hướng đi tất yếu giúp chợ truyền thống không chỉ phục hồi kinh doanh bền vững, mà còn xây dựng hình ảnh chợ văn minh, thân thiện. Bên cạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ, thành phố cũng cần đưa các chợ truyền thống làm điểm nhấn để đón khách du lịch. Đây cũng là mô hình đang được các chợ truyền thống đẩy mạnh, với kỳ vọng thu hút được nhiều du khách, giúp chợ sớm ổn định trở lại.

Chợ Tân Bình - một trong những ngôi chợ nổi tiếng tại TP.HCM cũng rơi vào tình trạng ảm đạm tương tự. Dạo vòng quanh chợ lúc 10h sáng, đa phần đều là người bán và rất ít người mua. Ảnh: Cafef.vn

Chợ Tân Bình - một trong những ngôi chợ nổi tiếng tại TP.HCM cũng rơi vào tình trạng ảm đạm tương tự. Dạo vòng quanh chợ lúc 10h sáng, đa phần đều là người bán và rất ít người mua. Ảnh: Cafef.vn

 Chợ truyền thống: Cần thay đổi thực chất trước nguy cơ biến mất

Có lẽ với nhiều người trong cuộc đời, dù sinh sống ở nông thôn hay thành thị thì ngôi chợ truyền thống bày bán đủ loại hàng hóa từ mớ rau con cá đến áo quần, giày dép hay hàng gia dụng đều lưu chứa nhiều kỷ niệm, nhất là ký ức tuổi thơ. Chợ truyền thống gắn với gia đình, ông bà, cha mẹ; làng quê, bản quán, phố phường nơi mình sinh ra và lớn lên. Là nơi cung cấp nhiều chủng loại hàng hóa thiết yếu cho nhiều gia đình với nhiều thế hệ ở xung quanh. Đi chợ trở thành một thói quen, một nét văn hóa của nhiều người.

Ngày nay, dù hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hay chợ thương mại điện tử ra đời dù có lấn át nhưng chợ truyền thống với bản sắc của mình vẫn phù hợp với nhiều người, nhiều gia đình; nhất là người có thu nhập trung bình thấp ở đô thị.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, ngoài yếu tố khách quan, bị cạnh tranh gay gắt bởi” chợ mạng”, siêu thị, cửa hàng bán lẻ thì chợ truyền thống cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Tình trạng chợ xuống cấp, nhếch nhác, mua bán mất trật tự diễn ra ở nhiều nơi.

Hàng hóa nhiều lúc chất lượng không đảm bảo; chưa đa dạng phong phú, giá cả lại không hợp lý, đôi khi lại nói thách, bắt chẹt khách. Có nơi chợ xây dựng khang trang nhưng lại không đúng thời điểm hoặc chưa phù hợp nên không thu hút được tiểu thương vào buôn bán.

Nhiều chợ vào vừa xa, lại phải mất phí gửi xe; mua bán lòng vòng nhiều nơi nhiều chỗ mới có đủ các thứ mình cần. Trong khi bên cạnh, chợ cóc, chợ chồm hổm, mọc lên san sát. Người mua chỉ cần ghé ngang qua, không cần dựng xe là hàng hóa đã được đến tay. Một số chợ truyền thống, người bán không biết sử dụng mạng mà vẫn thu tiền mặt, nên khách hàng ngần ngại. Chưa kể đi chợ mạng có người mang hàng đến tận nhà; chợ truyền thống thì phải tay xách lách mang, lỉnh kỉnh.

Như vậy, chợ truyền thống muốn tồn tại và phát triển trước nguy cơ biến mất phải tự thay đổi. Đầu tiên vẫn chính là đảm bảo hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, phải chăng. Khách hàng vẫn muốn mua tận nơi, nhìn tại chỗ hàng hóa của mình được đóng gói, trao gửi. Bên cạnh đó, người bán buôn bán lẻ ở chợ truyền thống cũng cần trang trí cho quầy hàng, sạp bán của mình khang trang, bắt mắt để thu hút khách.

Tổ chức khuyến mại, hậu mãi, phục vụ người mua đến nơi đến chốn. Sử dụng điện thoại di động để kết nối khách hàng, chào bán sản phẩm. Ai bận bịu thì có thể gửi tới tận nơi, miễn phí. Thanh toán bằng thương mại điện tử như chuyển khoản ngân hàng và các ví điện tử khác nhau. Đặc biệt là tránh tuyệt đối nạn nói thách, chặt chém, gây mất thiện cảm; khiến khách một đi không trở lại.

Các cơ quan quản lý, ban quản trị các chợ cũng thường xuyên hỗ trợ nâng cấp, sửa sang để chợ truyền thống ngày càng khang trang, thuận tiện cho tiểu thương cũng như khách hàng. Dọn dẹp và chấm dứt nạn chợ cóc, chợ dù ở xung quanh vừa lấn chiếm cản trở giao thông lại gây sức ép lên chợ truyền thống.

Tổ chức tập huấn các kỹ năng phục vụ khách hàng, chuyển đổi số cho các tiểu thương;duy trì và đảm bảo an ninh trật tự ở từng chợ. Có chính sách hỗ trợ về thuế, phí và các loại dịch vụ khác để tiểu thương và người buôn bán làm ăn có lãi, không bỏ sạp, bỏ chỗ.

Chợ truyền thống trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các loại hình thương mại khác rất cần một sự thay đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động. Để từ đó mới đảm bảo sự sự tồn tại và phát triển của mình trong giai đoạn mới.

Nhất Hoàng - Trọng Điển/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Liên kết du lịch và văn hóa, làm sao để hiệu quả?

Liên kết du lịch và văn hóa, làm sao để hiệu quả?

Điều quan trọng là các địa phương cần tính toán việc giữ chân khách để không chỉ đến một lần mà phải quay lại nhiều lần nữa. Chính vì vậy việc liên kết các địa phương, các sản phẩm du lịch, với văn hóa bản địa được xem là vấn đề sống còn đối với du lịch vùng.

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.