Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Cấm thuốc lá thế hệ mới, giúp giới trẻ không nghiện nicotine

Kiều Tuyết - Hải Hà: Thứ năm 05/12/2024, 15:19 (GMT+7)

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 2025. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Trường Đại học y tế Công cộng, năm 2023, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điếu truyền thống có xu hướng giảm khoảng 50% sau 5 năm, hiện còn ở mức 1,9% vào năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc lá  điện tử, thuốc lá nung nóng tăng nhanh chóng trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, từ mức 2,6% năm 2019, tăng lên 8 % năm 2023.

Thạc sĩ, BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cho biết, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc và có nhiều thành phần giống như thuốc lá thông thường có khả năng gây ung thư, gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Trong ngắn hạn, thuốc lá thế hệ mới có thể gây ra một số bệnh cấp tính:

"Điển hình nhất là hội chứng tổn thương phổi do thuốc lá điện tử. Thứ hai là gây tổn thương cấp tính, có thể là quá liều nicotine. Cũng có rất nhiều báo cáo từ khoa chống độc Bạch Mai rồi một số bệnh viện đã tìm thấy chất ma túy trong các mẫu thuốc lá điện tử mà người đến cấp cứu mang theo".

Trong ngắn hạn, thuốc lá thế hệ mới có thể gây ra một số bệnh cấp tính (Ảnh minh họa)

Trong ngắn hạn, thuốc lá thế hệ mới có thể gây ra một số bệnh cấp tính (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và đào tạo bày tỏ lo ngại về việc thuốc lá thế hệ mới đang biến tướng rất nhanh, khiến các nhà trường gặp khó khăn trong kiểm soát nên vẫn còn tình trạng học sinh lén lút sử dụng thuốc lá thế hệ mới trong trường học, khu vệ sinh. Học sinh sử dụng thuốc lá thế hệ mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần:

"Ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn đến hậu quả của việc học sinh sử dụng thuốc lá thế hệ mới, đã có bằng chứng nghiên cứu liên quan đến tác hại sức khỏe tâm thần của học sinh, nhẹ là sự mất tập trung, giảm sự chú ý, hai là dễ gây căng thẳng…. Thứ hai là vấn đề đạo đức lối sống, liên quan đến giáo dục. Học sinh sử dụng dẫn đến nghiện, dẫn đến lệ thuộc vào các sản phẩm thuốc lá mới, các em bắt đầu có những biểu hiện hành vi lệch chuẩn kèm theo, có thể nói dối, trộm căp vặt…"

Điều đáng quan ngại, tình trạng mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay diễn biến rất phức tạp, trước đây chủ yếu mua bán trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nhưng những năm gần đây có thêm nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, đặc biệt là có tình trạng phối trộn các chất ma túy vào thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Thượng tá Nguyễn Duy Trung - Phó trưởng Phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm về ma tuý, Bộ Công an phát biểu tại một hội thảo do Bộ y tế tổ chức hồi tháng 10:

"Trước đây, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử chủ yếu nhập lậu qua đường xách tay nhưng hiện nay đã sản xuất thuốc lá điện tử có chứa ma túy ở trong nước. Điển hình như vụ tháng 9/2023 đã phá vụ ở  Hoàng Mai. Thuốc lá điếu trên mạng hay gọi là Tobacco, khi tẩm ướp ma túy vào thuốc lá điện tử có thể bán từ 300, 500, 800 nghìn / điếu. Một điếu thuốc có thể hút từ 5.000 hơi, một bạn hút có thể lôi kéo hàng chục bạn khác sử dụng sản phẩm rất nguy hiểm".

Năm 2023, Công an cả nước phát hiện, xử lý 439 vụ/ 516 đối tượng liên quan đến TLĐT, TLNN. 06 tháng đầu năm năm 2024, Công an cả nước đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ/ 83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.

Thượng tá Nguyễn Duy Trung bày tỏ lo ngại khi đã xuất hiện một số trường hợp nhập khẩu linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, lắp ráp tại Việt Nam với số lượng lớn.

Cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, đầy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nung nóng thuốc lá điện tử để người dân không mua bán, sử dụng thuốc lá thế hệ mới (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)

Cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, đầy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nung nóng thuốc lá điện tử để người dân không mua bán, sử dụng thuốc lá thế hệ mới (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)

TS Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, từ thực tế hiện nay, các cấp các ngành cần nhanh chóng có những giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử:

"Nếu như chúng ta không có biện pháp quyết liệt và ngăn chặn kịp thời đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có phối trộn ma túy cho yếu tố nguy cơ rất cao, liên quan đến an ninh trật tự và an toàn xã hội rất cao".

Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ vô cùng lớn, gây ảnh hưởng đến bản thân sức khỏe của thế hệ tương lai và nền kinh tế của đất nước nói chung. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025.

Theo đại diện Tổ chức y tế toàn cầu tại Việt Nam , quyết định này có ý nghĩa quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch sắp tới của Việt Nam về nâng cao sức khỏe cộng đồng:

"Thứ nhất là đây là một hành động mà chúng tôi những người làm trong công tác y tế công cộng thì thấy rằng là nó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Quốc hội, của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt  thanh thiếu niên. Số liệu của Việt Nam cũng như nhiều nơi khác trên thế giới đều cho thấy rằng là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên, cao  hơn cả người trưởng thành.

Cho nên là cái quyết định cấm này đầu tiên là sẽ bảo vệ các thanh niên. Việc cấm này thì tôi nghĩ rằng là cho thế hệ trẻ Việt Nam tránh được nạn dịch kép trong tương lai kép là nạn dịch cả thuốc lá truyền thống lẫn thuốc lá điện tử".

Vị đại diện này cũng cho rằng để Nghị quyết có thể sớm đi vào cuộc sống, thì thời gian tới, các cơ quan Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, đầy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nung nóng thuốc lá điện tử để người dân không mua bán, sử dụng thuốc lá thế hệ mới.

Vẫn có hơn 70.000 người bỏ mạng mỗi năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, cùng gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế xã hội, và rất nhiều nỗi đau vô hình, như khói thuốc (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên)

Vẫn có hơn 70.000 người bỏ mạng mỗi năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, cùng gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế xã hội, và rất nhiều nỗi đau vô hình, như khói thuốc (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên)

Thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử ngay từ khi xuất hiện đã cho thấy những tác hại của nó đến sức khỏe người sử dụng.  Với sự lên tiếng rất mạnh mẽ, bền bỉ của người dân, các chuyên gia y tế, những nhà làm chính sách, cuối cùng Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Điều này đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thực tiễn và sự cần thiết trong bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bài bình luận: Một dòng nghị quyết

“Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể”.

Chỉ một câu, với vài ba dòng ngắn ngủ trong Nghị quyết, nhưng với những người làm chính sách, đó là cả những bước sải rất dài trên hành trình chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng, là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi, và cả những đấu tranh không khoan nhượng.

Nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã chính thức được thông qua ngày 30/11, trong phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đó là một buổi chiều thứ bảy rất khó quên của cả đội ngũ đông đảo những người đã mất ăn mất ngủ hàng tháng trời, thậm chí cả năm trời, để gióng lên hồi chuông róng riết cảnh báo cho cộng đồng, để thuyết phục bằng được các nhà làm chính sách, rằng phải có một lệnh cấm với tất cả những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, nếu không muốn buông xuôi sức khỏe, tính mạng của thanh thiếu niên.

Trong khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn đang có hiệu lực, thì vỉa hè, nhà ga, bến xe, các không gian công cộng, thậm chí trong các trụ sở, văn phòng vẫn ngập tràn khói thuốc. Không một trường hợp nào bị xử lý vì vi phạm luật này - hay ít nhất là được công khai - trong vòng hơn 10 năm, kể từ khi Luật có hiệu lực.

Vẫn có hơn 70.000 người bỏ mạng mỗi năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, cùng gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế xã hội, và rất nhiều nỗi đau vô hình, như khói thuốc.

Rất nhiều phụ huynh, nhiều chuyên gia bảo vệ trẻ em, nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã lo sợ về một tương lai bi đát cho con em mình, cho thế hệ trẻ của đất nước nếu như không chặn đứng các loại thuốc lá thế hệ mới từ hôm nay.

Bởi bằng chứng khoa học đã chỉ ra các sản phẩm này không hề giảm hại như lời rêu rao, mà trái lại, bản chất vẫn là nicotine, một thứ nicotine còn dễ gây nghiện hơn thuốc lá điếu và không thể nào kiểm soát.

Nó nham hiểm bởi được “chi” rất đậm, được che đậy dấu diếm dưới rất nhiều lớp lang tinh vi để đánh lừa người ta về mức độ gây gại, mà ngay cả người người trưởng thành, người có kiến thức, có thông tin cũng dễ dàng bị gạt.

Nó nguy hiểm bởi sự trá hình dưới các vỏ bọc sành điệu hấp dẫn giới trẻ, độ tuổi từ tiểu học cho đến vị thành niên, mà cha mẹ, thầy cô giáo cũng không thể nào nhận biết, không thể nào chạy theo được để ngăn con em mình đừng tiếp xúc.

Nó thực sự mang dáng dấp của một thảm họa, khi đã luồn lách, len lỏi sâu như quà vặt cổng trường, đã lọt vào túi bút của học sinh tiểu học, đã gây ra những vụ ngộ độc cấp cứu cho nhiều em, và làm cho hàng chục ngàn thanh niên sa sút.

Cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cộng đồng luôn đặt ra những thách thức mới (Ảnh minh họa)

Cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cộng đồng luôn đặt ra những thách thức mới (Ảnh minh họa)

Những nỗi lo từ mơ hồ cho đến sửng sốt, nhưng đều bất lực, chưa thể làm gì khi sản phẩm được tự do lưu hành trên thị trường, bằng những cách khác nhau. Thiếu một định danh, một dán nhãn, một phân loại với thái độ rành rọt từ cơ quan quản lý, thứ độc hại này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Đã có rất nhiều áp lực đặt ra cho những đồng hành cùng chính sách, những người quyết tâm đi đến cùng bảo vệ tương lai con trẻ khỏi nicotine. Và cuối cùng, nỗ lực đã được đền đáp. Không “bàn tay” nào che lấp được sự thật rằng, thuốc lá thế hệ mới là một thảm họa nhãn tiền.

Bởi vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết “nói không” với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm gây hại sức khỏe cộng đồng, hơn cả một quyết sách đúng đắn, đó còn là một quyết định của lương tri, của sự tỉnh táo, quyết đoán và kịp thời, kiên quyết vì sức khỏe của cộng đồng, cho một đất nước khỏe mạnh.

“Bảo kiếm” đã trao. Giờ là lúc Chính phủ tổ chức thực hiện tinh thần của Nghị quyết bằng các biện pháp cụ thể, để loại trừ sản phẩm độc hại ra khỏi thị trường, khỏi tầm tay của thanh thiếu niên. Một khi đã được dán nhãn là độc hại, là hàng cấm, mọi thứ đã mạch lạc và rõ ràng để các cơ quan quản lý bắt tay thực thi nhiệm vụ.

Không còn một sự mơ hồ hay lập lờ nào, các nhà trường, các thầy cô, các bậc cha mẹ đã có thể mạnh dạn, tự tin làm những việc cần làm để bảo vệ con em mình, học trò mình.

Cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cộng đồng luôn đặt ra những thách thức mới. Cái khó trong nhận diện “kẻ thù” không đáng sợ bằng những cám dỗ và cả sức ép từ siêu lợi ích, siêu lợi nhuận.

Nhưng, vài dòng trong Nghị quyết về thuốc lá điện tử của cơ quan lập pháp, đã củng cố niềm tin mạnh mẽ cho các gia đình rằng, không có lợi ích nào được phép đặt cao hơn tương lai của con em họ, và cũng chính là tương lai của đất nước này.

Kiều Tuyết - Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

“Những người mộng mơ”, hay “những người dùng thời gian một cách xa xỉ”, đó là lời tự bạch của những người có thói quen đạp xe đi làm, đạp xe đến trường – Một cộng đồng có khoảng 13 nghìn thành viên trên Facebook.

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Theo dự thảo sửa đổi Luật cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế quản lý cán bộ, công chức sẽ được đổi mới theo vị trí việc làm, lấy đó là cơ sở để tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Phương tiện đưa đón học sinh ngày càng trở thành loại hình vận tải hành khách thiết yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Số lượng các xe đưa đón học sinh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng công tác quản lý còn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

VOV Giao thông giành giải nhất 'Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024'

VOV Giao thông giành giải nhất "Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024"

 Loạt phóng sự "Để quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em đi vào cuộc sống" của nhóm phóng viên VOV Giao thông đoạt giải nhất ở thể loại báo nói.

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ - là một con ngõ ngắn nằm giữa phố Cầu Gỗ, nối với phố Gia Ngư. Vốn trước kia nằm trong cùng một phố chợ Hàng Bè quen thuộc của người Hà Nội - phố cổ. Trước đây chợ Hàng Bè nằm "chiếm" hoàn toàn hoặc một phần lòng đường của các con phố Hàng Bè, Gia Ngư, Ngõ Cầu Gỗ...

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

Thời gian qua, đường dây nóng Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tuyến đường Chu Văn An, đoạn từ Học viện Cán bộ TP.HCM đến ngã 5 Bình Hòa, liên tục bị đổ trộm rác thải, xà bần dù chính quyền đã căng dây cảnh báo xử phạt.

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, số doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát thải trong năm 2024 lên hơn 2.100 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.