Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Thuốc lá thế hệ mới: Cấm thôi, đừng bàn chuyện quản

Hải Hà: Chủ nhật 06/10/2024, 10:44 (GMT+7)

Hiện nay đã có 12 quốc gia đã cấm thuốc lá nung nóng, 32 đã cấm thuốc lá điện tử, ngày càng nhiều quốc gia đang tăng cường quản lý các sản phẩm này.

Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đây là Công ước quốc tế đầu tiên về sức khỏe - là công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất của thế giới được thương thảo với sự bảo trợ của Tổ chức Y tế thế giới, hiện đã có 182 quốc gia tham gia, với cam kết Quyết tâm bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc.

Trong điều kiện năng lực kiểm soát và quản lý hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị cấm triệt để thuốc lá thế hệ mới, chứ tuyệt đối không nên bàn chuyện phải quản thế nào.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi Điều 5.3 của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá trên thế giới và khẳng định Bộ y tế cần kiên quyết không cho ngành thuốc lá tiếp cận, tiếp thị tài trợ cho những cơ quan Nhà nước xây dựng chính sách về phòng, chống thuốc lá.

Bày tỏ lo ngại khi số lượng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng từng ngày, nếu Việt Nam không sớm có các biệt ngăn chặn thì sẽ bỏ lỡ “thời cơ vàng” và số lượng người sử dụng có thể tăng theo cấp số nhân, ông Nguyễn Trọng Khoa đề xuất:

"WHO và Bộ Y tế các nước đặt mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ thế hệ tương lai về sức khỏe, về giống nòi. Bộ Y tế đã có báo cáo với Chính phủ khẳng định nhất quán chính sách ngăn chặn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, không cho phép các loại thuốc này được sản xuất và lưu hành ở Việt Nam. Chúng tôi đang vận động Quốc hội xây dựng một Nghị quyết để cấm ngay lập tức vấn đề nhập khẩu, buôn bán lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và cả thuốc lá thế hệ mới."

Ảnh minh hoạ: Báo Nhân dân

Ảnh minh hoạ: Báo Nhân dân

BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, trong khu vực ASEAN có 5 quốc gia Thái Lan, Singapore, Brunei, Lào và Campuchia cấm sử dụng thuốc lá thế hệ mới, nên tỷ lệ sử dụng trên dưới 3%. Trong khi, một số quốc gia cho phép sử dụng thuốc lá thế hệ mới, thì tỷ lệ này liên tục tăng. Tổ chức y tế Thế giới khuyến cáo :

"Lựa chọn duy nhất phù hợp cho Việt Nam, phù hợp với ưu tiên của Chính phủ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam phải cấm sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Vì chỉ có cấm mới có thể duy trì ở mức thấp, tập trung ở vấn đề ngăn chặn buôn lậu và bảo vệ sức khỏe giới trẻ ở Việt Nam. Nếu mà thí điểm, tất cả các quán nước, vỉa hè mua bán tràn lan, bùng lên sử dụng và tỷ lệ sử dụng tăng cao, khi đã nghiện nicotine rồi thì làm sao có thể dừng các em lại được nữa. Ai sẽ chịu trách nhiệm? Làm sao có thể thí điểm một sản phẩm gây nghiện, một sản phẩm gây hại đến sức khỏe con người ?"

Ông Nguyễn Tuấn Lâm cảnh báo, Việt Nam cũng không có đủ thiết bị, máy móc con người, thời gian, kinh tế để kiểm soát, ngăn chặn, nên không thể cho phép thí điểm sử dụng thuốc lá thế hệ mới và quản lý theo giới hạn nồng độ.

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Theo Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, có sự mâu thuẫn giữa lợi ích y tế công cộng và lợi ích các doanh nghiệp của ngành công nghiệp thuốc lá, do vậy phải rất thận trọng khi xây dựng chính sách pháp luật nói chung đặc biệt là chính sách kiểm soát thuốc lá. Với những quy định hiện hành, việc cấm thuốc lá thế hệ mới sẽ thuận lợi hơn trong quản lý:

"Khi cấm dễ dàng trong triển khai thực hiện và trong chế tài xử lý. Vì hiện nay từ Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật hình sự quy định rõ mức tiền, mức phạt đối với việc buôn bán, kinh doanh hay quảng cáo hàng cấm. Khi mà cấm, các cơ quan chức năng không còn phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra trên địa bàn xem sản phẩm nào cấm, sản phẩm nào không cấm".

Hiện nay đã có 12 quốc gia đã cấm thuốc lá nung nóng, 32 đã cấm thuốc lá điện tử, ngày càng nhiều quốc gia đang tăng cường quản lý các sản phẩm này. Ông Jorge Alday, Giám đốc Tổ chức toàn cầu giám sát ngành công nghiệp thuốc lá (STOP), Vital Strategies khuyến nghị:

"Chính phủ nên bảo vệ người dân tránh khỏi việc trở thành vật thí nghiệm của ngành Công nghiệp thuốc lá đối với các sản phẩm gây nghiện và có hại. Ngành công nghiệp thuốc lá và nicotin được biết là đã thao túng nghiên cứu khoa học và thông tin về các sản phẩm để có lợi cho mình, nên tất cả các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam phải hết sức nghi ngờ và cảnh giác các bằng chứng khoa học cho rằng thuốc lá nung nóng hoặc có thể giúp cai nghiện thuốc lá. Nếu để các sản phẩm này có mặt trên thị trường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng."

Ông Jorge Alday, Giám đốc Tổ chức toàn cầu giám sát ngành công nghiệp thuốc lá (STOP), Vital Strategies

Ông Jorge Alday, Giám đốc Tổ chức toàn cầu giám sát ngành công nghiệp thuốc lá (STOP), Vital Strategies

Thạc sĩ Lê Thị Thu, Cố vấn chính sách cao cấp Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá cho biết, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia đã cụ thể hóa Điều 5.3 thành các Nghị quyết, quy định để ngăn chặn và hạn chế sự tham gia của ngành công nghiệp thuốc lá vào việc xây dựng chính sách.

Bà Thu chia sẻ về kinh nghiệm của một số quốc gia trong thực thi Điều 5.3, như nâng cao nhận thức về bản chất gây nghiện và độc hại của thuốc lá và sự can thiệp của ngành thuốc lá vào chính sách y tế công cộng và xây dựng các biện pháp hạn chế sự tương tác của ngành thuốc lá và bảo đảm sự minh bạch của các tương tác xảy ra:

"Thái Lan thực hiện rất tốt. Khi mà thực hiện xây dựng chính sách, không có sự can thiệp hoặc tương tác nào với người tham gia xây dựng chính sách với ngành công nghiệp thuốc lá. Họ đưa ra các quy định, Bộ trưởng hoặc cán bộ của ngành y tế không được gặp gỡ đại diện của ngành thuốc lá trừ việc thực thi Luật. Nếu trong quá trình thực thi Luật, doanh nghiệp có vướng mắc gì có thể đề xuất gặp nhưng đảm bảo sự công khai, minh bạch."

Với nhiều nỗ lực, sau 10 thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành từ hơn 54% xuống còn gần 39%. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng rất cao. Kết quả phòng, chống thuốc lá trong 30 năm sẽ bị thiêu rụi trong vòng 3 năm nếu chúng ta cho phép thuốc lá điện tử,  thuốc lá nung nóng vào Việt Nam.

Do vậy, các chuyên gia và nhà quản lý đồng tình đề xuất, chính phủ cần sớm có những chính sách mạnh mẽ để ngăn chặn sự gia tăng này và bảo vệ sức khỏe, giống nòi thế hệ tương lai của đất nước./.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn