Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Bỏ hàng rào, dừng thu phí: Cần nhân rộng ở các công viên Hà Nội

Nguyễn Yên - Kiều Tuyết: Thứ ba 13/12/2022, 11:51 (GMT+7)

Dự kiến từ 01/1/2023, Hà Nội sẽ dỡ một phần tường rào, không thu vé vào công viên Thống Nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, việc dỡ bỏ này cần nhân rộng ở các công viên khác của Hà Nội để người dân dễ dàng tiếp cận không gian công cộng, nhất là trong bối cảnh, đô thị đang rất thiếu không gian xanh.

 

Công viên Tao Đàn

Công viên Tao Đàn

Với một người cao tuổi tại TP.HCM như ông Nguyễn Vĩnh Hưng, ở đường Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, Quận 1, câu chuyện phải trả phí khi vào công viên là một việc tương đối xa lạ. Bởi ông Hưng cho biết, hàng rào xung quanh các công viên tại TPHCM đã được dỡ bỏ gần 20 năm nay, trong đó, đầu tiên là công viên Tao Đàn:

"Vườn Tao Đàn trước đây cũng rào chắn nhưng chả ai vào rồi sau này người ta mở cửa hết, buổi sáng, buổi tối đều mở cửa, để đèn sáng và bây giờ 4h sáng vào tập thể dục hay tối 7-8h vào thấy cũng an toàn", ông Hưng cho biết.

Trong khi đó, tại Hà Nội, sự tồn tại của các hàng rào quanh công viên lâu nay như một sự thật hiển nhiên, khiến họ cảm thấy thiệt thòi và tiếc nuối. Vì vậy, chị Nguyễn Anh Thư ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng như nhiều người dân khác rất phấn khởi trước thông tin công viên Thống Nhất sẽ được nghiên cứu theo hướng mở, với việc dỡ bỏ hàng rào, không thu vé vào cửa.

Chị Thư mong điều này được nhân rộng với những công viên gần nhà mình như công viên Cầu Giấy, Nghĩa Đô: "Vì đi vòng vào cổng công viên khá xa nên chỉ cuối tuần nhà mình mới có thể đưa con đi chơi công viên; nếu không còn tường chắn nữa thì mình và mọi người sẽ được tự do ra vào, tận hưởng không gian xanh của công viên. Mình mong chiều nào cũng có thể vào công viên khi việc ra vào thuận lợi hơn".

Một trong những nguyên nhân khiến chủ trương xóa hàng rào công viên, bỏ thu phí gặp trở ngại là lo lắng nguy cơ mất an ninh và vệ sinh môi trường khi mở cửa công viên.

Bà Phạm Kim Thu, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty công viên cây xanh Hà Nội chia sẻ: "Bản thân chúng tôi rất lo lắng khi mở hàng rào ra thì tất cả người dân đều dễ dàng tiếp cận vào trong công viên đồng nghĩa các thành phần không tốt cũng dễ dàng thâm nhập vào công viên, đặc biệt vào buổi tối đêm, những tệ nạn xã hội gây mất an ninh trật tự sẽ diễn ra gây ảnh hưởng tới những người nghỉ ngơi trong công viên".

Hà Nội đang cân nhắc phương án phá dỡ hàng rào quanh Công viên Thống Nhất. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Hà Nội đang cân nhắc phương án phá dỡ hàng rào quanh Công viên Thống Nhất. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Trước lo ngại về việc phá bỏ hàng rào có thể dẫn tới mất an ninh và vệ sinh môi trường, TS Phạm Anh Tuấn, Khoa Kiến trúc và quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, xã hội đã phát triển, ý thức người dân được nâng cao nên có thể kiểm soát an ninh trật tự, vệ sinh môi trường bằng công nghệ. Do đó, cải tạo công viên theo hướng mở là cần thiết và các vấn đề phát sinh không tới mức đáng lo ngại:

"Hệ thống vườn hoa, công viên là không gian công cộng, mọi người dân đều có quyền tiếp cận và sử dụng nó như một tiện ích trong không gian đô thị nên việc bỏ hàng rào là hoàn toàn đúng đắn và đáng ra phải làm từ lâu rồi. Người dân rất cần những không gian như vậy là khi có sự tham gia của chính người dân trong việc khai thác và sử dụng thì họ sẽ có ý thức bảo vệ hơn rất nhiều", TS Phạm Anh Tuấn nói.

Nhìn từ góc độ giá trị của không gian công cộng, ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nếu tiếp tục để công viên bị rào chắn, xuống cấp trong khi người dân đang rất thiếu các không gian xanh là một sự lãng phí lớn và cần sớm có lời giải phù hợp:

"Với hiện trạng từng công viên không thể có mô hình giống nhau mà phải có thiết kế, phương án phù hợp nhưng đều phải đem ra mở để người dân thoải mái, tự do đi vào, đồng thời tính toán lại các yếu tố thương mại như dịch vụ trò chơi, giải khát phải thật văn minh, phù hợp với số đông công chúng", ông Nghĩa cho biết.

Công viên theo hướng mở là xu hướng chung của các đô thị trên thế giới, bởi nó là cách giúp không gian công cộng trở nên thân thiện với mỗi người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội không cần học đâu xa mà học ngay TP.HCM, những công viên không có cổng, không có hàng rào từ lâu đã để người dân có thể tự do ra vào, tận hưởng không gian xanh một cách thoải mái.

 Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch chia sẻ kinh nghiệm của TPHCM trong việc quản lý, bảo vệ cảnh quan công viên khi bỏ hàng rào: "Khi mình mở cửa, không có người kiểm soát thì cũng cần có những nội quy dán trong từng công viên và những vấn đề như xả rác, mất an toàn, an ninh thì gọi báo theo số nào, phải có những quy định cụ thể. Việc này TP.HCM đã làm và Hà Nội có thể tham khảo để nâng cao bản sắc đô thị và không gian công cộng".

Hàng rào cao khiến công viên bị cô lập. Ảnh: Lao động

Hàng rào cao khiến công viên bị cô lập. Ảnh: Lao động

Để các công viên ở Hà Nội không còn bị cô lập phía sau những chiếc hàng rào trong điều kiện người dân đang rất thiếu không gian xanh, cần chuẩn bị nhiều yếu tố và có lộ trình, song, quan trọng nhất vẫn là thay đổi từ tư duy của các nhà quản lý đô thị về tầm quan trọng và ý nghĩa thực sự của các không gian công cộng. Mọi phát sinh đều có giải pháp, nếu thấu suốt quan điểm này.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, mở cửa công viên không chỉ là sự thay đổi của bản thân không gian công cộng, mà quan trọng hơn, mà sự thay đổi mang tính bản lề trong cách nghĩ.

 

Cho đến nay, dù triển vọng mở cửa công viên Thống Nhất mới đang dừng lại ở những đề xuất, song với đông đảo cư dân ở thành phố gần chục triệu con người này, thì cả một niềm hi vọng dạt dào đang được mở ra.

Trước hết, đó là cơ hội mở cửa những không gian công cộng như nó cần phải thế.

Công viên Thống Nhất, ngay cả khi đang là một nơi “kín cổng cao tường”, thì sự tấp nập, nhộn nhịp rất đặc trưng vào những ngày cuối tuần vẫn đủ cho thấy niềm mong mỏi, khát khao những khoảng xanh của người dân lớn đến mức nào.

Tất nhiên, niềm khao khát ấy đã có thể được thỏa mãn tốt hơn, nếu như người dân được tự do ra vào mà không phải lăn tăn chuyện mua vé, chuyện giờ giấc, chuyện loay hoay tìm chỗ gửi xe.

Lý do về mặt kinh tế đã không còn thuyết phục. Bởi báo cáo của Hà Nội vừa qua cho thấy, mức vé vài nghìn đồng/ lượt, không đủ nuôi mấy chục con người đang phục vụ tại đây.

Lý do về mặt an ninh trật tự cũng không phải vấn đề. Bởi về lý thuyết, một không gian mở với sự để mắt, giám sát thường xuyên từ đông đảo người dân, chắc chắn tốt hơn mấy bức tường rào cũ kỹ, hoặc sự đảo qua đảo lại của một số ít nhân viên bảo vệ.

Mở cửa công viên, rõ ràng là phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người dân và hoàn toàn khả thi.

Thứ hai, đề xuất mở cửa một phần công viên Thống Nhất còn mở ra niềm hi vọng về việc trả lại đúng công năng cho không gian công cộng.

Một trong các vấn đề còn băn khoăn khiến các công viên ở Hà Nội chưa thể mở cửa, là việc phải quản lý, bảo vệ ra sao với các hạng mục công trình xã hội hóa, khi công viên bỏ rào? Câu trả lời kỳ thực lại không hề phức tạp.

Nếu nhìn vào cách tổ chức các các trò chơi có thu tiền ở công viên Thống Nhất và một số công viên Hà Nội hiện nay, sẽ thấy, cái lợi cũng có, nhưng mặt trái nhiều hơn.

Cái mà phụ huynh mong muốn khi đưa con đến công viên, là để chúng vui chơi dưới bóng cây và gió mát bên hồ, thoát khỏi 4 bức tường và các đồ điện tử.

Cái họ cần là những thứ đồ tập, đồ chơi ở công viên được đầu tư miễn phí, cơ bản thôi, nhưng đủ để trẻ được chơi theo cách hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng giá trị của sự vận động đích thực.

Công viên Thống Nhất có những hạng mục này, nhưng rất ít ỏi, và lâu lắm rồi không được đầu tư.

Trong khi, các trò chơi có thu tiền, dù thu hút con trẻ, nhưng lại làm giảm cả không gian và sự chú ý của chúng vào tương tác với thiên nhiên. Chưa kể, nó khiến sự yên tĩnh, thảnh thơi không còn nguyên vẹn.

Vậy thì, sự xã hội hóa hóa ở công viên nếu có – chỉ nên dừng lại ở việc huy động các nguồn lực để đầu tư vào những hạng mục công ích, như tổ chức không gian, trang bị dụng cụ vui chơi và tập luyện, để phục vụ mọi tầng lớp nhân dân.

Xã hội hóa, nên là sự tham gia của xã hội – từ các tổ chức đến cá nhân, các nhóm hành động vì cộng đồng, không chỉ là nguồn lực tài chính, mà còn là đóng góp tự nguyện về ý tưởng sáng tạo, công sức, nhiệt huyệt,để chung tay làm cho các không gian công cộng đó trở nên thân thiện hơn, hấp dẫn và hữu ích hơn cho cộng đồng.

Xã hội hóa công viên theo hướng làm dịch vụ thu tiền, chưa nói đến sự kiểm soát nguồn thu và khả năng tái đầu tư để phục vụ mục đích công, mà cái dễ thấy, là làm mất đi sự thuần khiết của các không gian này. Nếu không muốn nói, công năng chính của không gian công cộng đã bị biến dạng.

Đó là một mất mát rất lớn. Bởi khi người dân không đủ chỗ để thở, để thả lỏng, để cân bằng trở lại giữa rất nhiều áp lực thường ngày, thì những chi phí trực tiếp và gián tiếp mà xã hội phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề phát sinh, là không thể nào đong đếm.

Tóm lại, đề xuất mở cửa một phần Công viên Thống Nhất, hơn cả triển vọng mở cửa một công viên, đó còn là triển vọng tạo nên một sự thay đổi mang tính bản lề trong cách nghĩ của các nhà quản lý đô thị.

Cách nghĩ đó dựa trên việc đánh giá đúng tầm quan trọng của các không gian công cộng đối với đời sống cư dân đô thị, về công năng chính yếu của các không gian này, và theo đó, sẽ cố gắng bằng mọi cách phát huy tối đa nó, chứ không phải bằng mọi cách bắt nó sinh tiền./.

Nguyễn Yên - Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.