Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Bể chứa nước sinh hoạt chung cư: Quy chuẩn đã có, thực thi ra sao?

Hải Hà: Thứ năm 08/12/2022, 10:31 (GMT+7)

Nhiều người dân sống tại một số chung cư, nhà cao tầng phản ánh về chất lượng nước sinh hoạt bị đục, có mùi lạ.Trong khi, các nhà máy sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội luôn cam kết chất lượng nước của nhà máy cung cấp đến trước đồng hồ được đảm bảo theo các tiêu chuẩn hiện hành.

Câu hỏi đặt ra là khâu quản lý và phân phối nước tại các chung cư, nhà cao tầng đang có những bất cập gì? Làm thế nào để khắc phục tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo?

 

Thời gian qua, qua đường dây nóng của VOV Giao thông nhận được phản ánh của người dân sống tại một số chung cư ở quận Hoàng Mai về tình trạng nước sinh hoạt không thực sự sạch.

Anh Nguyễn Văn Mạnh dẫn chứng: "Trong quá trình nước đóng cặn ở trên thành ống nó xổ ra, có những căn hộ nước đen như màu bã cà phê, rất là bẩn. Cái này cũng có thể tồn tại trên đường ống từ trước đến nay".

TS Phạm Tuấn Hùng, giảng viên bộ môn cấp thoát nước, trường Đại học Xây dựng phân tích, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt, bao gồm các nguyên nhân ở mạng lưới cấp nước phía trước đồng hồ và phía sau đồng hồ.

Cấu hình của hệ thống cấp nước, sử dụng nước trong các tòa nhà chung cư, hộ gia đình sử dụng nước rất đa dạng nhưng phổ biến có bể chứa ngầm, hệ thống bơm và hệ thống bể chứa trên mái.

Bởi vậy, TS Phạm Tuấn Hùng cho rằng, khi chất lượng nước có vấn đề, cần lưu ý: "Chúng ta cần phải kiểm tra lại hệ thống lưu trữ và phân phối trong hộ sử dụng nước có tránh được sự thâm nhập của các chất ô nhiễm có thể thâm nhập từ bên ngoài vào được không".

Hơn 3 năm sinh sống tại tòa nhà chung cư Hòa Phát (quận Hoàng Mai), người dân liên tục chứng kiến nước sinh hoạt có tình trạng vẩn đục, thậm chí đục ngầu như nước cống. Ảnh: Lao động

Hơn 3 năm sinh sống tại tòa nhà chung cư Hòa Phát (quận Hoàng Mai), người dân liên tục chứng kiến nước sinh hoạt có tình trạng vẩn đục, thậm chí đục ngầu như nước cống. Ảnh: Lao động

Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường, hiện nay, đa phần các bể chứa nước được xây dựng bằng bê tông cốt thép, inox hoặc tấm composit lắp ghép, đường ống truyền dẫn làm bằng thép tráng kẽm, ống PVC, … nên chất lượng các công trình cấp nước đa phần đáp ứng tiêu chuẩn. Vấn đề đáng quan ngại nhất nằm ở khâu quản lý, vận hành.

Rất nhiều các tòa nhà, hộ gia đình không thực hiện duy tu bảo dưỡng, kiểm tra nước định kỳ, thau rửa nạo vét đường ống, bể chứa nước. Đường ống tạo đóng cặn, phát triển các màng vi sinh, thậm chí có xác côn trùng hay sinh vật chết…khiến chất lượng nước kém đi và dễ bị thâm nhập thêm các mầm bệnh, dịch bệnh nhất là sau khi có dịch bệnh hay các hoạt động sửa chữa.

Bày tỏ băn khoăn về vấn đề an toàn cấp nước của các tòa nhà chung cư, GS.TS Nguyễn Việt Anh nêu ý kiến: "Những hệ thống cấp nước trong rất nhiều trường hợp không được quản lý bởi các cán bộ, công nhân hay các đơn vị cung cấp dịch vụ có chuyên môn. Vì thế, chúng ta không thực hiện những việc như thau rửa định kỳ, kiểm tra mẫu nước thường xuyên và thậm chí là để cho nó tái nhiễm bẩn".

Bùn trong bể nước ngầm lội ngập đến đầu gối, rác vớt lên cả bao tải... thậm chí, nước sạch trong bể còn được trộn với nước thải là cảnh thường thấy trong những khu tập thể ở Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet

Bùn trong bể nước ngầm lội ngập đến đầu gối, rác vớt lên cả bao tải... thậm chí, nước sạch trong bể còn được trộn với nước thải là cảnh thường thấy trong những khu tập thể ở Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet

Nghị định 117 và Thông tư 41 quy định, các nhà chung cư sau khi tiếp nhận nước từ các nhà máy sản xuất nước đến đồng hồ tổng, sau đó phân phối cho người dân cũng được gọi là đơn vị cấp nước (đơn vị bán lẻ). Bởi vậy, theo ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội,  Ban quản trị các tòa nhà chung cư là người quản lý hệ thống cấp nước trong tòa nhà  hoặc thuê đơn vị vận hành.

Kết quả sau các cuộc thanh, kiểm tra hàng năm về chất lượng nước của các khu chung cư, nhà cao tầng do Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp Sở Y tế, các đơn vị cấp nước và chính quyền địa phương cho thấy một số bất cập

"Thứ nhất là công tác vận hành, duy tu duy trì thau rửa bể không thực hiện thường xuyên. Có sự cố, như bể bị nứt nên có nguồn nước không đảm bảo xâm nhập vào bể dẫn đến nước không đảm bảo. Trong những năm qua, Sở Xây dựng đã tuyên truyền các công ty cấp nước hỗ trợ các đơn vị thau rửa bể nước định kỳ, tối thiểu 6 tháng /lần khử trùng để đảm bảo chất lượng nước", ông Lê Văn Du cho biết.

Ông Vũ Kim Chung, Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường-y tế trường học, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, theo quy định, Trung tâm y tế các quận huyện thực hiện ngoại kiểm. Ban quản trị các chung cư phải có trách nhiệm quản lý chất lượng nước đến đồng hồ nước cấp cho người dân:

"Thông tư 41 quy định đơn vị cấp nước sẽ phải chịu trách nhiệm nội kiểm chất lượng nước định kỳ. Ngoài việc đảm bảo bể chứa như thế nào, hệ thống phân phối nước ra làm sao, hệ thống đường ống có đúng quy chuẩn không, thi công có đúng hay không cho đến bảo trì bảo dưỡng thế nào ? Nếu mà mình quản lý không tốt, xây dựng không tốt vận hành không tốt thì nguy cơ ô nhiễm ở các bể chứa rất nhiều", ông Vũ Kim Chung cho biết.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, trước đây một số chung cư, khu đô thị khi đưa vào hoạt động đã bàn giao toàn hộ hệ thống phân phối, cung cấp nước sinh hoạt cho các đơn vị cấp nước nên chất lượng nước được bảo đảm đến tận tay người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các Ban quản trị, Ban quản lý các tòa nhà đứng ra đảm nhiệm việc phân phối, cấp nước nên việc quản lý, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt có phần bị buông lỏng.

Bởi vậy, theo ông Tiến, về lâu dài nên để các nhà cung cấp nước chuyên nghiệp trực tiếp quản lý khâu vận hành, phân phối nước sinh hoạt: "Các ban quản lý họ chưa có được hệ thống cảm biến, không có nhân lực và người ta cũng không đầu tư vào những cái này lớn. Cho nên, các ban quản lý nên sớm dần dần bàn giao việc cung cấp nước cho các đơn vị chứ không nên quản lý cái này lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng nước".

Ông Tiến cho biết thêm, các đơn vị được giao cũng nên sẵn sàng tiếp nhận để có những biện pháp siết chặt quản lý nâng cao chất lượng nước sinh hoạt đến tay người sử dụng.

Nuoc-Chung-Cu-Nhiem--05

Hiện, khoảng 13,5% dân cư Hà Nội sống trong các chung cư, tòa nhà cao tầng. Chất lượng nước sạch sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Bởi vậy, giám sát chất lượng các bể chứa nước tập trung và khâu quản lý vận hành hệ thống nước sinh hoạt tại các tòa nhà chung cư là điều cần thiết.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.

Theo số liệu năm 2020 của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có khoảng 2.600 chung cư. Với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh như hiện nay, tốc độ gia tăng số lượng công ty sản xuất, kinh doanh nước chuyên nghiệp không theo kịp tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân.

Nhiều chủ đầu tư, Ban quản trị các tòa nhà đã đứng ra hoạt động như một đơn vị bán lẻ nước sinh hoạt, mua nước từ các nhà máy, lưu giữ trong bể ngầm, bơm lên bể trên mái và sau đó trực tiếp phân phối cho người sử dụng thông qua hệ thống truyền dẫn của các tòa nhà.

 Theo các quy định của Thông tư 41,  Ban quản trị, ban quản lý hay đơn vị đứng ra phân phối nước sinh hoạt hoạt động với vai trò của một đơn vị bán lẻ nước sinh hoạt nên có trách nhiệm đối với mạng lưới đường ống cũng như kiểm soát chất lượng nước đến từng hộ gia đình.

Định kỳ hàng tháng thực hiện nội kiểm chất lượng nước, Trung tâm y tế huyện, thị xã, thực hiện đánh giá ngoại kiểm chất lượng nước ít nhất 1 lần/năm.

Việc thiết kế, xây dựng các bể ngầm, bể trên mái chứa nước được xây dựng theo Thông tư số 03/2021 của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 04: 2021, QCVN 01:2021/BXD, các yêu cầu về kỹ thuật quy định trong “Quy chuẩn Hệ thống cấp thoát nước cho nhà và công trình”.

Tuy nhiên, việc giám sát chất lượng các công trình xây bể chứa nước tập trung tại các khu chung cư, nhà cao tầng, khu đô thị có phần bị buông lỏng. Quá trình thẩm định phê duyệt và nghiệm thu các công trình chứa nước tập trung mới được nhìn nhận ở góc độ công trình xây dựng, trong khi những công trình này mang tính chất đặc thù của đơn vị cấp nước. Thực tế thời gian qua cho thấy, có nhiều bể ngầm được xây dựng bằng những nguyên vật liệu không phù hợp, bể dễ bị rò rỉ, không có mái che, thậm chí có trường hợp, bể nước ngầm được xây dựng ngay sát bể phốt nên đã xảy ra trường hợp tràn từ bể phốt sang bể nước sinh hoạt gây ô nhiễm nguồn nước.

Đặc biệt, công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ bể chứa và hệ thống đường ống chưa được thực hiện thường xuyên, tích tụ  nhiều cặn bẩn, bùn đất, không đảm bảo chất lượng.

Vậy cần làm gì để kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt tại các tòa nhà cao tầng, nhà chung cư ?

Trước hết, cần siết chặt công tác thiết kế, giám sát quá trình thi công, xây dựng và nghiệm thu các công trình cấp nước sinh hoạt tại các tòa nhà, chung cư cao tầng. Mạng lưới cấp nước phải đảm bảo an toàn và độ tin cậy về lưu lượng, áp lực, chất lượng nước theo yêu cầu sử dụng.

Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiên quyết từ chối không cho chung cư đi vào hoạt động nếu các công trình cấp nước không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và quy định QCVN 01-01 2018 của Bộ Y tế.

Trong quá trình vận hành, cần đặc biệt quan tâm đến công tác giám sát chất lượng nước. Định kỳ hàng tháng, Ban quản trị các chung cư, đơn vị quản lý vận hành thực hiện nội kiểm chất lượng nước sinh hoạt, thông báo công khai cho người dân.

Ban quản trị các tòa nhà định kỳ thực hiện công tác duy tu, nạo vét thau rửa, ngâm clo, súc rửa hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt và các bể chứa nước tập trung, đặc biệt sau những lần dịch bệnh hay sửa chữa nhà, tránh tình trạng chỉ khi xảy ra sự cố mới tiến hành sửa chữa.

 Với vai trò hoạt động như một đơn vị cấp nước độc lập, việc  Ban quản trị dành ngân sách, nguồn lực tài chính để đầu tư các trang thiết bị hiện đại phát hiện sớm các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý online là điều cần thiết. Xây dựng quy trình cấp nước an toàn của mỗi khu chung cư, khu dân cư cũng cần được tính đến.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Ban quản trị về quản lý hệ thống cấp nước trong các tòa nhà hoặc thuê, bàn giao cho các đơn vị có chuyên môn quản lý, vận hành.

Song song với đó, từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng nước sinh hoạt đặc biệt tại các khu chung cư, bổ sung thêm các chế tài xử lý nghiêm khắc nhằm tăng sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, ngành y tế địa phương đối với công tác ngoại kiểm định kỳ và kiểm tra đột xuất chất lượng sinh hoạt. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư  là điều đặc biệt quan trọng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sự cố liên quan đến chất lượng nước sinh hoạt.

Đừng để tình trạng “ mất bò mới lo làm chuồng”, đến khi chất lượng nước sinh hoạt bị ô nhiễm mới khắc phục thì quá muộn!

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội và những 'dòng sông chết'

Hà Nội và những "dòng sông chết"

Nếu tính trên toàn bộ địa bàn Hà Nội, hiện chúng ta đang "sở hữu" 7 dòng sông lớn nhỏ khác nhau. Trong đó chảy qua địa bàn nội thành có các sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu... Thế nhưng điều đáng nói, trong 4 con sông vừa kể tên, 3 trong số chúng đã... chết, đúng theo nghĩa đen

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Hiện dự án đầu tư hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình thi công. Thực tế tình hình giao thông tại đây như thế nào? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT). Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua (18 - 22/3), thị trường hàng hóa biến động mạnh. Điều này thể hiện qua sự phân hóa, giằng co rõ rệt trên diễn biến giá của các mặt hàng.

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Tính đến tuần cuối tháng 3, mức lãi tiết kiệm 5%/năm đã chính thức biến mất khỏi dải lãi suất các ngân hàng quốc doanh.