Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Bao giờ TP. HCM hết ngập?

Trọng Nghĩa: Thứ tư 02/11/2022, 11:20 (GMT+7)

Những ngày gần đây các tuyến đường tại TP.HCM thường xuyên chìm trong biển nước. Điều đáng nói khi đây không phải là tình trạng mới, mà nó đã kéo dài trong suốt một khoảng thời gian dài khiến không ít người dân vô cùng bức xúc.

 

Trung bình lượng nước dâng cao vào các con hẻm từ 40-60 cm. Ảnh: Vietnamnet

Trung bình lượng nước dâng cao vào các con hẻm từ 40-60 cm. Ảnh: Vietnamnet

Theo ghi nhận phóng viên, sáng 25/10 nhiều con hẻm, tuyến đường lớn ven kênh rạch ở TP.HCM như: Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, Phú Thuận,…. Quận 7 bị chìm sâu sâu trong nước do triều cường dâng cao.

Do triều cường lên đúng vào giờ cao điểm, phụ huynh phải để các con em ngồi trên xe rồi xuống xe hì hục dắt qua vùng ngập. Gương mặt ai cũng lộ vẻ mệt mỏi. Người dân đi lại khó khăn, một số xe máy đã bị chết máy trong quá trình di chuyển.

Anh Phạm Can đang lay hoay lau chùi bugi để cố gắng nổ lại chiếc xe tỏ ra khá bức xúc: "Mùa nước lớn thì nó lên vậy đó, nó lên ngập qua xe luôn, con đi học buổi sáng nhiều khi xe chạy qua không nổi, đứng chờ thì trễ giờ học. Còn ráng mà chạy qua thì xe nó ngập, nó bị chết máy, quanh năm suốt tháng là nó bị vậy đó, mùa nước lớn từ đây chạy dài xuống ngã ba Phú Lộc, nước lớn là nó bị vậy hoài, khổ dân chúng ở đây lắm".

Ông Huỳnh Văn Lợi, gần 20 năm sinh sống bên tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 ngán ngẩm cho biết cứ mỗi tháng 2 lần xuất hiện triều cường, tuy nhiên triều cường lần này dâng cao hơn so với những lần trước đó.

Vừa ngơi tay sau khi vác những bao cát chắn nước tràn vào nhà, ông chia sẻ: "Đa số là 29, 30 hay mùng 1 nước sẽ bị ngập mà mỗi lần ngập như vậy thì có khi hôm nay nó ngập lúc 2h chiều rồi ngày mai nước nó dâng lên là 3h chiều, rồi khoảng 3 hay 4 tiếng đồng hồ sau nó mới rút, nhiều khi đưa đón con cái đi học hoặc đi công tác hay đi làm về xa rước con không kịp thì đâm ra là quần áo các con sẽ ướt hết trơn".

Thấy người dân vật lộn với con nước mỗi khi triều cường lên, anh Lưu Văn Quán, ngụ tại TP. Thủ Đức đã vượt hàng chục km lên đường Trần Xuân Soạn để hỗ trợ bà con sửa xe khi bị chết máy, anh chia sẻ: "Mình tranh thủ chiều về thì mình chạy đi giúp bà con bị ngập nước thôi thì thấy người ta đi về mà bị chết máy giữa đường cũng cực. Mình hỗ trợ lau bugi, rồi mình thấy cái gì hư hỏng thì mình hỗ trợ người ta, mình giúp họ, họ cảm ơn thì mình cũng cảm thấy vui, năm nào mình cũng đến đây hỗ trợ giúp đỡ xe máy cho người ta".

Triều cường kết hợp với mưa lớn gây ngập nước đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP HCM). Ảnh: Tiền Phong

Triều cường kết hợp với mưa lớn gây ngập nước đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP HCM). Ảnh: Tiền Phong

Người dân bức xúc vì tình trạng ngập úng là điều khó tránh khỏi, vì những công trình như siêu dự án chống ngập ở TP.HCM có mức đầu tư 10.000 tỷ đồng vẫn đang trong tình trạng dang dở, tạm ngừng thi công suốt 4 năm qua hay ‘siêu máy bơm’ chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng đã tạm dừng từ lâu. Cứ như thế đến hẹn lại lên, mỗi lần triều cường dâng cao, nhiều tuyến đường gần như mất hút trong biển nước.

Dưới góc nhìn của TS Hồ Long Phi – Nguyên Giám đốc trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, số tiền đầu tư cho các dự án chống ngập của thành phố vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế: "Mình phải nói rõ những số tiền chi đó sẽ chả thấm vào đâu so với nhu cầu hết, hệ thống chống ngập của TP.HCM hiện nay còn yếu và thiếu.

Thiếu bởi vì hiện nay nó chỉ đạt khoảng 30%-40% tổng lưu vực của TP.HCM thôi, còn yếu là hiện các hệ thống chống ngập của thành phố đang quá tải do biến đổi khí hậu. Họ thiết kế so với bây giờ là đã lạc hậu rồi chưa kể là còn bị nghẹt do rác nữa. Đó là một trong những nguyên nhân chính, còn lại ngăn triều là mình có ngăn được bao nhiêu đâu. Cái dự án chống ngập lớn nhất thì tới nay vẫn còn dỡ dang".

Ngoài ra, TS Hồ Long Phi cũng cho rằng cơ chế tài chính của thành phố đối với việc chống ngập còn yếu vì so với những dịch vụ công ích khác như giao thông, y tế, giáo dục… thì phát triển rất mạnh vì cân bằng được thu chi. Còn trong lĩnh vực chống ngập lụt thì lại không đủ kinh phí nên dù có hướng giải quyết cũng không thể thực hiện đến nơi đến chốn:

"Giải pháp thì chắc chắn là không mới. Bởi vì đầu tiên áp dụng là những giải pháp truyền thống rồi học tập các nước họ đã xây dựng nhưng điều quan trọng nhất là không có tiền để làm. Hiện nay, những nguyên nhân mà gây ngập thì đã được xã hội hóa rồi. Tất cả các thứ là nó có nguồn thu chi và nó phát triển rất là nhanh. Trong khi đó cái chống ngập nó là bao cấp, nó không có nguồn thu, thành ra cái đó là một cái bất cập lớn", TS Hồ Long Phi cho biết.

Giải thích thêm về khó khăn trong chính sách cũng như đầu tư cho các công trình chống ngập của thành phố hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Võ Văn Hoan cho biết: "Thực ra, việc giải quyết các bài toán mang tính xã hội như kẹt xe ô nhiễm môi trường, chống ngập thì thực sự mà nói là kêu gọi đầu tư tư nhân rất khó, tất cả điều phải tìm cơ chế, nguồn lực. Nhưng mà suy cho cùng thì nhà nước phải gánh chứ nguồn lực xã hội hóa khó lắm, nhưng mà mình tìm cơ chế tư nhân tham gia mà nhà nước thì thanh toán".

Danh sách các “liều thuốc chữa ngập” của thành phố bao năm qua gần như không thay đổi, vẫn những dự án nằm dài từ báo cáo năm này qua tới năm sau. Ngoài việc loay hoay tìm vốn để đẩy các dự án đã bị trì hoãn quá lâu, thành phố gần như không có thêm giải pháp gì mới mang tính đột phá. Trong khi ngân sách chống ngập thì cứ chi lãng phí mà không hiệu quả… còn ngập lụt, khốn khổ, thì chỉ “đổ đầu” dân. 

Siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP HCM đã trễ hẹn qua năm thứ 4 liên tiếp. Ảnh: Đại đoàn kết

Siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP HCM đã trễ hẹn qua năm thứ 4 liên tiếp. Ảnh: Đại đoàn kết

"Bao giờ TP.HCM hết ngập?" có lẽ là câu hỏi không chỉ của người dân mà cả chính quyền thành phố cũng đang lay hoay với vấn đề này. Nhiều giải pháp đã được đưa ra từ khâu nhỏ nhất như thay đổi thiết kế nắp cống, vận động người dân không xả rác ra đường cho đến những công trình lớn hơn như siêu máy bơm, hay dự án chống ngập 10 nghìn tỷ. Thế nhưng đến nay tình trạng ngập vẫn cứ tiếp diễn, thậm chí có nơi ngập ngày một nặng hơn.

Chính quyền Thành phố cũng như các sở ngành cần có giải pháp trước mắt và cả lâu dài trước vấn đề này nếu muốn “Quận 1, TP.HCM trở thành một Singapore thu nhỏ” như lời chủ tịch Thành phố đã từng nói.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông: Ngập đâu chỉ bởi mùa mưa

Mưa, triều cường gây ngập tại TP. HCM là chuyện đã nói suốt cả thập kỷ qua. Toàn bộ kinh phí mà TP. HCM đã “đổ” vào công tác chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 là 25.998 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD; Kế hoạch giảm ngập nước cho TP giai đoạn 2021 - 2025 ước tính cần khoảng 101.000 tỉ đồng, tương đương 4,3 tỉ USD, nhưng ngập vẫn hoàn ngập, cứ mưa là ngập mà không mưa cũng ngập đã khiến người dân ngày càng bức xúc.

Nhiều tuyến đường chìm trong biển nước đã không còn là chuyện quá xa lạ. Nếu lúc trước tình trạng ngập chỉ xuất hiện khi có những trận mưa lớn, nước trên các tuyến phố không kịp thoát xuống đường cống thì giờ đây tình trạng ngập càng trầm trọng thêm bởi ảnh hưởng của các đợt triều cường. Kẹt xe, người dân vật lộn với con nước để về nhà là các hình ảnh quá đỗi thân thuộc.

Tốc độ đô thị hóa tại TP. HCM đang diễn ra rất nhanh, trong khi những tòa nhà, trung tâm thương mại mọc lên như nấm thì các công trình thoát nước đô thị gần như bị ‘lãng quên’ khi không được đầu tư gì thêm.

Danh sách các “liều thuốc chữa ngập” của TP bao năm qua gần như không thay đổi, đa phần các giải pháp theo kiểu đối phó, chắp vá. Nào là nâng đường, đầu tư siêu máy bơm để hút nước. Nhiều tuyến đường sau khi nâng lên cao để chống ngập trở thành con đê chắn ngang khiến nước mưa tràn ra hai bên, nước từ trong hẻm và những đường xung quanh không có lối thoát, tạo thành “dòng sông” nhỏ trong khu dân cư khi có mưa lớn.

Cứ đà chống ngập bằng cách nâng đường, hút chỗ này bơm ra chỗ khác để thoát nước thì có chi ra hàng tỉ đôla cũng chẳng thể thoát ngập. Thậm chí, còn phản tác dụng.

Trong khi các giải pháp được đưa vào sử dụng không phát huy được hiệu quả thì dự án xây dựng cống ngăn triều chống ngập được đầu tư với nguồn vốn 10 nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2018 với hy vọng sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do triều và mưa kết hợp với triều cho khu vực trung tâm TP và các quận huyện 7, 8, Nhà Bè. Tuy nhiên, hơn 4 năm qua dự án này vẫn nằm im bất động dù tiến độ công việc đã đạt hơn 90%.

Rõ ràng các dự án chống ngập đến thời điểm hiện tại hiệu quả gần như bằng 0. Đã từng có đại biểu HĐND hiến kế ‘dùng lu chống ngập’ cho thành phố, tuy nhiên, đây được xem là một ‘hạ sách’ cho câu chuyện chống ngập ở Sài Gòn.

Thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền thành phố nên quan tâm một cách đúng mực, đầu tư đúng lúc cho các dự án chống ngập. Nếu không, nguy cơ Sài Gòn chỉ còn “một điểm ngập duy nhất” là nơi đâu cũng đầy nước đang hiển hiện không xa. Và khi đó ‘Hòn ngọc viễn Đông’ ngày nào sẽ thành một ‘Venice Viễn Đông’ nhưng… rất khác.

Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn.