Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Băng dính, nguồn rác nhựa chưa được quan tâm

Minh Hiếu: Thứ ba 12/09/2023, 16:35 (GMT+7)

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, băng dính được sử dụng nhiều hơn và không thể thiếu trong việc đóng gói hàng hóa. Tuy nhiên, đằng sau những kiện hàng chằng chịt băng dính, không phải ai cũng biết những tác động xấu đến môi trường của nguồn rác nhựa chưa được chú ý này.

Đến những ngày săn sale, chị Hoàng Yến Chi, chủ một tổng kho tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, lại tất bật đóng gói hàng cho khách. Trung bình mỗi tháng, gian hàng của chị dùng hết khoảng 50 cuộn băng dính loại 1kg:

"Shop của em mà dán ít băng dính quá thì hàng có thể bị hỏng. Khi đến tay khách mà hàng hóa bị rách thì khách sẽ phản hồi, đánh giá sản phẩm luôn, sẽ ảnh hưởng chất lượng của shop. Để hạn chế hoàn toàn thì em nghĩ rất là khó, vì thứ nhất là chi phí thấp, thứ hai là nó tiện lợi".

Những kiện hàng phủ đầy băng dính là hình ảnh phổ biến khi thương mại điện tử phát triển, nhưng nhiều người chưa biết tác động xấu đến môi trường của nguồn rác nhựa này

Những kiện hàng phủ đầy băng dính là hình ảnh phổ biến khi thương mại điện tử phát triển, nhưng nhiều người chưa biết tác động xấu đến môi trường của nguồn rác nhựa này

Không chỉ đóng gói hàng hóa, băng dính được sử dụng hằng ngày trong sinh hoạt và nhiều công việc khác. Tuy nhiên, sự nguy hại của rác thải băng dính với môi trường chưa được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông, mạng Internet, dẫn tới hiểu biết chưa đầy đủ của người tiêu dùng:

"Từ trước đến giờ em cũng chưa từng biết băng dính gây hại tới môi trường. Em cũng chỉ biết túi nilon với các đồ nhựa, chứ băng dính chưa nghe bao giờ. Em nghĩ là truyền thông nên nói rõ hơn và nhiều hơn."

"Về cơ bản băng dính cũng được làm từ nhựa, nên em thấy việc dùng băng dính nhiều như hiện tại là không nên."

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương mỗi năm. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, với chính sách, pháp luật liên quan như: Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08 và Nghị định 45 năm 2022 của Chính phủ, với lộ trình từ hạn chế sử dụng, thu phí đến cấm sử dụng.

Theo đó, sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm có nhãn sinh thái), bao bì nhựa (túi nilon, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa (trừ trường hợp xuất khẩu và đóng gói sản phẩm bán ra thị trường).

Tuy nhiên, hiện các số liệu thống kê về chất thải nhựa, các chính sách, pháp luật liên quan chỉ đề cập nhiều về túi nilon, hộp nhựa xốp,… hay các sản phẩm chứa vi nhựa chung chung, còn băng dính rất hiếm khi được đề cập.

Theo anh Nghiêm Xuân Sơn, Phụ trách truyền thông, tổ chức Let’s Do It Hanoi, băng dính cũng giống như các sản phẩm từ nhựa khác, nếu không xử lý đúng cách thì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường:

"Các loại băng dính nhựa có thể mất hàng trăm năm để phân hủy, đồng thời phát tán nhiều chất hóa học độc hại. Các loại băng dính phổ biến hiện nay thường chứa chất kết dính là cao su tổng hợp gốc acrylic, và có thành phần cấu tạo từ nhựa PP hoặc PVC, được sử dụng rộng rãi do giá cả phải chăng, linh hoạt và độ bền cao. Tuy nhiên, các loại băng dính này không thể phân hủy sinh học, phát tán các hạt vi nhựa theo thời gian. Băng nhựa PVC cũng giải phóng các chất hóa học độc hại như clo, dioxin trong quá trình sản xuất, sử dụng và vứt bỏ."

Hạn chế sử dụng, tái chế băng dính hoặc lựa chọn băng dính phân hủy sinh học có thể làm giảm tác động môi trường và sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Hạn chế sử dụng, tái chế băng dính hoặc lựa chọn băng dính phân hủy sinh học có thể làm giảm tác động môi trường và sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Cũng theo anh Nghiêm Xuân Sơn, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh truyền thông và có những chỉ dẫn về sản phẩm thân thiện, bền vững. Cộng đồng nên cân nhắc sử dụng các loại băng dính phân hủy sinh học, được làm từ chất liệu tự nhiên như cellulose, thực vật, không để lại các hóa chất hay hạt vi nhựa độc hại; hoặc sử dụng băng dính làm từ cao su tự nhiên, thân thiện với môi trường và có thể tái chế.

Việc hạn chế sử dụng, tái chế và xử lý băng dính đúng cách cũng có thể làm giảm tác động môi trường và sức khỏe con người./.

 

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn