Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Ám ảnh tiếng ồn phố du lịch

Minh Hiếu: Thứ hai 03/07/2023, 06:33 (GMT+7)

Ô nhiễm tiếng ồn tại “phố ăn chơi” Tạ Hiện lâu nay đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân sống xung quanh khu vực.

Đáng nói, không chỉ riêng Hà Nội mà tại nhiều khu du lịch, khu “phố Tây” ở các đô thị khác, đủ loại âm thanh ồn ào cũng bủa vây du khách và người dân. 

Cách nào cải thiện hình ảnh du lịch, phát triển kinh tế đêm mà không làm đảo lộn cuộc sống cư dân? 

 

Có mặt giữa phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm vào thời điểm 9h tối một ngày trong tuần, chúng tôi ghi nhận cường độ âm thanh ở mức khoảng 85 dBA, vượt tiêu chuẩn khoảng 15 dBA. Tiếng ồn sẽ giảm dần ở các vị trí xa hơn, nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân xung quanh là điều khó tránh khỏi bởi tiếng nhạc xập xình đến khuya từ các hàng quán, tiếng cười nói ồn ào của du khách.

Anh N. V. T, nhà ở mặt sau phố Tạ Hiện cho biết, dù đã trang bị hệ thống cửa cách âm nhưng tiếng ồn vẫn len lỏi vào gia đình, nhiều lần ảnh hưởng giấc ngủ của ông bà và các con:

"Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, kể cả ánh sáng, mùi xào nấu,… nói chung là thường xuyên. Khách nước ngoài có nhu cầu hoạt động về đêm, âm thanh thu hút khách du lịch phải là nhạc mạnh cơ. Hôm nào chơi khuya quá, công an “đi đuổi” thì đỡ đi. Có những hôm 3h-4h sáng, khách nước ngoài còn cãi lộn. Bà con lối xóm cũng có người kinh doanh trực tiếp ở đây, nếu hoạt động mà văn minh hơn thì tốt, còn không thì chỉ biết chấp nhận".

Không chỉ riêng Hà Nội mà tại nhiều khu du lịch, khu ''phố Tây'' ở các đô thị khác, đủ loại âm thanh ồn ào cũng bủa vây người dân và du khách (Ảnh: Báo Phụ nữ)

Không chỉ riêng Hà Nội mà tại nhiều khu du lịch, khu ''phố Tây'' ở các đô thị khác, đủ loại âm thanh ồn ào cũng bủa vây người dân và du khách (Ảnh: Báo Phụ nữ)

Không chỉ Hà Nội mà tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các khu “phố Tây” còn xuất hiện ở các đô thị khác. Tại TP.HCM, UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản xử phạt và vận động cơ sở kinh doanh, quán nhậu tại phố Bùi Viện ký cam kết không vi phạm tiếng ồn. TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng từng chấn chỉnh tình trạng các cơ sở lưu trú dùng loa kéo dạo, hát hò gây ô nhiễm tiếng ồn.

Tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, giấc ngủ và sức khỏe của người dân xung quanh khu vực mà còn khiến nhiều du khách có trải nghiệm không ưng ý. Chị Đỗ Hải My, ở quận Hà Đông, Hà Nội chưa có ý định trở lại Hạ Long vì ký ức về bờ biển Bãi Cháy buổi tối như “bãi chiến trường âm thanh”, tiếng nhạc “giật đùng đùng” phát ra từ hàng loạt bar, pub ngoài trời san sát:

"Trong lúc mình ngồi café ở đấy, bên tay phải là quán mở nhạc remix xập xình, bên trái thì lại là quán mở dân ca và nhạc cổ truyền, cả hai đều mở với âm lượng rất lớn. Khá là bực vì mình muốn ngồi café ngắm biển nhẹ nhàng một chút thì hai bên rất là ồn ào. Ngay buổi hôm sau mọi người quyết định không ra bãi biển chơi nữa. Cá nhân mình thấy cứ duy trì như thế này thì lượng khách cũng sẽ bị ảnh hưởng".

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, một trong những đặc trưng của đời sống đô thị hiện đại là các hoạt động xuyên đêm hoặc rất khuya, kèm theo các dịch vụ trong nhà, ngoài trời có độ ồn khá lớn.

Đây là một mâu thuẫn khi chúng ta muốn phát triển kinh tế đêm nhưng vẫn cần đảm bảo an ninh trật tự và sức khỏe cho nhân dân.

Những bờ biển như ''bãi chiến trường âm thanh'', tiếng nhạc ''giật đùng đùng'' công suất lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực trải nghiệm của du khách

Những bờ biển như ''bãi chiến trường âm thanh'', tiếng nhạc ''giật đùng đùng'' công suất lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực trải nghiệm của du khách

Để giải quyết mâu thuẫn này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, các thành phố có cán bộ chuyên trách và bộ phận giúp việc chuyên sâu để quản lý khu vực dịch vụ ban đêm, học tập kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước như Anh, Nhật Bản hay Singapore,…:

"Những khu phố có dịch vụ ban đêm cần có cơ chế quản lý riêng ngoài những chính sách chung của thành phố, bao gồm quy định cụ thể về địa giới, độ ồn theo quy định.

Có hướng dẫn cụ thể để chủ cửa hàng cung cấp dịch vụ biết được thế nào là độ ồn cho phép, những biện pháp cần thiết để triệt tiêu tiếng ồn: cách âm, đặt cây và những biện pháp khác.

Thứ hai là cần niêm yết công khai những quy định về tiếng ồn để tuyên truyền cho người dân, du khách, kèm theo đó là những chế tài.

Thứ ba là kết hợp phạt hành chính với yêu cầu tạm đóng cửa, nhắc nhở, nêu tên nơi công cộng,… Cần phải làm một cách bài bản, tập trung và thống nhất, tránh hiện tượng bỏ mặc hoặc luộm thuộm, nhát gừng như hiện nay".

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho rằng rất khó để xây dựng những khu vực phát triển kinh tế đêm cách xa để không gây ảnh hưởng đến khu dân cư, bởi các tiêu chí phát triển hoạt động du lịch về đêm đều nằm ở những khu thương mại, dịch vụ sầm uất có sẵn. Do đó, sự đồng thuận, phối hợp từ cả chính quyền và người dân là cách để khắc phục những bất cập:

"Khi mình phát triển kinh tế đêm thì đương nhiên nó sẽ gây ra tiếng ồn, vấn đề môi trường, an ninh,… Nhưng tất cả quốc gia phát triển kinh tế đêm đều phải trải qua giai đoạn đó. Đồng thuận của đa số người dân là được, chứ 100% thì khó, nhóm thiểu số phải hướng đến tự điều chỉnh. Ví dụ như cho thuê lại chỗ đấy để chuyển đi chỗ khác, đầu tư thêm phần cách âm,…

Từ góc độ quản lý, địa phương nên xem xét những cách hỗ trợ các gia đình. Hàng quán cố định tại một địa điểm thì tìm cách chống tiếng ồn, còn hàng quán nào di động thì mình có thể điều chỉnh phù hợp hơn. Phải từ cả hai phía, một phía từ người quản lý hoạt động kinh tế đêm, một phía là người dân địa phương chủ động thích ứng".

Việc quản lý hoạt động du lịch, kinh tế đêm cần được thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách, với vai trò ''nhạc trưởng'' tổ chức linh hoạt và điều phối hài hòa các đơn vị cùng thực hiện

Việc quản lý hoạt động du lịch, kinh tế đêm cần được thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách, với vai trò ''nhạc trưởng'' tổ chức linh hoạt và điều phối hài hòa các đơn vị cùng thực hiện

Hoạt động kinh tế đêm ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng như một động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích thì cơ quan quản lý cũng cần nhận diện rõ rủi ro tiềm ẩn, trong đó có ô nhiễm tiếng ồn.

Để niềm vui của người này không trở thành nỗi “ám ảnh” của người khác, cần sự vào cuộc trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương và sự đồng thuận, hợp tác của các tổ chức, cá nhân. 

Góc nhìn của VOV Giao thông: Cần hàng rào pháp lý ngăn tiếng ồn từ phố du lịch

 

Ô nhiễm tiếng ồn trong hoạt động du lịch đã diễn ra từ lâu, thậm chí có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, nhưng chưa được các địa phương nhận diện đúng mức độ nghiêm trọng.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, ô nhiễm tiếng ồn là một trong những vấn đề lớn ảnh hưởng ngành du lịch, có thể làm giảm lượng du khách, doanh thu của doanh nghiệp khi một bộ phận lớn khách du lịch yêu cầu môi trường nghỉ dưỡng yên tĩnh và thư giãn.

Khách du lịch có thể không hài lòng, còn cư dân địa phương, những người sống gần khu du lịch nhưng không hưởng lợi từ hoạt động kinh tế này, thì chắc chắn đã từng cảm thấy phiền toái, khổ sở vì tiếng ồn, với những ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần, thậm chí là năng suất lao động khi “chịu đựng” trong thời gian dài.

Đặc biệt là từ tối về đêm, khoảng thời gian nghỉ ngơi của cư dân, đủ loại âm anh ồn ào vẫn phát ra từ các hàng quán như tiếng cười nói, thậm chí là cãi vã, tiếng nhạc xập xình, và cả những chiếc loa thùng vô tư kéo dạo với âm lượng “khủng”,…

Việc xử lý của các lực lượng chức năng vẫn gặp khó với những lý do quen thuộc nhiều năm qua như thiếu trang thiết bị kiểm định tiếng ồn, thiếu cơ chế phối hợp khi chưa xác định rõ đây là phạm trù ô nhiễm tiếng ồn hay an ninh trật tự,… dẫn đến số trường hợp bị xử phạt không đáng kể và mức phạt chưa đủ sức răn đe.

Giải pháp kỹ thuật và hàng rào pháp lý được quy định rõ sẽ là căn cứ cho các lực lượng chức năng giám sát, xử lý, đồng thời không khiến du khách cảm thấy bị động (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Giải pháp kỹ thuật và hàng rào pháp lý được quy định rõ sẽ là căn cứ cho các lực lượng chức năng giám sát, xử lý, đồng thời không khiến du khách cảm thấy bị động (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Từ góc độ kinh tế, lợi ích của kinh tế đêm là không phải bàn cãi khi tạo thêm nhiều việc làm, nguồn thu nhập cho địa phương, khuyến khích tiêu dùng, và nhất là nuôi dưỡng ngành du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách trong bối cảnh sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, đa phần khách quốc tế “một đi không trở lại”.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế chỉ có ý nghĩa khi đi kèm việc nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đời sống tinh thần. Trong đó, giải “bài toán” ô nhiễm tiếng ồn, cải thiện hình ảnh du lịch là yêu cầu bức thiết, và các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương không thể tiếp tục “thả nổi” như bấy lâu nay.

Đầu tiên là cần có khung pháp lý, chính sách cho hoạt động kinh tế đêm với tầm nhìn chiến lược dài hạn, bao quát và tham vấn đầy đủ mọi chủ thể làm việc, sử dụng dịch vụ ban đêm, cư dân sống xung quanh, người điều hành và các chủ thể liên quan.

Việc quản lý hoạt động du lịch, kinh tế đêm cần được thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách, với vai trò “nhạc trưởng” tổ chức linh hoạt và điều phối hài hòa các đơn vị cùng thực hiện, giám sát để ngăn ngừa tinh thần làm việc thiếu trách nghiệm hoặc ỷ lại.

Những quy định về loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép, tiêu chuẩn hoạt động; các chính sách về giao thông, an ninh, trật tự;… cần được đề cập cụ thể, rõ ràng.

Những khu nào được phép, tiếng ồn ở mức nào; không gian ngoài trời không gần khu dân cư; không gian trong khu dân cư, không gian kín có cách âm;… Các giải pháp kỹ thuật và hàng rào pháp lý được quy định rõ sẽ là căn cứ cho các lực lượng chức năng giám sát, xử lý, đồng thời không khiến du khách cảm thấy bị động.

Cơ chế tài chính cũng cần được chú trọng khi xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các địa phương mua sắm trang thiết bị cần thiết; bố trí lực lượng túc trực, tiếp nhận phản ánh của người dân và du khách, duy trì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục.

Công tác này cần được đặt vị trí trọng tâm trong việc triển khai thực hiện, bởi trên thực tế, vi phạm về tiếng ồn đa phần được người dân tự giác khắc phục khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, chứ chưa cần tới những biên bản xử phạt.

Đi cùng kiểm tra, xử lý luôn là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức và cá nhân kinh doanh. Hình thức cần đa dạng, từ vận động trực tiếp đến tận dụng tối đa sức lan tỏa của mạng xã hội để tăng cường nhận thức về sự nguy hại của ô nhiễm tiếng ồn, tạo sự đồng thuận và hợp tác để áp dụng các biện pháp hạn chế, từ đó nâng tầm hình ảnh du lịch địa phương và cũng là gia tăng lợi ích cho chính doanh nghiệp, người dân.

Phát triển du lịch không chỉ là tạo ra những điểm đến hấp dẫn, sản phẩm đặc trưng mà còn đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng chung ý thức trách nhiệm để gìn giữ “thương hiệu”, trong đó có việc bảo vệ không gian trong lành yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn. Đó là mục tiêu mà ngành du lịch và các địa phương cần quan tâm đúng mức hơn để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Trong các ngày 25 và 26/7/2024, trên địa bàn TP.Hà Nội diễn ra các hoạt động phục vụ Lễ Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Công an thành phố Hà Nội phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện.

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng nay (25/7), Lễ viếng chính thức đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tổ chức đồng thời ở Hà Nội, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Người dân Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội phản ánh về tình trạng bụi bặm, đường xá ngổn ngang do công trình cải tạo, chỉnh trang lại vỉa hè, hệ thống thoát nước và chiếu sáng trên QL21B đoạn qua thị trấn Vân Đình đang triển khai thi công, ảnh hưởng đến đi lại và đời sống.

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Năm 2023, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam vào khoảng 600 nghìn tấn, bằng 63% lượng đường của các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cờ vỉa

Cờ vỉa

Với cánh mày râu, có một món ăn tinh thần vẫn tồn tại lâu nay trong cuộc sống, đó là thú chơi cờ tướng vỉa hè. Nếu bộ hàng ngang qua những vỉa hè trên phố, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm người tụ tập xung quanh bàn cờ tướng kèm theo những âm thanh nhộn nhịp cả một góc phố.

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Tại Hà Nội, nhiều tuyến đường đã được đầu tư từ lâu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thế nhưng các tuyến đường này vẫn chưa cho thấy hiệu quả hoạt động của nó. Đơn cử như tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, phần đường đáng ra được dành riêng cho người đi bộ, thì nay đã trở thành bãi đỗ xe…

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Sau giai đoạn ủy thác ban đầu, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý quốc lộ là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho trung ương mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc quản lý và bảo trì quốc lộ.