Xung quanh quy định người đủ 15 tuổi được điều khiển phương tiện thủy dưới 1 tấn

VOVGT - Một số ý kiến cho rằng, dù quy định này của UBND Tp.Hà Nội không trái với Luật Đường thủy nội địa, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đường thủy.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Việc quy định người từ 15 tuổi trở lên được điều khiển phương tiện chở tới 5 người sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Theo Luật Đường thủy nội địa, người lái phương tiện không có động cơ, có trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ, biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và được cấp giấy chứng nhận. Đối chiếu quy định này, việc UBND Tp. Hà Nội ban hành quy định về việc người lái phương tiện có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc chở dưới 5 người phải từ 15 tuổi trở lên là không trái với Luật Đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, đại diện Phòng quản lý phương tiện và thuyền viên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, quyết định của UBND Tp. Hà Nội khó đảm bảo an toàn cho những người đi trên những phương tiện này. Theo vị đại diện này, với những người quen với điều kiện sông nước như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, họ lái tàu thuyền theo kiểu cha truyền con nối, có nhiều kinh nghiệm lưu thông vùng sông nước thì việc quy định người trên 15 tuổi để điều khiển phương tiện dưới 1 tấn là hợp lý. Nhưng với vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là khu vực Hà Nội, phương tiện có tải trọng dưới 1 tấn hầu hết đều là phương tiện thuộc hộ gia đình, tần suất sử dụng thấp, kinh nghiệm sông nước chưa nhiều thì việc quy định người từ 15 tuổi trở lên được điều khiển phương tiện chở tới 5 người sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Thừa nhận thực tế này, ông Trần Bá Khương, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần vận tải Hà Đông, một đơn vị chuyên vận tải hàng hóa bằng đường thủy cho rằng, khi lượng phương tiện vận tải thủy ngày càng tăng, điều kiện thời tiết ngày càng thất thường thì việc cho phép người đủ 15 tuổi trở lên sử dụng phương tiện gia dụng cũng khó đảm bảo an toàn. Do vậy, ông Khương cho rằng, cơ quan chức năng nên hạn chế đề xuất cá nhân có phương tiện vận tải nhỏ, kinh nghiệm chưa nhiều được phép lưu thông trên luồng đường thủy.

Ông Khương nói: "Tôi quan niệm trên sông nước nó đòi hỏi yếu tố kinh nghiệm rất nhiều chứ không hẳn là chuyện bằng cấp. Bằng cấp chỉ là một phần, nếu chưa đủ kinh nghiệm mà điều khiển phương tiện thì có thể dẫn đến những hệ lụy về an toàn đường thủy cho các phương tiện trên sông. Vì vậy, tôi đề xuất với các cơ quan chức năng nên siết chặt vấn đề năm kinh nghiệm mới được điều khiển phương tiện".

 

Ông Nguyễn Văn Luận, Công ty xây dựng An Khang cũng cho rằng, thực tế nhiều trường hợp người có thể có bằng cấp đúng quy định, nhưng do thiếu thực tế sông nước, thiếu kinh nghiệm điều khiển phương tiện, khó chấp hành các chỉ dẫn luồng đường thủy nên khi lưu thông trên luồng đường thủy không chỉ gây nguy hiểm cho mình mà cho cả phương tiện khác.

Ông Nguyễn Văn Luận nói: "15 tuổi đâu có phải học mấy tháng mà lái phương tiện này được đâu. Phải đi khoảng 1 năm, năm rưỡi thì mới có thể cấp chứng chỉ hành nghề thôi, chưa thể lái được. Cái này không như trên đường bộ, học mấy tháng chưa thể biết được hết, vì người ta còn nhìn nước, nhìn phao".

 

Từ thực tế nêu trên cũng như nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy không chỉ đối với những phương tiện gia dụng, mà cả hệ thống phương tiện đường thủy nói chung, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, tai nạn giao thông đường thủy so với đường bộ thì không lớn và thiệt hại trực tiếp về con người và tài sản thì thấp, nhưng thiệt hại cho phát triển kinh tế - xã hội và tác động xã hội lại rất lớn.

Dẫn chứng về điều này, ông Hùng cho biết, chỉ riêng vụ tai nạn sập cầu Ghềnh tại Đồng Nai vào tháng 3/2016, làm gián đoạn hệ thống đường sắt Bắc – Nam đã khiến ngành đường sắt thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Ông Hùng nói: "Có thể nói, tác động về kinh tế, xã hội, về văn hóa, môi trường hoạt động kinh doanh của TNGT đường thủy là rất lớn. Đồng thời, Việt Nam là quốc gia có tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến rất phức tạp nên đây cũng là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy".

 

Ngoài nguy cơ tai nạn đến từ phía phương tiện người lái, TNGT đường thủy còn xuất phát từ việc thiếu hệ thống cọc phao neo đậu, nhất là trong mùa mưa bão. Những nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong chuyên mục Tiêu điểm tiếp theo.