Xử lý rơm rạ, vẫn phải tìm cách làm mới

Tình trạng đốt rơm rạ gây ảnh hưởng tới môi trường, giao thông và đời sống sinh hoạt vẫn như một vòng lặp đến mùa hẹn lại lên. Để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết, việc tìm thêm những giải pháp có thể xử lýt tình trạng này ngày càng trở nên cần thiết.

Với vai trò là nước cường quốc nông nghiệp, Việt Nam sản xuất hàng năm khoảng 43 - 54 triệu tấn lúa và tạo ra khoảng 47 triệu tấn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch. Khoảng 90% số lượng rơm rạ này được xử lý bằng cách đốt cháy ngoài trời, không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí nguồn tài nguyên quý giá.

Hiện nay, giải pháp nâng cao chuỗi giá trị của rơm rạ được đánh giá là phù hợp và hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu tình trạng đốt hở chất thải nông nghiệp nói chung và rơm rạ nói riêng. Rơm được tái sử dụng sau khi thu hoạch lúa để phục vụ cho các hoạt động kinh tế khác như làm phân bón, chất đốt, trồng nấm, nuôi giun, làm than hoạt tính….

Ảnh: Hà Nội Mới

Mặc dù đã góp phần giúp giảm bớt tình trạng đốt rơm, nhưng phần gốc rạ là phần khó thu gom, không bán được, phần lớn, người nông dân đốt ngay tại đồng ruộng nên vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, bài toán tiếp theo của xử lý tình trạng đốt hở rơm rạ hiện nay là phải tìm ra giải pháp nâng cao giá trị của gốc rạ: "Gốc rạ thì phải sử dụng giải pháp khác như hỗ trợ 1 số nhóm nghiên cứu ra chế phẩm sinh học phun vào gốc rạ để nó phân hủy ngay tại đồng rộng để phân hủy nhanh hơn, tạo phân bón, tăng sản lượng của hạt thóc, không cần dùng phân hóa học nên đảm bảo được chất lượng tốt hơn cho gạo hữu cơ….tất cả đều thu được lợi ích, nghĩa là nâng cao hiệu quả, giúp người nông dân, lại thêm lợi ích kép nữa là giảm phát thải khí nhà kính và bán được tín chỉ carbon so với đốt bỏ đi."

Người nông dân còn bị hạn chế trong việc tiếp cận các thông tin khoa học, nhưng lại chính là những người liên quan trực tiếp tới việc xử lý đốt hở rơm rạ nên họ có thể là những người đưa ra các ý tưởng, giải pháp thiết thực và phù hợp nhất. Theo Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cần khích lệ người nông dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện đang là học sinh, sinh viên, cũng chính là con cháu của những người nông dân đó  có nhiều cơ hội đưa ra ý tưởng, giải pháp cho vấn đề đang tồn tại này:

"Nếu chúng ta động viên để tất cả mạnh dạn đưa ra các ý tưởng thì đó là cái rất đáng khích lệ, tức là nó mở rộng hơn, không chỉ các nhà khoa học mà cả những kinh nghiệm dân gian cũng có thể có được. Cái thứ 2 rất quan trọng là các cháu là con, cháu của các ông bà, bố mẹ làm nông nghiệp ấy, tác động vào ý thức của các cháu và từ đó tác động ngược trở lại để người dân có ý thức hơn. Đó là một thành công cực lớn rồi."

Mặc dù các giải pháp xử lý đốt hở rơm rạ theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp với chiến lược và xu hướng phát triển của Việt Nam và trên toàn thế giới., nhưng theo tiến sỹ Lương Hữu Thành, Trưởng bộ môn sinh học môi trường, Viện Môi trường nông nghiệp đánh giá, các giải pháp hiện nay chủ yếu mang tính tuyên truyền, có giá trị về mặt xã hội và môi trường, còn hiệu quả kinh tế trực tiếp cho người nông dân vẫn chưa đủ:

"Cái giá trị của rơm rạ chưa cân bằng được với giá trị của việc xử lý, nó không hiệu quả so với cái công người ta bỏ ra, đó là cản trở lớn nhất. Làm phân bón vẫn là phương pháp hiệu quả nhất vì nó gắn liền với hoạt động sản xuất bình thường, là người dân không phải bỏ cái gì ra cả, họ chỉ được cấp thêm nguyên liệu trong quá trình cày bừa ải đất thôi, thì chỉ đi theo hướng đó nhưng lại liên quan đến máy móc. Bây giờ mình muốn làm thì mình phải cải tiến hệ thống máy móc ấy, dân không tốn thì họ sẽ làm."

Ngoài ra, khi người nông dân đảm bảo được lợi ích kinh tế và chủ động tiến hành các giải pháp phù hợp khi xử lý rơm rạ thì còn có thể thu hút được thêm các nguồn vốn tài trợ trong nước và quốc tế, từ đó nhân rộng mô hình hiệu quả bền vững hơn nữa.