Xử lý hành vi làm lây lan dịch bệnh: Đã đến lúc cần nhìn lại?

Trong 3 năm dịch bệnh, nhiều vụ án làm lây lan dịch đã bị khởi tố, nhiều người đã bị xử lý với mức án nặng.

Các mức án được đưa ra trong bối cảnh chúng ta chưa hiểu rõ về dịch bệnh, chưa đánh giá thật đúng về nó, cộng với các cách làm của chính cơ quan chức năng để lộ thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân và gia đình họ.

Vậy đến thời điểm này, nên chăng cần nhìn lại để có hướng xử lý phù hợp, công bằng, và thực sự đảm bảo tính nhân văn?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Trở lại một chung cư cao cấp trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội sau gần 1 năm xảy ra vụ việc bệnh nhân COVID-19 thứ 3633 và 3634 bị kỷ luật vì khai báo không trung thực khi từ Đà Nẵng trở về (thời điểm đó là vùng có dịch), nhiều người dân sinh sống trong khu vực vẫn bàn tán câu chuyện của vợ chồng bệnh nhân này. Một số người còn chỉ rõ căn hộ nơi họ sinh sống với thái độ kỳ thị, thậm chí, nhà hàng của vợ chồng bệnh nhân này sắp mở trong khu vực cũng được người dân đem ra chỉ trỏ.

Chứng kiến cảnh này, anh Hoàng, một người sống cùng tòa nhà chia sẻ:

 

"Tại thời điểm hiện nay, cách nhìn nhận về bệnh dịch đó đã được công nhận nó không phải là bệnh dịch nguy hiểm thì cũng nên xem xét lại những vấn đề đối với người bị xử phạt".

Tương tự, sau khi cơ quan chức năng có quyết định khởi tố vụ án liên quan đến bệnh nhân N.T.T.P - nhân viên quán cà phê Karaoke ở Quốc Oai, Hà Nội vào tháng 11/2021, nhiều thông tin cá nhân của bệnh nhân này được bàn tán công khai, thậm chí nghề nghiệp của bệnh nhân này cũng được mang ra bàn luận, khiến bệnh nhân và gia đình họ ngại ngần, xấu hổ.

Một người hàng xóm cũng cho hay:

 

"Tôi cũng đã bị COVID rồi, nói chung nó cũng thông thường như cảm cúm, không nguy hiểm lắm, thì những trường hợp đó cũng nên xóa án cho người ta thì tốt hơn".

Thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, 3 năm qua, các cơ quan chức năng đã xử lý, giải quyết 421 vụ với 464 bị can về các tội liên quan đến các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó có 64 vụ với 27 bị can bị truy tố về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Có những người bị xử phạt hành chính, bị kỷ luật, cách chức, có người bị phạt tù tới 5 năm…

Các cơ quan chức năng đã xử lý, giải quyết 421 vụ với 464 bị can về các tội liên quan đến các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VOV

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh văn phòng Viện KSND tối cao, trong bối cảnh thông tin về dịch bệnh chưa rõ ràng thì việc đưa thông tin cá nhân mắc bệnh là cần thiết để cộng đồng cùng phòng tránh:

 

"Người ta thực hiện hành vi ở bối cảnh đó và họ phải chịu mức hình phạt tương đương với bối cảnh đó.

Đến bây giờ họ hoàn toàn có thể được hưởng các chính sách nhân đạo được quy định trong Bộ Luật hình sự hay bộ luật Tố tụng hình sự trong việc giảm án, tha tù, thậm chí tha tù trước thời hạn, hoặc chế định đặc xá hoặc chế định giảm án, tha tù khác".

Tuy vậy, TS Trần Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, với những hiểu biết mới về dịch bệnh, với những chính sách mới về thích ứng linh hoạt, đặc biệt là đề xuất coi đây là căn bệnh thông thường, bệnh đặc hữu thì đã đến lúc các cơ quan bảo vệ pháp luật cần cân nhắc các hình phạt hành chính, hình sự đối với những người có hành vi vi phạm cho phù hợp hơn, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật:

 

"Chúng ta đã bắt đầu nhận thức rằng đấy không phải là bệnh nguy hiểm nhóm A nữa; thứ hai chúng ta thay đổi về mặt chính sách thích ứng an toàn với dịch thì đã đến lúc chúng ta cần nhắc việc áp dụng Điều 240 đó trong bối cảnh này không nên quá chặt chẽ, quá nghiêm khắc nữa và các cá nhân đang bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội này thì nên cân nhắc ễn trách nhiệm hình sự cho họ".

Nhìn lại các biện pháp xử lý thời gian qua, ông Đinh Thế Hưng, Trưởng Phòng Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, các hình phạt đối với người làm lây lan dịch bệnh thời gian qua thiên về hình thức phạt tù. Trong khi đó Điều 240 Bộ luật Hình sự cho phép áp dụng phạt tiền, án treo:

 

"Luật Hình sự có nguyên tắc nhân đạo, có thể ễn trách nhiệm hình sự khi hành vi không còn nguy hiểm nữa.

Do vậy, đề xuất này cũng là đề xuất mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xem xét để áp dụng những quy định mang tính nhân đạo cho những người đã bị áp dụng hình phạt về tội làm lây lan dịch bệnh trong thời gian qua".

TS. Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: nguyên tắc của luật pháp, khi có sự thay đổi các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội thì những hành vi trong quá khứ sẽ căn cứ vào tình hình thay đổi đó để áp dụng những tình tiết có lợi nhất cho những người đã thực hiện hành vi vi phạm. Do vậy, nếu đã nghiên cứu, xem xét coi covid là bệnh đặc hữu thì cũng cần xem xét các hình thức xử phạt với những người bị kết án là làm lây lan dịch. Ngoài ra, việc làm lộ, lọt thông tin cá nhân cũng cần được đánh giá lại:

 

"Việc công bố danh tính, tên tuổi, địa chỉ, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, bởi vì những người bị bệnh đang lo lắng, đồng thời họ lại phải chịu búa rìu của dư luận, gây ra sự hoảng loạn cho người ta, gây tổn hại đến danh dự, uy tín.

Đồng thời trong trường hợp đó còn có thể xảy ra nhiều hệ lụy khác. Rõ ràng đây là bài học rất cay đắng và cũng cần phải rút kinh nghiệm".

Đã đến lúc các cơ quan bảo vệ pháp luật cần cân nhắc các hình phạt hành chính, hình sự đối với những người có hành vi vi phạm cho phù hợp hơn, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Ở góc độ nào đó, vào thời điểm chưa hiểu rõ thông tin về dịch bệnh, việc xử lý, xử phạt nghiêm với những người có những vi phạm làm lây lan dịch là cần thiết để góp phần kiềm chế dịch bệnh.

Tuy vậy, khi bối cảnh thay đổi, các biện pháp phòng dịch cũng có nhiều thay đổi, đã đến lúc cần nhìn nhận, đánh giá lại các biện pháp xử lý thời gian qua để đúc rút kinh nghiệm cho thời gian tới.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của nhà báo Phạm Trung Tuyến: "Khi nỗi sợ đi qua".

 

Đến thời điểm hiện tại, dù mỗi ngày vẫn có vài chục ngàn người mắc covid được phát hiện, song cuộc sống đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường, không còn giới nghiêm, không còn cấm đoán hội họp, gặp gỡ, không truy vết, không cách ly tập trung…

Một thái đội đối mặt với covid đã hoàn toàn khác so với thời điểm trước, khi mà những ca bệnh đầu tiên xuất hiện, khi mà những cộng đồng được coi là ổ dịch khi có người mắc bệnh.

Sự thay đổi ấy khiến cuộc sống dễ dàng hơn với phần lớn người dân, song có những câu hỏi gợn lên khi nhìn lại, về nỗi đắng cay của những thân phận bị đối xử khắc nghiệt trong những tháng ngày mà chúng ta quá sợ hãi bệnh dịch.

Cô gái trẻ tên Nhung, người trở về từ nước ngoài trong chuyến bay 3 năm trước và bị định danh là bệnh nhân số 17 có lẽ sẽ không bao giờ quên được ký ức kinh hoàng khi bị cả xã hội rủa xả, lên án vì mang bệnh dịch về nhà khi cả nước đang yên ổn.

Cô ấy không muốn mắc bệnh, cô ấy không muốn làm lây bệnh cho người khác, cô ấy chỉ bỡ ngỡ với các quy định phòng chống dịch quá mới mẻ, và trở thành tội nhân thiên cổ, ai cũng có thể chửi mắng, nguyền rủa…

Mọi chuyện lẽ ra không như thế nếu như người ta không công bố tên tuổi địa chỉ và thông tin cá nhân của cô, nếu như sự riêng tư của cô được đảm bảo. Song, nguyên tắc ấy đã không được tôn trọng, và chẳng ai nhận trách nhiệm vì điều này, bởi vì nỗi sợ hãi dịch bệnh khiến cho những giá trị sống khác đều trở nên không đáng được bảo vệ.

Bệnh nhân số 17 không phải là nạn nhân duy nhất của nỗi sợ hãi trong suốt 3 năm qua. Hàng trăm người đã bị khởi tố hình sự vì tội danh vi phạm các quy định phòng chống dịch, chỉ vì không khai báo y tế.

Họ trở thành tội phạm, mang án tích suốt đời vì những lỗi không dễ hình dung vào một thời điểm khác. Hàng chục hộ gia định bị nhốt trong nhà, khóa trái cửa, bị dựng hàng rào chắn lối đi.

Những cụ già bị xúc phạm, bị phạt tiền vì ra ngoài hít thở khí trời, những người nông dân bị sỉ nhục vì lén ra đồng nhằm cứu vãn thành quả của một vụ mùa đến ngày thu hoạch. Những người cha, người chồng phải trốn tránh chui lủi như tội phạm vì đưa con đi nhập học, đưa vợ đi thăm con…

Chưa bao giờ mà việc bảo vệ giá trị con người phải chịu sự thử thách lớn như những ngày tháng đó. Chỉ để sau khi nỗi sợ hãi qua đi, tất cả những sự báng bổ quyền con người đó trở thành chuỗi kỷ niệm về sự ấu trĩ vì sợ hãi của cộng đồng.

Sẽ không có bất cứ sự hồi tố nào để trả lại sự công bằng cho những con người bị đối xử tệ, bị chà đạp các quyền hiến định, trong cơn lên đồng sợ hãi của xã hội.

Nhưng, ít nhất, khi nỗi sợ hãi qua đi, khi chúng ta đã có thể bình tĩnh nhìn nhận lại những tháng ngày đã qua, bình tĩnh nhận thức một cách đúng đắn về hành vi trong quá khứ của mình, chúng ta cần có một lời xin lỗi về những quyết định vượt quá phận sự, vượt lên trên các chuẩn mực của luật pháp khi nhân danh chống dịch.

Một lời xin lỗi, chắc chắn không thể bù đắp những nỗi khốn khổ mà nhiều người đã phải ấm ức chịu đựng. Song, điều đó ít nhiều cũng cho chúng ta một niềm hi vọng rằng những điều ấu trĩ đó sẽ được sửa chữa để không lặp lại trong tương lai.