Xe ưu tiên hoạt động trên cao tốc như thế nào?

VOVGT - Trên thế giới, xe ưu tiên như xe cứu hỏa, xe cứu thương có quyền như thế nào? Các phương tiện khác khi gặp những xe này cần lưu ý điều gì?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Chiều 18/3, trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Hà Nội xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe cứu hỏa chạy ngược chiều với xe khách khiến một chiến sĩ cứu hỏa tử vong. Vụ việc đã dấy lên tranh luận về việc đúng sai giữa hai bên.

Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, các xe ưu tiên được quyền ưu tiên đi trước xe khác. Tuy nhiên, để được quyền ưu tiên, các xe này phải đang làm nhiệm vụ và phải phát tín hiệu còi, cờ, đèn theo đúng quy định.

Được quyền ưu tiên, nhưng xe cứu hỏa vẫn cần đảm bảo an toàn. Ảnh nh họa

Theo anh Aaron Schwartz, một lính cứu hỏa lành nghề, khi bật đèn, còi tín hiệu, xe ưu tiên được phép vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ hay thậm chí là đi ngược chiều. Tuy vậy, vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là tại các giao lộ.

Anh Aaron Schwartz cho biết:

“Nếu xe cứu hỏa đi qua các giao lộ mà đang có đèn đỏ, chúng tôi không thể tự ý vượt qua mà phải ra tín hiệu và chờ cho các phương tiện dọn đường, sau đó mới có thể đi tiếp. Điều đó không chỉ đảm bảo an toàn cho chúng tôi, mà còn cho tất cả các phương tiện khác”

Tại Đức, trên đường cao tốc từ 2 làn trở lên, ngay khi nghe tiếng còi, dù xe ưu tiên chưa đến gần, thì xe ở làn ngoài cùng bên trái dạt sang trái, càng sát lề đường càng tốt; các làn xe còn lại dạt sang phải để tạo lối đi cho xe ưu tiên.

Giới chức Đức quy định tốc độ tối thiểu là 60 km/h. Trong khi tốc độ khuyến cáo an toàn dao động từ 65 km/h đến 160 km/h. Vì tốc độ trung bình thường khá lớn, nên khoảng cách an toàn giữa hai xe phải lớn hơn nửa tốc độ xe chạy. Ví dụ tốc độ 100 km/h thì khoảng cách an toàn phải trên 50 m.

Không như ở Đức, khoảng cách an toàn trên cao tốc Thuỵ Sĩ dựa trên quy tắc 2 giây, nghĩa là, chờ xe trước chạy qua đếm 1,8-2 giây tới xe mình là được. Nếu di chuyển gần hơn sẽ bị tước bằng. Ngoài ra, tại Thuỵ Sĩ, tài xế phải thuộc nằm lòng nhiều quy tắc: Hạn chế tối đa việc dùng phanh, muốn tăng hay giảm tốc thì phải quan sát biển báo từ xa v.v…

Đặc biệt, xe ưu tiên không được phép đi ngược chiều. Vì hai xe với vận tốc xấp xỉ 100 km/h ngược chiều nhau thì cực khó để xử lý tình huống, thậm chí là bất khả kháng. Nhưng trong những trường hợp đặc biệt, xe ưu tiên có thể chạy ngược chiều, nếu đảm bảo an toàn cho phương tiện khác, cụ thể: Khi các xe khác có thời gian chuẩn bị từ tín hiệu của người điều khiển, biển báo; hoặc đường cao tốc bị ùn tắc và các phương tiện di chuyển với tốc độ thấp hơn tốc độ theo quy định.

Anh Phạm Hồng Thái, một lái xe có kinh nghiệm nhiều năm rong ruổi trên các tuyến cao tốc ở nước ngoài chia sẻ:

“Từ đường phụ ra đường chính, bạn phải nhường đường. Khi đang có ý định nhập vào đường cao tốc thì phải nhường đường cho các phương tiện đang lưu thông. Chỉ khi thực sự an toàn, bạn mới có thể cho phương tiện đi vào cao tốc”

Trong khi đó, bà Terry McGuire, một nhân viên cứu hộ tại thành phố Portland, Mỹ cho biết dù có nhiều hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp khẩn cấp, nhưng lái xe ưu tiên vẫn gặp những tình huống khó xử:

“Tôi đã gặp nhiều tình huống mà khi nhận được tín hiệu xin nhường đường, nhiều lái xe đã bị bối rối. Họ không biết phải làm gì, phải tránh đường như thế nào. Thậm chí, nếu xe đi trước nhường đường sai hướng, một loạt các xe khác cũng sai y như vậy. Đó là phản ứng dây chuyền”.

Liên quan tới vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chiều 18/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo khẩn trương điều tra, xác nh nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, tài xế xe khách trước đó đã được cơ quan chức năng ễn trách nhiệm hình sự.

Có thể thấy, việc nhận thức và xử lý tình huống khi gặp xe ưu tiên vô cùng quan trọng. Với mỗi giây chậm trễ, có thể ảnh hưởng tới sinh mạng người khác. Ở Việt Nam, có một thực tế đau lòng là “xe ưu tiên phải tránh người đi đường”. Vì vậy, cần có những chỉ báo, chỉ dẫn cụ thể hơn cho cả xe ưu tiên và những phương tiện khác khi tham gia giao thông.