Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Hàng không châu Á đang thiếu hàng trăm nghìn nhân lực

Huy Văn: Thứ tư 27/03/2024, 18:35 (GMT+7)

Ngành hàng không đang phát triển, hồi phục với tốc độ nhanh chóng sau đại dịch, nhưng hiện nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành lại đang là một thách thức lớn. Đặc biệt, tại Châu Á, ngành hàng không đang áp dụng nhiều chính sách nhằm bổ sung nguồn nhân lực.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Hàng không Changi 2024, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh đã đề cập đến những thách thức mà nhiều hãng hàng không gặp phải kể từ sau đại dịch COVID-19. Trong thời gian qua, nhiều hãng không thể đạt công suất cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách, do thiếu phụ tùng thay thế bởi gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo IATA, một số lượng đáng kể máy bay dự kiến sẽ không thể cất cánh cho đến năm 2025.

Ngoài việc không đủ máy bay, ngành này còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Ngành hàng không cần khoảng 480.000 kỹ thuật viên để bảo trì máy bay và khoảng 350.000 phi công vào năm 2026, nhưng việc thu hút nhân lực vấp phải không ít khó khăn.

Ngành hàng không tại nhiều quốc gia đang trong tình trạng 'khát' nhân lực kể từ sau Covid. Ảnh minh hoạ

Ngành hàng không tại nhiều quốc gia đang trong tình trạng "khát" nhân lực kể từ sau Covid. Ảnh minh hoạ

Theo đài CNA, ghi nhận tại Singapore, ngành hàng không của đảo quốc sư tử ước tính cần khoảng 4.500 nhân lực trong nửa đầu năm 2024 nếu muốn hoàn thành mục tiêu hồi phục hoàn toàn về trạng thái trước đại dịch.

Không chỉ tại Singapore mà nhiều hãng hàng không tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang đưa ra mức lương và đãi ngộ cao nhằm tuyển thêm phi công và kỹ thuật viên, từ những người vừa mới qua đào tạo cho tới những lao động lành nghề lâu năm, hay những phi công có kinh nghiệm hàng nghìn giờ bay.

Cathay Pacific Airways, hãng hàng không có trụ sở tại Hong Kong cho biết họ đang “khát” nhân lực và sẽ tuyển thêm khoảng 5 nghìn lao động trong năm 2024. Hiện hãng này có khoảng gần 22 nghìn lao động, tăng mạnh trở lại sau khi cắt giảm gần 10 nghìn lao động trong thời kỳ COVID-19. Năm 2023 vừa qua cũng đánh dấu năm đầu tiên hãng có lãi kể từ sau đại dịch.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, hãng đã chở khoảng 14.5 triệu lượt hành khách, tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm 2022. Dự kiến hãng sẽ hồi phục hoạt động khoảng 70% trong nửa đầu năm nayvà hồi phục hoàn toàn 100% so với trước đại dịch vào thời điểm cuối năm.

Hiện một số hãng hàng không sẵn sàng tăng 10-20% so với mức lương của lao động trước đại dịch. Giới chuyên gia cảnh báo xu hướng này sẽ không ổn định bởi việc tuyển ồ ạt lao động như thế này sẽ tăng chi phí lớn cho hãng hàng không.

Ông Joshua Ng, chuyên gia của công ty tư vấn hàng không Alton chia sẻ: “Không chỉ tăng lương, hiện các hãng hàng không đang áp dụng nhiều cách thức nhằm chiêu mộ thêm phi công mới và cũng để giữ chân các phi công cũ; ví dụ như việc cải thiện, áp dụng các phần mềm sắp xếp lịch làm việc để giúp các phi công có thêm thời gian nghỉ ngơi mà không ảnh hưởng tới tổng số giờ bay của họ.”

Tuy nhiên, nguồn lao động của ngành hàng không không phải lúc nào cũng có sẵn mà cần trải qua nhiều thời gian đào tạo. Vì vậy, các trường đào tạo nên tận dụng tối đa công nghệ hiện đại như thực tế ảo để tăng tốc đào tạo cũng như bổ sung thêm kinh nghiệm cho các học viện.

Ông Chee Hong Tat, bộ trưởng giao thông Singapore chia sẻ: “Chúng tôi hướng tới áp dụng các công nghệ mới để hỗ trợ toàn bộ lực lượng lao động, nhất là trong việc giúp họ học hỏi các kỹ năng mới, cải thiện điều kiện làm việc, và thậm chí có thể là đưa cả robot vào để giảm tải công việc cho lực lượng lao động”.

Hàng không, du lịch đang bùng nổ sau đại dịch, do đó nhiều hãng hàng không đang ráo riết bổ sung nhân lực. Ảnh: Bloomberg

Hàng không, du lịch đang bùng nổ sau đại dịch, do đó nhiều hãng hàng không đang ráo riết bổ sung nhân lực. Ảnh: Bloomberg

Còn với các hãng hàng không, ông Oliver Plogmann, chuyên gia của công ty tư vấn McKinsey cho rằng các công ty này cần xem xét và tối ưu hoá hoạt động của mình để không gây lãng phí nguồn nhân lực: “Họ cần điều chỉnh hoạt động để có thể đáp ứng nhu cầu bay hiện tại, như sắp xếp các máy bay, thứ tự các tuyến đường bay một cách hợp lý hơn để tối ưu lịch trình hoạt động của phi hành đoàn”.

Còn tại Việt Nam, Tại chuỗi sự kiện hội thảo khoa học quốc tế, diễn đàn khoa học hàng không và triển lãm hàng không diễn ra tại TP.HCM vào cuối năm 2023, TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam, cho biết nhu cầu nhân lực hàng không tại Việt Nam đang rất lớn nhưng nguy cơ thiếu hụt cũng lớn. Toàn ngành đang có khoảng 44.000 nhân lực, chia thành 3 lĩnh vực chính gồm: khai thác vận tải, khai thác cảng và đảm bảo hoạt động bay.

Dự báo con số này sẽ đạt hơn 58.000 người vào năm 2025, trong đó khối hành chính sự nghiệp tăng 2-3%/năm, khối các doanh nghiệp hàng không tăng 4-5%/năm, khối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không và phi hàng không khác tăng 4-5%/năm.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ngành đang thiếu nhân lực ở các lĩnh vực như giám sát sân bay, quản trị không lưu, kỹ sư máy bay, bảo dưỡng máy bay và nhất là phi công chuyên nghiệp.

Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong ngành hàng không là tất yếu và rất quan trọng để Việt Nam hội nhập và tăng trưởng cùng với hàng không quốc tế, đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn