Xe khách trá hình vào nội đô, tuyến vận tải cố định có nguy cơ bị phá vỡ

VOVGT- Tình trạng xe khách trá hình, núp bóng xe hợp đồng hoạt động gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định, làm lộn xộn giao thông.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nhiều xe khách trá hình, xe hợp đồng vẫn hoạt động "nhan nhản" trên các tuyến phố (Ảnh: Báo giao thông)

Rà soát của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, khoảng 2 năm trở lại đây, lượng xe hợp đồng, chủ yếu là xe 16 chỗ hoán cải thành xe 10 chỗ (xe Limousine, xe VIP…) gia tăng nhanh chóng. Lợi dụng diện tích xe nhỏ, loại xe này có thể len lỏi vào khắp các ngõ ngách trong nội đô để đón khách liên tỉnh thay vì chạy tuyến như tuyến cố định.

Tình trạng này gây áp lực nặng nề lên các tuyến phố và đang tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh đối với các phương tiện chạy tuyến cố định.

Đánh giá về tình trạng này, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, những xe ô tô vận tải hành khách theo hình thức xe hợp đồng vi phạm Luật Giao thông đường bộ thường xuyên có những vi phạm nhưn dừng đỗ, đón trả khách, chạy không đúng luồng tuyến, có những trường hợp chạy vào giờ cấm, đường cấm.

>>> Cần dỡ bỏ những rào cản trói buộc taxi truyền thống

Để khắc phục tình trạng này, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch số 27, trong đó thành lập các tổ công tác đặc biệt và tập trung xử lý các đối tượng vận tải hành khách có vi phạm Luật Giao thông đường bộ như xe vận tải hành khách không có phù hiệu, xe vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng không có hợp đồng vận chuyển, chở quá số người quy định, không có danh sách hành khách, đón trả khách không đúng nơi quy định, không đóng cửa lên xuống khi đang chạy…

Đề cập địa bàn thường diễn ra hoạt động của các phương tiện này, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Các vi phạm diễn ra chủ yếu trên các địa bàn tập trung các khu vực có bến xe trọng điểm như bến xe phía Nam, Mỹ ĐÌnh, Lương yên hay khu vực, thậm chí có nhữn vi phạm là xe khách giả danh xe hợp đồng đi vào khu vực nội thành như quanh khu vực quận Hoàn Kiếm và những tuyến, truc chính ra vào thành phố."

 

Lãnh đạo một tổ công tác đặc biệt xử lý xe khách trá hình của Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, các đối tượng hoạt động chở khách núp bong xe hợp đồng có rất nhiều thủ đoạn để đối phó cơ quan chức năng, chẳng hạn theo dõi thời gian, cách bố trí lực lượng của các tổ công tác, từ đó móc nối, thông tin cho nhau để trốn tránh việc xử lý của lực lượng chức năng.

Việc xử lý các xe trá hình còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Báo mới)

Thậm chí, những hành khách trên xe cũng không hợp tác với lực lượng chức năng vì sợ mất thời gian nếu phương tiện bị tạm giữ, nhà xe không bồi hoàn tiền khi phải chuyển sang phương tiện khác, thậm chí bị đe dọa nếu tiếp tục hành trình…

Điều này gây khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ khi muốn đối chiếu lượng hành khách và danh sách đăng ký thực hiện hợp đồng. Thậm chí có trường hợp còn giả danh xe phục vụ đám cưới, đam tang để hoạt động.

Bình thường xe vận chuyển theo hình thức hợp đồng thì phải có hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách, nhưng theo Nghị định 86 của Chính phủ thì với các xe phục vụ đám tang, đám cưới thì không cần hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách nên một số nhà xe giả danh, ngụy trang, tức là xe hợp đồng nhưng họ lại dán song hỷ trước xe, thậm chí có những nhà xe chuẩn bị cả tập phong bì mừng đám cưới, ghi tên ở ngoài thì việc xác nh ngay tại chỗ rất khó.”

 

Thừa nhận thực tế này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, các xe hợp đồng còn thường xuyên chở khách dưới dạng khách du lịch.

Họ cũng tổ chức bán vé, sử dụng phiếu đặt chỗ, rồi lập danh sách theo đúng quy định của xe hợp đồng. Như vậy là xe dù biến tướng thành xe hợp đồng nhưng cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Từ thực tế này, ông Liên đề xuất: “Thứ nhất, không cấp phù hiệu cho tư nhân chạy hợp đồng liên tỉnh, chỉ được chạy nội tỉnh thôi. Vì vận tải hành khách là có điều kiện. Do vậy, tôi đặt điều kiện là nếu anh không vào một tổ chức như doanh nghiệp hay hợp tác xã thì anh chỉ được chạy nội tỉnh thì mới quản lý được. Thứ 2 là xe hợp đồng của hợp tác xã doanh nghiệp phải có phù hiệu riêng để phân biệt với xe chạy nội tỉnh. Như thế người ta có cơ chế để kiểm soát.”

 

>>> 410 phương tiện chưa nộp lại phù hiệu bị thu hồi: Cần chế tài mạnh hơn