Xe đưa đón học sinh (Bài 3): Cần phân định trách nhiệm quản lý như thế nào?

VOVGT - Việc quản lý xe đưa đón học sinh hiện còn lỏng lẻo, trong khi đây là đối tượng yếu thế, dễ tổn thương khi tham gia giao thông.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Như các bài viết trước đã đề cập, thời gian qua diễn ra tình trạng một số trường hợp xe đưa đón học sinh sử dụng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Thậm chí, tài xế ỷ vào việc xe đưa đón học sinh, thường được ưu ái hơn nên phóng nhanh, vượt ẩu và lấn làn, thường xuyên vượt đèn vàng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Đáng chú ý, việc quản lý xe đưa đón học sinh cũng không có gì khác biệt nếu không muốn nói là còn lỏng lẻo hơn, trong khi đây là đối tượng yếu thế, dễ tổn thương khi tham gia giao thông.

Từ thực tế này, một số ý kiến cho rằng, cần có quy định chặt chẽ hơn đối với xe đưa đón học sinh.

>>> Xe đưa đón học sinh (Bài 1): Nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn

>>> Xe đưa đón học sinh (Bài 2): Ai quản?

Cần có quy định chặt chẽ hơn đối với xe đưa đón học sinh. Ảnh: Báo Giao thông

Đề cập việc quản lý xe đưa đón học sinh trên toàn quốc, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng hiện còn nhiều bất cập.

Cụ thể, phần lớn các xe đưa đón học sinh tại các tỉnh thành phố thực hiện đều gặp vướng mắc về nơi dừng đỗ. Trong khi ở các nước, tiêu chí này được xác định rất rõ, trong nội đô chỉ chỗ nào được dừng đỗ thì phương tiện mới được dừng đỗ.

Nhưng điều này ở nước ta chưa thực hiện được, khiến các phương tiện đưa đón học sinh bạ đâu đỗ đấy, trừ khu vực có biển cấm dừng đỗ.

Từ thực tế này, đại tá Phạm Thanh Bình cho rằng, để việc đưa đón học sinh được tổ chức tốt, đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định kinh doanh vận tải thì phải đáp ứng yêu cầu về an toàn. Về phía cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc cần phối hợp cùng CSGT khảo sát, đánh giá để có chuyên đề nghiên cứu phục vụ việc sửa đổi các quy định để an toàn nhất cho trẻ em.

Đại tá Đỗ Thanh Bình nói:

 

"Chúng tôi cho rằng tiến tới phải có một đề án giữa ngành giáo dục và ngành giao thông xem nhu cầu sử dụng. Đối với lực lượng CSGT chúng tôi, an toàn cho học sinh, sinh viên khi tham gia vận tải công cộng, đặc biệt là xe hợp đồng này là phải đặt lên hàng đầu để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh".

Đại diện lãnh đạo Cục CSGT cũng cho rằng, về phía nhà trường, những trường nào đủ điều kiện cho phương tiện vào bên trong hoặc đón ngoài cổng trường cũng phải tổ chức giao thông để tránh ùn tắc.

Ông Kiều Cao Chinh, Phó trưởng phòng Chính trị- tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho rằng, ngoài trách nhiệm của gia đình, vai trò của người đứng đầu các đơn vị giáo dục cũng rất quan trọng để việc quản lý xe đưa đón học sinh được hiệu quả. Bên cạnh đó là vai trò của các đơn vị chuyên môn như Sở GTVT, CSGT và các trường để quản lý phương tiện này:

 

"Cũng mong muốn là Sở GTVT hoặc công an Thành phố trực tiếp kiểm tra những xe này, bởi vì chúng tôi trong ngành giáo dục thôi, không có chuyên môn về lĩnh vực này cho nên công an thành phố họ có chuyên môn, họ sẽ kiểm tra được cái này có đúng hay không".

Đại diện lãnh đạo Sở Giao dục và Đào tạo Hà Nội cũng kiến nghị Sở GTVT Hà Nội cần nghiên cứu lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ tại các khu vực cổng trường học để đảm bảo an toàn khi các em học sinh đi lại, tiếp cận phương tiện đưa đón.

TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, việc có một phương tiện đưa đón học sinh an toàn, tin cậy sẽ góp phần đem lại sự độc lập từ học sinh. Từ sự chủ động, độc lập trong việc đi lại sẽ giúp hình thành tính độc lập của học sinh trong tư duy, trong hành động. Điều đó rất quý giá khi được hình thành từ lứa tuổi học sinh.

 

"Nếu chỉ để doanh nghiệp thì sẽ gặp khó khăn. Do vậy, cần sự chung tay của chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý trong việc tổ chức những không gian, điểm đón trả hợp lý, đặc biệt là tổ chức giao thông tiếp cận đến các điểm đón trả một cách an toàn đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của dịch vụ đưa đón học sinh cũng rất quan trọng".

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, xe đưa đón học sinh có điểm đón và điểm trả cụ thể, gần như mô hình xe buýt.

Do vậy, việc đưa đối tượng này vào quản lý giống như xe buýt có thể đem lại hiệu quả tốt hơn. Những nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết tiếp theo.