Xe đưa đón học sinh (Bài 2): Ai quản?

VOVGT - Trên thực tế, hoạt động của loại hình xe đưa đón học sinh vẫn tồn tại không ít bất cập, xuất phát từ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Từ nhiều năm qua, công tác đưa đón học sinh được xem là một trong những hoạt động quan trọng trong mạng lưới giao thông nước ta, góp phần nâng cao ý thức sử dụng giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân cũng như kéo giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.

Song trên thực tế, hoạt động của loại hình này vẫn tồn tại không ít bất cập, xuất phát từ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý.

>>> Xe đưa đón học sinh (Bài 1): Nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn

Hoạt động của loại hình xe đưa đón học sinh vẫn tồn tại không ít bất cập. Ảnh: Báo Gia Lai

Xe đưa đón học sinh sinh viên hiện nay được xem là một phần của giao thông công cộng, dù có thời gian hoạt động và điểm đón trả khách cụ thể song loại phương tiện này lại không được xem là xe buýt.

Theo ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng Tp.HCM, xe đưa đón học sinh hiện nay thực chất là xe kinh doanh theo hợp đồng và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở GTVT các địa phương. Ông Trần Chí Trung cho biết thêm:

 

"Xe đưa rước học sinh thực chất là xe kinh doanh theo hợp đồng. Có hai loại là hợp đồng xe rước học sinh có trợ giá chứ không phải xe buýt đưa đón học sinh sẽ do trung tâm trực tiếp quản lý và ký hợp đồng với các đơn vị đưa rước học sinh để thực hiện việc kiểm tra theo quy định. Còn đối với hình thức đưa rước học sinh khác thì cũng là hình thức hợp đồng thực hiện theo quy định của Nghị định 86 và Thông tư 63. Hiện nay, quản lý theo hình thức hợp đồng vì họ đi lượt theo chuyến chứ không đi theo độ dài như xe buýt".

Cũng theo ông Trung, dù là xe hoạt động theo hình thức hợp đồng nhưng loại hình đưa đón học sinh có trợ giá có sự phối hợp tương đối chặt chẽ giữa ngành giao thông và ngành giáo dục cũng như các địa phương. Ngoài ra, với đối tượng không trợ giá, các trường cũng có phương án thuê đội xe sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Nói cách khác, hoạt động đưa đón học sinh dù không trực tiếp chịu sự quản lý của ngành giáo dục song có mối quan hệ mật thiết đối với lĩnh vực này.

Chia sẻ trên thực tiễn quản lý của đơn vị mình, ông Kiều Cao Trinh - Phó trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở Giáo Dục và Đào Tạo Hà Nội cho biết hoạt động đưa đón học sinh hiện nay phần lớn là do các trường tự tổ chức và đề xuất lên đơn vị quản lý cao hơn:

 

"Về phân cấp, hoạt động xe đưa đón của các trường tiểu học, trung học cơ sở là do phòng giáo dục trực tiếp quản lý, đối với các trường trung học phổ thông sẽ báo cáo trực tiếp về Sở. Thực ra, từ học kỳ 2 năm học 2017-2018 tới nay thì mỗi một tháng, lãnh đạo Sở Giáo Dục sẽ tổ chức giao ban trực tuyến hoặc trực tiếp với hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và 30 trưởng phòng giáo dục huyện thị xã và chỉ đạo triển khai trực tiếp đến cơ sở".

Dù phân cấp quản lý khá rõ ràng song trên thực tế sự can thiệp của ngành giáo dục đối với hoạt động đưa đón học sinh là không nhiều. Sự thiếu sâu sát của nhà trường ít nhiều đã dẫn đến những bất cập như xe cũ kỹ, quá niên hạn sử dụng, tài xế tiếp viên cư xử không đúng mực với học sinh…Để xử lý và khắc phục tình trạng này lại rất cần sự can thiệp tích cực từ phía lực lượng cảnh sát giao thông.

Theo thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng trong khi hoạt động giao thông ngày một phức tạp, vì vậy để đảm bảo an toàn cho hoạt động đưa đón học sinh thì ngoài công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ ngành giao thông, nhà trường và nhất là quý phụ huynh học sinh. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng nói:

 

"Trước hết cần nêu cao vai trò trách nhiệm, trong đó ngoài những cơ quan quản lý thì chính những bậc phụ huynh cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm. Nhà trường nêu cao tính cảnh giác khi phát hiện những vi phạm, bất cập thì cần thông báo cho chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an để chúng tôi can thiệp kịp thời, ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tiến hành tuần tra, điều tra cơ bản, khảo sát những khu vực có những biểu hiện vi phạm để xử lý nghiêm nh các trường hợp làm ảnh hưởng quá trình tham gia giao thông của các hành khách, đặc biệt là các em học sinh.

Hoạt động đưa đón học sinh trong thời gian qua dù chịu sự quản lý của ngành giao thông vận tải, ngành giáo dục cũng như công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông nhưng vẫn tồn tại không ít bất cập trong thời gian qua.

Phải chăng chính sự chồng lấn trong công tác quản lý nhưng lại thiếu cơ sở để quy định trách nhiệm cụ thể đã khiến chủ trương này không được như kỳ vọng? Phải phân định trách nhiệm quản lý cụ thể ra sao để nâng cao hiệu quả hoạt động đưa đón học sinh trong thời gian tới? Đây cũng là nội dung được đề cập trong bài viết tiếp theo.