Xe buýt nhanh BRT chưa thể ra đường

VOVGT- Trái với mong đợi về việc xe buýt nhanh BRT sẽ chạy thử nghiệm vào 15/12, thực tế, ngày 15/12, những xe này chỉ chạy thí điểm kỹ thuật tại bến xe Kim Mã.

Trái với mong đợi của dư luận về việc xe buýt nhanh BRT sẽ chạy thử nghiệm vào ngày 15/12. Tuy nhiên, thực tế, ngày 15/12, những chiếc xe này mới chỉ chạy thí điểm kỹ thuật tại bến xe Kim Mã. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các bên liên quan cho vận hành thử tại bến xe, nhất là việc tập ghép xe vào nhà chờ, bởi đây là phần khó nhất khi vận hành, khai thác tuyến xe buýt nhanh BRT. Dự kiến, từ 18-20/12 mới có thể vận hành thử nghiệm trên đường.

Trao đổi với Kênh VOVGT quốc gia sáng ngày 15/12 tại bến xe Kim Mã, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, theo kế hoạch của đơn vị này trình lên Sở GTVT Hà Nội thì kế hoạch thử nghiệm có nhiều giai đoạn với thời gian mỗi giai đoạn khoảng từ 3-5 ngày. Giai đoạn đầu sẽ chủ yếu thực hiện khâu ghép xe buýt nhanh BRT vào nhà chờ. Theo ông Hải, những chiếc buýt nhanh BRT khá hiện đại so với xe buýt thông thường, lại sử dụng hộp số tự động khác hẳn với hệ thống xe buýt thông thường nên cần thời gian làm quen xe. Hơn nữa, đây là phần khó nhất khi vận hành khai thác, nên các lái xe phải tập ghép xe cho thuần thục trước khi ra đường.

Ông Hải cho biết: "Xe BRT có kết cấu khác xe buýt thường, nhà chờ cũng có kết cấu khác với xe buýt thường, Việc ghép này yêu cầu chuẩn xác để kích hoạt hệ thống tự động, đóng mở cửa nhà chờ đồng bộ với cửa xe cho nên khâu đầu tiên là dành một thời gian để anh em lái xe tập ra vào, tiếp cận nhà chờ đúng, chuẩn xác để các thiết bị hoạt động đúng yêu cầu đề ra và giai đoạn đó kéo dài từ 3-5 ngày và đang thực hiện tại trạm trung chuyển Kim Mã".

Cũng theo ông Hải, cùng với việc thực hành kỹ thuật lái xe, ghép xe vào nhà chờ, sau khi hoàn thành một số hạng mục cơ bản trên tuyến, như: sơn kẻ, gắn hàng đinh, biển báo mới chạy thí điểm trên tuyến. Dự kiến, từ ngày 18-20/12 mới có thể vận hành thử nghiệm trên tuyến và chủ yếu vận hành vào những khung giờ thấp điểm để kiểm chứng thiết bị rồi nâng dần để vận hành toàn bộ đoàn xe theo biểu đồ được thiết kế.

Ông Nguyễn Hoàng Hải nói: "Tóm lại trong 15 ngày, việc chạy thử nghiệm này cũng rất quan trọng, là một mô hình vừa thí điểm và mô hình mới nên cả đơn vị quản lý, cơ quan vận hành, các cơ quan liên quan cần phối hợp để có xem xét, đánh giá một cách toàn diện trước khi có phương án chính thức để đưa vào vận hành.

Trong ngày 15/12 chỉ có một chiếc xe buýt nhanh chạy vận hành, khớp nối kỹ thuật tại bến xe Kim Mã. Ảnh: giadinh.net.vn

Mặc dù tuyến xe buýt nhanh BRT chưa chạy thí điểm trên đường, song một số hành khách cũng có mặt tại bến xe Kim Mã để trực tiếp kiểm chứng khả năng vận hành của loại hình xe buýt này. Ông Nguyễn Hoàng Thao, ở phường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho biết đã chờ đợi việc vận hành tuyến buýt nhanh BRT khá lâu. Do vậy, khi nghe thông tin về việc vận hành thử tuyến xe buýt nhanh nên đến để được trải nghiệm thử:

Ông Thao cho biết: "Bản thân tôi thủy chung với xe buýt mười mấy năm, trong thành phố toàn đi xe buýt. Có xe buýt nhanh này quá tốt, nhìn dáng xe buýt hiện đại. Trên tuyến Láng Hạ, Lê Văn Lương, là hướng trung tâm ra cửa ngõ rất đông phương tiện thì không hiểu các nhà chuyên môn giải quyết như thế nào cho thông thoáng".

Ông Nguyễn Thủy, Giám đốc xí nghiệp xe buýt nhanh BRT cũng cho biết, đến nay, doanh nghiệp này đã chuẩn bị khoảng 70 lái xe, cùng đội ngũ nhân viên phục vụ, thợ bảo dưỡng, sửa chữa theo xe để tiếp nhận, vận hành hệ thống xe buýt nhanh BRT. Toàn bộ đội ngũ lái xe này đang được đào tạo tại nhà máy và đào tạo vận hành theo xe tại bến xe Kim Mã. 

"Đây là loại xe hộp số tự động, công nghệ cũng có những cái mới hơn so với xe buýt đang vận hành nên công tác đào tạo cũng cần kỹ hơn. Việc dừng đỗ tiếp cận nhà chờ cũng khác nên sự kỹ thuật lái xe ra vào nhà chờ, đỗ xe chính xác cửa nhà chờ, cửa kỹ thuật cần cao hơn", ông Thủy nói.

Cũng theo ông Nguyễn Thủy, do chưa có hệ thống thẻ vé điện tử nên tạm thời áp dụng giá vé lượt là 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường. Vé tháng cũng áp dụng như vé tháng của xe buýt thông thường. Hành khách sẽ lên tại nhà chờ, trước khi vào nhà chờ được mua vé, kiểm soát vé, khi xe đến thì lên xe. Như vậy, việc kiểm soát vé được thực hiện tại nhà chờ.

Trước băn khoăn của dư luận về việc nhà chờ nằm giữa đường, có thể gây nguy hiểm cho hành khách và tăng khả năng ùn tắc, ông Nguyễn Hàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, đó là mô hình mới trong tiếp cận vận tải công cộng. Theo mô hình này, toàn bộ nhà chờ được xếp ở dải giữa. Do vậy, tại một loạt vị trí nhà chờ đã triển khai cầu đi bộ ở dải giữa để hành khách vào điểm nhà chờ. Còn tại một số vị trí không có cầu đi bộ thì hành khách qua nút giao thông gần nhất, thường thường có vạch đi bộ qua đường để tiếp cận vào nhà chờ. Về quá trình vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến quý vị và các bạn khi có thông tin mới hơn.