Xây dựng đê bao để giảm úng ngập cho TP.HCM, liệu có khả thi?

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong 2 năm vừa qua, thành phố đã giải quyết được 5/18 tuyến đường ngập do mưa và 7 tuyến đường trục chính ngập do triều. Tuy nhiên vẫn còn hàng chục tuyến đường khác bị ngập úng cục bộ mỗi khi có mưa lớn.

PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với TS. Nguyễn Hữu Nguyên xung quanh những đề xuất nhằm giải quyết tình trạng úng ngập này.

 

PV: TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để giảm bớt tình trạng úng ngập, nhưng vì sao mỗi khi có mưa lớn hay có triều cường, thành phố vẫn có rất nhiều điểm xảy ra úng ngập?

TS. Nguyễn Hữu Nguyên: Nếu chúng ta bắt đầu từ quy hoạch, biến đổi khí hậu làm cho nước biển dâng lên, khi nước biển dâng lên nhưng cao trình đất của TP.HCM vẫn thấp, thậm chí có chỗ bị sụt lún, nên bị úng ngập

Thứ hai, hệ thống thoát nước được xây dựng từ cách đây hàng chục năm, hầu như không thay đổi. Trên bản đồ, phía Nam Sài Gòn, quận 7 Nhà Bè, trước đây có cả một hệ thống kênh rạch chằng chịt để thoát nước tự nhiên rất nhanh. Quá trình đô thị hóa khiến khu vực đó bị san lấp rất nhiều.

Theo số liệu tôi biết, khi xây dựng khu Phú Mỹ Hưng đã san lấp 49 con kênh nhỏ, tức là chúng ta bịt mất 49 đường dẫn về phía Nam. 

Thế đất của TP.HCM cao từ phía Tây Bắc thấp dần về phía Đông Nam, chính những con kênh chạy về Đông Nam, tức là chạy về hướng Cần Giờ bị bịt kín.

Thứ hai, cũng có ý kiến phát hiện rằng, khi chúng ta lại làm một con đường Nguyễn Văn Linh chạy từ Đông sang Tây giống như một con đê,  thế thì như vậy là cái khả năng thoát nước lại càng chậm. Đến bây giờ, chúng ta thấy, không cần phải mưa to mà chỉ cần triều cường thôi, cũng đã xảy ra ngập úng cục bộ, không thoát được.

Bởi vì, khi nước biển dâng lên thì khả năng nó tràn vào sẽ cao hơn.

Cống ngăn triều Phú Xuân (Ảnh: VGP)

PV: Ông nghĩ sao về giải pháp xây hầm chứa nước và đê bao để ngăn triều cường giảm úng ngập cho TP.HCM?

TS. Nguyễn Hữu Nguyên: Tôi nghĩ, giải pháp đó không thực hiện được ở thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì,  thành phố rất gần cửa sông ra biển và rất gần biển cho nên có rất nhiều các nhánh để mà nước dâng lên.

Chúng ta không thể nào bịt các cửa sông và cũng không thể nào bọc một cái đê giống như Hà Lan để chống lại nước biển dâng lên cao hơn thành phố.

Còn ở TP.HCM nước biển đi theo con đường sông, triều cường lên theo đường sông cho nên chúng ta không thể bịt được cái đó. Giải pháp mà TP.HCM trước này vẫn làm là nâng cao mặt đường, nhưng không thể nâng cao toàn bộ cao trình của nhà dân, dẫn đến tình trạng nhà dân thấp hơn mặt đường.

Chúng ta thấy nhiều tuyến đường mặt đường nâng cao lên thì tầng trệt trở thành tầng hầm và người ta chỉ ở được từ tầng 1 trở lên.

Xây dựng hầm chứa nước ấy chỉ giải quyết được khi nước mưa chứ không chứa  được triều cường. Nếu triều cường thì chỉ 1-2 ngày nó lại đầy lên.

Tôi nhớ Nhật Bản có xây một cái hầm rất sâu để chứa nước mưa nhưng cái hầm đó chỉ làm mang tính khu vực, chứ không phải làm cho cả một thành phố mười mấy triệu dân. Cho nên chính cái chuyện mà khi nói về đô thị. Tôi luôn  nhấn mạnh một yếu tố là dân số.

Điều đó cho thấy rằng, có những việc mà thiên nhiên tạo ra, nó vượt ra bên ngoài sức của con người và không phải chuyện gì cũng có giải pháp giải quyết được và có những cái buộc con người phải chịu đựng nó.

Tôi nghĩ, có lẽ TP.HCM phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng cảnh úng ngập cục bộ do triều cường thời gian dài. Khi nào mà trái đất không nóng lên nữa, khi nào  nước biển trở lại mức độ bình thường như trước úng ngập mới ít.

PV: Xin cảm ơn ông!