Xây dựng Bộ Tài liệu văn hóa giao thông cho học sinh: Nâng cao ý thức của trẻ

VOVGT – Việc xây dựng Bộ Tài liệu VHGT cho học sinh nhằm tạo nên thế hệ mới có ứng xử văn minh, lịch sự khi tham gia giao thông.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Ảnh nh họa

Tại nhiều nước trên thế giới, vấn đề kỷ cương, pháp luật được người dân thực hiện chuẩn mực, sòng phẳng hơn và ít có tiêu cực. Bất kỳ ai khi mắc lỗi cũng đều bình đẳng và phải chịu trách nhiệm hành vi là như nhau. Tuy nhiên, đấy là vấn đề ở nước bạn, còn ở Việt Nam, việc học sinh sinh viên vi phạm an toàn giao thông chưa thể kiểm tra, giám sát được một cách chặt chẽ. Thêm vào đó, thời lượng giảng dạy trật tự an toàn giao thông chưa nhiều, giáo viên giảng dạy đều là giáo viên kiêm nhiệm nên còn thiếu kinh nghiệm, ngoài ra, tài liệu học tập chưa đầy đủ nên hầu hết các giáo viên đều phải dạy chay, dẫn đến hiệu quả chưa như mong muốn. Thạc sỹ Lê Thị Loan, nguyên trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục nêu ý kiến:

“Có yếu tố thuộc về nhà trường, đó là nhà trường trong những năm đổi mới nói chung và gần đây nói riêng thì tập trung nhiều vào kiến thức và ít quan tâm đến kỹ năng. Có những cuộc thi về ATGT ở các trường phổ thông thì kết quả tốt đẹp nhưng khi ra ngoài xã hội thì các em lại bất chấp cả luật. Đó là điều không phải là hiếm.”

 

Trước thực tế nêu trên, trong năm học 2017-2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tập trung các biện pháp ngay trong Tháng cao điểm An toàn giao thông cho học sinh, sinh viên đến trường - tháng 9-2017. Theo đó, Bộ yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh việc giáo dục kiến thức, quy định về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; tổ chức ký cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông giữa nhà trường, gia đình và học sinh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phụ huynh không giao xe máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; cũng như thực hiện đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe gắn máy.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung rà soát, bổ sung chương trình, nội dung và thời lượng tài liệu giáo dục an toàn giao thông để đưa vào giảng dạy chính khóa tại các trường tiểu học, THCS và THPT trên cả nước. Đặc biệt, Bộ hoàn thành việc biên soạn bộ tài liệu về văn hóa giao thông cho học sinh tiểu học, THCS. Riêng với cấp học mầm non, việc giáo dục an toàn giao thông được thực hiện theo hình thức tích hợp. Việc nghiên cứu đưa nội dung giảng dạy về ý thức chấp hành pháp luật giao thông, văn hóa giao thông vào các cấp học nói trên nhằm tạo nên thế hệ mới có ý thức, có văn hóa ứng xử văn nh, lịch sự.

Ảnh nh họa

Phóng viên Kênh VOV Giao thông quốc gia đã phỏng vấn nhiều người dân và giới chuyên gia để tìm hiểu về đánh giá của họ đối với việc đưa vào giảng dạy văn hóa, an toàn giao thông chính thức trong nhà trường. Các ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ chủ trương này và nhấn mạnh:

“Việc giáo dục ý thức an toàn giao thông của chúng ta đã có nhiều tiến bộ, các em đã được học nhiều điều liên quan đến ATGT tuy nhiên ý thức là vấn đề lâu dài. Tôi có cảm giác những gì chúng ta triển khai từ trước đến nay cũng có phần chưa được thực chất lắm. Đưa vào chương trình giảng dạy, hẳn là một môn học tôi thấy cũng được, nhưng môn học đó nội dung phải có thực chất. Làm sao những điều đó thấm được đến học sinh thì chúng ta phải rất kỹ lưỡng, chi tiết trong việc xây dựng đối với môn học.”

“Tôi thấy rất hay, rất cần thiết bởi vì cái gì cũng có kiến thức cả. Nói chung thành một môn học hẳn hoi và rõ ràng cái giao thông ấy là một phần của người đời người rồi. Rõ ràng ta phải giáo dục cho học sinh bởi bây giờ các em sử dụng xe máy, xe đạp điện, xe đạp rất nhiều, các em phải có kiến thức về giao thông.”

“Tôi nghĩ các em rất cần thiết được trang bị các thông tin, cũng như phải được thực hành và trang bị cụ thể. Các em ở trường có thể được cô giáo hướng dẫn về luật lệ giao thông và các em có thể học thuộc. Khi về nhà, bố mẹ cũng phải cũng hướng dẫn, cho các em đi thử trên đường để các em biết trước các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, bố mẹ và thầy cô phải kiểm soát và nhắc nhở các em”.

 

Tuy nhiên, về phía chuyên gia, bà Trần Kiều Thanh Hà, Quản lý dự án, Tổ chức Healthbrigde Canada tại VN cho rằng, cùng với việc giáo dục, trang bị kiến thức của các em trong nhà trường, vấn đề quan trọng là sự chuyển biến ý thức trong xã hội. Bà Hà nhấn mạnh:

“Kỹ năng để tham gia giao thông thì ngoài việc trang bị kỹ năng thì tôi nghĩ quan trọng nhất là phải tạo môi trường cho các em đạp xe được an toàn. Ý thức của người lớn khi tham gia giao thông phải có ý thức nhường đường, ưu tiên đường cho các em thì sẽ thực hành được các kỹ năng an toàn mà các em đã học được trong nhà trường”.

 

Ảnh nh họa

Đồng tình về vấn đề này, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, với trách nhiệm của mình trong lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông nói chung, UBATGT quốc gia đã phối hợp với các cơ quan thành viên, đặc biệt là Bộ GT&ĐT triển khai các chương trình sâu rộng về kiến thức, kỹ năng về ATGT cho học sinh các cấp. Đặc biệt, cơ quan này cũng phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy để nghiên cứu hệ thống về đánh giá thực trạng về vấn đề tham giao giao thông của học sinh THPT, THCS, khi các em tự tham gia giao thông độc lập, để xem hiện nay nước ta có bất cập gì về mặt quy định pháp luật, cũng như về hạ tầng tổ chức giao thông hay không, để từ đó đưa ra các giải pháp cần thực hiện. TS Trần Hữu Minh nhấn mạnh:

“Chúng tôi đã có nghiên cứu hệ thống về đánh giá thực trạng về vấn đề tham giao giao thông của học sinh để xem hiện nay chúng ta có bất cập gì về mặt quy định pháp luật, về hạ tầng tổ chức giao thông có điều gì lưu ý. Tiếp đến là kiến thức kỹ năng của các em hiện nay đã đủ chưa khi tham gia giao thông. Cuối cùng từ đó trên cơ sở rà soát các khối lượng đào tạo hiện nay về ATGT thì kiến nghị các thay đổi, bổ sung trong thời gian tới. Chúng tôi đang tiến hành tổng hợp để có các bản kiến nghị cụ thể gửi đến các cơ quan liên quan, trên cơ sở đó có thể tiến hành tổng thể các giải pháp”.

 

Cũng theo đại diện của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, đánh giá nói trên, cơ quan này đã có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng có liên quan, để tăng cường công tác tổ chức giao thông, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về kết cấu hạ tầng, hoàn thiện quy định pháp luật, cũng như thay đổi về mặt thời lượng và nội dung về giáo dục an toàn giao thông. Các công tác này sẽ được thực hiện ngay trong năm học 2017-2018, được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tại các nhà trường trong thời gian tới.

Như vậy, việc giảng dạy, tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông, văn hóa giao thông cho học sinh phải trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động giáo dục. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành Bộ tài liệu về văn hóa giao thông và đưa vào giảng dạy chính thức về an toàn giao thông trong nhà trường là biện pháp căn bản để từng bước tạo sự chuyển biến về ý thức trong học sinh. Điều này nhằm góp phần bảo đảm an toàn cho các em, thực hiện mục tiêu chung đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước.